Sunday, 23 July 2023

Diệt nội thù, chống ngoại xâm- Luật Sư Đào Tăng Dực

22/08/20: Sau nhiều thập niên làm đàn em trung thành và vô cùng dễ dạy của đảng CSTQ, đột nhiên vào thượng tuần tháng 8 vừa qua, CSVN cho chiếu trên đài truyền hình VTV1 bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – Biên niên sử truyền hình: Năm 1979”. Phim do Báo Nhân dân sản xuất hoàn thành năm 2020. Bô phim được Ban Tuyên Giáo Trung Ương chỉ đạo. Bộ phim này nêu thẳng tên CSTQ xâm lược và lên án họ vô cùng gay gắt nặng nề. Sự kiện này tuy có bất ngờ và tạo ra nhiều dư luận trong lẫn ngoài nước, nhưng không gây quá nhiều ngạc nhiên. Lý do là vì hầu như toàn dân đã quá quen thuộc với tính phi đạo đức, tráo trở và sớm đánh tối đầu của đảng CSVN. Một trong những bằng chứng hiển nhiên nhất là lúc phong trào vượt biên tỵ nạn lên cao sau 1975 thì đảng miệt thị, lên án và trừng phạt nặng nề người tỵ nạn. Tuy nhiên sau đó, vì nhu cầu kiều hối, thì đảng vuốt mặt, trịnh trọng gọi họ là “Việt Kiều Yêu Nước”, “khúc ruột xa xôi ngàn dặm của mẹ Việt Nam”, bất chấp sĩ diện. Ngay từ khởi thủy, khi đảng CSVN được thành lập 3 tháng 2 năm 1930 thì tập thể này đã lệ thuộc vào đảng CSTQ (ra đời trước đó ngày 23 tháng 7, năm 1921) từ ý thức hệ, tổ chức hạ tầng, nhân sự đến viện trợ vũ khí, hầu thanh toán các lực lượng quốc gia kháng Pháp dành độc lập. Làm sao chúng ta có thể giải thích sự thay đổi lập trường quan trọng này của đảng CSVN? Dĩ nhiên có nhiều giả thuyết chúng ta có thể nêu ra: 1. Sự căm thù Trung Quốc đã nằm trong máu huyết của người Việt Nam và những hành động bán nước của CSVN từ Ải Nam Quan , Hoàng Sa, Trường Sa, Thác Bản Giốc đến Hiệp Ước Thành Đô đầy bí ẩn 1990, đã tạo ra phản cảm chống đảng mạnh mẽ trong nhân dân. Đảng cảm thấy sự sống còn của mình bị đe dọa và thay đổi lập trường hầu xoa dịu nhân tâm là một nhu cầu cấp bách. 2. Đại dịch Vũ Hán hầu như thay đổi cục diện thế giới. CSTQ đang đứng trên bờ vực thẳm. Sau khi cơn đại dịch này được giải quyết bằng y khoa tại các cường quốc Tây Phương khoảng năm 2021, thì tương lai của CSTQ sẽ vô cùng bất định. Đây là lúc đảng CSVN tung một quả bóng thăm dò dư luận, hầu chuẩn bị nghiêng về Tây Phương hơn trong thế đu dây giữa Đông và Tây của họ. 3. Nội bộ của đảng CSVN đang xảy ra chia rẽ trầm trọng giữa phe thân TQ (gồm có công an) và phe chống TQ (gồm có Quân Đội). Những nhượng bộ quá đáng của đảng CSVN cho TQ, từ việc Lê Đức Anh ra lệnh cho quân đội VN không được kháng cự lệnh nổ súng của quân đội TQ tại Gạc Ma, đến thái độ sỉ nhục của đảng đối với cựu chiến binh VN tham chiến chống TQ tại biên giới Việt Trung năm 1979, đã gây căm phẫn trong hàng ngũ quân đội. Bây giờ đảng cần lấy lòng quân đội để ổn định nội bộ. 4. Cuối cùng, sau nhiều thập niên cai trị độc tài làm dân tộc tụt hậu và nhục nhã so với các dân tộc trong vùng Đông Á như Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, lòng căm phẫn của người dân lên cao. Đảng CSVN nhận ra một nhu cầu chiến lược quan trọng. Đó là chuyển mục tiêu căm thù của nhân dân từ đảng CSVN sang đảng CSTQ. Dĩ nhiên nhân dân Việt Nam không thể mắc lừa một lần nữa. Dù bất cứ lý do gì và trong bất cứ tình huống nào, đảng CSVN vẫn là một định chế, tuy lỗi thời, nhưng vô cùng bảo thủ và luôn chủ trương độc tài đảng trị. Cuốn phim nêu trên chỉ là một thủ thuật duy trì sự sống còn của đảng hầu tiếp tục bóc lột nhân dân tận xương tủy mà thôi. Nhân dân Việt Nam và những thành phần khác trong xã hội dân sự sẽ không bao giờ chấp nhận cùng đứng dưới một ngọn cờ với đảng CSVN bại hoại này, dù là ngọn cờ chống CSTQ xâm lược. Một chân lý bất di bất dịch trong lịch sử các quốc gia Đông Á là muốn sinh tồn bên cạnh TQ thì phải vượt lên trên TQ về mọi phương diện, từ xã hội, kinh tế đến quân sự như dân tộc VN đã làm trong các triều đại Lê, Lý, Trần. Bao lâu mà đảng CSVN còn là một định chế độc tài đảng trị, tôn sùng chủ nghĩa Mác Lê thì ngày đó, trách nhiệm của con dân Việt, bất kể tôn giáo, quan điểm chính trị, thành phần xã hội và sắc tộc, vẫn là phải dứt khoát “diệt nội thù CSVN trước và chống ngoại xâm CSTQ sau.” Với sự cáo chung của độc tài đảng trị, toàn dân sẽ chung sức xây dựng một nước Việt Nam văn hiến và một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính cho các thế hệ mai sau.

ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH ? Trả lời cô giáo Trần Thị Lam- Luật sư Đào Tăng Dực

