Monday, 23 October 2023

 

Bản chất gian ác vô giới hạn của Hiến Pháp 2013 của CSVN- Phần 1: Sự gian dối vô giới hạn

Luật sư Đào Tăng Dực

Thông thường, bản hiếp pháp của một quốc gia thể hiện ý chí của dân tộc. Một dân tộc không thể gian ác với chính mình.

Như thế tại sao bản Hiến Pháp 2013 có thể gian ác với chính dân tộc Việt Nam được?

Câu trả lời là: bản Hiếp Pháp 2013 không hề thể hiến ý chí của dân tộc Việt Nam, mà bị một tập thể độc tài toàn trị, du nhập một ý thức hệ ngoại lai, áp đặt trên toàn dân, qua những thủ đoạn chính trị rẻ tiền. Tính gian ác vô giới hạn của tập thể này, tức đảng CSVN, dĩ nhiên thể hiện toàn diện trong Hiến Pháp 2013.

Sự gian ác đó bao gồm 2 yếu tính tiêu cực. Một là gian dối và hai là hung ác. Tiếng Anh còn gọi là dishonesty và malevolence. Một mặt thì dùng sự giả dối để gạt gẫm tha nhân hầu phục vụ cho quyền lợi vị kỷ của mình. Hai là mưu đồ hủy hại hoặc bạo hành tha nhân hầu thỏa mãn bản năng thú tính của mình.

Trong lịch sử cận kim của nhân loại, các đảng Phát Xít của Ý và Quốc Xã của Đức, các đảng CS thuộc hệ phái Đệ Tam Quốc Tế của Liên Xô, Đông Âu, TQ, Bắc Hàn, Cam bốt và Việt Nam là những ví dụ điển hình.

Trong cuốc tương tranh ý thức hệ giữa các chính đảng quốc gia, nhất là tại TQ, Việt Nam và Hàn Quốc thì các đảng phái quốc gia thua cuộc, phần lớn vì, tuy họ đã có kinh nghiệm đối phó với sự gian dối và tính ác của con người, nhưng họ hoàn toàn không thể dự đoán được mức độ gian dối và tàn ác vô giới hạn, vượt lên khả năng bình thường, của những người CS theo trường phái Đệ Tam Quốc Tế của Lê Nin và Stalin.

TBT Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm của ông là những kẻ kế thừa chân chính của Lê Nin và Stalin. Khi họ chấp bút bản Hiến Pháp 2013, kể cả những tiền thân của nó, thì bản hiến pháp này cũng thể hiện bản chất tàn ác vô giới hạn này.

 

Một cách cụ thể hơn, chúng ta sẽ thảo luận tính gian dối và tàn ác của người CS thể hiện bằng cách nào qua Hiếp Pháp 2013?

Muốn phê bình tính gian ác của Hiến Pháp 2013 của Việt Nam một cách cụ thể, điều quan trọng là phải nhận định đâu là những nguyên tắc rường cột của luật hiến pháp và sử dụng các nguyên tắc này, trong giới hạn nào đó, như là tiêu chuẩn phân tách.

Điều này không dễ vì mỗi quốc gia trong cộng đồng các dân tộc trên thế giới là một thực thể chính trị cá biệt trong lịch sử, văn hóa và phát triển của mình. Cũng vì thế, hiến pháp của họ theo những nguyên tắc và thứ tự ưu tiên khác nhau.

Tuy nhiên, mọi người đều đồng thuận rằng Hiến Pháp của Hoa Kỳ là bản hiến pháp thành văn đầu tiên của một quốc gia dân chủ. Vì thế, sử dụng những nguyên tắc căn bản của bản hiến pháp lừng danh này sẽ hữu ích cho chúng ta.

Các sinh viên chính trị học thông thường ý thức rằng bảy nguyên tắc của Hiến Pháp Hoa Kỳ có thể phân loại như sau:

A.   4 nguyên tắc định hình thể chế chính trị gồm:

1.    Thể chế cộng hòa

2.    Địa phương phân quyền (tức Thể chế liên bang tại Hoa Kỳ)

3.    Phân quyền hàng ngang (Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp độc lập)

4.    Kiểm soát và quân bình (checks and balances)

B.   Tiếp theo là 3 Nguyên tắc giới hạn phạm vi của chính quyền và bảo vệ xã hội dân sự cũng như công dân cá thể:

1.    Chủ quyền nhân dân

2.    Chính quyền giới hạn

3.    Quyền cá nhân

 

