Monday 8 April 2024

 

Hiến Pháp 2013 và bản chất công an trị của CSVN

Luật sư Đào Tăng Dực

Daotangduc.blogspot.com

1. Dẫn nhập:

Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?  

Để trả lời vấn nạn này, trước hết chúng ta nhận xét ngay rằng, tuy hiện giờ CSVN tôn CSTQ là quan thầy, tuy nhiên trong tương quan giữa quân đội và công an thì quân đội CSTQ giữ vai trò vượt trội hệ thống công an. Các cấp bậc chính thức trong công an TQ không rập khuông quân đội, như công an Việt nam. Tuy công an TQ cũng giữ vai trò kiểm soát nhân dân, nhưng uy tín thấp hơn quân đội rất nhiều.

Tình trạng tại Việt Nam thì ngược lại. Bộ trưởng công an Tô Lâm và guồng máy công an hầu như làm lu mờ quân đội và mọi khía cạnh khác của bộ máy công quyền. Chỉ cần nhìn vào con số 2 triệu công an bán chuyên trách mà Tô Lâm thừa nhận là chúng ta đã thấy choáng ngợp rồi.

CSLX là một chế độ CS mang tính công an trị và đây là mô hình CSVN theo. Lý do chính là vì mô hình cai trị của CSVN là phụ bản của CSLX mà Hồ Chí Minh học được từ Lê Nin và Stalin. Khác với CSTQ.

Trong đảng CSTQ, kẻ nào nắm được quân đội sẽ nắm được đảng và sau đó chính quyền. Công an chỉ là một công cụ phụ thuộc để kiểm soát dân chúng mà thôi.

Sau khi LBXV sụp đổ, tuy CSVN có xích lại gần TQ nhưng đó chỉ là trên phương diện cải tổ kinh tế và ngọai giao. Trên bình diện tương quan quyền lực nội bộ, CSVN vẫn theo mô hình của Liên Xô thủa xưa.

Từ khi thành lập, đưới ảnh hưởng của Liên Xô, các phe công an luôn luôn lấn quyền quân đội. Từ Lê Duẫn, Lê Đức Thọ đến Nguyễn Tấn Dũng và Trần Đại Quang đều xuất phát từ công an. Tướng Lê Khả Phiêu chỉ nắm quyền một thời gian ngắn là bị truất phế.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh tiền và những lận đận buồn cười của ông ta là ví dụ điển hình nhất cho vị trí lép vế của quân đội so với công an trong nội bộ CSVN.

 

2. Tương quan giữa quân đội và công an trong hiến pháp:

Tuy nhiên, để chúng ta có thể nắm bắt vấn đề này rõ rệt hơn, chúng ta cần phải nhắc đến tương quan giữa quân đội và công an như quy định trong Hiến Pháp 2013 liên hệ đến trong guồng máy điều hành quốc gia.

Trong một quốc gia dân chủ chân chính như Hoa Kỳ hoặc Úc Đại Lợi thì vai trò của quân đội và cảnh sát (hay công an) hoàn toàn khác nhau.

Quân đội là lực lượng vũ trang duy nhất, có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc chống ngoai xâm. Công an là lực lượng bán quân sự, chỉ có nhiệm vụ trị an.

Trái với các quốc gia dân chủ chân chánh, đảng CSVN ý thức hơn ai hết vai trò quan trọng của công an nên chương IV Hiến Pháp 2013, từ các điều 64 đến 68 đã minh thị hiến định hóa công an như một trong 2 lực lượng vũ trang có nhiệm vụ “Bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Công an không phải là một lực lượng “bán vũ trang” như tại các quốc gia dân chủ, mà là một lực lượng vũ trang ngang hàng với quân đội.

Tóm lại, đảng CSVN chủ trương tổ chức công an như một lực lượng quân sự mạnh và trang bị cho công an những vũ khí hiện đại nhất, hầu đàn áp mọi cá nhân, phe nhóm đối lập, phát xuất từ nhân dân và xã hội dân sự.