03/05/16: I. Dẫn Nhập: Bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam được cho là bài thơ gây chấn động trên mạng lưới toàn cầu và có tiềm năng làm rung chuyển chế độ. Công an CSVN đã phải câu lưu và thẩm vấn cô, nhưng chưa dám truy tố hình sự vì sợ hãi phản ứng của nhân dân và công luận thế giới. Dân tộc Việt có một nền văn hóa sâu dày hơn 4000 năm lịch sử trong đó tiềm tàng những tình tự đậm đà và tư tưởng uyên thâm, giúp dân tộc vượt qua những cơn ba đào của lịch sử. Mặc dầu suốt 7 thập niên liên tục, người CSVN đã ra sức hủy diệt nền văn hóa này và thay thế trước hết bằng ý thức hệ giáo điều Mác Lê duy vật (Marxist dogmatic ideological materialism) và sau đó bằng chủ nghĩa duy lợi trần truồng (naked utilitarianism), nhưng những cố gắng của họ chỉ là vô vọng. Những dòng nhạc của thế hệ trẻ như Việt Khang và nhất là bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam chứng minh hùng hồn rằng, nền văn hóa ngàn đời của dân tộc vẫn luân lưu mạnh mẽ trong tâm thức của toàn dân và khi mùa xuân dân chủ khởi động, thì vươn lên như những đóa hoa sen, từ chốn bùn nhơ nhớp xã hội chủ nghĩa, đem lại hương thơm và tô điểm sắc màu cho tiến trình dân chủ hóa đất nước. Tuy nhiên, bài thơ đầy cảm xúc này không những khẳng định tình trạng tồn vong mong manh và nghiêm trọng của đất nước mà còn nêu ra những vấn nạn cần giải đáp. Trước khi thảo luận vấn đề và đưa ra giải đáp, chúng ta lắng lòng thưởng thức bài thơ như sau: ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH? Đất nước mình ngộ quá phải không anh? Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi... Đất nước mình lạ quá phải không anh? Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ Những dự án và tượng đài nghìn tỉ Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay... Đất nước mình buồn quá phải không anh? Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc Rừng đã hết và biển thì đang chết Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa... Đất nước mình thương quá phải không anh? Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu... Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh? Anh không biết em làm sao biết được Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu... II. Phân Tích: Khi chúng ta phân tích bài thơ này, chúng ta sẽ có những nhận định như sau: Bốn chương đầu trên hình thức là những câu hỏi, nhưng một cách mặc thị (implicit) là những khẳng định (affirmations) về tình trạng bi thương của đất nước dưới chế độ CSVN. Chẳng hạn tuy có 4 ngàn năm văn hiến mà vẫn cam chịu nhục nhằn trước bất công từ bạo quyền, những tượng đài tôn sùng cá nhân hoang phí trong khi khinh bỉ mạng người, guồng máy thống trị tham ô và vô trách nhiệm đưa đến cái chết thê thảm của môi trường thiên nhiên, và nợ công chồng chất ngập đầu các thế hệ hiện tại lẫn tương lai. Chương cuối cùng chỉ có 4 câu thơ nhưng hàm chứa 2 câu hỏi quan trọng: 1. Một câu hỏi mặc thị (implicit): Lý do vì đâu đất nước nên nông nỗi này? 2. Câu hỏi minh thị (explicit): Đất nước rồi sẽ về đâu anh? Sau cùng thi sĩ tha thiết kêu gọi “Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu?” Như một người công dân có trách nhiệm, tôi xin đáp ứng lời kêu gọi ấy và trả lời như sau. III. Giải thích nguyên nhân: Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân gây ra tai họa cho đất nước rất nhiều, nhưng tựu trung có 2 tai họa lớn lao nhất: Một là ngọn gió độc giáo điều ý thức hệ (ideological dogmatism) và Hai là hiện tượng quái thú định chế hóa cực đoan (extreme institutionalization). Đây là những ý niệm tương đối trừu tượng, nhưng thảm họa chúng gây ra cho dân tộc vô cùng hiện thực và chúng ta cần tìm hiểu (investigate), nhận diện (identify) và dứt khoát loại bỏ ra khỏi nền văn hóa, tâm thức và hiến pháp của dân tộc trong tương lai. 1. Ý thức hệ giáo điều: Trước hết khái niệm “giáo điều ý thức hệ” (ideological dogmatism), hoặc “ý thức hệ giáo điều” (dogmatic ideology) không đơn giản và nhiều người, kể cả tôi, đã tốn nhiều giấy mực để viết về khái niệm này. Tuy nhiên, trong phạm vi hôm nay, tôi xin mạn phép đơn giản hóa, dùng văn xuôi và một số hình ảnh vẽ lên một bức tranh ý niệm hầu chuyên chở đến độc giả. Nếu chúng ta coi dân tộc Việt Nam như một thực tại thì chúng ta có thể mườn tượng thực tại đó như một dòng sông tư tưởng và tình tự (a river of thoughts and feelings) luân lưu từ thủa bình minh của lịch sử cho đến bây giờ và vươn tới tương lai. Đó là một thực tại vô cùng sinh động bao gồm 2 yếu tính. Một là “hằng” và hai là “chuyển”. “Hằng” là có một bản sắc riêng biệt bất biến làm cho chúng ta nhận diện rõ đây là dân tộc Việt chứ không phải một dân tộc khác. “Chuyển” là luôn thay đổi, từng phút, từng giây, như ý nghĩa chuyển dịch của dịch lý hay trong thuyết tiến hóa của Darwin. Những tư tưởng và tình tự trong dòng sông thực tại có thể ví như các loài thủy tộc, các giọt nước li ti, các loài thủy sản , rong rêu và muôn triệu vi sinh nương tựa vào dòng sông để sinh tồn và hài hòa phát triển. Thế nào là ý thức hệ giáo điều? Ý thức hệ giáo điều có thể được định nghĩa như một cấu trúc trí năng (an intellectual construct) giam hãm tư tưởng con người vào một khung sườn cố định và tước đi sự sống cũng như tính sáng tạo của tư tưởng tự do. Lịch sử loài người đã từng trải qua rất nhiều ý thức hệ giáo điều, nhưng hiện đại nhất của nhân loại ngày hôm nay là các ý thức hệ Mác- Lê và Hồi Giáo Cực Đoan. Các ý thức hệ giáo điều này có thể ví như những cơn lạnh cực kỳ lớn lao, trùm lên dòng sông thực tại của những dân tộc dưới vòng kiềm tỏa của chúng, biến toàn thể dòng sông và những sự sống trong dòng sông thành băng tuyết. Tuy dưới mắt của một đệ tam nhân, hình ảnh của dòng sông, các loài thủy tộc và thủy sản vẫn còn, nhưng dòng sông đã mất sự sống chân thực. Các xã hội dưới sự khống chế của các ý thức hệ giáo điều như Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hôm nay đều bi đát như thế. 2. Thế nào là “tiến trình định chế hóa cực đoan”? Vì tính trọng yếu của ý niệm này, cá nhân tôi đã viết khá nhiều về nó. Tuy nhiên trong phạm vị của bài này, tôi xin tóm lược như sau: Định chế hóa cực đoan là một tiến trình xã hội học, có công năng biến một tổ chức bình thường thuộc nhà nước (the state) hoặc xã hội dân sự (civil society), trở thành một con quái thú, có khả năng khống chế và ăn tươi nuốt sống cả nhà nước lẫn xã hội dân sự. Tính hỗ tương giữa các ý thức hệ và các định chế cực đoan vô cùng chặc chẽ vì lý do đơn giản là một hệ tư tưởng luôn cần một cấu trúc có tổ chức để quảng bá và thực thi quan điểm của mình. Hệ tư tưởng càng giáo điều thì tổ chức càng dễ trở thành nạn nhân của tiến trình định chế hóa cực đoan. Hậu quả là những định chế thuộc xã hội dân sự (những chính đảng như các đảng cộng sản, những định chế tôn giáo...) hoặc thuộc nhà nước như (quân đội hoặc cảnh sát công an...) đều có thể và đã trở thành mồi ngon của tiến trình định chế hóa cực đoan, nắm quyền lực độc tài, trở nên những ông ngáo ộp thực sự, ăn tươi nuốt sống không thương tiếc những công dân cá thể trong xã hội dân sự, và đập vỡ tan tành lý tưởng dân chủ. Những chính thể cộng sản toàn trị và độc tài Hồi Giáo cực đoan đến từ các định chế thuộc xã hội dân sự, trong khi các chế độ quân phiệt hoặc công an trị đến từ các định chế nhà nước. Khi một tổ chức đã trở thành nạn nhân của tiến trình định chế hóa cực đoan thì sẽ phát sinh các đường nét nổi bật sau đây: a. Tổ chức sẽ mất đi mục đích ban đầu mới thành lập và mục tiêu duy nhất bây giờ là trường tồn mãi mãi bất chấp lẽ sống nguyên thủy của nó b. Tổ chức sẽ truy tìm và bám víu quyền lực độc tôn c. Tổ chức sẽ tận diệt tất cả mọi thực thể cạnh tranh với mình trong hiện tại hoặc trong tương lai mà không hề thương tiếc. Đảng CSVN cũng như tất cả các đảng cộng sản từ Âu sang Á, từ trước đến giờ, cùng với các đảng Đức Quốc Xã và Phát Xít độc tài, đều là những con quái thú, hậu quả của tiến trình định chế hóa cực đoan và ăn tươi nuốt sống nhà nước lẫn xã hội dân sự. Nhân dân Việt Nam bất hạnh lớn lao vì hoàn cảnh lịch sử đã biến dân tộc thành nạn nhân gần một thế kỷ của cơn lạnh vĩ đại ý thức hệ giáo điều Mác Lê và con quái thú định chế cực đoan mà đảng CSVN là hiện thân trung thực. IV. Phương pháp luận: Câu hỏi chúng ta phải trả lời là: Làm thế nào để hóa giải ý thức hệ giáo điều Mác Lê và vô hịệu hóa con quái thú đảng CSVN như một định chế? 1. Làm sao hóa giải ý thức hệ giáo điều Mác Lê: Muốn hóa giải ý thức hệ này, chúng ta cần một quan điểm đấu tranh nghiêm chỉnh? Theo thiển ý của tôi, đó là một quan điểm chính trị bao gồm 3 yếu tố then chốt của các nền dân chủ đương đại. Đó là quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Một quan điểm đấu tranh nghiêm chỉnh có thể ví như một mặt trời dân chủ, mang các yếu tính ấm áp, ôn hòa sưởi ấm lại dòng sông. Mặt trời dân chủ sẽ làm tan băng giá, hồi sinh các loài thủy tộc và thủy sản. Nhất là mặt trời dân chủ sẽ không bao giờ biến thành một ngọn lửa hận thù cực lớn, đun sôi cả dòng sông, giết chết các loài thủy tộc và những sự sống khác, trong cơn cuồng say cách mạng. Chính vì thế, một quan điểm đấu tranh nghiêm chỉnh luôn hàm chứa yếu tố bao dung và tránh mọi khuynh hướng cực đoan. Theo quan điểm của tôi, mọi người Việt Nam, bất kể quan điểm chính trị, kể cả người cộng sản, trong lịch sử cân kim của dân tộc, đều là nạn nhân của lịch sử và của những xung đột ý thức hệ phát xuất từ đầu óc méo mó của các tư tưởng gia phương Tây, không liên hệ gì đến nền văn hóa truyền thống của Việt Tộc cả. Một quan điểm đấu tranh nghiêm chỉnh sẽ như một mặt trời ấm áp, ôn hòa, bao dung, soi sáng và sưởi ấm cho dòng sông thực tại, bình đẳng và không phân biệt. Một chân lý chúng ta cần khắc ghi là, tất cả mọi lý thuyết của trí năng, mọi hệ thống tư tưởng hoặc ý thức hệ, dù cao siêu và phức tạp bao nhiêu, cũng có lúc phải diệt vong vì không còn phù hợp với thực tại khách quan. Tuy nhiên những điều vô cùng đơn giản mà các tôn giáo lớn chủ trương như từ bi và trí tuệ của nhà Phật, hoặc lòng bác ái và vị tha của Thiên Chúa Giáo, sẽ trường tồn với thời gian. Các chính quyền căn cứ trên Ý Thức Hệ Mác- Lê và Hồi Giáo Cực Đoan đã và sẽ bị hủy diệt vì chỉ biết chủ trương sắt máu và hận thù. Một quan điểm đấu tranh nghiêm chỉnh vì thế cũng phải học hỏi từ các tôn giáo lớn của nhân loại. Mặt trời dân chủ không phải chỉ có công năng xây dựng những định chế chính trị phục vụ cho con người cá thể và một trật tự xã hội tốt đẹp hơn, mà cũng phải là mặt trời của từ bi, trí tuệ, bác ái vị tha và bình đẳng không phân biệt. 2. Làm sao kiểm soát hoặc giới hạn tiến trình định chế hóa? Như thế, tiến trình định chế hóa, đặc biệt định chế hóa cực đoan, nhất là khi lấy nguồn cảm hứng từ một ý thức hệ quá khích, khơi mào cho những nguy hiểm tột cùng đối với con người cá thể và lý tưởng dân chủ.Chúng ta có thể làm gì để kiểm soát tiến trình này? Trước hết chúng ta phải tìm hiểu các nguyên nhân của tiến trình định chế hóa. Theo nhận xét của tôi, các nguyên nhân là: 1. Sự hiện hữu của một cấu trúc quyền lực tập trung 2. Sự hiện hữu và hoặc hứa hẹn các quyền lợi vật chất 3. Sự hiện hữu và hoặc hứa hẹn các quyền lợi tinh thần 4. Sự vắng bóng một hệ thống kiểm soát và đối trọng. Tôi mạn phép nêu danh một vài tổ chức đã kinh qua tiến trình định chế hóa cực đoan như những giai cấp quan lại Nho Giáo ngày xưa tại Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam như những định chế tối cao, thống trị nhà nước và xã hội dân sự và đôi khi chính các quân vương chí tôn cũng phải kiêng nể; những đảng cộng sản Liên Xô cũ, Bắc Hàn hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam dưới ảnh hưởng của ý niệm tập trung dân chủ của Lê Nin; Ủy Ban Hiền Tài (Assembly of experts) của giới lãnh đạo tại Iran dưới quyền một Siêu Lãnh Tụ nhân danh Thượng Đế chân chính và duy nhất; Nhà Nước Hồi Giáo ISIL dưới sự lãnh đạo của một Đấng Quyền Uy Tối Cao (Supreme Khalif) đại diện cho Thiên Chúa trên trái đất và toàn thể nhân loại phải quy phục; Giới quân phiệt tại Miến Điện và Thái Lan dưới sự điều hướng của các tướng lãnh với một cấu trúc lãnh đạo quân sự tập trung; và đây chỉ là một số tiêu biểu. Tuy nhiên, tự cổ chí kim, không có hiện tượng định chế hóa nào khủng khiếp bằng hệ thống giai cấp của Ấn Độ Giáo, giam hãm tâm linh con người vào những khung sườn giai cấp cứng nhắc, khởi đầu từ kiếp này nhưng vươn tới các kiếp sau, từ hiện thực đến những cấp bực siêu hình, gieo rắc muôn vàn thống khổ, bất công, làm tàn phế dân tộc Ấn Độ, vốn dĩ là một dân tộc vĩ đại, suốt nhiều ngàn năm cho đến bây giờ. Hầu giới hạn hoặc kiểm soát tiến trình định chế hóa cực đoan các tổ chức trong nhà nước và xã hội dân sự, những biện pháp sau đây cần phải được nhân dân áp dụng: i. Nếu có thể, mọi cấu trúc quyền lực nên phân quyền. Nhận xét tổng quát của tôi là các định chế tôn giáo và những cấu trúc quyền lực độc tài dễ bị định chế hóa hơn các các cấu trúc quyền lực thế tục và dân chủ. Trong trường hợp quân đội và cảnh sát, thì mọi sĩ quan đều phải thề trung thành với các chính quyền dân sự do dân bầu lên và bộ luật hình sự sẽ khắc ghi những hình phạt nặng nhất cho tội lật đổ một chính quyền được dân bầu lên một cách dân chủ. ii. Nếu có thể, nên có sự công nhận nguyên tắc kiểm soát và đối trọng (Checks and balances) hầu một tổ chức luôn có nhiều thực thể cạnh tranh và không bao giờ nắm giữ quyền lực hay ảnh hưởng tuyệt đối trong bất cứ một phương diện nào. Một sự cân bằng đúng mức giữa nhà nước và xã hội dân sự sẽ có lợi đến mức độ là các tổ chức trong xã hội dân sự sẽ giám sát sự thi hành trách nhiệm của các cơ chế chính quyền (một tổ chức truyền thông tư nhân phê bình một cấp bộ của chính quyền) hoặc một cơ quan chính phủ phán xét về những khiếu nại từ khách hàng của một thực thể thương nghiệp lớn (chẳng hạn như một giám sát viên ngân hàng) là những ví dụ bình thường. iii. Tuy nhiên một trong những phương thức đầy tiềm năng nhất hầu kiểm soát tiến trình định chế hóa cực đoan, theo quan điểm của tôi, là bảo đảm rằng hệ thống dân chủ của chúng ta phải tuyệt đối đa nguyên. iv. Sau cùng, chúng ta phải tranh đấu để được công nhận trong hiến pháp vị trí của các công dân cá thể như là cứu cánh tối thượng và chung quyết của mọi quá trình xã hội và chính trị. Cả xã hội dân sự lẫn nhà nước, kể cả những tổ chức và định chế liên hệ, cũng chỉ là những công cụ phục vụ cho công dân cá thể. Tương quan giữa hai thực thể là tương quan giữa những chủ nhân (công dân cá thể) và kẻ phục vụ (xã hội dân sự, nhà nước và mọi định chế liên hệ) và khi một định chế (bất kể bản chất hoặc vị thế kể cả những định chế tôn giáo thánh thiện nhất) không còn khả năng phục vụ cho công dân cá thể, định chế đó phải bị triệt tiêu và không còn hiện hữu. Lý do đơn giản bởi vì tất cả mọi định chế chỉ là những ý niệm trừu tương hoặc những sáng tạo của trí năng con người. Chúng cùng một đẳng cấp nhưng không cao đẹp bằng những ý niệm trừu tượng khác như quốc gia, tổ quốc, lòng yêu nước hay nhân loại. Chúng không hiện hữu bên ngoài tâm thức con người và như thế chúng không thể ưu thắng những công dân cá thể. Họ là những con người bằng xương bằng thịt, có thể cảm thấy hạnh phúc hoặc khổ đau, có thể sở hữu tài sản hoặc bị tước đoạt tài sản, có thể cảm nhận lòng từ bi, bác ái, cái đẹp, sự hận thù và nhục nhằn và toàn bộ những tình cảm nhân sinh. Các nhà độc tài rất thiện nghệ trong nghệ thuật dương cao ngọn cờ các ý niệm trừu tượng, như đảng CSVN, lý tưởng con người quân tử của giai cấp Khổng Mạnh, Đế Chế thứ ba của Đức Quốc Xã, lòng yêu nước, vân vân và vân vân, và đòi hỏi sự hy sinh vô điều kiện và vâng lời tuyệt đối từ các công dân cá thể. Tác động công nhận trong hiến pháp vị trí tối thượng của công dân cá thể sẽ vô hiệu hóa tất cả mọi âm mưu thống trị những công dân cá thể này. V. Kết luận: Nếu chúng ta hóa giải cơn lạnh ý thức hệ giáo điều, nhổ răng và móng vuốt của quái thú định chế hóa cực đoan, thì với bàn tay và khối óc được tôi luyện qua chiều dài nhiều thiên niên kỷ, dân tộc Việt sẽ hồi sinh. Với sự dập tắc tuyệt đối ý thức hệ giáo điều Mác Lê, với sự cáo chung của đảng CSVN như một định chế thoái hóa và lỗi thời, hằng triệu triệu đóa hoa tư tưởng tuyệt vời sẽ vươn lên từ lòng văn hóa hơn 4000 năm của dân tộc và đất nước chúng ta chắc chắn sẽ đạt được nhanh chóng chiều cao thực sự của mình, trong cộng đồng nhân loại văn minh.

