Tuesday 4 June 2024

 

Giới thiệu sách:

Dự Thảo Sách Lược Chuyển Hóa Dân Chủ cho một Việt Nam hậu Cộng Sản

Luật sư Đào Tăng Dực

Daotangduc.blogspot.com

 

DỰ THẢO SÁCH LƯỢC CHUYỂN HÓA DÂN CHỦ CHO MỘT VIỆT NAM HẬU CỘNG SẢN (Cải Tổ Hệ Thống Hành Chánh, Quân Đội, Trị An Và Hệ Thống Pháp Lý Việt Nam) : Special Illustrated Edition 2024. (nla.gov.au)

 

Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm mới nhất của tôi nêu trên.

Đây là tác phẩm thứ 5 trong chuỗi sách góp phần tư duy và thảo luận cho tiến trình dân chủ hóa, tuy chậm nhưng bất khả vãn hồi, của dân tộc Việt Nam.

Chuỗi sách bao gồm các tác phẩm sau đây:

1. “Việt Nam Dân Chủ Tranh Đấu Luận” là cuốn đầu tiên tôi viết (Tiếng Anh năm 1994 và tiếng Việt năm 1997) Ấn bản mới nhất 2015, hầu đề xuất một nền tảng lý luận vững chãi, trong bối cảnh văn hóa dân tộc, cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.

2. “Phê Bình Hiến Pháp 2013 của Việt Nam”. Ấn bản nguyên thủy 2014. Ấn bản mới nhất 2024, hầu đạp đổ nền tảng lý luận của trật tự chính trị Mác Lê.

3. “Dự Thảo Hiến Pháp Việt Nam, trên quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên”, năm 2001, ấn bản cập nhật 2024, hầu đề xuất một trật tự chính trị dân chủ chân chính hầu thay thế trật tự chính trị Mác Lê phi lý và phi dân tộc.

4. “Cẩm nang 3 ngôn ngữ về hội đoàn và xã hội dân sự tại Việt Nam”, nguyên thủy là “Cẩm nang thành lập hội đoàn trong bối cảnh xã hội dân sự tại Việt Nam.” Năm 2016, Ấn bản cập nhật 2024, hầu xây dựng một xã hội dân sự hậu cộng sản, vốn là tiền đề không thể thiếu của một trật tự chính trị dân chủ chân chánh.

5. “Dự Thảo sách lược chuyển hóa dân chủ cho một Việt Nam hậu cộng cộng sản”(Cải Tổ Hệ Thống Hành Chánh, Quân Đội, Trị An Và Hệ Thống Pháp Lý Việt Nam)”, 2024 hầu đề xuất những biện pháp hành chánh và pháp lý cụ thể, để dân chủ hóa hệ thống công quyền và đả phá huyền thoại rằng: chuyển hóa dân chủ từ độc tài cộng sản là bất khả thi.

Các sách trên đều là song ngữ (thêm Anh ngữ) và các cơ quan thẩm quyền ngoại quốc cũng như người Việt có thể truy cứu để tìm hiểu về hướng đi của tiến trình dân chủ hóa nói chung.

Các Ấn bản 2024 có thể được truy cứu trên Website của tác giả: www.daotangduc.blogspot.com.

Lý do có cuốn sách thứ 5 này là vì sau khi cuốn thứ 4 hoàn tất thì tác giả nhận thấy vẫn còn một mắc xích đang thiếu (missing link) vô cùng quan trọng. Đó là làm sao chuyển tiếp trong hòa bình, bất bạo động và hiệu năng, từ một guồng máy chính quyền chuyên chế, cồng kềnh, bảo thủ  trở thành một chính quyền dân chủ, tiến bộ, xứng đáng cho một dân tộc văn hiến và văn minh.

Các quốc gia cựu cộng sản Đông Âu đã thành công trong tiến trình chuyển hóa dân chủ này.

Tổ chức Phục Hưng Việt Nam (một trong 3 tổ chức thành lập Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc vào năm 2010 là Tập Hợp Đồng Tâm, Phong Trào Sài Gòn và Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam) đã đánh giá cao kinh nghiệm dân chủ hóa Đông Âu từ rất sớm.

Tổ chức PHVN đã tổ chức tại thủ đô Tiệp Hội Nghị PRAHA '95 "Kinh Nghiệm Dân Chủ Hóa Đông Âu" từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 9, 1995.

Theo Kỷ Yếu 35 Năm Phục Hưng Việt Nam 1978-2014 “Chiều ngày 5 tháng 9 năm 1995, tổng thống Václav Havel nước Cộng Hòa Tiệp (Czech Republic) đã chính thức tiếp kiến phái đoàn người Việt tự do tại thủ đô Praha, Tiệp. Phái đoàn Việt Nam do ông Trần Quốc Bảo, chủ tịch Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam hướng dẫn gồm 13 người, trong đó có hai phụ nữ, bao gồm quí vị lãnh đạo tôn giáo, đại diện các đoàn thể chính trị, cộng đồng, xã hội và truyền thông, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.”

Sách lược chuyển hóa dân chủ này là một tiếp nối và khai triển tinh thần của Hội Nghị PRAHA 95 nêu trên.

Ngoài đáp ứng nhu cầu chuyển hóa một cách cụ thể, sách lược còn chứng minh trọn vẹn các điều sau đây:

1. Công viên chức nhà nước mọi cấp: Các công viên chức cấu trúc hạ tầng của chế độ, từ trung ương đến địa phương, sẽ nhận ra rằng, sự chuyển hóa dân chủ đem lại những ích lợi toàn diện cho dân tộc và cho chính họ như những nhân sự chuyên nghiệp, và ở mức độ nào đó trân trọng trao trả cho công viên chức mọi cấp, sự tự trọng của những sĩ phu công chính, phục vụ nhân dân trong tinh thần chí công vô úy, không hề bị áp lực phi pháp từ bất cứ một ý thức hệ hoặc thế lực đen tối nào.

2. Người quân nhân: Sự chuyển hóa dân chủ cũng trân trọng trao lại cho người quân nhân Việt Nam quyền thiêng liêng bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân, danh dự và trách nhiệm của tập thể quân nhân, đứng trên và ngoài những tranh chấp chính trị bình thường của một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.

3. Người cảnh sát và công an: Sự chuyển hóa dân chủ cũng phục hồi danh dự cho giới cảnh sát và công an của dân tộc. Họ sẽ có cơ hội trở thành những nhân tố bảo vệ an ninh trật tự cũng như tính mạng và tài sản của từng người dân. Họ sẽ được người dân ngưỡng mộ và biết ơn chân thật.