Thêm vào đó khái niệm bảo vệ trị an nghiêm chỉnh phải là một khái niệm đem lại phúc lợi cho người dân, không phải cai trị họ bằng bàn tay sắt. Một chính quyền nghiêm chỉnh không thể sử dụng định chế công an như một vũ khí đánh dân như kẻ tử thù trên trận địa. Một vỉ dụ điển hình đánh dân như kẻ thù trên trận địa gần đây là 3.000 công an vũ trang thảm sát dân làng xã Đồng Tâm ngày 9 tháng 1 năm 2020 và hành quyết cụ Lê Đình Kình một cách thảm khốc.

Trị an như một trách nhiệm, không thể là thành phần cấu trúc của phạm trù “Bảo vệ tổ quốc”. Phạm trù này riêng của quân đội như là lực lượng vũ trang chân chính, chống ngoại xâm.

Nhân dân phải là đối tương phục vụ của mọi chính quyền chân chính, không phải là kẻ thù không đội trời chung của chính quyền như giặc ngoại xâm.

 

3. Hậu quả của việc hiến định hóa chế độ công an trị:

Như vậy khi Hiến Pháp 2013 đã hiến định hóa chế độ công an trị tại Việt Nam, thì hậu quả của một chế độ công an trị sẽ như thế nào cho dân tộc Việt Nam?

Những biến cố gần đây cho thấy, công an CSVN dưới quyền lãnh đạo của Tô Lâm, không những hà hiếp nhân dân mà còn hà hiếp ngay cả hàng ngũ lãnh đạo của đảng CSVN như cựu Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, cựu phó TT Phạm Bình Minh, cựu CT Nước Võ Văn Thưởng… Nhất là trường hợp liên hệ đến Võ Văn Thưởng thì  Tô Lâm không những qua mặt Trần Cẩm Tú, chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, mà còn gián tiếp qua mặt TBT Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương khi bắt giam môt đàn em của Thưởng là bà Hoàng Thị Thúy Lan, ủy viên trung ương, bí thư thành ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, 10 ngày trước khi Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của ông chủ nhiệm Trần Cẩm Tú quyết định.

 

Đây là hậu quả bất ngờ của sách lược dùng công an như một vũ khí để kiểm soát quân đội và đàn áp nhân dân của CSVN.

Hâu quả của sách lược này, chiếu theo chương IV của HP 2013 là: trong 2 kẻ thù quan trọng nhất của đảng: một là giặc ngoại xâm (tức CSTQ) và hai là kẻ nội thù của đảng là dân tộc Việt Nam, thì bằng cách nâng cao vai trò của công an so với quân đội, đảng CSVN đã coi dân tộc là kẻ thù nguy hiểm cho chế độ hơn là CSTQ.

Trong khi đó, đảng CSTQ coi trọng quân đội hơn là công an, kết quả là TQ phát triển nhanh hơn về kinh tế, quân sự, phúc lợi nhân dân hơn CSVN vì tuy họ kiểm soát dân chúng như những chế độ độc tài khác nhưng không coi nhân dân là kẻ thù nguy hiểm nhất như CSVN.

4. Chúng ta phải làm gì?

Như vậy câu hỏi tiếp theo cho chúng ta là: chúng ta phải làm gì để chấm dứt hiểm họa công an trị cho toàn dân Việt Nam?

Sau khi hoàn tất tiến trình dân chủ hóa và dẹp bỏ độc tài, nhân dân Việt phải thông qua một bản hiến pháp dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.

Tân hiến pháp phải hiến định hóa quân đội như lực lượng vũ trang duy nhất có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc.

Công an sẽ trở về vai trò vô cùng quan trọng của mình như một lực lượng bán quân sự có trách nhiêm không kém quan trọng, đó là trị an cho quốc gia.