Đánh giá hiến pháp 2016 của Thái Lan- Luật sư Đào Tăng Dực

14/08/16: Trừ một số quốc gia may mắn, phần lớn các quốc gia trên thế giới đạt đến tình trạng dân chủ ngày nay phải trải qua nhiều máu và nước mắt. Điển hình nhất là nền dân chủ Pháp với cuộc cách mạng lừng danh năm 1789, dương cao ngọn cờ tự do, công bằng và tình huynh đệ (liberté, egalité, fraternité) đập tan những xiềng xích của thời phong kiến. Tuy nhiên cuộc cách mạng đẫm máu dưới thời Robespierre đó vẫn bị đế chế Napoleon, trong bản chất vốn là một chế độ quân phiệt, thanh toán. Nền chính trị Pháp phải trải qua nhiều giai đoạn truân chuyên sau đó, kể cả thoát khỏi hiểm họa ý thức hệ giáo điều Mác Lê, mới thực thi được trọn vẹn những lý tưởng dân chủ mà các thần tượng của cuộc cách mạng 1789 như Montesquieu, Jean Jacques Rousseau, Voltaire… từng đề xướng. Tiến trình dân chủ hóa vận hành tùy theo hoàn cảnh lịch sử của mỗi dân tộc. Tuy nhiên một cách tổng quát, có ba trở lực lớn lao chính mà các dân tộc phải vượt qua, trước khi có thể xây dựng một nền dân chủ ổn định. Đó là các thế lực sau đây: a. Giáo phiệt như Nhà Nước Hồi Giáo (Islamic State) hoặc Iran b. Ý thức hệ giáo điều đảng trị thể hiện qua các đảng cộng sản theo truyền thống Đệ Tam Quốc Tế của Lê Nin, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn Cuba… và c. Quân phiệt như quân đội tại Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam Cộng Hóa, Nam Hàn trước giai đoạn dân chủ và nhiều quốc gia khác tại Bắc Phi, trước khi có cuộc cách mạng hoa lài. Tôi không nhắc đến các thế lực công an mật vụ như một trở lực lớn lao chính, vì sau khi phân tách kỹ, tuy công an mật vụ nguy hiểm cho tiến trình dân chủ hóa, nhưng trong bản chất lực lượng này luôn luôn thụ động làm công cụ cho ba thế lực độc tài nêu trên tùy nghi sử dụng hầu kiểm soát quần chúng Ngày 7 tháng 8 năm 2016, trong một cuộc trưng cầu dân ý, chính quyền quân sự Thái Lan đã thông qua một tân hiến pháp mà công luận đánh giá là một bước thụt lùi đáng kể cho tiến trình dân chủ hóa Thái Lan. Lý do bị đánh giá tiêu cực như thế vì, tuy trên nguyên tắc đây là một bản hiến pháp thiết lập một thể chế quân chủ lập hiến với một quốc hội gồm 2 viện, nhưng chỉ có một hạ viện gồm 500 hạ nghị sĩ là được nhân dân bầu trực tiếp. Trong khi đó, sẽ có các cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực của hạ viện như sau: a. Một thượng viện gồm 250 thượng nghị sĩ hoàn toàn do Hội Đồng Trật Tự và Hòa Bình Quốc Gia (National Council for Peace and Order) của quân đội bổ nhiệm. Thượng viện sau đó sẽ bổ nhiệm một tòa án hiến pháp (constitutional court) để phán quyết về các tranh chấp chính trị. b. Một Hội đồng Điều hành Cải tổ Quốc gia (National Reform Steeering Assembly) gồm những quân nhân hoặc phe quân đội, có quyền chuyển quyền lực chính trị từ chính quyền dân cử sang cho quân đội (tức đảo chánh) một cách hợp hiến, khi cần thiết c. Thượng viện có quyền bổ nhiệm một vị thủ tướng bên ngoài hạ viện, nếu hạ viện không chịu đồng thuận hoặc không thể bổ nhiệm một vị thủ tướng từ hàng ngũ của mình. Nhìn một cách phiến diện, tiến trình dân chủ hóa trong nhiều quốc gia có khi nhanh, có khi chậm, khi thuận lợi, khi trắc trở, khi thì đột biến, khi thì tiệm tiến, nhưng trong thực chất, sự vận hành của tiến trình này luôn liên tục và bất khả vãn hồi. Lý do của sự liên tục và bất khả vãn hồi này là vì tiến trình dân chủ hóa, một khi khởi động, thì tác động trên muôn mặt của sinh hoạt quốc gia từ tư duy quần chúng, đến sinh hoạt văn hóa, tiếp cận thông tin toàn cầu, sự thoái hóa các định chế độc tài, sự vận hành luật pháp và sự thay đổi tư duy của từng công dân, đa diện hóa xã hội dân sự, trong đó có sự tha hóa của những kẻ thống trị. Thậm chí, những chỉ dẫn khách quan cho thấy, thông thường tại những quốc gia bảo thủ, độc tài và bề mặt bình lặng nhất như Libya, Egypt, Tunisia, Yemen…thì sự chuyển hóa dân chủ lại bất ngờ, nhanh chóng và mang tính đột biến nhất. Trong hoàn cảnh của Thái Lan, Hiến Pháp 2016 vừa thông qua không phải thuần là một hiến pháp độc tài vì vẫn có một hạ viện dân cử và hạ viện này có quyền thành lập chính phủ, bầu chọn thủ tướng và chấp chưởng hành pháp, trong một thể chế quân chủ lập hiến. Có thể gọi đây là một hiến pháp bán dân chủ (semi-democratic) vì sự kiểm soát chặc chẽ và sự định hướng chính trị của quân đội. Dĩ nhiên đây cũng là một bước thụt lùi trong tiến trình dân chủ hóa so với hiến pháp tiền nhiệm. Tuy nhiên dân chủ không hề đến dễ dàng với dân tộc Pháp như đã nêu trên và cũng sẽ không dễ dàng đến với Thái Lan, Việt Nam hiện giờ, hoặc Nam Hàn, Đài Loan trong quá khứ. Dân tộc Thái Lan sẽ phải tiếp tục tranh đấu hầu hoàn tất tiến trình dân chủ hóa trên đất nước của họ. Theo nhận xét của tôi, trở ngại lớn nhất của Thái Lan nằm nơi sự tôn sùng quá đáng vương triều Chakri dưới quyền trị vì của quốc vương Bhumibol Adulyadej. Triều đại này được thiết lập từ năm 1782 và theo chế độ quân chủ lập hiến quốc vương này là quốc trưởng và tổng tư lệnh quân lực hoàng gia. Những biến chuyển đưa đến cuộc đảo chánh của quân đội cách đây 2 năm chứng minh sự tắc trách của hoàng gia Thái Lan. Trước cuộc đảo chánh của quân đội vào tháng 5, 2014 lật đổ nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra vốn là em gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra thì Thái Lan đã là một chính thể đa đảng. Tuy nhiên vì là một nền dân chủ non trẻ, sự tương tranh quyền lực giữa các chính đảng đôi lúc thiếu chừng mực và đưa đến khủng hoảng. Đồng thời các thế lực quân phiệt Thái Lan lúc nào cũng tiềm tàng hùng mạnh. Luôn chờ chực cướp chính quyền. Trong một nền quân chủ lập hiến nghiêm chỉnh như Anh Quốc, Nhật Bản…thì khi có những xung đột chính trị như thế và quân đội có khuynh hướng cướp chính quyền, thì quốc vương phải tích cực hổ trợ cho chính quyền dân cử hầu duy trì và ôn định chính trị. Trong khi đó, Hoàng Gia Thái, vào thời điểm trọng đại này, đã có nhiều dấu hiệu đứng về phía quân đội hầu lật đổ bà Yingluck Shinawatra. Điều này chứng tỏ rằng, tuy Hoàng Gia Thái Lan từ năm 1932, đã chấp nhận gia nhập tiến trình dân chủ hóa, nhưng dưới ảnh hưởng của những thế lực bảo hoàng, vua Bhumibol đã không thi hành trách nhiệm của mình như một vị minh quân đúng nghĩa, vì nước, vì dân. Khi ông mặc thị dung túng cho quân đội cướp chính quyền từ một chính quyền dân chủ hai lần. Lần thứ nhất ngày 19 tháng 9, 2006 lật đổ chính quyền dân cử của Thaksin và giải tán đảng Thai Rak Thai của ông lãnh đạo. Lần thứ hai lật đổ bà Yingluck và đảng People’s Power Party vốn là hậu thân của Thai Rak Thai Party. Hai đảng này được coi là được sự ủng hộ của giai cấp nghèo và lao động Thái Lan và là có tiềm năng trở thành đối thủ của vương quyền cùng quân đội, vốn đã trở thành những định chế thoái hóa. Tuy bản hiến pháp 2016 là một bước thoái lui trong tiến trình dân chủ hóa, nhưng những khuyết điểm phi dân chủ của nó vô cùng hiển nhiên và đi ngược trào lưu tiến hóa của nhân loại cũng như quyền lợi người dân Thái. Một khi vị vua uy tín nhưng già nua Bhumibol 88 tuổi qua đời, vương triều sẽ mất đi nhiều uy tín. Quân đội sẽ mất đi một điểm tựa tinh thần và tiến trình dân chủ hóa sẽ gia tốc cho đến khi viên mãn. Tương tự, hiến pháp 2013 của CSVN bề mặt là một bước thoái trào trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, nhưng những khuyết điểm phi dân chủ của nó lại vô cùng hiển nhiên hơn hiến pháp Thái Lan nhiều, như tôi có phân tích trong cuốn “Phê Bình Song Ngữ Toàn Diện Hiến Pháp 2013 của Việt Nam”. Nếu Hoàng Gia và quân đội Thái Lan không thuận lòng dân, đồng hành cùng họ trong tiến trình dân chủ hóa, thì dù nhân dân Thái có tôn sùng triều đại Chakri, chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng hủy diệt vương quyền và sự thiết lập một thể chế cộng hòa trên đất chùa tháp. Nếu đảng CSVN không thuận lòng dân và nhanh chóng đồng hành với toàn dân tộc trong tiến trình dân chủ hóa đất nước, chúng ta cũng không thể loại trừ xác xuất những xung đột đầy máu và nướt mắt trong tương lai giữa nhân dân và đảng CSVN đưa đến sự hủy diệt toàn diện tập thể này.