Thêm vào đó, sẽ có một hệ thống điều chỉnh lương bổng công bằng theo luật định, các nhân viên công lực như cảnh sát công an, sẽ được những nghiệp đoàn chân chánh đại diện, tranh đấu thật sự cho quyền lợi và lương bổng của họ. Nghề nghiệp của họ cũng sẽ được bền vững và bảo đảm trong phạm vi luật pháp công minh. Ngoài những nghiệp đoàn độc lập tranh đấu cho quyền lợi của họ, còn có những tòa án nghiêm minh, xét xử các tranh chấp giữa chính phủ và họ nếu có tranh chấp.

Các chính quyền có thể đến và đi trong một nền dân chủ chân chính, nhưng người cảnh sát và công an sẽ thường trực phục vụ cho dân tộc và vị trí của họ được dân chúng nể trọng.

4. Các thẩm phán trong hệ thống pháp lý VN:  Họ sẽ có được vị trí tôn kính của họ, như những cột trụ trong một nền dân chủ pháp trị chân chính. Địa vị của họ không những vô cùng tôn quý mà lương bổng và phẩm trật sẽ vượt trội nhiều thành phần khác trong xã hội, xứng đáng với trách nhiệm cao cả là bảo vệ công lý trong tinh thần vô úy chân thật.

Từ sự hiểu biết đó, mọi thành tố của bộ máy công quyền sẽ nhìn tiến trình dân chủ hóa, cũng như tiến trình chuyển tiếp dân chủ, với hiểu biết và nhiều thiện cảm hơn.

 

Xin trân trọng giới thiệu sách.

Luật sư Đào Tăng Dực

Constitution Hill, New South Wales, Australia

Lập Đông Nam Bán Cầu

5 June 2024

 

 

Monday 27 May 2024

 

Thế nào là một hệ thống pháp lý trưởng thành?


Luật Sư Đào Tăng Dực

Chế độ CSVN và TBT Nguyễn Phú Trọng thường ca ngợi tính ưu việt của cái gọi là Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa. Nếu chúng ta đánh giá khách quan thực chất của Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa này, liệu nó có thể sánh vai cùng hệ thống pháp luật của các quốc gia dân chủ tây phương hay không?

Thông thường, hệ thống pháp luật, cũng như nền kinh tế của một quốc gia được xếp hạng thành 3 giai đoạn. Thấp nhất là giai đoạn “lạc hậu”, rồi đến giai đoạn “đang phát triển” và cao nhất là giai đoạn “phát triển”. Nếu nói đến nền dân chủ trong một quốc gia cũng có 3 giai đoạn tương tự. Thấp nhất là “độc tài” (từ độc tài cá nhân trị, đảng trị, quân phiệt, giáo phiệt), rồi đến giai đoạn “chuyển tiếp dân chủ” và sau cùng là giai đoạn cao nhất tức là “dân chủ”. Nếu nói đến cá nhân một con người cũng có 3 giai đoạn tương tự. Đó là giai đoạn “Trẻ con”, “đang lớn” và “trưởng thành”.

Pháp chế xã hội chủ nghĩa của CSVN là một mị từ, phát xuất từ sự đánh cắp khái niệm “pháp trị” của người tây phương, sau đó, gán cho khái niệm này bản chất “xã hội chủ nghĩa” và đầu độc bản chất pháp trị chân chánh trở thành một khái niệm pháp luật không giống ai gọi là “pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Khi định vị nó trong quá trình phát triển thì vị trí của hệ thống pháp chế xã hội chủ nghĩa này, tương đương với các giai đoạn kinh tế lạc hậu hoặc chính trị độc tài hoặc giai đoạn “trẻ con” của một cá nhân. Tuy nhiên, chính xác hơn nữa, thì đó là một hệ thống pháp lý như một đứa trẻ thơ “không chịu lớn” vì khái niệm “pháp trị” đã bị khái niệm “xã hội chủ nghĩa” làm ô uế.

Như vậy mọi quốc gia trên thế giới đều mong muốn có một hệ thống luật pháp phát triển hoặc trưởng thành. Chúng ta phải định nghĩa thế nào là một hệ thống luật pháp trưởng thành?

 

Câu trả lời là: Có rất nhiều yếu tố để quy định sự trưởng thành của một hệ thống pháp lý. Tuy nhiên có một số yếu tố sau đây là tối quan trọng:

(1) Trước hết là tính tuyệt đối độc lập của nghành pháp lý. Điều này giả định một bản hiến pháp quy định tam quyền phân lập như quan điểm của tư tưởng gia chính trị người Pháp là Montequieu, trong hệ thống tổng thống chế tại Hoa Kỳ và những quốc gia theo tổng thống chế. Theo quan điểm này thì tư pháp hoàn toàn độc lập với hành pháp (tổng thống) và lập pháp (quốc hội).

Trong Quốc Hội chế như tại Anh Quốc và Nhật Bản, vì không có tam quyền phân lập và phát xuất từ truyền thống “Quốc hội là tối cao” (Parliamentary supremacy), nên cuối cùng chỉ còn nhị quyền phân lập, tức nghành tư pháp phải hoàn toàn độc lập với quốc hội.

Xin lưu ý là trong cả 2 hệ thống dân chủ này, thì tư pháp đều hoàn toàn độc lập.

(2). Tiếp theo đó, hiến pháp không những quy định “tính vi hiến” và “vô hiệu lực” của những sắc luật của lập pháp, hoặc những tác động của hành pháp đi ngược với hiến pháp, mà không kém phần quan trọng là hiến pháp phải hình thành một định chế hoàn toàn độc lập để tài phán về tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật của lập pháp hay một tác động của hành pháp như Tối Cao Pháp Viện hoặc tương đương tại các quốc gia dân chủ chân chánh.

(3). Điểm thứ 3 vô cùng quan trọng và thường bị các nhà độc tài lẫn quần chúng lãng quên, hoặc không đánh giá đúng tầm quan trọng, đó là:

Một quốc gia chỉ trưởng thành về pháp lý khi chấp nhận tham gia ký kết, phê chuẩn và thực thi các đều khoản trong các công ước quốc tế về các phương diện hội nhập toàn cầu, nhất là khi liên hệ đến nhân quyền, dân quyền và các quyền tự do chính trị.

Ngoài việc ký kết và phê chuẩn các công ước quốc tế nêu trên, muốn thực thi các công ước này, thì các chính quyền liên hệ cần phải thực thi 2 tác động.

Thứ nhất là tu chính các sắc luật quốc gia hầu cập nhật và phù hợp với sự đòi hỏi của các công ước quốc tế và thứ hai là hệ thống pháp lý, nhất là các tòa án cấp cao, phải có thẩm quyền duyệt xét sự tuân thủ các công ước quốc tế, của mọi hữu thể pháp lý trong một quốc gia, từ các thành phần của chính quyền đến xã hội dân sự.