Không cần đào sâu ý nghĩa của mỗi nguyên tắc trên, chúng ta cũng nhận ngay rằng nguyên tắc “thể chế liên bang” có vẻ không áp dụng cho nhiều quốc gia khác, có một hệ thống đơn quyền (unitary system of government) như Việt Nam, thay vì liên bang (Federal system), như Hoa Kỳ. Đó là, nếu chúng ta hiểu “thể chế liên bang” trong nghĩa đen của nó. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu “thể chế liên bang” trong ý nghĩa mới và nhiều thực chất hơn, như là một hình thức phân tán quyền lực chính trị (decentralisation of powers) từ trung ương về các thực thể địa phương, thì “thể chế liên bang” trở nên khả dụng.

 

Dĩ nhiên bảy nguyên tắc này chỉ tạm đầy đủ để phân tách một bản Hiến Pháp Việt Nam và chúng ta sẽ có dịp phân tích đầy đủ hơn trong một dịp khác.

 

Bây giờ chúng ta sẽ nhận diện cụ thể hơn nữa các điều khoản nào của HP 2013 là gian dối hay tàn ác và vi phạm 4 nguyên tắc định hình một thể chế dân chủ theo luật hiến pháp?

Chúng ta có thể duyệt xét HP 2013 theo từng tiêu chuẩn nêu trên.

1.    Thể chế cộng hòa:

Một thể chế cộng hòa chân chính, có thể định nghĩa theo TT Hoa Kỳ Abraham Lincoln là: của dân, do dân và vì dân.

Tức là được dân bầu lên trong một cuộc bầu cửa công khai và công bằng và chuyên tâm phục vụ cho người dân. Nếu không đúng như thế thì người dân có quyền bầu một thực thể khác để thay thế.

Tuy nhiên CSVN vì bản chất gian dối cố hữu đã lừa gạt như sau:

-       Một là gắn cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” vào cụm từ “cộng hòa”, biến thành “cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

-       Hai là sử dụng các điều 4HP dành quyền cai trị độc tôn cho đảng CSVN, nhân dân không còn sự chọn lựa nào khác để thay thế như trong chế độ cộng hòa chân chính.

-       Ba là qua điều 9 HP, họ hiến định hóa Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ), một mặt kiểm soát xã hội dân sự cho đảng, mặt khác, thông qua Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội và Hội Đồng Đại Biểu Nhân Dân, MTTQ được quyền chọn lọc ứng cử viên nào được ra ứng cử hoặc không được quyền ra ứng cử.

Như vậy CSVN minh thị treo đầy dê nhưng bán thị chó.

 

2.    Địa phương phân quyền:

Vì quyền lực tuyệt đối và tập trung sẽ sinh ra tha hóa và thối nát tuyệt đối nên các quốc gia dân chủ chân chính luôn có khuynh hướng địa phương phân quyền, tức trao quyền bầu cử các chính quyền địa phương cho dân địa phương. Đảng cũng gia vờ có chính quyền địa phương qua Chương IX (Chính quyền Địa phương) từ các điều 110 đến 116.

Tuy nhiên cái tật treo đầu dê bán thịt chó cũng thể hiện qua các thủ thuật lừa gạt như sau:

-       Trước hết Mặt Trận Tổ Quốc cũng có thẩm quyền chọn ứng viên của đảng hoặc tay sai của đảng quan Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội và Hội Đồng Đại Biểu Nhân Dân

-       Thêm vào đó Đoạn 1 Điều 8 HP cũng hiến định hóa nguyên tắc Tập Trung Dân Chủ của Phong Trào Đệ Tam Quốc Tế như là nguyên tắc điều hành quốc gia. Quan điểm tập trung dân chủ vốn là một nguyên tắc của Lê Nin và một phần của nội quy các đảng cộng sản thuộc Đệ Tam Quốc Tế, buộc các cơ sở hạ tầng tuân phục các cấp trên.

Chính vì thế CSVN đã vi phạm tiêu chuẩn này trầm trọng.

 

3.    Phân quyền hàng ngang (hành pháp, lập pháp và tư pháp)

Phân quyền hàng ngang hay còn gọi là Tam Quyền Phân Lập là một yếu tố đặc thù của nền dân chủ Tổng Thống Chế của Hoa Kỳ theo quan điểm của tư tưởng gia người Pháp là Montesquieu. Điều cốt yếu là tính độc lập của mỗi quyền từ Hành Pháp, Lập Pháp đến Tư Pháp.