Ðánh Giá Di Sản Ông Hồ Chí Minh Qua Hiện Tình Ðất Nước- Luật Sư Ðào Tăng Dực

01/02/17: Như một nhân vật lịch sử đương đại, Ông Hồ Chí Minh được những người Cộng Sản Việt Nam tôn sùng đến mức độ thần thánh, nhưng ông lại bị những người quốc gia, nhất là người Việt hải ngoại kết án là một tội đồ dân tộc. Cả hai bên không thiếu những người cực đoan, sử dụng những danh từ quá khích để thóa mạ lập trường của nhau. Bài này là một cố gắng khách quan đánh giá vị trí thực sự của Ông Hồ Chí Minh trong lịch sử đất nước. Ngôn từ tôi sử dụng luôn trung dung và những sách vở dẫn chứng tương đối không thiên vị. Ông Hồ sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 (Charles Fenn, t.16). Tên thật là Nguyễn Sinh Cung. Có thể nói Ông và Ông Mao Trạch Ðông suýt soát tuổi với nhau. Mao Trạch Ðông sinh ngày 26 tháng 12 năm 1893. Hai nhà lãnh tụ cộng sản của đầu thế kỷ 20 không những chia xẻ lý tưởng cộng sản mà còn gặp nhau nhiều lần trên con đường tranh đấu chông gai trước mắt của họ. Tuy nhiên sự khác biệt giữa hai nhân vật sẽ giúp chúng ta đánh giá khách quan vai trò và vị trí của Ông Hồ. Năm 1921, Mao Trạch Ðông tham gia Ðại Hội đầu tiên của Ðảng cộng sản Trung Quốc tại Thượng Hải, dưới quyền lãnh đạo của Maring, đại diện cho Ðệ Tam Quốc Tế. Họ Mao không phải là lãnh đạo của đảng CSTQ vào giai đoạn mới được thành lập (Dick Wilson, t.93). Năm 1925, một chi bộ Việt Nam của Hội Á-Tế-Á-Nhược-Tiểu-Dân-Tộc đựơc thành lập tại Quảng Châu do Ông Hồ Chí Minh (dưới tên Nguyễn Ái Quốc), Lâm Ðức Thụ, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong chỉ huy, dưới quyền lãnh đạo tối cao của cố vấn Nga Borodine. Sau đó nhóm đổi tên thành Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội. Cộng sản Việt Nam chia ra thành nhiều nhóm nhỏ. Mãi đến năm 1930 Ông Nguyễn Ái Quốc mới thống nhất được các phe nhóm khác nhau dưới nhãn hiệu Ðông Dương Cộng Sản Ðảng. Ðến tháng Tư năm 1931 Ðông Dương Cộng Sản Ðảng chính thức được Ðệ Tam Quốc Tế công nhận (Nghiêm Xuân Hồng, tt.41-43). Một cách khách quan, ai cũng phải công nhận Ông Hồ là một chính trị gia lão luyện, không những của Việt Nam mà có thể của thế kỷ 20. Trên phương diện này Ông vượt lên trên các nhà cách mạng quốc gia chân chính như Nguyễn Tưòng Tam (Ðại Việt Dân Chính Ðảng), Trần Trung Lập và Ðoàn Kiểm Ðiểm (Việt Nam Phục Quốc Hội), Trương Tử Anh (Ðại Việt Quốc Dân Ðảng), Lý Ðông A (Ðại Việt Duy Dân Ðảng), Nguyễn Hải Thần (Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội), Vũ Hồng Khanh (Việt Nam Quốc Dân Ðảng)… Phần lớn chúng ta đều có nhận xét rằng, những thắng lợi của Ông Hồ hoàn toàn lệ thuộc vào chiến thắng của Mao Trạch Ðông tại Hoa Lục năm 1949. Tuy nhiên đánh giá như thế là hẹp cho Ông. Dĩ nhiên sự thành công của Ðảng CSTQ là một lợi điểm có tính cách chiến lược cho CSVN. Ðiều này giúp Ông Hồ thanh toán trọn vẹn các phe nhóm quốc gia đối lập và toàn diện lãnh đạo cuộc chiến chống thực dân, đưa đến chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954. Tuy nhiên sự lão luyện của Ông đã được biểu hiện trước khi Mao Trạch Ðông chiến thắng tại Hoa Lục rất lâu. Trước hết từ ngày 8/9/1941 Ông Hồ đã sớm nhận ra chiêu bài Cộng Sản không được toàn dân ủng hộ. Muốn sống còn cần phải đội lốt quốc gia một cách khéo léo. Chính vì thế vào ngày này Ông cho ra đời Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội dưới chiêu bài là một mặt trận gồm nhiều thanh phần kháng Pháp khác nhau nhưng bên trong do CSVN nắm giữ hoàn toàn. Tổ chức này là phong trào Việt Minh. Trong khi hàng ngũ các đảng phái quốc gia chia rẽ và thiếu tổ chức chuyên nghiệp thì CSVN xâm nhập mọi tầng lớp xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng. Ðến tháng 8 năm 1945 khi Nhật Bản đầu hàng Ðồng Minh thì chính trường Việt Nam bỏ trống. Chính Phủ Trần Trọng Kim ngơ ngác. Các đảng phái quốc gia thiếu viễn kiến và chậm tay. Trong khi đó Việt Minh đã cướp thời cơ và cướp luôn chính quyền, buộc hoàng triều Bảo Ðại thoái vị. Tuy nhiên Thực Dân Pháp với sự ủng hộ của Anh Quốc và theo chân quân Anh chiếm Sài Gòn, các tỉnh lỵ Nam Bộ và miền Trung. Chỉ sau khi Thực Dân Pháp và Việt Minh đã ổn định các vùng ảnh hưởng của họ, thì các đảng phái quốc gia mới kéo quân về từ Trung Quốc. Dưới sự bảo trợ của Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) ảnh hưởng của họ rất mạnh và đã chiếm được một số tỉnh miền Bắc, có thể lợi dụng sự tương tranh giữa Viêt Minh và Pháp để phát triển. Tuy nhiên, vào giai đoạn hiểm nguy nhất cho đảng CSVN này (từ 1945 đến 1949) Ông Hồ đã chứng tỏ sự lão luyện tuyệt vời của mình. Ông lừa gạt được các chính đảng quốc gia (qua một chính phủ liên hiệp), ký hoà ước Sainteny với người Pháp và lừa luôn cả Tưởng Giới Thạch (để Họ Tưởng rút quân về Trung Quốc). Khi Họ Mao chiến thắng tại Trung Quốc năm 1949 thì cái chết đã gần kề cho các chính đảng quốc gia (NXH, t.65-72). Như là một chính trị gia, không ai có thể chối cãi tính cách “lão luyện giang hồ” để sống còn và ngự trị trên chính trường của Ông. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất mà lịch sử sẽ nêu ra để đánh giá công lao của Ông Hồ đối với dân tộc Việt Nam sẽ vô cùng cụ thể và hoàn toàn không nên căn cứ vào sự lão luyên giang hồ đó: Ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN mà Ông xây dựng có đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam như chiêu bài CSVN nêu ra hay không? Thực ra vào tiền bán thế kỷ 20, khi các quốc gia Ðông Á thức tỉnh trước sự tụt hậu của mình và muốn thoát khỏi sự đô hộ hoặc chèn ép của ngoại bang, thì giới sĩ phu có hai con đường chính để chọn lựa: Một là canh tân hệ thống kinh tế và chính trị đất nước theo mô thức tư bản của các nước Tây Phương. Hai là đi theo con đường chuyên chính vô sản của Ðệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Hai con đường hoàn toàn khác nhau về bản chất và đòi hỏi những cấp độ hy sinh khác nhau. Con đường tư bản đòi hỏi: a. Trên phương diện kinh tế một trật tự xã hội mới, trong đó vai trò của các giai cấp thương, công, nông sẽ được nâng cao. Vai trò của giai cấp kẻ sĩ sẽ không còn trên đỉnh cao tuyệt đối của xã hội. b. Trên phương diện chính trị, một sự đoạn tuyệt với chế độ quân quyền và sự thành lập một chế độ cộng hoà, hoặc quân chủ lập hiến, trong đó các chính đảng có thể cộng sinh. c. Trên phưong diện văn hoá, nền văn hoá truyền thống vẫn được tiếp nối. Tam giáo (Phật Lão Khổng) vẫn hướng dẫn tâm linh của dân tộc, cùng với những tôn giáo Tây Phương như Thiên Chúa Giáo, trong tinh thần bình đẳng và hài hoà truyền thống. d. Nền độc lập và nền tảng dân tộc tự quyết không thay đổi, nếu không nói là sẽ được củng cố qua sự phát triển và cường thịnh kinh tế của quốc gia. Mặc dầu trên phương diện kinh tế có sự tái phối trí về đẳng cấp giữa các giai cấp xã hội truyền thống (sĩ, nông, công, thương), nhưng sự cải tổ có tính cách tiệm tiến và là một sự tiếp nối tự nhiên của xã hội truyền thống khi chuyển sang tư bản. Cũng như những quốc gia Tây Phương tân tiến cũng chỉ là những sự tiếp nối tự nhiên của xã hội truyền thống của họ. Có khác chăng là ở nhịp độ nhanh chóng hơn vì sự du nhập của các kỹ thuật tân tiến tây phương vào một xã hội nông nghiệp mà thôi. Ngay cả trên phương diện chính trị, sự đoạn tuyệt với chế độ quân quyền chuyên chính cũng không tạo ra những khủng hoảng trong tâm thức quần chúng vì nhiều thập niên đã qua từ khi người Pháp đô hộ Việt Nam từ năm 1884, các tư tưởng dân chủ đã luân lưu trong tâm thức của dân tộc Việt Nam và được chấp nhận. Trong bối cảnh kinh tế và chính trị đó, con đường tư bản Tây Phương có thể phát triển xứ sở mà không đánh mất nền văn hoá Ðông Á truyền thống của dân tộc. Ðó là con đường của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi và nhất là Tôn Dật Tiên của Trung Hoa Dân Quốc đang tồn tại tại Ðài Loan. Ðó cũng là con đường của Nhật Bổn và Nam Hàn hiện nay. Đó cũng chính là con đường của hai nhà đại chí sĩ chân chính của dân tộc là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh chủ trương. Con đường chuyên chính vô sản trái lại đòi hỏi nhiều và khắt khe hơn: a. Trên phương diện kinh tế, một cuộc các mạng vô sản toàn diện. Cuộc cách mạng vô sản này vô cùng khốc liệt và tàn nhẫn, đánh bật tận gốc rễ toàn thể trật tự kinh tế và xã hội cổ truyền. Giai cấp công nhân vô sản sẽ ngự trị. Mọi giai cấp khác sẽ bị triệt tiêu. b. Trên phưong diện chính trị, một mô hình chuyên chính vô sản, độc tài đảng trị vô tiền khoáng hậu được áp đặt. Ðây chính là tác phẩm của nhà độc tài Lê Nin. Mọi đảng phái đối lập đều bị tiêu diệt và nhà nước sẽ khống chế xã hội dân sự tuyệt đối. Ðảng Cộng Sản là trung tâm quyền lực duy nhất và sẽ thiên thu trường trị, bao lâu mà thiên đường cộng sản chưa đạt đến. c. Trên phương diện văn hoá thì mọi nền văn hoá tiền-cộng-sản đều phải triệt tiêu. Mọi tôn giáo đều là phản động và phản cách mạng. Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng. Chỉ có một văn hoá có thể tồn tại: Ðó là văn hoá Mác Xít. Giai cấp nghệ sĩ không còn tự do sáng tác mà phải là công cụ của Ðảng để tiêu diệt nền văn hoá truyền thống và xây dựng nền văn hoá Mác Xít. d. Khái niệm quốc gia độc lập và quyền tự quyết dân tộc hoàn toàn đi ngược ý thức hệ Mác Xít, có tính cách phản động và phải bị triệt tiêu. Cộng sản chủ nghĩa là một chủ nghĩa có tính cách quốc tế. Sự thành lập Ðệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, hoặc Ðệ Tứ Quốc Tế Cộng Sản là thể hiện mục đích bất di bất dịch đó. Trước ngưỡng cữa của tiền bán thề kỷ 20, sự khác biệt giữa Ông Hồ Chí Minh và các lãnh tụ quốc gia như Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Thái Học, Lý Ðông A nằm ở sự chọn lựa khác biệt này. Mặc dù họ không lão luyện giang hồ như Ông Hồ Chí Minh, nhưng họ là những sĩ phu phát xuất từ xã hội truyền thống, họ yêu mến chân thật nền văn hoá của dân tộc họ và họ quyết sống còn với nền tự chủ và vận mệnh của dân tộc họ. Tuy họ chia rẽ, thiếu kỷ thuật đấu tranh và quyết đoán vào một giai đoạn quan trọng của lịch sử, nhưng họ đã có minh trí và cảm nhận được nơi lý thuyết Mác Lê, tính hủy diệt và phi dân tôc của nó. Mặc dù sức cám dỗ của lý thuyết này vào tiền bán thế kỷ 20 rất lớn, họ đã không bị cám dỗ. Ở điểm chiến lược và quyết định này, họ sáng suốt hơn Ông Hồ. Họ xứng đáng là những người yêu nước chân chính hơn Ông vì vào điểm giao thời khó khăn đó, họ vẫn còn vững niềm tin nơi dân tộc họ. Ông Hồ, ngược lại, từ nguyên thủy đã mất niềm tin vào chính nền văn hoá của tổ tiên Ông, đã không còn hãnh diện về một quốc gia Việt Nam độc lập và tự quyết nữa. Một kẻ vong thân như thế sẽ dễ dàng bị lý thuyết Mác Lê cám dỗ. Chúng ta có thể kết luận rằng Ông Hồ Chí Minh là một kẻ lão luyện giang hồ, nhưng thiếu viễn kiến. Ông đã không nhìn ra tính phi nhân nội tại của Lý Thuyết Cộng Sản này, sự sụp đổ tất nhiên của nó 70 năm sau tại Liên Xô và tác hại của nó đối với nền độc lập và tự chủ của dân tộc. Tệ hơn nữa trên phương diện này, Ông hoàn toàn thua kém Mao Trach Ðông. Theo truyền thống của Ðệ Tam Quốc Tế, cả đảng CSTQ lẫn đảng CSVN, khi mới thành lập, đều phải chịu sự điều hành của Ðệ Tam Quốc Tế trên lý thuyết (tuy nhiên trên thực tế họ phải chịu sự điều hành của đảng CS Nga). Chính vì thế chúng ta nhận thấy sự hiện diện của Borodine khi Hội Á-Tế-Á-Nhược-Tiểu-Dân-Tộc (tiền thân đảng CSVN) được hình thành (1925) và sự hiện diện của Maring khi đảng CSTQ hình thành (1921). Tuy nhiên cái hay của Mao Trạch Ðông là sau đó có hùng tâm tráng chí thanh trừng ra khỏi hàng ngũ Ðảng CSTQ những phần tử thân Nga Sô. Họ Mao cũng là một lý thuyết gia lỗi lạc, không những lập thuyết mà còn chuyển hoá lý thuyết Mác Xít để áp dụng thực tế vào hoàn cảnh và văn hoá Trung Quốc. Trong khi đó, Ông Hồ không có khả năng tư duy lập thuyết. Ông chấp nhận làm một học trò chăm chỉ và trung thành của Mác, Lê, Stalin và cả Mao Trạch Ðông. Ông theo khuôn mẫu của Liên Xô trọn vẹn. Mô hình Liên Xô chú trọng đến sự kiểm soát nội bộ đảng cũng như xã hội bằng công an mật vụ và sự ưu việt của ngành này trong đảng. Mô hình Trung Quốc thì xử dụng và dựa vào quân đội nhiều hơn. Chính vì thế, tại Việt Nam, những thành phần lãnh đạo công an như Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ (thân Nga) nắm quyền tuyệt đối. Hậu quả là sau khi Ông Hồ qua đời, những thành phần tương đối có tinh thần dân tộc như Võ Nguyên Giáp bị chèn ép dữ dội và lép vế. Hậu quả là đảng CSVN luôn luôn thiếu sáng tạo, bắt chước Nga Sô, và sau khi CS Nga Sô triệt tiêu, đi sau học đòi Trung Quốc trên mọi phưong diện như những con vẹt thiếu khả năng tư duy độc lập. Chẳng hạn năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Ðặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã thức tỉnh và quyết tâm đổi mới. Ðảng CSVN vẫn cố chấp và bảo thủ. Mãi đến năm 1985, sau khi Gorbachev phát động chính sách đổi mới tại Liên Xô thì CSVN mới theo đuôi. Kết quả chậm hơn Trung Quốc 10 năm. Với sự sụp đổ của Liên Xô trong thập niên 90, CSVN lại nghiêng về Trung Quốc. Có thể nói rằng, đảng CSVN là một sự nối dài của sự thiếu viễn kiến và lệ thuộc ngoại bang của Ông Hồ từ thủa ban sơ. Tất cả mọi chính sách của đảng CSVN từ trước đến nay đều cóp nhặt hoặc của Liên Xô hoặc của Trung Quốc, từ lúc Ông Hồ còn sanh tiền cho đến lúc nhóm hậu duệ của Ông nắm quyền. Ông có đem lại tự do cho người dân Việt Nam hay không thì thật là rõ rệt. Ngày hôm nay, Việt Nam là một trong một số ít quốc gia chuyên chính vô sản nghèo nàn còn lại trên thế giới. Hiến Pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN năm 1992 có thêm điều 4 ghi rõ sự độc quyền của đảng Cộng Sản trên chính quyền và xã hội dân sự. Điều này tiếp tục được duy trì bằng mọi giá trong bản hiến pháp 2013. Những hậu duệ của Ông Hồ như Lê Duẫn, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng etc… là những nhà độc tài bảo thủ hiếm hoi của nhân loại trong thiên niên kỷ mới. Chúng ta có thể đánh giá dân Viêt có tự do hay không qua nhận định sau đây ngày 5 tháng 4, 2007 của Ông Michael Marine, Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhân dịp Linh Muc Công Giáo Nguyễn Văn Lý bị bạo hành, bịt miệng trước tòa, không được quyền mặt áo dòng, không được quyền có luật sư biện hộ và sau đó bị kết án 8 năm tù: “Ðáng tiếc thay hôm nay ngày càng có nhiều cá nhân bị tù đày hoặc quản chế tại Viêt Nam trong khi họ chỉ có tội phát biểu quan điểm một các ôn hòa. Trong những người này có nhà báo Nguyễn Vũ Bình, Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, nhà tranh đấu cho quyền lợi đất đai Bùi Kim Thanh, luật sư Lê Quốc Quân và Linh Mục Công Giáo Nguyễn Văn Lý. "Thật vậy, Cha Ly vừa bị kết án 8 năm tù, một bản án kỳ khôi vì tội của Ông ta chỉ là nói lên quan điểm một cách ôn hòa bênh vực cho những cải tổ chính trị. Trong tinh thần khuyến khích sự phát triển và hội nhập của Việt Nam vào trào lưu quốc tế, chính quyền CSVN phải trả tự do ngay cho các cá nhân này và những cá nhân khác. Chính quyền CSVN phải xúc tiến duyệt xét và rút lại nhửng luật pháp, cho phép sự phát biểu những quan điểm ôn hòa, ngay cả nếu những quan điểm này chỉ trích chính quyền. (và) những quan điểm như thế không còn trái với luật pháp nữa.” Ngoài ra, những cuộc bầu cử quốc hội theo lối đảng cử dân bầu, lần cuối cùng diễn ra vào ngày 22 tháng 5, 2016 trong đó, toàn dân bị tước đoạt quyền ứng cử qua vai trò chọn lọc ứng viên của Mặt Trận Tổ Quốc, rõ ràng khinh bỉ sự thông minh của toàn thể dân tộc, trong thời đại tin học toàn cầu, không còn lừa gạt được ai. Nếu chúng ta đánh giá Ông Hồ qua hậu duệ của Ông thì số điểm của Ông càng thấp hơn nữa. Ông có đem lại hạnh phúc cho dân tộc hay không được đánh giá qua các sự kiện sau đây: a. Về phương diện phát triển kinh tế, hiện tại, trong các quốc gia khu vực Ðông Á như Trung Quốc, Bắc Hàn, Nam Hàn, Ðài Loan, Nhật Bổn, Hồng Kông thì Việt Nam chỉ hơn được Bắc Hàn một chút. Lý do là vì CS Bắc Hàn có một chế độ độc tài đảng trị tàn độc và điên rồ nhất nhân loại. Ngoài ra, nếu tiếp tục theo chế độ hiện giờ thì khoảng từ 50 đến 100 năm sau dân tôc chúng ta mới bắt kịp các nước không cộng sản trong khu vực. b. Ðành rằng về phương diện nhân quyền và dân quyền thì dân Việt đã vô cùng hẩm hiu. Về phương diện chủ quyền thì CSVN muối mặt dâng đất và lãnh hải cho Trung Quốc để được bình yên cai trị dân chúng, tham nhũng vơ vét công khố. Tuy nhiên không có gì đáng xấu hổ bằng, trong thời đại thặng dư tin học này, mà các hậu duệ của Ông Hồ lại bày vẽ các tấn tuồng lố bịch để xiểng dương chế độ, nhưng kỳ thực bêu xấu cho toàn dân trên trường quốc tế. Một trong những ví dụ điển hình và xấu hổ nhất là ai cũng nhận thấy Việt Nam hiện nay là một chế độ chuyên chính, độc đảng và thủ tục bầu cử chỉ là một tấn tuồng trơ trẽn, đảng chọn sẵn cho dân bầu. c. Dân tộc Việt Nam từ bao nhiêu ngàn năm đã chứng tỏ là một dân tộc can trường và bất khuất, nhất là khi đứng lên chống lại ngoại xâm hoặc bảo vệ tổ quốc. Từ nhiều đời các lực lượng vũ trang và an ninh luôn luôn đại diện cho toàn dân, trung thành với dân tộc và bảo vệ cho công lý. Ðó cũng là trào lưu hiện đại của nhân loại vào thế kỷ 21. Chỉ riêng tại Việt Nam Quân Ðội và Công An mang tiếng là của nhân dân, nhưng kỳ thực chỉ là những tên đầy tớ trung thành của một đảng cướp có võ trang mà thôi. Một trong những tội lớn nhất của hậu duệ của Ông Hồ Chí Minh là biến bản chất anh hùng và bất khuất của quân đội thành những tên nô bộc của một chế độ độc đảng. Trong khi quân đội và các lực lượng an ninh của các quốc gia khác trên thế giới ngẩng mặt tự hào, thề trung thành với hiến pháp và tổ quốc của họ, đứng bên trên và bên ngoài các tranh chấp trên chính trường, bảo vệ trật tự xã hội và lãnh thổ quốc gia, thì tại Việt Nam trên thực tế họ là gia nô cho những gương mặt như Nông Ðức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng... d. Trong một kỷ nguyên mà khoa học soi sáng con đường cho mọi dân tộc, sự khai phóng và mở mang trí tuệ toàn dân, sự đả phá những huyền thoại hoang đường là kim chỉ nam cho các nhà lãnh đạo đất nước, thì tại Việt Nam, đám hậu duệ của Ông Hồ lại muốn phù phép, phong thần phong thánh cho Ông. Không phải vì họ thực sự tôn sùng Ông, nhưng chỉ vì có mê hoặc, ngu muội được dân trí thì chế độ độc tài đảng trị mới được trường tồn, những lãnh đạo chóp bu mới còn có cơ hội vơ vét công quỹ và xương máu của dân đen. e. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các đồ đệ của Ông từ Lê Duẫn đến Nguyễn Phú Trọng, đều tiếp tục di sản tinh thần của Ông qua công hàm bán nước của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958, có hậu quả bán Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Họ liên tục nhượng các hải đảo, vùng đất và vùng biển cho Trung Quốc, hầu duy trì sự ủng hộ của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc và qua đó, duy trì quyền lực độc tôn tại Việt Nam, trong một thời điểm trọng yếu của lịch sử, khi Trung Quốc bị công pháp quốc tế giáng một đòn sấm sét, qua phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế ngày 12 tháng 7 năm 2016, vô hiệu hóa toàn diện tính pháp lý của đường Lưỡi Bò TQ trên Biển Đông. Gần đây nhất, TBT Nguyễn Phú Trọng lại sang chầu TQ, ký them 15 hiệp ước song phương tăng cường sự lệ thuộc vào TQ, kể cả công tác huấn luyện cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng. Hiện tình đất nước như thế phát xuất từ quyết định của Ông Hồ Chí Minh, vào năm 1925, gia nhập phong trào Cộng Sản Quốc Tế, thay vì noi gương các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và các lãnh tụ quốc gia kháng Pháp khác. Không có Ông Hồ thì đất nước chúng ta ngày hôm nay đã qua mặt Thái Lan, Mã Lai và ít nhất phải sánh vai cùng Nam Hàn, Ðài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản rồi. Bước đi sai lầm của Ông Hồ đã di họa cho nhiều thế hệ dân tộc Việt Nam là như thế. Luật Sư Ðào Tăng Dực (Chú Thích: Bài nguyên thủy Viết Cho Tuyển Tập “Sự Thật Về Hồ Chí Minh” Trong Chiến Dịch “Tẩy Trừ Huyền Thoại Giả Trá Hồ Chí Minh” của Phong Trào Saì Gòn) Tài Liệu Tham Khảo: 1. Charles Fenn, Ho Chi Minh, a Biographical Introduction, 1973 2. Nghiêm Xuân Hồng, Lịch Trình Diễn Tiến của Phong Trào Quốc Gia Việt Nam, Ngày Về Tái Bản, Hướng Việt Phát Hành 3. VietnamNet.vn 4. Dick Wilson, Mao the People’s Emperor, 1979 5. V. I. Lenin, Imperialism, the Highest Stage of Capitalism, Foreign Language Press, Peking 1970

