Tuesday, 30 January 2024

 

Những khuyết điểm của hệ thống pháp lý CSVN

LS Đào Tăng Dực

www.daotangduc.blogspot.com 

Hệ thống pháp lý của CSVN có rất nhiều khuyết điểm, cho phép công an và tòa án đối xử rất tệ với công dân.

 

I.              Những bất công thông thường:

Ngoài những tình trạng tra tấn dã man trong các đồn công an, trong giai đoạn điều tra, đưa đến tử vong, có rất nhiều án oan trái dân oan mất đất, tù nhân lương tâm, báo chí lề trái… phải gánh chịu, còn có tham nhũng tràn lan trong nghành công an, làm cho đời sống công dân càng cơ cực hơn.

Các trường hợp nổi bật gồm Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Tử tù Lê Văn Mạnh (đã bị hành quyết tháng 9, 2023) đã gây chấn động trên bình diện quốc tế. Nhất là việc thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh, hầu như tất cả các quốc gia thành viên EU, Canada, Na Uy và Anh quốc đã kêu gọi CSVN ngừng thi hành án.

 

II.            Địt mẹ tòa:

 

Hệ thống pháp lý tệ hại và bị nhân dân khinh bỉ đến mức độ câu chửi “Địt mẹ tòa” của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc năm 2018, trở thành lời hiệu triệu của toàn dân trước những bất công của pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Bài thơ sau đây của thi sĩ Thái Bá Tân, do Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do đăng trên Facebook ngày 16 tháng 9, 2018, nói lên những bức xúc trong nhân dân.

ĐỊT MẸ TÒA!

Thái Bá Tân

Hôm qua xử phúc thẩm

Y án mười ba năm

Với anh Nguyễn Văn Túc,

Một tù nhân lương tâm.

Anh chấp nhận bản án,

Không van xin, kêu ca.

Nghe nói chỉ nhếch mép

Và chửi: “Địt mẹ tòa!”

Một câu chửi vĩ đại,

Ngay ở chốn công đường.

Chửi bộ máy tư pháp

Vớ vẩn và nhiễu nhương.

Bộ máy tư pháp ấy

Đáng chửi gấp nghìn lần.

Chỉ giỏi nâng bi đảng,

Gây oan ức cho dân.

Đừng nhắc đến công lý

Với tòa án nước ta.

Tôi, bị đem ra xử,

Cũng nói:”Địt mẹ tòa!”

 

III.         Luật tạm giam chờ điều tra quá bất công:

Đây là một bất công nền tảng của pháp lý xã hội chủ nghĩa vì trong giai đoạn này, mặc dầu nghi can vẫn còn giả định vô tội, nhưng họ đã bị chính quyền đàn áp triệt để. Lý do là vì thời gian một nghi can bị tạm giam để điều tra tính bằng giờ hay ngày tại các quốc gia dân chủ thì phải tính bằng tháng hay năm tại Việt Nam và có thể kéo dài vô giới hạn.

Mặc dầu Hiến pháp 2013 quy định:

Điều 31 (2). “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai”.

Tuy nhiên chính quyền CSVN phớt lờ và thông qua Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, với thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra như sau:

Tội ít nghiêm trọng: không quá hai tháng và được gia hạn, tổng thời gian không quá ba tháng; qua đến những tội nghiêm trọng hơn và cuối cùng là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: không quá bốn tháng, được gia hạn, tổng thời gian không quá mười hai tháng. Đối với những tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thì thời hạn tạm giam có thể được gia hạn thêm cho đến khi kết thúc điều tra.

Nên nhớ giai đoạn này, nghi can vẫn là người vô tội. Thời gian tạm giam như vậy quá dài, thực sự là không tưởng tượng được và đi đến bất công khi so sánh với các quốc gia dân chủ chân chính.

IV.         So sánh với quốc tế:

Khi so sánh với các quốc gia dân chủ sau đây, chúng ta sẽ ý thức thêm mức độ bất công của Việt Nam.

Tại New South Wales Úc, thì hình luật là thẩm quyền của tiểu bang. Theo luật NSW thì cảnh sát chỉ có quyền tạm giam một nghi can 6 tiếng đồng hồ. Nếu cảnh sát xin được lệnh tòa án thì có thể kéo dài thêm 6 tiếng nữa. Sau đó phải truy tố hoặc trả tự do cho nghi can.

Tại Tiểu bang California Hoa Kỳ thì cảnh sát chỉ được quyền tạm giam nghi can tối đa là 48 tiếng là phải trả tự do hoặc truy tố ra tòa nếu đủ chứng cớ.

Tại Pháp thì cảnh sát được quyền tạm giam 48 tiếng, sau đó nếu được sự cho phép của một Công Tố Viên cấp Quận có thể thêm 48 tiếng nữa và trong những trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, thì với sự cho phép của một vị quan tòa đặc nhiệm, có thể lên đến 6 ngày.