Dĩ nhiên HP 2013 vì muốn lừa gạt nhân dân và quốc tế đã hiến định hóa nào là hành pháp (Các chương VI về CT nước và VII về chính phủ) từ điều 86 đến 101, lập pháp (Chương V) từ điều 69 đến 85 và tư pháp (Chương VIII về Tòa Án Nhân Dân và Viện Kiểm Sát Nhân Dân) từ điều 102 đến 109.

Tuy nhiên sự gian dối lại thể hiện qua các sự kiện sau đây:

-       Trước hết đảng CSVN chọn mô hình quốc hội chế, thay vì tổng thống chế vì có mưu đồ bất chính. Trước hết Quốc Hội Chế không có Tam Quyền Phân Lập. Trong một quốc hội chế dân chủ chân chính như Vương Quốc Thống Nhất Anh, Canada, Úc Đại Lợi, Nhật Bản, Đức Quốc thì chỉ có nhị quyền phân lập: Quốc Hội tức Lập Pháp là tối cao, sẽ khai sinh hành pháp. Tuy nhiên khi quốc hội bổ nhiệm tư pháp thì hiến pháp sẽ bảo đảm sự độc lập tuyệt đối của tư pháp tại các quốc gia dân chủ chân chính này.

-       Tuy nhiên trong một thể chế độc tài như Việt Nam thì quốc hội chế lại là phương tiện tuyệt vời để bao che cho độc tài đảng trị. Chính vì lý do này, các chế độ độc tài cận kim và hiện tại thông thường theo quốc hội chế: Đức Quốc Xã, LBXV, CSTQ, CS Bắc Hàn, CSVN.

-       Với quốc hội chế, đảng CSVN chỉ cần tổ chức một cuộc bầu cử là Quốc Hội (tức Lập Pháp). Không cần bầu cử Tổng Thống (tức hành pháp). Nhờ có Mặt Trận Tổ Quốc ít nhất 90% dân biểu đắc cử sẽ là đảng viên và đảng kiểm soát QH tuyệt đối. Từ đó đảng cấu tạo hành pháp cuội, tư pháp cuội và qua điều 4HP thiết lập chế độ toàn trị.

 

4.    Nguyên tắc kiểm soát và quân bình (checks and balances)

Kiểm soát và quân bình có nghĩa là cả 3 thực thể hành pháp, lập pháp và tư pháp đều phải độc lập lẫn nhau và các chính quyền địa phương, trong phạm vi của hiến pháp, cũng phải có những thực quyền độc lập với trung ương.

Chiếu theo chương V của HP 2013, đảng tổ chức bầu cử quốc hội (tức lập pháp) đảng cử dân bầu, với hầu như 100% đại biểu là đảng viên. Đảng cũng lại giả vờ, qua bản HP cuội, chiếu theo các chương VI và VII bầu lên hành pháp và chương VIII bầu lên tư pháp.

Tuy nhiên đảng thật sự thống lãnh cả 3 thực thể (hành pháp, tư pháp và lập pháp) và hoàn toàn không có tam quyền phân lập.

Tiếp theo đó, các chính quyền địa phương cũng không hề có thực quyền hiến định đối với trung ương và trong các Hội Đồng Đại Biểu Nhân Dân Địa Phương cũng chỉ toàn là đảng viên do Mặt Trận Tổ Quốc chọn lọc. Thêm vào đó nguyên tắc “tập trung dân chủ” không giống ai đã được hiến định hóa theo điều 8 HP, buộc cấp dưới phải phục tùng cấp trên vô điều kiện. Làm gì có địa phương phân quyền thực sự hầu kềm chế lẫn nhau?

 

Tiếp theo, câu hỏi nữa là: cụ thể hơn nữa các điều khoản nào của HP 2013 là gian dối hay tàn ác và vi phạm 3 Nguyên tắc giới hạn phạm vi của chính quyền và bảo vệ xã hội dân sự cũng như công dân cá thể?

 

Chúng ta có thể duyệt xét tại đây HP 2013 theo từng tiêu chuẩn liên hệ.

 

1.    Chủ quyền nhân dân:

Đây là lãnh vực đảng CSVN vi phạm trắng trợn và tuyệt đối nhất. Một mặt để lừa gạt nhân dân và quốc tế, HP 2013 hiến định hóa nhiều quyền công dân được công nhận trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 trong chương II về quyền con người và quyền và nghĩa vụ của công dân (từ các điều 14 đến 49). Mặt khác họ lại thô bạo tước bỏ mọi nhân quyền và tự do căn bảo qua điều 4 HP, minh thị trao quyền lãnh đạo chính trị tuyệt đối và vĩnh viễn cho đảng CSVN. Thêm vào đó, thay vì chỉ lãnh đạo chính quyền, họ còn trao cho đảnh quyền lãnh đạo cả xã hội dân sự. Từ đó họ thành lập chế độ độc tài toàn trị trên đất nước Việt Nam.