Danh dự và trách nhiệm của một quân nhân nghiêm chỉnh- Luật sư Đào Tăng Dực

02/07/21: Úc Đại Lợi dân số chỉ khoảng 25 triệu. Trên phương diện này Úc là một quốc gia nhỏ. Tuy nhiên vì tài nguyên phong phú, nền kinh tế phát triển và quân đội được trang bị bằng những vũ khí tối tân hàng đầu, nên có thể đánh giá là một cường quốc hạng trung về các phương diện kinh tế và quân sự. Theo truyền thống Anh Quốc và Hoa Kỳ, quân nhân của Úc kỷ luật, chuyên nghiệp, thiện chiến và đã chứng minh khả năng vượt bực của mình trong Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến, trong cuộc chiến quốc cộng tại Việt Nam và trong các chiến trường Trung Đông, nhất là tại Afghanistan. Quân đội Úc như một tập thể là một trong những định chế rường cột của nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên tại quốc gia này. Thêm vào đó, quân nhân cũng là niềm tự hào của dân chúng và giữ một vị trí xã hội nổi bật trong cộng đồng dân tộc. Đại tướng David Hurley được bổ nhiệm làm Tổng Toàn Quyền (Governor-General) thứ 27 của Úc từ năm 2019. Trước đó Ngài là toàn quyền (Governor) thứ 38 của tiểu bang lớn nhất Úc là New South Wales từ năm 2014 đến 2019. Một trong những Toàn Quyền tiền nhiệm là Đại Tướng Peter Cosgrove. Tuy nhiên trong một nền dân chủ chân chính, danh dự nêu trên của các quân nhân luôn đi kèm với những trách nhiệm nặng nề. Tuy là những chiến binh hy sinh tính mạng để bảo vệ tổ quốc, nhưng người quân nhân Úc cũng phải chấp nhận sự soi xét của công lý và công luận như tất cả mọi thành phần khác trong xã hội. Trường hợp điển hình là Tòa Án Liêng Bang đang xét xử một trong những vụ tranh tụng về tội Mạ Lỵ lớn nhất Úc Đại Lợi. Đó là vụ Ông Ben Roberts-Smith kiện công ty truyền thông Nine Entertainment về tội mạ lỵ danh dự của ông. Ben Roberts-Smith năm nay 42 tuổi, là một doanh nhân thành đạt. Ông là một cựu chiến binh của binh đoàn thiện chiến SAS (Special Air Service), là chiến binh nhận được 2 huy chương cao quý nhất của Úc, đó là Medal of Gallantry năm 2006 và Victoria Cross of Australia năm 2011. Chỉ là một hạ sĩ quan trong binh đoàn SAS nhưng ông lại là người anh hùng có một không hai tại Quốc Gia này. Đời sống dân sự của Ben Roberts- Smith rất thành công và chức vụ mới nhất của ông là tổng giám đốc Đài Truyền Hình Số 7 tại Brisbane. Nine Entertainment tố cáo ông vi phạm nhân quyền và quy luật chiến tranh tại Afghanistan, bao gồm hành động khuân một người Afhanistan tật nguyền, ném xuống đất và bắn 10 đến 15 phát đạn vào nạn nhân. Các câu hỏi chúng ta nêu ra là: 1. Tại sao chính phủ Úc trước đây đã chính thức điều tra về các lời cáo buộc tội phạm chiến tranh của binh đoàn thiện chiến nhất của quốc gia là SAS nói chung? 2. Tại sao công ty truyền thông Úc Nine Entertainment lại cáo buộc cá nhân một người hùng binh đoàn SAS, được quốc gia ban phát nhiều huy chương cao quý nhất về những tội phạm chiến tranh tại một chiến trường tàn khốc nhất tại Trung Đông là Afghanistan? Câu trả lời nghiêm chỉnh là: Cộng đồng dân tộc Úc không muốn những tội ác chống nhân loại như Thảm sát Mâu Thân tại Cố Đô Huế, Thảm Sát Thiên An Môn tại Bắc Kinh, Quân Đội tàn sát người biểu tình tại Miến Điện và những tội ác tương tự trên đất nước họ. Quan trọng hơn nữa Úc Đại Lợi, như một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, không thể dung túng cho bất cứ một tập thể dù là binh đoàn thiện chiến SAS, hay một cá nhân người hùng vĩ đại cỡ nào, nếu cá nhân hay tập thể đó vi phạm những gia trị cốt lõi của dân tộc. Các giá trị cốt lõi đó, được khắc ghi trong hiến pháp và trong ban tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, cùng với các công ước quốc tế liên hệ mà quốc gia Úc long trọng ký kết. Một quân nhân Úc, dù chinh chiến nơi xa, cũng không thể sát hại những dân lành vô tội tại các quốc gia sở tại, không thể coi thường nhân quyền và quyền sống của bất cứ một thành phần nào của cộng đồng nhân loại. Khi các cơ quan truyền thông soi xét và cáo buộc những hành động vi phạm nhân quyền này, không phải vì họ thiếu lòng yêu nước. Ngược lại chính họ mới yêu nước và đóng góp thiết thực vào công tác củng cố các bản giá trị cốt lõi của quốc gia. Nếu Chiến binh Roberts-Smith vượt lên trên những thử thách này và thắng kiện, danh dự được bảo toàn, thì sự bồi thường của công ty truyền thông Nine Entertainment sẽ rất lớn, vai trò người hùng, lãnh đạo xã hội trong tương lai sẽ rộng mở và ông sẽ xứng đáng hưởng những vinh dự dành cho một người quân nhân gương mẫu. Nếu ông thua kiện và có đủ bằng chứng về các tội phạm chiến tranh, thì tòa án sẽ trao các chứng cớ cho các cơ quan công tố hầu truy tố về hình sự. Bài học cho cá nhân các quân nhân cũng như tập thể quân đội trong một nước Việt Nam dân chủ tương lai là: ngoài sự dũng cảm trên chiến trường để bảo vệ tổ quốc, người quân nhân còn có trách nhiệm quan trọng hơn là: sống và thể hiện trong mọi tình huống những giá trị nhân bản cốt lõi của dân tộc Việt. Đó chính là chặn đứng độc tài, đứng về phía nhân dân, trân trọng sinh mạng và nhân phẩm của từng cá nhân con dân nước Việt.

Đảng cử dân bầu- cuộc lừa đảo xuyên thế kỷ- LS Đào Tăng Dực

29/05/21: Ngày 23 tháng 5 vừa qua, đảng CSVN đã xúc tiến và hoàn tất cuộc bầu cử cái gọi là Quốc Hội nước CHXHCNVN, với 500 đại biểu quốc hội đắc cử mà tuyệt đại đa số trên 90% là đảng viên đảng CSVN. Đảng CSVN đã sử dụng một thể chế chính trị dân chủ chân chính là quốc hội chế như công cụ để thực thi độc tài đảng trị. Cái loa tuyên truyền của đảng một lần nữa huyênh hoang tuyên truyền theo điều 69 của Hiến Pháp 2013 rằng Quốc Hội là “Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của CHXHCNVN” Các chế độ CS thâm độc vô cùng khi sử dụng quốc hội chế và cưỡng bách bầu cử định kỳ hầu tạo ra nhãn hiệu chính danh cho chế độ. Tại sao các chế độ CS chuộng quốc hội chế thay vì tổng thống chế? Lý do chính là vì tổng thống chế đòi hỏi tam quyền phân lập và phải bầu cử cả hành pháp (tức tổng thống) lẫn lập pháp (tức quốc hội) Theo quan điểm tam quyền phân lập thì phải bầu cử cả hai nghành hành pháp và lập pháp. Sau đó tư pháp (tức tối cao pháp viện và các tòa án) được bổ nhiệm với sự đề nghị của hành pháp và được quốc hội thông qua. Điều này sẽ tạo nhiều khó khăn hơn cho các chế độ CS nói riêng và các chế độ độc tài nói chung. Các đảng CS hoàn toàn không chấp nhận khái niệm kiểm soát và quân bình (checks and balances) như tại Hoa Kỳ. Nhiều chỉ dẫn cho thấy, độc tài không những là một tội ác, mà còn là một hội chứng bệnh hoạn. Độc tài có thể núp bóng không những quốc hội chế mà cả tổng thống chế. Tuy nhiên, trong phạm vi tương đối, lich sử cũng chứng minh rằng, các chế độ độc tài núp bóng tổng thống chế (như phần lớn các quốc gia nam Mỹ Châu, Indonesia và Phi Luật Tân) dễ chuyển tiếp dân chủ hơn các chế độ độc tài núp bóng quốc hội chế (như các chế độ CS tiêu biểu gồm Liên Bang Sô Viết cũ, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Cuba) Tuy quốc hội chế tự nó là một mô hình dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, nhưng điều kiện đòi hỏi căn bản là dân tộc phải có một truyền thống dân chủ bền vững như Vương Quốc Thống Nhất Anh, Canada, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan… Nếu không thì tính tối cao của Quốc Hội dễ đưa đến sự độc tài khi một chính đảng khống chế đa số trong cơ quan quyền lực tối cao là quốc hội và không đủ khả năng tự chế để chấp nhận một thiểu số đối lập. Trong các chế độ dân chủ chân chính theo quốc hội chế thì tư pháp thật sự độc lập và như thế sẽ có nhị quyền phân lập gồm một bên là quốc hội và chính phủ cũng từ quốc hội sinh ra. Bên kia là tối cao pháp viện và hệ thống tòa án. Tuy nhiên trong một chế độ độc tài CS thì hệ thống tư pháp cũng chỉ là một công cụ của chính đảng nắm quyền, không hề có nhị quyền phân lập mà chỉ có nhất quyền vì quyền lực chính trị chỉ phát xuất từ một tụ điểm duy nhất là đảng CS mà thôi. Thêm vào đó, quốc hội chế, vì yếu tính tối cao của quốc hội, ở cấp bực quốc gia, chỉ có nhu cầu bầu cử quốc hội mà thôi, không cần bầu cử hành pháp tức tổng thống như trong tổng thống chế. Các đảng CS chỉ cần tổ chức bầu cử quốc hội. Nắm chắc và thao túng được đa số quốc hội, thì họ danh chánh ngôn thuận bầu ra chủ tịch nước, thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng và kiểm soát tuyệt đối hệ thống tòa án. Chính vì thế trò hề đảng cử dân bầu quốc hội trở thành mấu chốt quan trọng trong chiến lược cầm quyền của các đảng CS trên thế giới. Dĩ nhiên, sự kiện các đảng CS sử dụng quốc hội chế, làm bình phong để thực thi độc tài đảng trị, không hề làm suy giảm giá trị của quốc hội chế như một trong 2 mô hình chính trị dân chủ chân chính nền tảng của thế giới tự do. Tuy nhiên, trước mắt, cái mà người CS trên thế giới tối kỵ là khái niệm tam quyền phân lập của tổng thống chế như tại Hoa Kỳ. Trong giai đoạn ngắn hạn, nếu theo tổng thống chế, họ sẽ phải tổ chức bầu cử cả quốc hội lẫn tổng thống. Như thế gian lận sẽ phải tốn công gấp 2 lần và bị lộ liễu hơn. Trong giai đoạn dài hạn thì tổng thống chế (dù có trá hình) vẫn có thể chuyển biến thành dân chủ chân chính nhanh chóng hơn. Người CS tin tưởng rằng, họ đã và đang kiểm soát quyền lực tuyệt đối qua yếu tính “tối cao của quốc hội” từ quốc hội chế. Đây là lý do họ sẽ bám víu định chế này mà không bao giờ buông bỏ. Tuy nhiên cái mà Lê Nin, Stalin và Mao Trạch Đông không ngờ tới là cuộc cách mạng tin học bắt đầu từ thế kỷ 20 đã nâng cao ý thức chính trị của người dân và những cuộc bầu cử “đảng cử dân bầu” này không những không hề đem lại chính danh, mà trở thành nỗi nhục quốc thể cho các dân tộc bị CS cai trị. Tấn tuồng đảng cử dân bầu là một trò lừa gạt các dân tộc nhược tiểu xuyên thế kỷ, do các ảo thuật gia độc tài ma quái như Lê Nin, Stalin và Mao Trạch Đông dựng lên. Tuy nhiên trò hề này chắc chắn sẽ cáo chung trước ánh sáng của tin học và sự hiểu biết trong thế kỷ 21. Ngày tàn của các đảng CS và sự ưu thắng của khái niệm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên sẽ đến với các quốc gia bị CS thống trị một ngày không xa.