Để nhấn mạnh vai trò trị an như một trách nhiệm hoàn toàn khác biệt với trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, đẳng cấp trong hàng ngũ công an hay cảnh sát phải được cải tổ, không thể mang quân hàm tương tự như quân đội để tránh sự nhầm lẫn và chấm dứt cũng như phòng ngừa khuynh hướng công an trị tương lai trong lòng dân tộc Việt Nam.

 

Friday 5 April 2024

  

Công an của nhân dân hay ác quỷ của nhân dân

 

Luật sư Đào Tăng Dực

Daotangduc.blogspot.com

 

Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?

Điều 3 Luật Công an nhân dân 2018 nêu rõ:

“Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.”

Thêm vào đó CSVN cũng đã ký kết ngày 07 tháng 11 năm 2013 và phê chuẩn ngày 5 tháng 2 năm 2015 “Công Ước Liên Hiệp Quốc Chống lại Tra Tấn, Cư Xử và những hình phạt tàn ác, phi nhân hoặc làm tổn hại nhân phẩm”.

Như thế tại sao số nạn nhân Việt Nam chết trong các đồn công an lên đến hàng trăm, hàng ngàn nạn nhân?

Gần đây nhất, theo tường thuật của Đài Á Châu Tự Do, là trường hợp anh Vũ Minh Đức 31 tuổi lại bị tử vong sau khi làm việc với công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, không lâu sau đó với nhiều vết bầm trên cơ thể và có dấu hiệu bị tra tấn. Được biết anh Đức bị công an triệu tập để làm việc về một vụ “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại xã An Phước vào đầu tháng 10 năm 2023.

Vấn đề các nhân viên công lực bạo hành người dân vẫn xảy ra tại các quốc gia dân chủ trên thế giới, không chỉ riêng tại một quốc gia độc tài công an trị như tại Việt Nam. Sự khác biệt quan trọng nằm tại 3 trọng điểm như sau:

Thứ nhất là nhịp độ tại các quốc gia dân chủ pháp trị như Hoa Kỳ hay Úc Đại Lợi thì chậm hơn và hiếm hoi hơn Việt Nam rất nhiều. Tại Việt Nam thì công dân vô tội chết trong đồn công an nhiều không đếm xuể.

Thứ nhì là tại các quốc gia dân chủ, có báo chí và truyền thông tư nhân, độc lập và có các sắc luật về “Quyền tự do tiếp cận thông tin” của công dân, nên nội vụ các vụ việc hầu như hoàn toàn được bạch hóa cho quần chúng.

Thứ ba và rất quan trọng là những nạn nhân hay gia đình của họ được bồi thường xứng đáng bởi các cơ quan cảnh sát vi phạm và sai trái. Cá nhân cảnh sát phải chịu tội trước một tòa án công minh và hoàn toàn độc lập với hành pháp.

Riêng ở điểm thứ ba này, tại Hoa Kỳ, chúng ta nhớ tới trường hợp của người đàn ông da đen George Floyd 46 tuổi bị cảnh sát Derek Chauvin 44 tuổi, dùng đầu gối đè chết ngày 25 tháng 5, năm 2020 tại Thành Phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota.

Kết quả là gia đình George Floyd được thành phố Minneapolis bồi thường $27 triệu Mỹ Kim và Derek Chauvin bị tòa kết án 22 năm rưỡi tù giam vì tội Ngộ Sát.

Chúng ta thử tưởng tượng các trường hợp chết trong đồn công an như tại Việt Nam, nếu xảy ra tại Hoa Kỳ hay Úc Đại Lợi, tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân sẽ là bao nhiêu và hình phạt cho công an liên hệ sẽ như thế nào. Hầu như chắc chắn Bộ Công An của Tô Lâm sẽ bị dẹp bỏ vì ngân sách kiệt quệ.

Câu hỏi chúng ta phải nêu ra là:

Tại sao cả luật pháp Việt Nam và cả những công ước quốc tế về nhân quyền, dân quyền và công ước chống tra tấn mà CSVN ký kết đều theo nguyên tắc “Công an phải phục vụ cho nhân dân” mà công an CSVN, trên thực tế, lại là những hung thần ác sát của nhân dân như thế?