Câu hỏi tiếp theo là tại sao Pháp Chế Xã hội chủ nghĩa tại VN lại bị định vị là một hệ thống “lạc hậu”, “trẻ con” và nhất là như một đứa trẻ “không chịu lớn”?

Hệ thống pháp lý xã hội chủ nghĩa của CSVN có thể ví như một đứa trẻ “không chịu lớn” bỡi vì sự ức chế của đảng CSVN, qua Hiến Pháp 2013 và các điều khoản tiêu biểu như điều 4HP (quy định sự lãnh đạo chính trị tuyệt đối, vô điều kiện và vượt thời gian của đảng CSVN), điều 8HP quy định nguyên tắc Tập Trung Dân Chủ (Thiểu số tuyệt đối phục tùng đa số, Cấp dưới phục tùng tuyệt đối cấp trên, Địa phương phục tùng tuyệt đối trung ương, Hạ tầng cơ sở phục tùng tuyệt đối Ban Chấp Hành Trung Ương) phải áp dụng không những cho guồng máy chính quyền mà đặc biệt cho cả hệ thống pháp lý nữa.

Chính vì thế, hệ thống pháp lý “trẻ con” không chịu lớn và bị ức chế này, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có thể trưởng thành, độc lập hầu phán xét một cách công tâm bất cứ một tranh chấp nào giữa các thành phần xã hội dân sự và chính quyền, hoặc giữa các hữu thể pháp lý khác nhau trong xã hội dân sự.

Thêm vào đó, Hiến Pháp 2013 không hề hiến định hóa một định chế nào có thực quyền, độc lập, như Tối Cao Pháp Viện Tại Hoa Kỳ (US Supreme Court), Úc Đại Lợi (High Court of Australia) hoặc một Hội Đồng Hiến Pháp như tại Pháp (Conseil Constitutionel),  hầu tài phán về tính vi hiến hay hợp hiến của một sắc luật của lập pháp hay một tác động của hành pháp.

Tuy điều 119 (2) có quy định một cơ quan tài phán về tính hợp hiến hay vi hiến, nhưng cơ quan này thiếu tính độc lập và từ năm 2013 cho đến nay, CSVN vẫn không đếm xỉa đến việc thành lập cơ quan này.

Tính trẻ con của Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa càng đậm nét khi chúng ta xét đến những công ước quốc tế quan trọng mà CSVN đã tham gia ký kết, phê chuẩn và thề thốt thực thi, tiêu biểu như:

- Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948

- Bản Tuyên Ngôn quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

- Công ước LHQ chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác

- Các điều khoản liên hệ đến việc thành lập nghiệp đoàn, các hội đoàn và xã hội dân sự khi ký kết tham gia các hiệp ước thương mại CPTPP với các quốc gia xuyên Thái Bình Dương và EVFTA với Liên Hiệp Âu Châu.

Tuy đã ký kết và hứa hẹn thực thi, nhưng đảng CSVN vẫn phớt lờ, không những không tu chính các sắc luật nội tại, hầu nâng cấp cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế đã ký kết, mà còn cố tính xiết chặc sự đàn áp nhân quyền, dân quyền hầu củng cố đặc quyền đặc lợi của đảng.

Công an CSVN, dưới sự lãnh đạo của Tô Lâm, tàn ác với nhân dân khi sa lưới vào các đồn công an, gây vô số tử vong nhân mạng, tra tấn và đối xử phi nhân với con dân nước Việt và hoàn toàn phớt lờ công tác thông qua các sắc luật về hội đoàn, nghiệp đoàn và xã hội dân sự.

Các tòa án CSVN, hoàn toàn không đủ công tâm và cũng không đủ thẩm quyền pháp lý hầu duyệt xét những vi phạm pháp lý, tinh thần các công ước quốc tế tại Việt Nam.

Một hệ thống pháp lý trưởng thành như tại Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc Đại Lợi hay các nước Tây Âu luôn trao cho các tòa án cấp cao quyền tài phán về những vi phạm các công ước quốc tế mà quốc gia ký kết. Tầm mức quan trọng của sự thi hành các điều khoản công ước quốc tế này không thua kém các vi phạm hiến pháp và nói lên tính tự trọng và quốc thể của một dân tộc, khi đã hứa hẹn tôn trọng với quốc tế.

Hệ thống pháp lý xã hội chủ nghĩa của CSVN là một “đứa trẻ vô tri” vì không biết tôn trọng quốc thể của chính mình.

Như thế phải làm gì để dân tộc có một hệ thống pháp lý trưởng thành, khôi phục quốc thể cho dân tộc sau khi đã bị CSVN hạ nhục?

Muốn gỡ dây thì phải tìm người buộc dây.

Đảng CSVN, với những kẻ lãnh đạo bất xứng và tranh đoạt quyền lực như Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm cần phải ra đi, hầu nhân dân có thể xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính. Hệ thống pháp trị mới sẽ tháo gỡ toàn diện những ràng buộc xã hội chủ nghĩa phi lý và hệ thống pháp lý của dân tộc sẽ nhanh chóng trưởng thành, khôi phục quốc thể.

 

Sunday 12 May 2024

 

Sách lược cải tổ hệ thống quân đội (The armed forces)

Trích cuốn:

Sách lược chuyển hóa dân chủ cho một Việt Nam hậu cộng sản

(Cải tổ hệ thống hành chánh, quân đội, công an và hệ thống pháp lý Việt Nam)

Tác giả: Luật sư Đào Tăng Dực

Daotangduc.blogspot.com

 

Đối với một quốc gia giáp giới Trung Quốc và có vị trí địa chính trị như Việt Nam, quốc phòng phải là mối quan tâm trong gan ruột của toàn dân.

Quân độiVN trong hiện trạng không thể bảo vệ tổ quốc vẹn toàn vì những khuyết điểm chúng ta sẽ phân tích trong bài và cần một sự cải tổ nền tảng như sau.

Hiến pháp 2013 quy định cả quân đội lẫn công an đều nằm trong chương IV với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

I. Tương quan quyền lực giữa quân đội và công an trong Hiến Pháp:

Đảng CSVN cướp được chính quyền bằng vũ lực và giữ được chính quyền bằng công an, nên nền tảng pháp lý của 2 thực thể quân đội và công an, được hiến định hóa trong Hiến Pháp 2013, qua chương IV (Bảo vệ tổ quốc).