Đảng CSVN và sự gian dối vô giới hạn- LS Đào Tăng Dực

28/08/21: Khoảng trung tuần tháng 8, trong khi Đại Dịch Vũ Hán hoành hành tại Sydney và TP Hồ Chí Minh, chúng ta chứng kiến hai cảnh tượng hoàn toàn khác nhau giữa 2 quốc gia. Tại Sydney và Úc nói chung thì các chính phủ tiểu bang liên hệ tung ra hằng loạt các điều luật giới hạn các sinh hoạt xã hội và kinh tế như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và giới hạn nghiêm khắc các dịch vụ thương mại. Chính phủ còn ra các biện pháp an ninh do các lực lượng cảnh sát, hợp tác với quân đội hầu bảo vệ trị an và giám sát mức độ tuân thủ luật pháp của quần chúng. Tại TP Hồ Chí Minh và Việt Nam nói chung thì các chính quyền địa phương liên hệ cũng áp dụng những phương thức chống dịch tương tự nhưng có các khác biệt đáng chú ý sau đây: 1. Tại Sydney, tuy bị giới hạn, nhưng mỗi gia đình có thể có một người rời nhà hầu hoàn tất những dịch vụ thiết yếu như mua thực phẩm, thuốc men, dịch vụ y khoa…Không gia đình nào phải nhịn đói. Tại Úc không có sự kiện ngăn sông cấm chơ hoặc phong tỏa bằng kẽm gai hoặc các chướng ngại vật khác toàn thể một khu phố, hoặc đường hẻm như tại Việt Nam. Sự kiện này gây trở ngại cho sinh hoạt và thiếu thực phẩm cho nhiều gia đình lao động tại TP Hồ Chí Minh. 2. Tại Sydney nói riêng và Úc nói chung, dân chúng hoàn toàn an cư lạc nghiệp và tuân thủ lệnh cấm của chính phủ, mặc dầu có biểu tình hằng ngàn người chống lại sách lược chích thuốc ngừa đại dịch tại Melbourne và Sydney. Cảnh sát các tiểu bang lập biên bản cho từng trường hợp và phạt vạ hoặc đưa ra tòa theo luật pháp bình thường. Tuy nhiên tại TP Hồ Chí Minh, ngoài cảnh nghèo khổ thiếu ăn vì chính sách cấm đoán của CSVN, còn có hiện tượng hằng chục ngàn người dân tạm trú và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, di tản về các tỉnh nguyên quán của họ, hầu tránh đói và tránh dịch. Đói vì họ đã mất công ăn việc làm và không còn đủ tiền tiết kiệm để mua thức ăn cho gia đình. Tránh dịch là vì nơi ở chen chúc và chật hẹp dễ lây bệnh. 3. Tại cả Sydney lẫn TP Hồ Chí Minh đều điều động các đơn vị quân đội tiếp sức với cảnh sát hầu bảo vệ an ninh trật tự và bảo đảm mức độ tuân thủ luật pháp của người dân. Quân đội Úc mặt quân phục bình thường, không mang theo vũ khí sát thương và không có cơ giới nặng. Sự khác biệt là các đơn vị quân đội nhân dân CSVN đều mặc áo giáp, trang bị vũ khí sát thương tận răng và có sự trợ giúp của các đơn vị cơ giới. Ai cũng biết rằng, con vi khuẩn Corona này không hề kiêng sợ áp giáp, vũ khí sát thương hoặc xe tăng thiết giáp. Chỉ có nhân dân là kiêng sợ mà thôi. Rõ ràng sự hiện diện của quân đội Hoàng Gia Úc là để bảo vệ nhân dân còn sự hiện diện của cái gọi là Quân Đội Nhân Dân VN là để đàn áp nhân dân khi cần thiết. Tuy nhiên sự khác biệt mang nhiều ý nghĩa nhất giữa một chính quyền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên bên này, và chế độ cộng sản toàn trị bên kia, là khả năng gian dối vô giới hạn của đảng CSVN nói riêng và các đảng CS thuộc phong trào Đệ Tam Quốc Tế nói chung. Lich sử chứng minh rằng trong phần lớn thế kỷ 20, các đảng CS trên toàn thế giới chiến thắng vì 2 yếu tố quan trọng: 1. Một là họ có khả năng tàn ác vô giới hạn và 2. Hai là họ có khả năng gian dối vô giới hạn. Cụ thể là khi chúng ta lên Youtube và xem những video do chính người dân đưa lên (thay vì những video tuyên truyền 1 chiều do các cơ quan cò mồi của đảng đưa lên) thì ngoài sự sợ hãi và đói khổ của dân đen, chúng ta còn chứng kiến ngay những gian dối của chế độ. Ấn tượng nhất là hình ảnh của những sĩ quan công an, phần lớn là to béo mập mạp, đứng trước hằng ngàn người dân ốm yếu trên xe gắn máy, chở vợ con và vật dụng tùy thân trên đường di tản ra khỏi TP Hồ Chí Minh. Sau lưng những công an này là những xe thiết giáp và các công an vũ trang hung dữ. Các công an kêu gọi đồng bào hãy quay đầu xe và trở lại nơi cư trú của họ tại TP Hồ Chí Minh, thay vì đi về các tỉnh nguyên quán, theo đúng chỉ thị 16 của chính phủ. Các công an này cũng làm một điều mà không một cảnh sát hoặc nhân viên công lực nào tại các quốc gia dân chủ chân chính có thể làm. Đó là họ công khai tuyên bố trước nhân dân dưới nhiều hình thức nhưng đại khái như sau: “Chúng tôi kêu gọi đồng bào hãy tuân thủ luật pháp, quay đầu xe, trở về nơi cư trú cũ của mình tại TP Hồ Chí Minh. Chính phủ bảo đảm là các chủ nhà cho thuê của đồng bào đã đồng ý tiếp tục cho thuê, đồng bào chắc chắn sẽ có chỗ ở và chính phủ sẽ cung cấp thức ăn cho mọi người mỗi ngày 3 bữa đầy đủ”. Tại sao các công an CSVN bảo đảm được những điều mà không một nhân viên công lực nào tại các quốc gia dân chủ dám làm? Lý do thì nhiều nhưng chủ yếu là sự khác biệt giữa 2 hệ thống pháp lý khác nhau. Trước hết, Pháp chế xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam hoàn toàn khác biệt với chế độ Pháp Trị tại Úc hoặc các quốc gia dân chủ chân chính. Trong bản chất, Pháp chế xã hội chủ nghĩa chỉ là một mỹ từ để diễn tả một thực trạng công an trị căn cứ trên luật rừng. Trong khi đó, chế độ pháp trị trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên kèm theo nguyên tắc kiểm soát và quân bình (checks and balances) nghiêm ngặt. Từ một công an CSVN đến một ủy viên bộ chính trị hứa lèo và dối gạt đồng bào sẽ được pháp chế xã hội chủ nghĩa bao che. Trong khi đó từ một nhân viên công lực Úc đến một bộ trưởng chính phủ, nếu hứa lèo và dối gạt nhân dân sẽ chịu trách nhiệm trước một tòa án công khai và công bằng, trên cả 2 bình diện hình luật (criminal law) lẫn dân sự (civil law). Lý do CSVN bám víu không khoang nhượng khái niệm què quặt Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa vì khái niệm này giúp họ bảo toàn khả năng gian dối vô giới hạn, một trong 2 vũ khí chính đã giúp cho họ cướp chính quyền và nắm giữa chính quyền. Những tuyên bố hoang tưởng của TBT Nguyễn Phú Trọng và CTN Nguyễn Xuân Phúc về xã hội chủ nghĩa, lòng tin của nhân dân vào đảng, tình hình kinh tế Việt Nam, công tác phòng chống Đại Dịch Vũ Hán…không nhất thiết là những hoang tưởng của những cá nhân suy giảm trí tuệ, mà trong bản chất hàm chứa ý chí lừa gạt nhân dân và cộng đồng quốc tế, vô giới hạn. Stalin lừa gạt dân tộc Ba Lan và sát hại 22.000 sĩ quan của quốc gia này tại Rừng Catyn năm 1940 chứng minh cả 2 khả năng tàn ác vô giới hạn và gian dối vô giới hạn nêu trên của đảng CSLX. Sự kiện đảng CSVN ký hiệp định Paris năm 1973 với Hoa Kỳ và sau đó xé hiệp định, xâm chiếm miền nam năm 1975 hoàn toàn nằm trong sách lược gian dối vô giới hạn của người CS. Người miền nam luôn còn ghi nhớ trong ký ức lời hứa của đảng CSVN với quân cán chính quân Lực VNCH như sau: “Các anh đừng lo, Bác và đảng rất khoan hồng, các anh chỉ đi học tập cải tạo 3 tháng và sau đó sẽ được trả về nhà đoàn tụ gia đình.” Sự thật thì phần lớn quân cán chính đi tù cải tạo nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên, trong những điều kiện phi nhân ngoài sực chịu đựng của con người và hằng ngàn người vùi thây nơi chốn rừng hoang nước độc. Sự kiện gần đây nhất là Thủ Tướng Phạm Minh Chính khuyến khích nhân dân trình bày sự thật, nói lên sự thật, nhưng sau đó Công An CSVN lại áp lực cho Đại Học Duy Tân cách chức cô giảng viên Trần Thị Thơ, vì chỉ trích sách lược chống Đại Dịch Vũ Hán của đảng. Trong bối cảnh tin học của thế kỷ 21, sự kiện hằng ngàn người dân quay đầu xe gắn máy, trở lại nơi tạm trú của họ tại TP Hồ Chí Minh, không phải vì họ tin vào lời hứa của cán bộ công an bảo đảm chỗ ớ an toàn và ngày cơm 3 bữa đầy đủ đảng sẽ cung cấp cho mỗi người. Nhưng trên thực tế những người dân khốn khổ này tay không tất sắt và họ không thể vượt qua hàng rào xe tăng, thiết giáp và vũ khí sát thương của lực lượng công an vũ trang. Sự kiện người dân TP Hồ Chí Minh chưa đứng lên, xuống đường, đạp đổ đảng CSVN không phải vì họ tin vào lời tuyên bố hoang tưởng của TBT Nguyễn Phú Trọng hoặc CTN Nguyễn Xuân Phúc rằng mặt trời đang tỏa sáng trên toàn cõi Việt Nam, hoặc niềm tin của nhân dân vào đảng chưa bao giờ lớn lao như hôm nay, hoặc cột đèn tại Mỹ cũng chạy về Việt Nam trốn dịch, nhưng tại vì TBT Nguyễn Phú Trọng và bè đảng đang nắm trong tay quyền lực áp đảo của công an và quân đội. Tuy nhiên lịch sử cũng chứng minh rằng không một thực thể chính trị nào có thể tồn tại nếu đi ngược lòng dân. Chủ nghĩa cộng sản đang thoái trào. Lòng dân căm phẫn. Đại dịch Vũ Hán đã làm nhân dân thêm sáng mắt tỏ lòng. Tức nước sẽ vỡ bờ và ngày tàn của tập thể hèn với giặc và ác với dân không còn xa.

Đảng CSVN và người đàn ông Ấn Độ xẻ núi- Luật sư Đào Tăng Dực

23/12/16: Tình cờ đọc một bài viết về câu chuyện có thật (tác giả Hữu Bằng đăng trên báo Đại Kỷ Nguyên VN) của một người đàn ông nông dân Ấn Độ tên Manjhi khi vợ bị thương nặng trong một tai nạn năm 1959, phải đưa đi nhà thương. Vì bị một ngọn núi chặn đường, phải đi vòng quanh núi mất nhiều thời gian. (http://www.daikynguyenvn.com/doi-song/lao-nong-khung-suot-22-nam-tay-khong-xe-nui-bi-che-cuoi-ket-qua-sau-do-khien-ai-cung-ne-phuc.html) Khi đến nhà thương thì quá trễ và người vợ thương yêu của ông qua đời. Sau đó, một thân một mình, mặc cho những lời đàm tiếu và búa rìu dư luận, ông đã quyết định dùng những dụng cụ thô sơ, kiên trì suốt 22 năm, phá và tạo ra một con đường xuyên núi, giúp cho dân làng của mình tiết kiệm thời giờ quý báu, đưa thân nhân đến nhà thương nhanh chóng hơn. Ông qua đời năm 73 tuổi vì ung thư bàng quang, được chính quyền tiểu bang Bihar làm “quốc táng” và câu chuyện của ông được đóng thành phim, làm gương cho hậu thế. Khi so sánh với nông dân Manjhi này, nhiều dân tộc bất hạnh trên thế giới, khi phải đối đầu với thảm họa Cộng Sản, thì chướng ngại họ gặp còn lớn lao hơn ngọn núi chặn đường sống của người vợ mà Manjhi yêu dấu rất nhiều. Nếu so với ngọn núi cản đường Manjhi thì các đảng cộng sản trên thế giới có thể ví như những rặng Hi Mã Lạp Sơn chặn đường tiến hóa các dân tộc. Trước hết ý thức hệ Mác Lê là một ý thức hệ giáo điều khắc nghiệt và các đảng cộng sản trên thế giới là những định chế bảo thủ và kiên định, xây dựng trên những bản năng và dục vọng thấp hèn nhất của con người. Các đảng CS trên thế giới kéo dài được hơi thở và mạng sống cũng vì giới lãnh đạo từ Đặng Tiểu Bình đến Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh đến quyền lợi và bổng lộc của từng đảng viên sẽ được bảo vệ bao lâu mà đảng còn thống trị tuyệt đối. Chính vì thế, tuy chống đối lẫn nhau bề nổi, nhưng trong bản chất, cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Nguyễn Tấn Dũng đều ý thức sâu sắc nguyên tắc tập thể lãnh đạo và luân phiên lãnh đạo hầu duy trì đảng trị và phân chia quyền lợi, theo đúng lời dạy của Thái Sư Phụ Đặng Tiểu Bình. Các đảng cộng sản là những ngọn núi lớn lao và vững chắc hơn các chế độ quân phiệt, độc tài cá nhân trị và ngọn núi của Manjhi. Con đường dân chủ hóa của các dân tộc bị cộng sản cai trị muôn vàn khó khăn. Liên Bang Xô Viết và các quốc gia Đông Âu phải mất 70 năm mới vượt thoát khỏi hiểm họa này, lâu hơn hẳn Manjhi. Các dân tộc khác như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Lào chắc chắn cũng phải chấp nhận mất nhiều thời gian tương tự. Chính vì thế, mỗi cá nhân đang kiên trì dấn thân vào con đường dân chủ hóa đất nước, nhất là những người đã kiên trì từ các thập niên 70 sau ngày miền Nam rơi vào tay CS, đã kiên trì tranh đấu suốt 40 năm, xứng đáng được tuyên dương như những con người bất khuất nhất lịch sử dân tộc. Nông dân Manjhi chỉ là một con người chất phát, ít học, chỉ biết sử dụng những khí cụ thô sơ. Thế nhưng ông vẫn thành công vì ý chí dấn thân sắt đá, tình yêu của ông đối với vợ và dân làng vô bờ bến và ngọn núi đối diện với ông mặc dầu vĩ đại nhưng rồi cũng phải quy hàng. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, yếu tố mà những người Việt tham gia vào tiến trình dân chủ hóa đất nước cần phải học hỏi từ nông dân Manjhi là ý chí dấn thân sắc đá kiên định. Dĩ nhiên, trong hàng ngũ những người tranh đấu cho tiến trình dân chủ hóa đất nước không thiếu nhiều người trí thức và hiểu biết. Tuy nhiên điều đáng buồn là trong cuộc tranh đấu dài nhiều thập kỷ, có người đã bỏ cuộc, trở nên yếm thế và làm suy giảm tiềm năng của công cuộc đấu tranh. Thêm vào đó, trên bình diện đấu tranh chính trị, chỉ có sự đối kháng có tổ chức mới làm CSVN sợ hãi và tích cực đàn áp. Trong khi đó rất nhiều thành phần trí thức bất đồng chính kiến chọn con đường dễ đi là cá nhân chống đối và không dấn thân tích cực như nông dân Manjhi. Một khó khăn nữa là đảng CSVN không phải là một khối đá vô tri, bất di bất dịch, mặc cho chúng ta đục đẽo, mà là một thực thể sinh động, có thể uyển chuyển co giãn, làm cho công cuộc tranh đấu dân chủ hóa đất nước trở nên phức tạp hơn nhiều. Chính vì thế, cũng như Manjhi vậy, tiến trình dân chủ hóa Việt Nam cần những con người ý chí dấn thân kiên định và một tình yêu dân tộc Việt Nam vô bờ bến. Đảng CSVN tuy không phải là một khối đá vô tri vô giác, nhưng cũng bị xoi mòn và tha hóa bỡi trào lưu tư tưởng và tin học của nhân loại. Thêm vào đó, lực lượng tranh đấu cho tiến trình dân chủ hóa cũng có thể phát huy sinh động và muôn màu muôn sắc. Và cũng chính vì thế ý chí dấn thân kiên định phải là điều kiện tiên quyết và chúng ta cần phải vinh danh tất cả những cá nhân, nhất là những cá nhân lãnh đạo các tập thể đấu tranh trong nước lẫn hải ngoại, trong suốt nhiều thập niên qua, bất chấp các trở lực khách quan và búa rìu dư luận, như những Manjhi xẻ núi bạt ngàn của đất nước Việt Nam.

