Sách: Sách Lược Chuyển Hóa Dân Chủ cho một VN hậu CS
Sách lược chuyển hóa dân chủ cho một Việt Nam hậu cộng sản
(Cải tổ hệ thống hành chánh,
quân đội, công an và hệ thống pháp lý Việt Nam)
Lời
mở đầu:
Vì sao có nhu cầu chấp bút
sách lược chuyển hóa dân chủ này?
Ngoài cuốn “Việt Nam dân chủ tranh đấu luận” tôi đã viết trước khi
LLDTCNTQ được thành lập năm 2010, LLDTCNTQ đã có các sách lược sau đây:
1. Đả phá trật tự chính trị Mác Lê qua cuốn “Phê Bình Song Ngữ Toàn
Diện Hiến Pháp 2013 của Việt Nam”
2. Phác họa một trật tự chính trị hậu cộng sản qua cuốn “Dự Thảo Hiến
Pháp Việt Nam, trên quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên”
3. Xây dựng một xã hội dân sự hậu cộng sản qua cuốn “Cẩm nang thành lập
hội đoàn trong bối cảnh xã hội dân sự tại Việt Nam.” mới đổi tên thành “Cẩm
nang 3 ngôn ngữ về hội đoàn và xã hội dân sự tại Việt Nam”
Các sách trên đều là song ngữ và các cơ quan thẩm quyền ngoại quốc cũng
như người Việt có thể truy cứu để tìm hiểu về hướng đi của tiến trình dân chủ
hóa nói chung. Các Ấn bản 2024 có thể được truy cứu trên Website:
www.daotangduc.blogspot.com.
Tuy nhiên vẫn còn một mắc xích đang thiếu (missing link) vô cùng quan
trọng. Đó là làm sao chuyển tiếp trong hòa bình, bất bạo động và hiệu năng, từ một
guồng máy chính quyền chuyên chế, cồng kềnh, bảo thủ trở thành một chính quyền dân chủ, tiến bộ,
xứng đáng cho một dân tộc văn hiến và văn minh. Các quốc gia cựu cộng sản Đông
Âu đã thành công trong tiến trình chuyển hóa dân chủ này.
Tổ chức Phục Hưng Việt Nam (một trong 3 tổ chức thành lập Lực Lượng Dân
Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc vào năm 2010 là Tập Hợp Đồng Tâm, Phong Trào Sài Gòn và Tổ
Chức Phục Hưng Việt Nam) đã đánh giá cao kinh nghiệm dân chủ hóa Đông Âu từ rất
sớm.
Tổ chức PHVN đã tổ chức tại
thủ đô Tiệp Hội Nghị PRAHA '95 "Kinh Nghiệm Dân Chủ Hóa Đông Âu" từ
ngày 5 đến ngày 7 tháng 9, 1995.
Theo Kỷ Yếu 35 Năm Phục Hưng Việt Nam 1978-2014 “Chiều ngày 5 tháng 9
năm 1995, tổng thống Václav Havel nước Cộng Hòa Tiệp (Czech Republic) đã chính
thức tiếp kiến phái đoàn người Việt tự do tại thủ đô Praha, Tiệp. Phái đoàn
Việt Nam do ông Trần Quốc Bảo, chủ tịch Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam hướng dẫn
gồm 13 người, trong đó có hai phụ nữ, bao gồm quí vị lãnh đạo tôn giáo, đại
diện các đoàn thể chính trị, cộng đồng, xã hội và truyền thông, đến từ nhiều
quốc gia trên thế giới.”
Sách lược chuyển hóa dân chủ
này là một tiếp nối và khai triển tinh thần của Hội Nghị PRAHA 95 nêu trên.
Ngoài đáp ứng nhu cầu chuyển hóa một cách cụ thể, sách lược còn chứng minh
trọn vẹn các điều sau đây:
1. Công
viên chức nhà nước mọi cấp: Các công viên chức cấu trúc hạ tầng của chế độ,
từ trung ương đến địa phương, sẽ nhận ra rằng, sự chuyển hóa dân chủ đem lại
những ích lợi toàn diện cho dân tộc và cho chính họ như những nhân sự chuyên
nghiệp, và ở mức độ nào đó trân trọng trao trả cho công viên chức mọi cấp, sự
tự trọng của những sĩ phu công chính, phục vụ nhân dân trong tinh thần chí công
vô úy, không hề bị áp lực phi pháp từ bất cứ một ý thức hệ hoặc thế lực đen tối
nào.
2. Người
quân nhân: Sự chuyển hóa dân chủ cũng trân trọng trao lại cho người quân
nhân Việt Nam quyền thiêng liêng bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân, danh dự và
trách nhiệm của tập thể quân nhân, đứng trên và ngoài những tranh chấp chính
trị bình thường của một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân
chính.
3. Người
cảnh sát và công an: Sự chuyển hóa dân chủ cũng phục hồi danh dự cho giới
cảnh sát và công an của dân tộc. Họ sẽ có cơ hội trở thành những nhân tố bảo vệ
an ninh trật tự cũng như tính mạng và tài sản của từng người dân. Họ sẽ được
người dân ngưỡng mộ và biết ơn chân thật.
Thêm vào đó, sẽ có một hệ thống điều chỉnh lương bổng công bằng theo
luật định, các nhân viên công lực như cảnh sát công an, sẽ được những nghiệp
đoàn chân chánh đại diện, tranh đấu thật sự cho quyền lợi và lương bổng của họ.
Nghề nghiệp của họ cũng sẽ được bền vững và bảo đảm trong phạm vi luật pháp
công minh. Ngoài những nghiệp đoàn độc lập tranh đấu cho quyền lợi của họ, còn
có những tòa án nghiêm minh, xét xử các tranh chấp giữa chính phủ và họ nếu có
tranh chấp.
Các chính quyền có thể đến và đi trong một nền dân chủ chân chính,
nhưng người cảnh sát và công an sẽ thường trực phục vụ cho dân tộc và vị trí
của họ được dân chúng nể trọng.
4. Các thẩm phán trong hệ
thống pháp lý VN: Họ sẽ có được vị trí tôn kính của họ, như
những cột trụ trong một nền dân chủ pháp trị chân chính. Địa vị của họ không
những vô cùng tôn quý mà lương bổng và phẩm trật sẽ vượt trội nhiều thành phần
khác trong xã hội, xứng đáng với trách nhiệm cao cả là bảo vệ công lý trong
tinh thần vô úy chân thật.
Từ sự hiểu biết đó, mọi thành
tố của bộ máy công quyền sẽ nhìn tiến trình dân chủ hóa, cũng như tiến trình
chuyển tiếp dân chủ, với hiểu biết và nhiều thiện cảm hơn.
Tác giả xin chân thành cảm ơn Anh Trần Quốc Bảo, Chị Phạm Thiên Thanh
và các thành viên của Ủy Ban Nghiên Cứu Sách Lược Hưng Quốc đã khuyến khích,
ủng hộ, giúp đỡ và góp ý trong viêc hoàn tất tác phẩm này.
Luật sư Đào Tăng Dực
Constitution Hill, New South Wales, Australia
Wednesday 13 March, 2024
No comments:
Post a Comment