 

2.    Chính quyền giới hạn:

Chính quyền giới hạn hay Limited Government là một điều kiện quan trọng trong một bản HP dân chủ. Trong một nền dân chủ chân chính, luôn có sự quân bình giữa chính quyền, tức nhà nước (the state) bên này và xã hội dân sự (civil society) bên kia. Nhà nước là guồng máy chính quyền cai trị quốc gia. Xã hội dân sự gồm các tập thể từ xã hội, từ thiện, kinh tế, tài chính, tôn giáo trong xã hội và các cá nhân khác. Chính quyền không giới hạn thì sẽ sinh độc tài. Xã hội dân sự lấn lướt thì sẽ sinh ra hỗn loạn chính trị.

Theo HP 2013 thì quyền lực của chính quyền CSVN là vô giới hạn vì các lý do sau đây:

-       Qua điều 4HP, đảng được trao quyền lãnh đạo tuyệt đối và vĩnh viễn cả nhà nước lẫn xã hội dân sự. Nói như Hitler, đảng và nhà nước là một. Tuy nhiên CSVN còn hơn Hitler nữa là minh thị xóa bỏ biên giới giữa nhà nước và xã hội dân sự và đảng lãnh đạo tuyệt đối cả 2.

-       Trong HP2013, đảng cố tình không hiến định hóa một định chế mà tất cả mọi hiến pháp dân chủ trên thế giới đều có: đó là một định chế hoàn toàn độc lập để phán quyết về tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật của lập pháp, hoặc một tác động của hành pháp như Tối Cao Pháp Viện tại Hoa Kỳ hoặc Hội Đồng Hiến Pháp (Conseil Constitutionel) của Pháp.

-       Hậu quả là đảng có thể đưa ra những sắc luật hoàn toàn vi hiến, nới rộng phạm vi chính quyền, đàn áp nhân dân và xã hội dân sự mà không hề có giới hạn.

Cũng cần nhắc nhở rằng điều 119 của HP 2013 ghi rõ:

 

1.Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.

Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý. 

2.Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định.

Tuy nhiên đến hôm nay, tức 10 năm sau khi HP được thành lập, quốc hội bù nhìn vẫn chưa thi hành trách nhiệm hiến định của mình là ra luật để thành lập “Cơ chế bảo vệ HP” này. Cũng vì hoàn toàn vắng bóng ý niệm “kiểm soát và quân bình” nên không ai dám chỉ trích đảng hay chính quyền CSVN về sự tắc trách quan trọng này.

Đó là chưa kể ngay cả một cơ chế như vậy hoàn toàn thiếu yếu tố độc lập tuyệt đối để phán quyết về tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật của Lập Pháp hoặc một tác động nào của Hành Pháp.

3.    Quyền cá nhân (individual rights)

Đây có nghĩa là quyền của những công dân cá thể, phần lớn nằm trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 và các Công Ước Quốc Tế liên hệ.

Cũng vì bản tính lương lẹo treo đầu dê bán thịt chó của người CSVN, họ hiến định hóa một số quyền trong chương II về quyền con người và quyền và nghĩa vụ của công dân (từ các điều 14 đến 49).

Tuy nhiên, vì vắng bóng một định chế để phán xét về tính vi hiến hay hợp hiến của các sắc luật của quốc hội hoặc các tác động của chính quyền, nhất là bộ Công An của Tô Lâm, các nhân quyền của công dân cá thể bị đàn áp tả tơi.

Bô luật hình sự thì cho phép công an giam giữ người trong gia đoạn điều tra ngoài sự chịu đựng, tòa án thì xử theo quyết định của đảng hoặc theo trị giá hối lộ chạy án, luật pháp thì cấm dân chỉ trích chính quyền và nhất là quyền sở hữu tài sản của cá nhân bị giới hạn nghiêm trọng.

Điều 51 đoạn 1 ghi rõ tuy nền kinh tế VN là kinh tế thị trường nhưng “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều này có nghĩa là các thương nghiệp chính phủ luôn kiểm soát kinh tế. Thương nghiệp cá nhân bị giới hạn.