Đảng CSVN đùa bỡn vô trách nhiệm với hiến pháp và các định chế tôn kính của quốc gia- Luật sư Đào Tăng Dực

19/04/2016: Người CSVN đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng là đánh giá rất thấp trí tuệ của người dân Việt Nam. Thay vì tôn trọng nhân phẩm và trí thông minh của nhân dân qua những định chế rường cột của quốc gia như: Quốc Hội, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng Chính Phủ, Chủ Tịch Quốc Hội …vì các định chế này, chứ không phải các cá nhân giữ chức vụ, thể hiện hiến pháp và trí tuệ tập thể của cả dân tộc, thì họ trắng trợn bôi bẩn sự tôn nghiêm của quốc thể qua những mánh lới lừa lọc rẻ tiền, mua quan bán tước. Thật vậy, ngày 7 tháng 4 năm 2016, Ông Nguyễn Xuân Phúc đắc cử với số phiếu trên 90% và tuyên thệ trở thành tân thủ tướng, thay thế ông Nguyễn Tấn Dũng. Trước đây ông Nguyễn Phú Trọng đã được đảng CSVN tín nhiệm tái đắc cử vào chức vụ Tổng Bí Thư đảng thêm một nhiệm kỳ. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã đắc cử chủ tịch Quốc Hội và tuyên thệ nhậm chức ngày 31 tháng 3, sau đó Đại tướng công an Trần Đại Quang đắc cử chức vụ Chủ Tịch nước và tuyên thệ nhậm chức vào ngày 2 tháng 4. Cả bà Ngân lẫn ông Quang đều đắc cử với số phiếu tín nhiệm cao tương tự như ông Phúc. Như thế là nhân dân Việt Nam vừa phải chứng kiến một màn bi hài kịch miễn phí mà sân khấu là chính trường quốc gia và các diễn viên là thành phần lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN. I. Khía cạnh vi hiến: Sự tái đắc cử vào chức vụ Tổng Bí Thư của ông Nguyễn Phú Trọng gây thất vọng cho nhiều người vì bản chất bảo thủ và thân Bắc Kinh của ông. Nhưng đây là một quyết định nội bộ của một đảng độc tài toàn trị, không gây tranh cãi nhiều. Tuy nhiên, trên nguyên tắc, các chức vụ Chủ Tịch Quốc Hội, Chủ Tịch nước và Thủ Tướng chính phủ nằm trên bình diện quốc gia và căn cứ trên hiến pháp. Chính vì thế sự bổ nhiệm 3 chức vụ này, trong bối cảnh không bình thường, gây ra nhiều tranh cãi trong giới bình luận gia chính trị, về tính hợp hiến hay vi hiến của nó. Bối cảnh không bình thường này căn cứ trên các lập luận và sự kiện như sau: 1. Quốc hội khóa 14 sẽ được bầu ngày 22 tháng 5 sắp tới nên Quốc Hội Khóa 13 không có thẩm quyền bầu các chức vụ nêu trên 2. Các nhân vật tiền nhiệm như Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không có đơn xin từ chức 3. Hiến pháp 2013 quy định rõ là nhiệm kỳ của chủ tịch nước (điều 87) và chính phủ trong đó có thủ tướng (điều 97) theo nhiệm kỳ của quốc hội. Riêng nhiệm kỳ của chủ tịch quốc hội đương nhiêm phải theo nhiệm kỳ của quốc hội bầu ra mình (điều 71.1) Khi đọc kỹ Hiến Pháp 2013, Điều 71.1 ghi rõ: “Nhiệm kỳ của mỗi khoá Quốc hội là năm năm.” Và chủ tịch quốc hội dĩ nhiên là một trong những thành phần của quốc hội và nhiệm kỳ của chức vụ này cũng phải 5 năm. Hiến pháp, điều 87, lại minh thị quy định nhiệm kỳ của chức vụ chủ tịch nước như sau: “…Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước.” Riêng chức vụ thủ tướng thì có 2 điều của Hiến Pháp liên hệ đến. Điều 95 quy định thủ tướng là một thành phần của chính phủ (“Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.”) và sau đó Điều 97 ghi rõ: “Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ mới.” Các ông cựu chủ tịch Quốc Hội (Nguyễn Sinh Hùng), cựu chủ tịch nước (Trương Tấn Sang) và cựu Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) đã không có đơn từ chức, họ cũng không bị cách chức vì bất cứ lý do gì kể cả tắc trách hoặc mất trí năng. Căn cứ vào những điều trên, hầu hết các bình luận gia đều phê phán rằng, tác động bổ nhiệm quá sớm vừa rồi của đảng CSVN là vi hiến. Dĩ nhiên đây là một lập luận thuyết phục và người CSVN rất khó bác bỏ lập luận này. II. Cơ sở lý luận của đảng CSVN: Câu hỏi nêu ra là tại sao đảng CSVN vẫn muối mặt, không chờ đến ngày 1 tháng 7, sau khi tân quốc hội nhậm chức, như tại các quốc gia dân chủ? và họ nương vào đâu để biện minh cho hành động đó? Đảng nắm trong tay toàn diện quân đội, công an, guồng máy hành chánh, hệ thống tòa án theo công thức độc tài toàn trị, tại sao còn phải hành động hấp tấp và “vi hiến” như thế? Câu trả lời là vì họ sợ hãi, bao gồm sự sợ hãi mất quyền lợi. Thật vậy, sau 2 thập niên nắm chính phủ trong tay, Nguyễn Tấn Dũng và đàn em đã xâm nhập mọi giai tầng của guồng máy hành chánh và đảng. Quyền lực đi cùng quyền lợi. Trong suốt 2 thập niên đó, uy tín của Nguyễn Tấn Dũng bao trùm đảng và nhà nước, vượt lên trên Tổng Bí Thư đảng Nguyễn Phú Trọng và trên cả bộ chính trị. Các nhân vật mới không thể cho Dũng và đàn em cơ hội, dù chỉ là vài tháng mong manh, để tẩu tán tài sản và chứng cớ. Họ cũng không thể hoàn toàn loại bỏ xác xuất xảy ra chính biến từ phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng vì “đêm dài lắm mộng”. Chiếm giữ quyền lực sớm hơn lúc nào thì được chia chác quyền lợi nhiều hơn lúc ấy, theo tỷ lệ thời gian. 1. Tính tối cao của Quốc hội qua điều 70 HP: Người CSVN không phải hoàn toàn không có cơ sở hiến định, khi họ bổ nhiệm sớm 3 chức vụ nêu trên. Trước hết, đảng CSVN vin vào điều 70 của Hiến Pháp nói lên tính tối cao của quốc hội trong Quốc Hội Chế và cho phép Quốc Hội quyền hầu như tuyệt đối “bầu, miễn nhiệm , bãi nhiệm” các chức vụ trên. Thật vậy, điều 70.7 ghi rõ quyền lực bao trùm của Quốc Hội như sau: “Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: 7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp;” Không phải vô tình mà thật sự do cố ý, Hiến Pháp 2013 không minh thị quy định thứ tự ưu tiên quyền lực của các điều khoản HP khi xung đột. Trong tình huống đó, và trong tình huống vắng bóng một định chế tư pháp độc lập để phán quyết về tính hợp hiến hay vi hiến trong luật hiến pháp, bao gồm khía cạnh xung đột luật pháp (conflict of laws) thì người CSVN cớ thể lập luận rằng điều 70.7 này có thể phủ quyết các điều 70.1, 87 và 97 nêu trên. Thêm vào đó, hiến pháp 2013 của CSVN là một văn kiện không hoàn hảo và người CSVN đã cố tình tạo dựng sự không hoàn hảo này hầu khuynh loát chính quyền khi cần thiết. 2. Một số thủ thuật có tính hệ thống của các chiến lược gia CSVN: Thật vậy, chúng ta có thể lập luận vô cùng vững chắc rằng, sự vi phạm HP này không phải là một hiện tượng đột xuất do hoàn cảnh đưa đẩy, mà là biểu hiện của số thủ thuật có tính hệ thống, do các chiến lược gia CSVN dàng dựng và cài đặt trong Hiến Pháp 2013 hầu thao túng hiến pháp tùy tiện và bảo vệ tính độc tài toàn trị của đảng. Các thủ thuật đó có thể được tóm lược như sau: 1. Khắc ghi trong HP những điều khoản dân chủ thực sự tương tự các quốc gia dân chủ văn minh trên thế giới. 2. Khắc ghi trong hiến pháp cụm từ “Theo pháp luật quy định” như trong các thể chế dân chủ trên thế giới 3. Tuy nhiên cũng lồng vào hiến pháp những điều khoản hoàn toàn phản dân chủ (điển hình là điều 4 HP, điều 8.1) 4. Lồng vào HP những điều khoản tuyên truyền không công cho đảng 5. Không hiến định hóa một định chế pháp lý độc lập để bảo vệ tinh thần hiến pháp và có thẩm quyền phán xét chí công vô tư về tính vi hiến hay hợp hiến. 6. Không minh thị quy định thứ tự ưu tiên quyền lực của các điều khoản khi xảy ra xung đột giữa các điều khoản HP. Hậu quả của các thủ thuật nêu trên là đảng CSVN có thể tùy tiện chọn lựa điều khoản nào của HP để tuân thủ và điều nào họ có thể chà đạp. Qua thủ thuật này, chúng ta có thể hình dung Hiến Pháp 2013 như một mâm cỗ Quốc Hội bù nhìn dọn lên cho đảng CSVN dùng, trong đó có nhiều món ăn (hay điều khoản) khác nhau. Đảng có quyền tuyệt đối chọn những món ăn phù hợp với khẩu vị của mình và vứt đi những món khác. Tương tự, qua Hiến Pháp này, đảng CSVN trở thành chủ nhân ông tuyệt đối của giang sơn cẩm tú do tiền nhân trao lại. Đảng có quyền tùy tiện chọn lựa, chia chác, trao đổi và buôn bán giang sơn cẩm tú và các tài nguyên mà không bị bất cứ một sự chế tài độc lập nào. 3. Tùy tiện thao túng cụm từ “Theo pháp luật quy định” trong HP: Cụm từ “theo luật pháp quy định” cũng bị họ sử dụng một cách vô trách nhiệm. Trước hết, tại các quốc gia dân chủ chân chính, cụm từ này quy trách nhiệm cho cơ quan hữu trách của chính quyền thông qua những sắc luật cụ thể hầu thực thi các quyền hoặc trách nhiệm khắc ghi ngắn gọn trong HP. Những các sắc luật hoặc tác động không được vi phạm nội dung của các điều khoản HP liên hệ. Nếu vi phạm sẽ là vi hiến và vô hiệu lực. Tuy nhiên, vì không có một định chế độc lập để phán quyết về tính vi hiến hay hợp hiến, Quốc hội CSVN mặc nhiên thông qua Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội 1997, ngang nhiên tước bỏ hầu như toàn diện quyền bầu cử và ứng cử của công dân như khắc ghi trong điều 27 HP, mà không bị chế tài. Tương tự, các điều 79, 88 và 258 Bộ Luật Hình Sự và nhiều bộ luật cũng như pháp lệnh, quyết định của lập pháp hoặc hành pháp khác cũng vi hiến nghiêm trọng mà nhân dân phải bó tay. Thêm vào đó, HP là nền tảng luật pháp của quốc gia và mỗi điều khoản của HP là một mệnh lệnh phải tuân thủ nghiêm chỉnh. Chính vì thế, cụm từ “Theo pháp luật quy định” đi sau một điều khoản HP là một mệnh lệnh cho cơ chế liên hệ thi hành. Khi HP quy định về quyền hội họp và lập hội “theo quy định của pháp luật” thì không những một sắc luật hay tác động vi phạm nội dung của HP là vi hiến, mà “không ban hành” luật hầu công dân có thể hành xử quyền hiến định của họ, cũng vi hiến nữa. Dĩ nhiên, cơ chế liên hệ có một thời gian hợp lý (reasonable) để hoàn tất sắc luật liên hệ, nhưng các quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền có một định chế bảo vệ HP ( điều 119.2) cho đến bây giờ vẫn chưa có luật, thì rõ ràng vi hiến. Thật vậy, trong một chế độ pháp trị chân chính, không những một tác động (action) có thể vi hiến mà sự thiếu vắng một tác động (lack of action, inaction, absence of action or refusal to act) cũng có thể vi hiến nữa. 4. Sự vắng bóng một định chế độc lập bảo vệ Hiến Pháp (an independent institution to protect the constitution) Dĩ nhiên, tính vi hiến hay hợp hiến của một sắc luật của lập pháp, một tác động của hành pháp, hay của một đệ tam nhân nào, không phải là vấn đề đối với CSVN vì Hiến Pháp không hề quy định một định chế độc lập (independent institution) như một Tối Cao Pháp Viện hoặc một Tòa Án Hiến Pháp để phán quyết khách quan về tính hợp hiến hay vi hiến. Điều 74 minh thi trao quyền diễn giải hiến pháp, luật và pháp lệnh cho Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và dĩ nhiên thiếu hẳn yếu tố độc lập. Thêm vào đó, tuy điều 119 minh thị quy định “Cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định”, nhưng đã hơn 2 năm qua, CSVN cứ lờ đi không ra luật thành lập cơ chế này, và cũng không có gì bảo đảm cơ chế đó sẽ mang tính độc lập thực sự. Như lập luận nêu trên, thái độ cố ý không thành lập cơ chế bảo vệ hiến pháp theo điều 119 là một sự từ chối hành động (inaction, lack of action, absence of action, refusal to act) có tính cố tình vi hiến và phải bị nghiêm khắc chế tài. Dĩ nhiên, CSVN sẽ gặp nhiều khó khăn vì điều 74 và cơ chế bảo vệ hiến pháp này sẽ xung đột về khía cạnh “diễn giải hiến pháp”. Khuyết điểm này có tiềm năng đưa đến sự xung đột giữa hai định chế (Cơ chế bảo vệ hiến pháp và Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội). Điều này chứng tỏ đảng CSVN, với toàn bộ ngân sách và tài nguyên quốc gia họ sử dụng, đã làm việc vô cùng cẩu thả và tùy tiện trong công tác kiện toàn một văn kiện luật pháp rường cột và tôn kính nhất của quốc gia như bản Hiến Pháp 2013. Họ phải bị lên án nghiêm khắc trên khía cạnh này. 5. Sự hiến định hóa nguyên tắc “tập trung dân chủ” Chúng ta đã bàn luận nhiều về tính vi hiến của điều 4HP và không cần bàn luận them nơi đây. Xin xem cuốn “Phê Bình Song Ngữ Toàn Diện Hiến Pháp 2013 của Việt Nam” cùng tác giả hiện lưu hành rộng rãi trên mạng lưới toàn cầu. Tuy nhiên có một khái niệm vô cùng di hại cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, không kém điều 4 HP, mà chúng ta ít lưu ý hơn, đó là sự cố ý của người CSVN khi hiến định hóa nguyên tắc “tập trung dân chủ” trong điều 8.1 của HP: Điều 8, đoạn 1 ghi: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là một điều khoản vô cùng nguy hiểm và phản động cho tiến trình dân chủ hóa đất nước, vì nó đã nâng cấp ý niệm phản dân chủ này từ cấp bậc là một điều khoản trong điều lệ hay nội quy của một đảng phái, nghiễm nhiên trở thành một luật nền tảng trong HP của cả một dân tộc. Thật vậy, Bản điều lệ đảng CSVN ghi rõ trong lời mở đầu một phần như sau: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản,” Tiếp theo đó, điều lệ 9 định nghĩa rõ khái niệm tập trung dân chủ như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là…tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.” Chúng ta nên nhớ tiềm năng hùng mạnh của nguyên tắc này của Lê Nin trong thanh trừng nội bộ cũng như đấu tranh bên ngoài đảng. Với nguyên tắc này, Lê Nin đã vượt trội các đảng phái chính trị cạnh tranh với mình, tiêu diệt họ không nương tay và cướp chính quyền cho Đệ Tam Quốc Tế. Cũng với nguyên tắc này, Stalin đã khai trừ (bộ trưởng quốc phòng) Trotsky đầy quyền uy và mọi thành phần chống đối trong đảng và trị vì như một trong những nhà độc tài khát máu nhất thời đại. Hai nhân vật khác như Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành cũng sử dụng nguyên tắc căn bản này của Lê Nin để có thể phi nhân và tàn ác như thế. Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, trong Đại Hội 12 để loại Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi trung tâm quyền lực. Lý do là vì một khi Ban Chấp Hành Trung Ương tiền nhiệm đã quyết định về sự từ nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng, thì ông phải chấp hành quyết định này và rút tên ra khỏi danh sách ứng cử vào BCHTU mới theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Với nguyên tắc oan khiên này trong hiến pháp, người CSVN có quyền lập luận rằng, chiếu theo điều 8.1 của HP, Quốc Hội khóa 13 có toàn quyền bổ nhiệm các chức vụ chủ tịch QH, chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính Phủ xuyên nhiệm kỳ vì trên nguyên tắc, nếu có một nhân vật nào khác được đề cử trong Quốc Hội Khóa 14, thì nhân vật này cũng phải từ chối vì phải chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ của Quốc Hội khóa 13 tiền nhiệm mà thôi. Chiếu theo nguyên tắc tập trung dân chủ này, CSVN chỉ cần bầu một Quốc Hội đầu tiên, cùng với những chức vụ rường cột khác của quốc gia do quốc hội “đẻ ra” và sau đó các định chế này trường tồn vĩnh viễn mà không cần bầu cử nữa. Đi xa hơn nữa, nguyên tắc tập trung dân chủ còn có nghĩa rằng, một khi người dân đã bầu lên một chính quyền thì sau đó, dân trong làng xã phải theo chỉ thị của quận huyện, quân huyện phải theo chỉ thị của tỉnh, tỉnh phải theo trung ương, trung ương phải theo Quốc Hội, vì đảng nắm toàn bộ Quốc Hội nên Quốc Hội phải theo Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. BCH/TU phải theo Bộ Chính Trị đảng. Bỡi vì khía cạnh xuyên thế hệ của nguyên tắc tập trung dân chủ thì Ban Chấp Hành Trung Ương tiền nhiệm có thể quyết định cho BCHTU kế nhiệm, Quốc Hội tiền nhiệm cho Quốc Hội kế nhiệm, trên nguyên tắc chỉ cần bầu cử lần đầu tiên là đủ, không cần bầu cử các lần sau làm gì cho tốn công quỹ, vì cuộc bầu cử đầu tiên đã hoàn toàn định hướng cho cuộc bầu cử cuối cùng. Những người CSVN tiêu biểu như TBT Nguyễn Phú Trọng luôn hãnh diện vì mình là thành phần ưu tú của nhân loại, của dân tộc vì am hiểu ý thức hệ Mác Lê và tính ưu việt của nguyên tắc “tập trung dân chủ” này, do chính đồng chí Lê Nin vĩ đại khai thị. Họ khinh thường những người dân chất phát, như trí thức tiểu tư sản và những đảng phái quốc gia tài tử (amateur) không am hiểu tính ưu việt của nguyên tắc “tập trung dân chủ” bách chiến bách thắng này. Họ chấp nhận rằng, Liên Bang Xô Viết cũ, Đông Âu và nhiều quốc gia khác đã buông bỏ ý thức hệ Mác Lê và nguyên tắc tập trung dân chủ. Họ chấp nhận một ngày họ cũng có thể chịu chung số phận. Nhưng lương tâm của họ hoàn toàn bình an và họ chưa bao giờ vi hiến vì HP 2013 không quy định ưu tiên quyền lực của các điều khoản khác nhau. Họ có quyền chọn lực thi hành hiến pháp theo nguyên tắc “tập trung dân chủ” đã được minh thị hiến định hóa. III. Kết luận Chính vì những khuyết điểm điển hình như thế, bàn bạc trong hiến pháp 2013, mà đảng CSVN có thể mặc nhiên đạp hiến pháp dưới chân và trắng trợn chiếm đoạt quyền lợi cho phe nhóm của mình, bất chấp dư luận hoặc ý dân. Nếu có sự hiện hữu của một Tối Cao Pháp Viện hoặc Tòa Án Hiến Pháp, với thẩm quyền nguyên thủy (original jurisdiction) về luật hiến pháp, như tại các quốc gia dân chủ, thì Luât Bầu Cử Quốc Hội đã bị tuyên bố vi hiến, vì vi phạm nghiêm trọng điều 27 của Hiến Pháp liên hệ đến quyền bầu cử và ứng cử của công dân. Quốc Hội khóa 13, những khóa tiền nhiệm và Quốc Hội khóa 14 sắp tới đều vi hiến và không có một đại biểu quốc hội “đảng cử dân bầu” nào được quyền ngồi trong Quốc Hội cả. Hiến pháp 2013 đã cho phép đảng CSVN đùa bỡn và thao túng những định chế khả kính của quốc gia, như những trẻ con vô tri vô trách nhiệm đùa bỡn với di sản thiêng liêng tổ tiên lưu lại, hầu tùy tiện chia chác những đồ chơi con trẻ. Sự di hại của Hiến Pháp 2013 còn đi xa hơn nữa, đảng CSVN không những tùy tiện thao túng các định chế khả kính của quốc gia mà còn tùy tiện băng hoại nền văn hóa đạo đức ngàn đời của dân tộc, buôn bán trao đổi các vùng đất, hải đảo, vùng biển cho ngoại bang như những món đồ chơi hầu thỏa mãn lòng tham cá nhân và phe nhóm. Bài học thuộc lòng của mọi trẻ em Việt Nam từ thủa lọt lòng là giang sơn gấm vóc của tổ tiên chạy dài từ “Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu” bây giờ không còn hiện thực cũng vì Hiến Pháp 2013 và những tiền thân của nó đã cho phép đảng CSVN tùy tiện thao túng quyền lực vô trách nhiệm. Tuy nhiên đảng CSVN không thể dung tay che trời được. Hành động vội vàng quá đáng nêu trên của đảng đã tạo nhiều đổ vỡ và chia rẽ nội bộ. Dù các chiến lược gia của đảng có quyết định minh thị công nhận nhiệm kỳ vô cùng giới hạn của các chức vụ trên, phung phí thêm công quỹ, tái bầu cử và tái tuyên thệ các chức vụ chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ sau khi quốc hội 14 nhậm chức, cho phù hợp với các điều 71(1), 87 và 97 nêu trên, cũng không thể che đậy. Dĩ nhiên, vì không có thứ tự ưu tiên quyền lực giữa các điều khoản HP, người CSVN không nhất thiết phải tổ chức bầu cử lại 3 chức vụ quan trọng này vì chiếu theo điều 8.1 (nguyên tắc tập trung dân chủ) họ có quyền hiến định không cần làm. Tuy nhiên, nếu áp lực trong và ngoài nước quá mạnh, họ có thể uyển chuyển áp dụng các điều 71.1, 87 và 97, thay vì điều 8.1 và bầu cử cũng như tuyên thệ một lần nữa, theo tinh thần cố hữu của người CS là “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Hành động vị kỷ và vô ý thức này di hại lâu dài cho dân tộc và cần phải chấm dứt bằng sự cáo chung của ý thức hệ giáo điều Mác Lê, vứt vào sọt rác nguyên tắc “tập trung dân chủ”, sự cáo chung vĩnh viễn của đảng CSVN như một đại họa của dân tộc và một định chế chính tri đã vô cùng thoái hóa.