Lý do nằm nơi xuất xứ ý thức hệ của CSVN.

Trước khi trở thành đồ đệ của Mao Trạch Đông, thì Hồ Chí Minh là đồ đệ của Lê Nin, Stalin và CS Liên Xô.

Ông Hồ sáng lập và xây dựng đảng CSVN trên mô hình LX, không phải mô hình CSTQ.

 

 

Cũng như CSLX, chỉ có 2 thực thể CSVN sợ hãi nhất đó là:

1. Sức mạnh vạn năng của nhân dân khi vùng dậy. Đảng ý thức rằng, một khi nhân dân vùng dậy thì công an trở nên vô dụng, chỉ có thể trốn chui trốn nhủi. Chỉ có quân đội mới có khả năng đàn áp nhân dân.

2. Tuy nhiên nghịch luận nguy hiểm là: nếu quân đội đứng về phía nhân dân, thì đảng chắc chắn diệt vong.

 

Lê Nin và Hitler chính là 2 thiên tài chính trị của thế kỷ 20. Đó là họ đã tiên phong trong sáng kiến sự dụng quân đội để khống chế những lực lượng võ trang đối thủ và chính nhân dân, nhưng sử dụng công an để khống chế quân đội và các tướng lãnh có tham vọng.

Hồ Chí Minh đã được các trường đảng thuộc Phong Trào Đệ Tam Quốc Tế huấn luyện rất kỹ về sách lược này.

 

Dĩ nhiên, khi Lê Nin, Stalin và Hồ Chí Minh nghĩ đến sách lược này, họ chủ quan rằng, sách lược này sẽ giúp cho đảng nắm vững không những quân đội, công an mà cả toàn bộ xã hội dân sự hầu “muôn năm trường trị, thống nhất giang hồ”.

 

Tuy nhiên sự thật có thể không như họ tưởng tượng.

 

Trong thể kỷ 21, trong khi tiến trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa” tàn phá hàng ngũ đảng dưới sự lãnh đạo của hậu duệ là TBT Nguyễn Phú Trọng, thì quyền lực của công an dưới sự lãnh đạo của Tô Lâm và phe nhóm lại bao trùm không những nhân dân, xã hội dân sự mà bao trùm luôn cả toàn đảng.

 

Bề ngoài thì có vẻ như Tô Lâm và Công an thi hành lệnh của đảng khi truy tố những thành phần tham nhũng trong chiến dịch “Đốt Lò” của Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên trong thực chất, Tô Lâm đã đủ thực lực để qua mặt điều lệ đảng bắt giam bà Hoàng Thị Thúy Lan, ủy viên trung ương, bí thư thành ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, 10 ngày trước khi Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của ông chủ nhiệm Trần Cẩm Tú quyết định.

Vụ án này còn kéo theo nhiều nhân vật đàn em thuộc phe cánh Cựu Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng, một đối thủ Tô Lâm quyết hạ bệ trong cuộc tương tranh quyền lực.

 

Nguyên tắc “Tập trung dân chủ” trong điều lệ đảng lẫn trong điều 8 Hiến Pháp 2013 quy định rằng, như một đảng viên thì Tô Lâm phải thông qua Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương vì ủy ban này phản ảnh ý chí của Ban Chấp Hành Trung Ương và Bộ Chính Trị. Như là một bộ trưởng thành viên của hành pháp Tô Lâm phải chờ quyết định của thủ tướng và chủ tịch quốc hội nếu liên hệ đến CTN Võ Văn Thưởng.

 

Tuy nhiên quyền lực của công an và Tô Lâm hiện nay bao trùm đến mức độ họ không còn coi đảng ra gì vì không những họ đã trở thành hung thần ác sát của nhân dân mà còn là ông kẹ đầy quyền năng hăm dọa cả đảng CSVN nữa.