Điều 54 quy định rằng, đất đai là của toàn dân, nhưng do nhà nước quản lý. Công dân cá thể chỉ là những người thuê đất từ chính phủ tức đảng CSVN mà thôi. Trên thực tế đảng là chủ đất. Công dân cá thể là người thuê đất.

Gian ý của đảng CSVN là tước đi các nhân quyền căn bản như quyền bầu cử, quyền chỉ trích chính phủ, quyền tự do cư trú hay đi lại, quyền cạnh tranh với các dịch vụ nhà nước còn chưa đủ. Họ phải tước đi quyền sở hữu đất đai vốn là chỗ dung thân của con người. Chỉ khi con người cá thể bất lực, trần truồng và không chốn dung thân thì độc tài mới thăng hoa và toàn trị.

Như thế thì đành rằng HP 2013 của CSVN đã vi phạm cả 7 nguyên tắc của một bản HP dân chủ chân chính, nhưng vẫn còn tồn đọng 2 vấn nạn: 

 

-       Một là 7 nguyên tắc nêu ra vẫn chưa rốt ráo trong bối cảnh chính trị và văn hóa dân tộc. Vậy thì các nguyên tắc nào khác cần phải nêu ra?

-       Hai là những lập luận vừa nêu ra chỉ chứng minh sự gian dối vô giới hạn của họ, vậy thì đâu là sự tàn ác vô giới hạn của người CSVN qua bản HP oái ăm này?

Bài đã rất dài. Hai vấn nạn tồn đọng này rất quan trọng và sẽ được lý giải trong một tài liệu kế tiếp phần 2.

Friday, 13 October 2023

 

Đảng CSVN- Đu dây để xâm lược và đu dây để sống còn

LS Đào Tăng Dực

 

Duyệt lại thế chiến lược cổ kim giữa các quốc gia Á Châu tiếp cận Trung Quốc, thì một sự thật không thể chối cãi hiện ra trước mắt. Đó là, nếu muốn sống còn thì phải cường thịnh hơn quốc gia thực dân này. Chân lý này áp dụng cho các dân tộc Tây Tạng, Mông Cổ, Tân Cương, Mãn Thanh, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Bhutan, Nepal, Ấn Độ, Hồi Quốc, Bangladesh, Miến Điện, Lào và nhất là Việt Nam. Thật vậy, trừ khi các dân tộc trên cường thịnh hơn TQ thì nguy cơ mất chủ quyền, hoặc mất lãnh thổ và thâm chí còn vong quốc là vô cùng hiện thực.

Những dân tộc khôn ngoan và sáng tạo, canh tân, cải tổ, dân chủ hóa và cường thịnh qua mặt TQ như Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan thì không những bảo vệ được chủ quyền mà còn vươn lên trên vòm trời Đông Á như những con rồng của thời đại.

Một trong những trọng tội của Ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN đối với dân tộc là buông bỏ nền văn hóa Việt Tộc ngàn đời và cam tâm làm học trò ngoan của hai trường phái ý thức hệ Mác Lê: đó là trường phái Stalin và trường phái Mao Trạch Đông.

Theo Ông Hồ thì Ông không có và không cần có tư tưởng gì cả vì đã có Bác Satlin và Bác Mao Trạch Đông suy nghĩ dùm cả rồi. Các đệ tử của Ông Hồ như Tố Hữu thì qua “Bác Hồ” chỉ thấy hình ảnh “Bác Stalin”, khi Stalin chết thì khóc lóc còn hơn cha mẹ tổ tiên 3 đời của mình chết nữa. Một đệ tử khác là Chế Lan Viên thì qua “Bác Hồ” chỉ thấy hình ảnh của “Bác Mao” qua 2 câu thơ lưu xú cho đời:

“Bác Mao không ở đâu xa

Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao”

Cũng chính vì thiếu tư duy sáng tạo và tâm lý phục tùng Liên Xô cũng như CSTQ đó, mà đất nước chúng ta mới tang thương, nội chiến huynh đệ tương tàn, những trại tập trung cải tạo theo CSLX, những cuộc đấu tố giai cấp, cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm toàn rập khuôn Nga Tàu hủy diệt nguyên khí của dân tộc.

Đảng CSVN như một bầy khỉ hung ác, chỉ giỏi nhất là đu dây từ xưa cho đến bây giờ, nhất là trong 2 giai đoạn quan trọng của lịch sử:

Giai đoạn thứ nhất là đu dây trong giai đoạn xung đột ý thức hệ giữa CSLX và CSTQ từ năm 1961 đến năm 1976 chấm dứt với cái chết của Mao Trạch Đông.