Ba dân tộc, Ba Thảm Họa và Ba chính quyền- Luật sư Đào Tăng Dực

Gần đây không những dân Việt mà hầu như toàn thế giới đều quan ngại đến 3 thảm họa xảy ra cho người dân tại 3 quốc gia Á Châu với 3 thể chế chính trị tiêu biểu của thời đại. Đó là: sự thất lạc 12 trẻ em và huấn luyện viên trong đội bóng đá tại Thái Lan tại một hang động thiên nhiên Tham Luang sâu cả ngàn thước dưới lòng đất và thiên tai lụt lội tại miền Tây Nhật Bản đưa đến sự tàn phá nhà cữa tài sản, nhân mạng dân Nhật lên đến nhiều trăm người. Hai hiện tượng này làm chúng ta liên tưởng đến các nhân tai tại Việt Nam do chính quyền xả lũ vô trách nhiệm vào năm 2017, cũng như thảm họa tàn phá môi trường Nhà máy Thép Formosa năm 2016, đưa đến thiệt hại tài sản và nhân mạng của người dân, nhưng bị chính quyền CSVN dấu nhẹm vì sự kiểm soát thông tin của CSVN. Trước hết, chúng ta đều biết Nhật Bản là quốc gia Á Châu đầu tiên canh tân và cải cách kinh tế lẫn chính trị. Bây giờ nghiễm nhiên là một quốc gia phát triển bật nhất thế giới song hành với một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Tiếp theo đó, Thái Lan phát xuất là một chế độ quân chủ chuyên chính thiên về quân phiệt. Tuy nhiên có một thời gian khá dài trải qua một giai đoạn dân chủ đa đảng. Gần đây, giới quân đội liên kết với Hoàng Gia và cướp chính quyền, thay thế bằng một hiến pháp dân chủ giới hạn, hiến định hóa quyền lực của quân đội và hoàng gia. Chúng ta có thể kết luận rằng, Thái Lan là một nền dân chủ trong giai đoạn chuyển tiếp, nhưng với một hệ thống chính trị đa đảng. Trong khi đó, Việt Nam là một chế độ độc tài toàn trị theo truyền thống Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Theo điều 4 hiến pháp hiện hành, đảng CSVN lãnh đạo độc nhất và toàn diện, không những chính quyền mà cả xã hội dân sự qua ngoại vi là Mặt Trận Tổ Quốc. Các cuộc bầu cử là bầu cử cuội qua sự chọn lọc ứng cử viên của Mặt Trận Tổ Quốc. Kết quả là 95% dân biểu quốc hội là đảng viên và 5% còn lại đa số là tay sai của đảng. Nguyên nhân của các thảm họa trên phát xuất từ đâu? Tại Thái Lan thì do sự kết hợp giữa 2 yếu tố. Một là thiên nhiên do mưa lũ, lụt lội làm ngập động thiên nhiên. Tuy chưa có kết quả điều tra chi tiết, nhưng yếu tố sai lầm của con người có lẽ không thể loại bỏ. Tại Nhật Bản thì hầu như thảm họa lụt lội và sập đất tại miền Đông là phát xuất từ thiên nhiên. Sức mưa vào tháng 7 này có mức độ lịch sử và chính phủ phải di tản hằng triệu gia đình lánh nạn. Tại Việt Nam thì động thái xã lũ các đập thủy điện miền trung tính đến 19 tháng 11, 2017 là 41 người chết, 5 người mất tích và 74 người bị thương. Riêng tai họa Ô nhiễm môi trường do Formosa bắt đầu từ tháng 4, 2016 đã gây hiện tượng cá chết khôn tiền khoán hậu trong lịch sử đất nước, vô cùng nặng nề trên 4 tỉnh miền Trung kể cả thiệt hại tính mạng người dân, mà CSVN hoàn toàn dấu nhẹm. Cả hai tai họa này đều phát xuất từ sự ngu dốt và tham nhũng tận răng của các cán bộ đảng CSVN. Hậu quả như thế nào từ 3 thể chế chính trị khác nhau đối với nhân dân? Tại Nhật Bản là một nước dân chủ chân chính thì Thủ Tướng Abe đình hoãn chuyến tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh của NATO (tức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương) hầu tập chú vào công tác giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt. Chính phủ Nhật Bản cũng huy động toàn bộ quân đội ra sức giúp đỡ người dân. Nền báo chí tư nhân tự do thực sự cũng tham gia công tác cứu trợ lẫn giám sát chính quyền chặt chẽ trong công tác này. Tại Thái Lan, chính quyền huy động không những quan đội, mà ngay cả những chuyên gia quốc tế giúp đỡ các trẻ em bị lâm nạn. Báo chí Thái Lan và báo chí quốc tế lôi kéo sự chú ý và giúp đỡ của toàn thế giới. Thủ tướng Thái Lan còn đích thân tham gia vào công tác cứu trợ này. Một quân nhân người nhái Thái Lan đã hy sinh tính mạng để cứu chính con dân của quốc gia mình. Khi công tác cứu các trẻ em hoàn mãn vào ngày 11 tháng 7, toàn thế giới cảm thấy hãnh diện và vui mừng. Trong khi đó, tại Việt Nam, báo chí chỉ dám đăng các tin đảng CSVN cho phép. Mãi đến ngày hôm nay, con số chính thức các nạn nhân bị chết vì 2 thảm họa do đảng gây ra vẫn bị dấu nhẹm. Các quan chức trốn biệt. Một số tuyên bố những câu vô lý, vô tình và vô trách nhiệm như “xả lũ là đúng quy trình”, hoăc “cá chết là vì bị quá nhiều dưỡng khí” hoặc “cá chết là vì tiếng động tầng số quá cao” …Riêng ông TBT Nguyễn Phú Trọng thì vào thời điểm Formosa xả chất độc ô nhiễm trái luật pháp và bị phanh phui, thay vì thăm ngư dân bị nạn, ông lai đi thăm cơ sở của Formosa xem thử có bị sứt mẻ gì hay không. Khi xả lũ và gây thiệt hại về tài sản cũng như nhân mạng đồng bào thì các viên chức cao cấp của đảng không thăm dân mà chỉ thăm viếng các cơ sở thủy điện, hầu bảo vệ vốn đầu tư cho an toàn. TBT Nguyễn Phú Trọng còn vô cùng nổi tiếng về câu bình phẩm của ông, trong cuộc gặp gỡ với Tập Cận Bình rằng theo khẩu vị của TBT, trà Tàu ngon hơn trà Việt Nam nữa. Trước tình cảnh đất nước oái ăm như thế, chúng ta phải làm gì? Như một người Việt Nam còn quan tâm đến vận mệnh đất nước, chúng ta phải sát cánh với toàn dân, quyết tâm giải thể độc tài đảng trị CSVN, xây dựng cho đất nước một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, hầu dân tộc chúng ta có thể tiến lên, vươn vai cùng nhân loại văn minh. Trong một nước Việt Nam dân chủ thật sự, mỗi người quân nhân Việt Nam sẽ có quyền hy sinh cho dân tộc, được vinh danh trong sự hy sinh vô vị lợi đó, như người quân quân Thái Lan nêu trên, mà không cần biết ơn Bác hay Đảng hoặc xưng hô “đồng chí” một cách ngu xuẩn với bất cứ ai. Cũng như những người Nhật Bản, Thái Lan bình thường khác, họ chỉ cần một tấm lòng hy sinh cho dân tộc, trong sáng, vô vị lợi, không hề hoen ố bởi một ý thức hệ tào lao nào.