Khi các điều 64, 65 và 68 của Hiến Pháp 2013 nhắc đến cụm từ “Lực lượng vũ trang nhân dân”, thì lực lượng này bao gồm cả quân đội lẫn công an. Chính vì thế, khác với các quốc gia dân chủ trên thế giới, công an CSVN cũng như công an tại LBXV xưa và LB Nga hôm nay, đều được tổ chức theo các đẳng cấp tương đương với quân hàm trong quân đội. Ở điểm này công an CSVN khác với công an CSTQ. Công an CSTQ không theo quân hàm của quân đội, trừ nghành cảnh sát vũ trang. Lý do là vì CSVN, trong cấu trúc quyền lực, nghiên về mô hình Liên Xô, coi trọng công an mật vụ và sử dụng công an để khống chế quân đội, như Lê Nin và Stalin từng làm. Hồ Chí Minh là một thành viên của Phong Trào Đệ Tam Quốc Tế và được huấn luyện trong trường đảng của Stalin, sau đó mới tiếp xúc và xây dựng liên hệ với đảng CSTQ, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông.

Chính vì thế công an giữ một vai trò vượt trội quân đội trong hệ thống quyền lực đảng CSVN, mặc dù quân đội nắm vai trò chủ động trong công cuộc kháng Pháp và chống Mỹ.

Trong khi đó, đảng CSTQ, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, cướp được chính quyền qua cuộc Vạn Lý Trường Chinh lịch sử, xây dựng quân đội hùng mạnh, đánh bại quân đội của Trung Hoa Quốc Dân Đảng (có sự ủng hộ của Hoa Kỳ) vào năm 1949 và thống trị Hoa Lục. Trong đảng CSTQ, chức vụ Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương còn quan trọng hơn chức Tổng Bí Thư đảng hoặc chủ tịch nước nữa. Công an chỉ là một công cụ của đảng và hoàn toàn không phải là đối thủ của quân đội.

Khi duyệt xét hiện trạng của quân đội CSVN, chúng ta phải ý thức rõ tương quan quyền lực giữa quân đội và công an này.

 

II. Hiện trạng quân đội:

 

Theo Wikipedia tiếng Việt (Quân đội nhân dân Việt Nam – Wikipedia tiếng Việt):

1.    Một cách tổng quát quân đội CSVN được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944.

Địa chỉ: Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, Số 7 Nguyễn Tri Phương, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội.

2. Khẩu hiệu      “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

3. Hệ thống đẳng cấp lãnh đạo (từ quân sự đến chính trị như hệ thống chính ủy)

Bí thư Quân ủy Trung ương: TBT Nguyễn Phú Trọng

Thống lĩnh: CTN Võ Văn Thưởng (vừa từ chức khi sách này được chấp bút)

Bộ trưởng Quốc phòng: Tướng        Phan Văn Giang

Tổng Tham mưu trưởng: Tướng Nguyễn Tân Cương

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị:        Lương Cường

1.    Quân số mỗi ngành (hải lục không quân)

Các nhánh phục vụ:

-          Lục quân

-         Phòng không-Không quân

-          Hải quân

-         Biên phòng

-         Không gian mạng

-         Cảnh sát biển

4.    Nhân lực

-         Tuổi nhập ngũ    18-25 tuổi (18-27 tuổi đối với công dân theo học tại các trường Cao đẳng, Đại học)

-         Cưỡng bách tòng quân Nghĩa vụ quân sự bắt buộc 24 tháng đối với nam công dân khỏe mạnh

-         Số quân tại ngũ  482.000

-         Số quân dự bị     5.040.000

5.    Ngân sách cho Quân đội

Ngân sách          US$ 5.3 tỷ (2021)

Tuy nhiên theo Wikipedia Anh ngữ thì

Ngân sách:         US$ 7.8 billion (2023)

6.    Thực trạng về vũ trang của quân đội (các loại vũ khí khác nhau)

Công nghiệp, Nhà cung cấp nội địa: VDI, Viettel

Nhà cung cấp nước ngoài Hiện nay:  Nga,  Ấn Độ,  Cộng hòa Séc, Israel, Hoa Kỳ

III. Phân tích bản chất hiện tại của Quân Đội CSVN:

Sau khi đọc kỹ chương IV (Bảo vệ tổ quốc) của Hiến Pháp 2013, chúng ta có thể rút các kết luận sau đây về vai trò hiến định của quân đội CSVN:

(1). Đảng CSVN không chấp nhận đối lập chính trị, nên công an cũng được xếp vào “lực lượng vũ trang” ngang hàng với quân đội và nằm trong chương IV (Bảo vệ tổ quốc). Có nghĩa là quân đội thì bảo vệ tổ quốc chống ngoại xâm, còn công an bảo vệ “tổ quốc xã hội chủ nghĩa” chống lại các thành phần quốc gia, phát xuất từ chính nhân dân. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là nếu đảng bị lâm nguy, vì nhân dân nổi dậy, thì đảng sẽ không sử dụng quân đội để đàn áp.

(2). Điều 64 minh thị định nghĩa “Bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân”. Có nghĩa là quân đội và công an chỉ có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc VN “xã hội chủ nghĩa”. Hai lực lượng này không cần bảo vệ tổ quốc VN, nếu nhân dân quyết định buông bỏ xã hội chủ nghĩa, như các quốc gia Đông Âu và các quốc gia cựu thành viên của LBXV đã buông bỏ.

(3). Điều 65 tuy ngôn từ dài dòng và hàm hồ nhưng tựu trung quy định Lực lượng vũ trang nhân dân (tức quân đội và công an) tuyệt đối trung thành và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng CSVN, chế độ xã hội chủ nghĩa. Tóm lại Quân đội và công an là công cụ chỉ trung thành và bảo vệ đảng CSVN vì đảng chủ trương tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

(4). Tuy 2 điều 66 (Quân đội) và 67 (công an) được tách rời, nhưng điều 68, cũng với ngôn từ hàm hồ, nhưng tựu trung lại kết chặt vai trò hiến định của quân đội và công an trong trách nhiệm bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa và đảng CSVN.

 

IV. Thảo luận về vai trò của người quân nhân trong Nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính:

(1) Sự tôn quý của một quân nhân chân chính:

Làm người lính, hay quân nhân chuyên nghiệp, là một trong những nghề nghiệp tôn quý nhất của xã hội. Chính vì thế, trong những nền dân chủ chân chính như tại Hoa Kỳ, Anh Quốc hoặc Úc Đại Lợi, nhiều vị tướng lãnh hưu trí có uy tín, thường được vinh danh, truy tặng các tước hiệu hoặc bổ nhiệm vào các định chế công quyền cấp cao (higher public institutions), các ủy ban điều tra quan trọng, để giải quyết những vấn nạn xã hội mà các chính trị gia không đủ uy tín và niềm tin của quần chúng để giải quyết.