Giai đoạn thứ nhì là đu dây trong giai đoạn tranh cường giữa Hoa Kỳ và CSTQ, kể từ ngày Tập Cận Bình nắm quyền tại TQ năm 2012 đến nay với 3 chủ trương quan trọng: bá quyền tại Biển Đông, giới hạn dân chủ tại Hồng Kong và hăm dọa xâm chiến đảo quốc Đài Loan.

 

Khi CSVN đu dây lần thứ nhất, thì giai đoạn này trùng hợp với những xung đột võ trang biên giới Nga Hoa đẫm máu. Thêm vào đó CSVN cũng đã phát động cuộc chiến xâm lược Miền Nam Việt Nam từ năm 1955 đến khi họ chiến thắng vào năm 1975. Dĩ nhiên họ không quan tâm đến những đổ máu của quân dân LX và TQ, nhưng ngay cả hy sinh hằng triệu quân dân của chính dân tộc Việt Nam, họ cũng không bận tâm.

Trong mắt của người cộng sản chân chính, không hề có yêu dân, yêu nước, cũng không hề yêu tổ quốc xã hội chủ nghĩa xa vời từ LX hay TQ, mà họ chỉ yêu quyền lực tuyệt đối, nhất là quyền lực tuyệt đối nới rộng trên cả 2 miền đất nước Việt Nam.

Trong cuộc nội chiến này, phe Hoa Kỳ ủng hộ miền Nam đã minh định lập trường rằng, đây là một cuộc chiến thuần túy tự vệ. Hoa Kỳ không hề chủ trương bắc tiến để xâm chiếm lãnh thổ của CSVN. Trong khi đó, cả LX lẫn TQ minh định lập trường xâm lăng nam tiến của CS miềm Bắc. Chính vì thế khi CSVN đu dây giữa LX và TQ thì bàn tay của họ luôn vững vàng, tư tin vì nếu không thành công, thì họ vẫn còn chỗ tựa miền Bắc và nếu thắng thì quyền lực tuyệt đối chỉ toàn diện hơn trên toàn cõi Việt Nam mà thôi.

 

Trong khi đó, khi CSVN đu dây lần thứ nhì giữa Hoa Kỳ và TQ, thì hoàn toàn vắng bóng những xung đột vũ trang đẫm máu.

Một mặt họ thưa thốt xin xỏ với CSTQ và sắp xếp cho chuyên công du Việt Nam sắp tới của Tập Cận Bình. Mặt khác họ đã đón tiếp TT Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9 vừa qua và nâng cấp ngoai giao với Hoa Kỳ lên tầm Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện.

Tuy nhiên bàn tay đu dây của họ lần này vô cùng run rẩy. Lý do là vì cuộc cách mạng tin học đã tặng chọ họ nhiều đòn chí tử:

1.   Vứt ý thức hệ Mác Lê vào thùng phân thối tha của lịch sử qua sự sụp đổ của LBXV và khối CS Đông Âu vào thập niên 90

2.   Chọc thủng bức màn bưng bít thông tin của chế độ và khai mở kiến thức chính trị của toàn dân, hội nhập với trào lưu dân chủ và nhân quyền của nhân loại.

3.   Khai mở tâm thức của ngay chính các đảng viên mọi cấp và kẻ nội thù lớn nhất của đảng chính là hiện tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa mà Nguyễn Phú Trọng ngày đêm nguyền rủa.

4.   Hiện tượng đồng sàn dị mộng giữa dân tộc và đảng. Thật vậy, trong khi toàn dân nức lòng đứng về phía Hoa Kỳ và các quốc dân chủ, thì đảng CSVN vẫn một lòng tơ tưởng nương tựa vào đàn anh TQ hầu duy trì quyền lực chính trị trên nhân dân.

Khi đối diện với thực tế như thế, CSVN biết rằng, nếu đu dây mà sẩy tay lần này thì đảng sẽ diệt vong. Nhân dân bị đàn áp thô bạo từ nhiều thập niên lúc nào cũng sẵn sàng vùng dậy. Hậu quả thật khó lường và đảng không còn bất cứ một hậu cần an toàn nào để ẩn náu như trước đây nữa.

Đu dây lần trước chỉ đơn thuần là để xâm lăng miền Nam và đu dây lần này mới thật sự là vì sự sống còn của đảng là thế.