Như tại Úc Đại Lợi, nhiều vị tướng lãnh được bổ nhiệm vào các chức vụ toàn quyền (governor) của tiểu bang hay tổng toàn quyền (governor general) của liên bang, đại diện cho quốc vương.

Câu hỏi chúng ta phải đặt ra là:

1. Thế nào là định nghĩa nghiêm chỉnh về vai trò một người lính hay một quân nhân trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên?

2. Tại sao các quân nhân trong các nền dân chủ chân chính được tôn quý trên nhiều giai cấp khác trong xã hội?

3. Tại sao tập thể quân nhân trong các chế độ cộng sản đã trở thành những tập thể thoái hóa và là một trong những trở lực lớn lao cho tiến trình dân chủ hóa?

(2) Sự tôn quý của quân nhân phát xuất từ trách nhiệm bảo vệ tổ quốc:

Khi suy gẫm thật kỹ về các vấn nạn này, chúng ta phát hiện rằng, ý niệm về người lính hoặc quân nhân đúng nghĩa, hầu như không thể tách rời khỏi ý niệm về tổ quốc.

Thật vậy, nếu trở về với thời buổi ban sơ của nhân loại, khi xã hội loài người còn ở tình trạng bộ lạc, di chuyển từ vùng đất này đến vùng đất khác để sống còn, thì chưa có sự xuất hiện của những quân nhân đúng nghĩa. Vào giai đoạn đó, tất cả mọi người, phần lớn là nam nhân, có khả năng săn bắn, hoặc bảo vệ sự an toàn của tập thể, đều phải thi hành nhiệm vụ của mình như một phần của bản năng sinh tồn tập thể. Không một ai có thể coi là môt quân nhân chuyên nghiệp cả.

Tuy nhiên, khi các bộ lạc lớn mạnh, kết hợp với nhau hoặc bị chinh phục và kết hợp thành những tập thể lớn hơn, sau đó định cư và ấn định cương thổ, kinh tế, văn hóa phát triển và ý thức về quốc gia dân tộc hình thành, thì nhu cầu của những người lính hoặc quân nhân chuyên nghiệp, trong một cấu trúc quân đội quốc gia, được hình thành.

Lúc đầu có thể là những quân nhân bán thời. Tức thời bình họ là những nông dân, thợ thuyền, buôn bán hoặc thuộc giới quý tộc, quan quyền. Trong thời chiến họ có thể trở thành những chiến sĩ vì đã được huấn luyện. Sau đó, quân đội như một định chế quốc gia phát triển hơn. Những quân nhân trở thành chuyên nghiệp và thi hành nhiệm vụ toàn thời. Họ được trả lương và huấn luyện chuyên nghiệp gắt gao hơn.

Sự khác biệt căn bản giữa một quân nhân và một thường dân là một quân nhân phải được định nghĩa như là một thành phần trong một tập thể quân đội. Người quân nhân cũng được huấn luyện để sử dụng các vũ khí có tính sát địch. Tập thể quân đội cũng vì thế trở nên một vũ khí có tiềm năng áp đảo mọi đối thủ. Từ đó, quân đội trở thành một phương tiện thể hiện quyền lực tuyệt vời. Trong thời đại phong kiến, các vị lãnh chúa hùng cứ một phương, hoặc xưng bá một góc trời, các vị đế vương chinh phục thiên hạ, sáng lập triều đại, các đế quốc từ Đông sang Tây, nới rộng biên cương, thống trị một phần nhân loại, đều dựa vào sức mạnh quân đội.

Lãnh tụ Cộng Sản Trung Quốc Mao Trạch Đông tuyên bố công khai:

“Quyền lực chính trị phát xuất từ nòng súng”.

Sử dụng nòng súng (tức quân đội) như một công cụ hay tay sai để củng cố và bảo vệ quyền lực đảng phái hay phe nhóm, thay vì phụng sự cho quốc gia dân tộc hay tổ quốc, theo khuynh hướng của các chế độ cộng sản, là nguyên nhân các tập thể quân đội cộng sản trở nên những chướng ngại lớn lao cho tiến trình dân chủ hóa.

Trong các quốc gia dân chủ chân chính, ý niệm về những quân nhân và quân đội chuyên nghiệp luôn gắng liền với ý niệm quốc gia dân tộc. Chính vì thế trung thành với tổ quốc phải luôn luôn là trách nhiệm tiên quyết của tất cả mọi quân nhân.

 

(3). Tương quan nghiêm chỉnh giữa người quân nhân và chính quyền dân sự trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính:

Lịch sử nhân loại phát triển qua nhiều giai đoạn và vai trò của quân đội cũng thay đổi theo từng giai đoạn.

a.    Giai đoạn bộ lạc:

Chúng ta không cần nhắc tới giai đoạn bộ lạc vì lúc đó quân đội chuyên nghiệp chưa hình thành. Tuy nhiên vào giai đoạn phong kiến (feudalism) thì quân đội có khuynh hướng trung thành với những lãnh chúa hoặc vương tử lãnh đạo các tiểu quốc chư hầu, trong khi ý niệm quốc gia, dưới sự lãnh đạo của một thiên tử từ xa chưa mạnh, và ái quốc còn là một ý niệm xa vời.

b.    Giai đoạn quân chủ chuyên chế:

Sau đó, vào giai đoạn quân chủ chuyên chế (absolute monarchy), như Tần Thủy Hoàng tại Trung Hoa (259-210 TCN), Alexander the Great tại Hy Lạp (356-323 TCN) và Caesar Augustus tại đế quốc La Mã (27 TCN-14 CN), thì quân đội trên nguyên tắc trung thành với quốc gia, nhưng trên thực tế tuyệt đối trung thành với đế chế và cá nhân hoàng đế.

c.     Giai đoạn dân chủ:

Khi nhân loại bước vào giai đoạn dân chủ (democracy) hiến định, pháp trị và đa nguyên thì vai trò của quân đội cũng thay đổi theo.

Trước hết, hầu như tất cả mọi hiến pháp dân chủ đều hiến định hóa vai trò của quân đội và đặt quân đội dưới quyền một nguyên thủ quốc gia, hoặc một chính quyền dân sự.

Sau đó, quân đội như một định chế, hoặc cá nhân người lính, đều phải sinh hoạt trong vòng kềm tỏa của luật pháp. Tuy có thể có những tòa án quân sự vì tính chuyên môn khi các quân nhân vi phạm quân kỷ hoặc pháp luật, nhưng các tòa án này vẫn chịu sự giám sát của một Tối Cao Pháp Viện dân sự, và những quân nhân can án hình sự vẫn chịu sự chế tài như tất cả những công dân khác.

Tiếp theo, vì yếu tính đa nguyên của môi trường chính trị, quân đội không không những không cần, mà thực ra không được phép trung thành với bất cứ một triều đại, đảng phái, hoặc phe nhóm nào. Bất cứ cá nhân, chính đảng, phe nhóm nào, được người dân tín nhiệm, trong một cuộc bầu cử công khai và công bằng, đều được nắm quyền. Tập thể quân đội luôn tôn trọng quyết định của người dân. Quân đội chỉ trung thành với tổ quốc và bảo vệ hiến pháp. Họ sẽ chấp hành mệnh lệnh của bất cứ chính quyền hợp hiến nào. 

 

d.    Vai trò của người quân nhân chân chính trong giai đoạn chuyển tiếp dân chủ:

Nhìn lại lịch sử nhân loại, giai đoạn chuyển tiếp từ đế quyền chuyên chế (absolute monarchy) sang giai đoạn dân chủ (democracy) là thời điểm hàm chứa nhiều thử thách nhất cho các quân nhân. Trong giai đoạn này, sự tỉnh trí, tự chế và liêm chính con tim của người quân nhân sẽ quyết định vận mệnh của cả dân tộc. Giai đoạn chuyển tiếp từ một chế độ độc tài theo mô hình Phát Xít (fascism), hoặc Quốc Xã (National socialism), hoặc Cộng Sản (communism), hoặc giáo phiệt (religious fundamentalism) sang dân chủ (democracy) cũng hàm chứa nhiều thử thách tương tự. Lý do chính là vì các hình thức chuyên chế, tuy phản dân chủ, nhưng tương đối ổn định bề mặt (prima facie stability). Giai đoạn chuyển tiếp sang dân chủ hàm chứa khả năng đem lại nhiều sự bất ổn chính trị và xã hội. Các tướng lãnh có tham vọng luôn viện cớ nhu cầu ổn định xã hội hầu đảo chánh và cướp chính quyền.

Lịch sử cho chúng ta hằng trăm bài học cho giai đoạn này. Tuy nhiên dân tộc Việt chúng ta có thể học hỏi nhiều khi so sánh các hiện tượng lịch sử sau đây:

 

-         Trường hợp thứ nhất xảy ra tại Hoa Kỳ:

Liên quân các tiểu bang chống đế quốc Anh, lúc đó bị đế quyền cai trị như những thuộc địa, dưới sự thống lãnh của Tướng George Washington, trong cuộc chiến giành độc lập (1775-1783), đã chiến thắng quân viễn chinh của Đế Quốc Anh. Tướng George Washington lúc đó, nếu nhiều tham vọng, có thể cướp chính quyền và thậm chí thành lập đế chế, sau đó lên ngôi hoàng đế như Viên Thế Khải tại Trung Hoa sau cuộc cách mạng 1911 của Tôn Dật Tiên. Tuy nhiên vị tướng khả kính này đã biết tự chế. Ông được mọi phe phái và toàn dân ủng hộ làm tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Ông cũng chỉ chấp nhận làm tổng thống 2 nhiệm kỳ mà thôi. Hiến pháp dân chủ thành văn đầu tiên của nhân loại là hiến pháp Hoa Kỳ được hợp thức hóa năm 1788 và có hiệu lực năm 1789. Hiến pháp này hiến định hóa nhiều quan điểm quan trọng của các tư tưởng gia Âu Châu, đặc biệt là Montesquieu với quan điểm tam quyền phân lập. Hiến pháp này cũng phân biệt ranh giới giữa thế quyền và giáo quyền (separation between church and state) và đặt quân đội dưới quyền điều khiển của chính quyền dân sự.

-         Trường hợp cuộc cách mạng Pháp 1789:

Trong khi đó, tại vùng đất khai sinh quan điểm tam quyền phân lập của Montesqieu là Pháp Quốc, thì cuộc cách mạng 1789, tuy khởi đầu với nhiều bạo động, máu và nước mắt, nhưng hàm chứa những tư tưởng dân chủ khai phóng nhất, đã bị quân đội, dưới sự lãnh đạo của vị tướng lãnh và thiên tài quân sự Napoleon (Nã Phá Luân) thanh toán, hầu tái thiết đế quyền dưới sự thống lãnh của ông. Có thể nói rằng Napoleon là vị tướng đứng lên đảo chánh và cướp chính quyền tiêu biểu của lịch sử cận kim. Quân đội vốn là một công cụ quyền lực tuyệt vời, và tự cổ chí kim nhiều tướng lãnh không cưỡng nổi sự cám dỗ của nó. Kết quả là Âu Châu chìm trong khói lửa (1799-1815) và dân chủ đến với dân tộc Pháp chậm trễ hơn Hoa Kỳ nhiều thập niên sau đó (1848).

Cựu tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson, trong bài diễn văn nhậm chức năm 1801 tuyên bố như sau:

“Chính quyền dân sự tuyệt đối điều hành quân đội và tôi xem đây chính là một trong những nguyên tắc căn bản của chính quyền chúng ta...”

(“The supremacy of the civil over the military authority I deem [one of] the essential principles of our Government...”)

Quan điểm trên của Thomas Jefferson tóm lược toàn diện vị trí của quân đội và các quân nhân, trong môi trường một nền dân chủ chân chính.

 

-     Cuộc cách mạng Bolshevik 1917 tại Nga:

Một nhân vật lịch sử quan trọng là Vadimir Illitch Lê Nin học hỏi rất nhiều từ bài học của cuộc cách mạng Pháp, nhất là vai trò của quân đội. Tuy nhiên giải pháp về vai trò quân đội của Lê Nin còn trì hoản tiến trình chuyển tiếp từ độc tài chuyên chế sang dân chủ hơn những cuộc đảo chánh của quân đội rất nhiều. Quân đội Liên Bang Xô Viết bị đảng CSLX khống chế toàn diện và chỉ trung thành với đảng. Thật vậy, một trong những ý niệm chỉ đạo của chủ thuyết Mác Lê là quan điểm chuyên chính vô sản (dictatorship of the proletariat). Lập luận của Lê Nin là: vì đảng đại diện cho giai cấp vô sản, nên đảng trở thành định chế chuyên chính duy nhất, không phải là quân đội. Cũng theo lập luận của Lê Nin thì, nếu đảng là chuyên chính (tức độc tài) thì trong tương quan giữa đảng và quân đội, đảng phải là cứu cánh và quân đội chỉ là phương tiện. Cái khó của Lê Nin là: nếu quân đội là sức mạnh thuần túy và bạo lực thuần túy qua lịch sử loài người, thì lực lượng nào có thể kiểm soát quân đội?

Giải pháp của Lê Nin là: công an mật vụ là lực lượng duy nhất có thể khống chế quân đội.

Lý do là vì các quân nhân chuyên nghiệp, tuy là thành phần của một tập thể có nhiều quyền lực, nhưng quyền lực của họ chỉ phát huy tột đỉnh trên chiến trường, có chiến thuật chiến lược. Trong những hành lang tối tăm của chính trị, họ không thể đối phó với công an mật vụ, vốn là những sát thủ chuyên nghiệp và phi nguyên tắc. Lê Nin ý thức triệt để yếu điểm này và xây dựng một hệ thống công an mật vụ khổng lồ, một mặt đàn áp và tiêu diệt mọi đối lập chính trị, mặt khác kiểm soát quân đội tuyệt đối. Hầu kiểm soát tuyệt đối, đảng CSLX có một đội ngũ chính ủy, theo sát các tướng lãnh và các đơn vị trưởng của Hồng Quân Liên Xô. Bất cứ tướng lãnh hoặc sĩ quan quân đội nào bị nghi ngờ, đều bị báo cáo và công an mật vụ sẽ thanh toán một cách dã man chớp nhoáng.

Đảng CSVN được tổ chức theo mô hình của Liên Xô, chính vì thế những kẻ nắm công an mật vụ như Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, thủa sinh tiền, mặc dù vai vế và uy tín kém xa Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, vẫn dư thừa khả năng hạ nhục vị tướng này không chút nương tay.

 

e.     Trách nhiệm dân chủ hóa đất nước cao cả của những quân nhân Việt Nam trong thế kỷ 21 là gì?

Thế kỷ 21, ngoài là kỷ nguyên của tin học, còn là kỷ nguyên của sự thăng hoa tuyệt đỉnh cho quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.

Lịch sử đã chứng minh rằng nếu quan điểm dân chủ là cứu cánh của một dân tộc thì giai đoạn chuyển tiếp sang chế độ dân chủ, từ một chế độ cộng sản, nhiều chông gai và trở lực hơn từ một chế độ quân phiệt rất nhiều.

Nếu chúng ta coi đế chế của Napoleon như một chế độ mang bản chất quân phiệt, thì khoảng 50 năm sau cuộc cách mạng Pháp (1789), nước Pháp bắt đầu có dân chủ (1848). Nam Hàn, Đài Loan, Nam Dương, Thái Lan, Miến Điện và nhiều quốc gia Trung Đông hoặc Bắc Phi cũng mất những khoảng thời gian tương tự trước khi đạt đến dân chủ chân chính.

Tuy nhiên sự chuyển tiếp từ một chế độ cộng sản sang dân chủ gặp nhiều trở lực hơn. Tại Nga và Liên Bang Xô Viết cũ, phải mất 70 năm cộng sản chủ nghĩa mới sụp đổ. Tuy nhiên, chế độ chính trị bây giờ tại Nga chưa là một chế độ dân chủ thực sự. Chỉ có thể gọi chế độ này là một chế độ chuyển tiếp sang thể chế dân chủ tương lai mà thôi. Muốn đạt đến dân chủ thực sự như tại Tây Âu, có lẽ Nga Sô cần khoảng 10 đến 20 năm nữa.

Trung Quốc và Việt Nam hiện giờ vẫn là CS chuyên chính và chưa có dấu hiệu chuyển tiếp sang dân chủ. Các chính quyền CS liên hệ trở thành những định chế quyền lực bảo thủ lớn lao. Trừ khi bị quần chúng đứng lên lật đổ, không hề có xác xuất có những cải tổ dân chủ chân chính. Bắc Hàn cho tới ngày hôm nay vẫn là một chế độ CS theo truyền thống hà khắc của Stalin. Tại các nước Đông Âu, từ khi bị Hồng Quân Liên Xô thanh toán năm 1945 đến thập niên 90, đã có những bước tiến dân chủ thực sự. Mông Cổ cũng tương tự.

Một trong những nguyên nhân tiến trình dân chủ hóa đến chậm với các quốc gia CS là vì sự kiểm soát quân đội chặc chẽ qua hệ thống công an mật vụ.

Chính vì thế, trách nhiệm quan trọng của người quân nhân là ý thức về vai trò cao quý của mình đối với tổ quốc. Đó là chỉ trung thành và bảo vệ tổ quốc, không cần và không được phép trung thành hoặc bảo vệ bất cứ một tập thể hoặc cá nhân nào.

Trách nhiệm của tất cả mọi quân nhân, nhất là những quân nhân VN ngày hôm nay, không những là trung thành với tổ quốc, mà còn phải tích cực đứng về phía dân tộc, đối lập với mọi hình thức độc tài và mãi quốc cầu vinh.

Một sự chuyển biến nội tâm hùng mạnh, trong tâm thức của các người quân nhân VN ngày hôm nay, đứng hẳn về phía dân tộc, như các quân nhân Hoa Kỳ, Anh Quốc, Âu Châu, Úc Đại Lợi, sẽ gia tốc tiến trình dân chủ hóa đất nước và những người quân nhân chân chính sẽ có địa vị tôn quý trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên của một nước Việt Nam tương lai.

Người quân nhân, trong giai đoạn chuyển tiếp sang một chế độ dân chủ  hiến định, pháp trị và đa nguyên, còn có trách nhiệm ổn định trị an xã hội, hầu tiến trình dân chủ hóa có thể được hoàn tất trong thời gian ngắn nhất và không đổ máu của đồng bào.

Muốn như thế, lòng ái quốc, quyết tâm đập tan mọi định chế độc tài, tôn trọng những giá trị dân chủ và nhân quyền nền tảng, trí tuệ và sự tự chế bản thân, phải là những hành trang quý báu nhất của người quân nhân Việt Nam chân chính của tương lai.

 

I.              Đề nghị cải tổ hệ thống quân đội:

Việt Nam không phải là một nước nhỏ và sẽ không mãi mãi là một quốc gia nhược tiểu. Vị trí của đất nước trong môi trường địa chính trị toàn cầu rất hệ trọng cho hòa bình và an ninh thế giới. Chúng ta phải xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, hầu bảo vệ tổ quốc và cảnh cáo tất cả những kẻ thù tiềm năng của dân tộc. Ngoài ra, chúng ta còn là một dân tộc văn hiến sẵn sàng hòa minh vào những bảng giá trị nhân bản của thời đại. Chính vì thế chúng ta sẽ cải tổ hệ thống quân đội như sau:

1.    Trên bình diện chiến lược, ngân sách quốc phòng phải tăng đáng kể:

Khi chúng ta duyệt xét ngân sách quốc phòng của những quốc gia phải đối diện với những kẻ thù bá quyền như Đài Loan và Poland, chúng ta nhận thấy ngay rằng Đài Loan chi khoảng 2,1% ($18,9 tỷ) ngân sách cho quốc phòng và Balan khoảng 2,37% ($15,1) năm 2022. Trong khi đó Việt Nam chi khoảng 2% và các con số thay đổi tùy theo nguồn từ $6.4 đến $7.8 tỷ. Sự sai biệt lớn lao giữa Việt Nam và Đài Loan cũng như Poland là vì sự yếu kém về kinh tế. Chính vì thế, trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta phải tăng ngân sách quân sự lên đến 4% ngân sách và khi nền kinh tế quốc gia phát triển ngang bằng Đài Loan và Poland, thì vẫn giữ ở mức tối thiểu là 3% vì vị thế địa chính trị đặc thù của Việt Nam.

2.    Trên bình diện binh pháp:

Chiến tranh nhân dân và du kích chiến theo binh pháp Mao Trạch Đông không còn áp dụng thực tế cho thời đại mới. Quân đội chúng ta trong tương lai phải buông bỏ binh pháp Mao Trạch Đông và học hỏi binh pháp hiện đại từ Hoa Kỳ, nhất là binh pháp của Hoa Kỳ đã được ứng dụng thực tế tại các quốc gia đang đối đầu với TQ như Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan.

3.    Hiện đại hóa Hải Lục Không Quân:

Công tác hiện đại hóa phải chú trọng vào các vũ khí phẩm chất cao của Hoa Kỳ và các nước tây phương, từng bước đào thải vũ khí của Nga và TQ vì phẩm chất kém. Thêm vào đó, phải xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh, bao gồm cả tàu sân bay hầu để có thể tuần tra trên vùng biển mệnh mông của đất nước, cảnh báo răn đe tất cả những kẻ có dã tâm bá quyền đối với chúng ta. Dĩ nhiên kỷ nghệ quốc phòng và sản xuất vũ khí nội tại của quốc gia cần phải được phát huy tột đỉnh, theo gương của Nam Hàn.

4.    Phân biệt giữa quốc phòng và trị an:

Trong một nền dân chủ chân chính, chúng ta phải phân biệt biên giới giữa trách nhiệm quốc phòng và trách nhiệm trị an xã hội. Cả 2 trách nhiệm đều cao cả và quan trọng như nhau. Tuy nhiên mỗi trọng trách đáp ứng một nhu cầu khác nhau của tổ quốc. Một sắc luật quốc phòng mới chiếu theo tân hiến pháp (Chẳng hạn Điều 37 (2) về thẩm quyền quốc phòng của chính quyền trung ương của mẫu hiến pháp theo Phụ Đính “A” của sách lược này), sẽ minh thị trao cho quân đội, và chỉ có quân đội mà thôi, nhiệm vụ cao cả là bảo vệ tổ quốc, chống ngoại xâm. Quân đội sẽ giữ vai trò cao cả này, vượt lên trên mọi tranh chấp ý thức hệ và chính trị, sẽ là một quân đội chuyên nghiệp, hiện đại và tuân thủ mệnh lệnh từ một vị tổng tư lệnh dân cử như tổng thống trong những quốc gia dân chủ chân chính.

5.    Đứng về phía nhân dân và chống lại mọi hình thức độc tài:

Luật pháp sẽ minh thị quy định cho cá nhân các quân nhân cũng như tập thể quân đội trong một nước Việt Nam dân chủ tương lai là: ngoài sự dũng cảm trên chiến trường để bảo vệ tổ quốc, người quân nhân còn có trách nhiệm quan trọng hơn là: sống và thể hiện trong mọi tình huống những giá trị nhân bản cốt lõi của dân tộc Việt. Đó chính là chặn đứng độc tài, đứng về phía nhân dân, trân trọng sinh mạng và nhân phẩm của từng cá nhân con dân nước Việt.

6.    Đạo đức của quân nhân:

Nhu cầu của một quy chế về đạo đức và nguyên tắc hành xử (code of moral and ethical conduct) cho những quân nhân sẽ được ban hành và luật hóa.  Trong những chế độ độc tài độc đảng, sự tham ô và thối nát trong các định chế rường cột là không tránh khỏi. Hệ thống quân đội VN cũng thế. Sự tham nhũng tràn lan trong quân đội CSTQ nhất là trong lực lượng phi đạn vô cùng quan trọng để xâm chiếm Đài Loan (các phi đạn chứa đầy nước thay vì nhiên liệu) theo TTX Bloomberg, dĩ nhiên cũng hiện diện tương tự tại VN, làm suy yếu tiềm năng quốc phòng. Những quân nhân chân chính luôn hoan hỉ chấp nhận quy chế này.

7.    Cải tổ hệ thống Tòa Án Quân Sự:

Hệ thống tòa án quân sự sẽ được cải tổ theo các nguyên tắc sau đây:

a.     Bản chất của tòa phải là chuyên nghiệp và phi chính trị.

b.    Các thẩm phán không thể là quân nhân hiện dịch vì không đủ tinh thần độc lập, đi ngược với tinh thần của HP.

c.     Các thẩm phán phải có sự hiểu biết về quân đội nhưng không lệ thuộc vào quân đội.

d.    Quy ước về nguyên tắc hành xử của quân nhân cập nhật của thời đại sẽ được soạn thảo và được luật hóa.

e.     Các quân nhân vi phạm các tội hình sự trong bộ luật hình sự sẽ bị tuy tố như những người dân bình thường, tuy nhiên cơ quan tài phán sẽ là tòa quân sự thay vì tòa án bình thường.

f.     Ngoài ra quân nhân vi phạm quân kỷ và những tội liên hệ đến luật quân đội cũng sẽ bị truy tố và cơ quan tài phán sẽ là tòa quân sự.

g.    Các bị cáo hay nguyên cáo có quyền kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện Hoặc Tòa Án Tối Cao như cơ quan tài phán chung thẩm.

h.    Các tòa án quân sự các cấp sẽ có 2 loại thẩm quyền chính:

(i)            Thẩm quyền quân kỷ và hình sự: khi các quân nhân vi phạm quân kỷ và các tội hình luật.

(ii)          Thẩm quyền về các tranh tụng có tính hành chánh như thăng cấp, sa thải hoặc lương bổng và các phúc lợi khác của quân nhân.