Khi so sánh như thế, chúng ta mới nhận thấy tính hung ác của pháp chế xã hội chủ nghĩa đối với công dân cá thể, vào thời điểm hung hiểm nhất khi họ phải đối diện với công an hình sự và khi so sánh với công dân các nước dân chủ chân chính.

V.            Hệ thống pháp lý Việt Nam trên hình thức:

Theo Wikipedia, hệ thống pháp lý CSVN hiện hành như sau:

1.    Tòa án nhân dân tối cao, trực thuộc Trung ương, là tòa án nhân dân cấp cao nhất trong hệ thống luật pháp.

2.    Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền tư pháp trên phạm vi nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3.    Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

4.    Tòa án nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh và tương đương

5.    Ngoài ra còn có Tòa án Quân sự các cấp.”

Công dân trên nguyên tắc cũng có quyền kháng cáo từ tòa án thập lên đến tòa cấp cao hơn và Tòa án nhân dân tối cao là định chế pháp lý có tiếng nói chung quyết như trong các quốc gia dân chủ.

VI.         Các khuyết điểm của hệ thống pháp lý VN trên thực tế:

Tuy bề mặt hệ thống pháp lý VN không khác các quốc gia dân chủ nhưng trên thực tế rất nhiều khuyết điểm và thiếu tính độc lập tuyệt đối để thi hành công lý:

1.    Tính phản công lý của nguyên tắc “tập trung dân chủ”:

Các quan tòa đều là đảng viên đảng CSVN và bị ràng buộc bỡi nguyên tắc “tập trung dân chủ” trên 2 tư cách. Trên tư cách đảng viên thì họ bị ràng buộc bỡi nguyên tắc này trong của nội quy đảng.  Trên tư cách thẩm phán và công viên chức nhà nước thì họ bị ràng buộc bỡi cùng nguyên tắc “tập trung dân chủ này” trong điều 8 Hiến Pháp.

Nguyên tắc này quy định “thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng trung ương”. Có nghĩa là các thẩm phán/ đảng viên (từ Tòa án Nhân Dân Tối Cao đến tòa án nhân dân huyện) bị ràng buộc bỡi nguyên tắc này nên không thể xử án theo sự kiện và luật pháp khách quan như tại các quốc gia dân chủ, mà phải xử theo mệnh lệnh các cấp ủy liên hệ. Tại các quốc gia dân chủ chân chính, các vị thẩm phán không hề bị ràng buộc bỡi bất cứ nội quy của bất cứ chính đảng nào.

Nguyên tắc “Tập trung dân chủ” trói buộc tất cả các thẩm phán từ cấp tòa án thấp nhất đến Tòa Án Nhân Dân Tối Cao (TP Nguyễn Hòa Bình). Mọi cấp tòa đều có cấp đảng ủy liên hệ và phải xử theo chỉ thị đảng.

2.    Nhiệm kỳ giới hạn 5 năm:

 

Các thẩm phán đều có nhiệm kỳ nhất định, thường là 5 năm. Nếu không xử án theo ý của đảng thì trên nguyên tắc, sau 5 năm sẽ không được tái bổ nhiệm. Tuy nhiên trên thực tế thì không cần chờ tới 5 năm, có thể bị kỷ luật đảng và vào tù trước thời hạn. Trong khi đó, tại các quốc gia dân chủ, các thẩm phán thông thường được bổ nhiệm với nhiệm kỳ hoặc vô hạn định, hoặc đến tuổi hưu trí, hoặc đến khi mất khả năng sức khỏe hoặc trí tuệ, hoặc khi tự động rời chức vụ, hoặc khi bị kết án tội hình sự. Họ chỉ có thể bị cách chức với sự đề nghị của chính phủ và được quốc hội thông qua. Chính vì thế họ hoàn toàn công tâm xét xử.

3.    Thẩm phán CSVN được bổ nhiệm vì “Hồng” không phải “Chuyên”:

Các thẩm phán tại các quốc gia dân chủ đều là những luật gia không những được huấn luyện chuyên nghiệp sâu và là những chuyên gia nổi tiếng trong xã hội. Họ được bổ nhiệm không phải vì lòng trung với đảng như trong chế độ CSVN mà vì sự uyên bác và tính trung trực liêm khiết của họ.

4.    Lương bổng các Thẩm Phán VN không tương xứng với vị trí xã hội:

Các thẩm phán cũng như viên chức cao cấp khác trong guồng máy chính quyền các nước dân chủ đều nhận được lương bỗng rất cao. Họ có thể sống thoải mái, nuôi nấng gia đình và nếu hành xử đúng theo lương tri và luật pháp sẽ được xã hội trọng vọng và lưu lại một di sản tinh thần khả kính cho hậu thế. Khác với các thẩm phán CSVN nhận lương bèo và luôn bị cám dỗ phải hối lộ, chạy án …để vinh thân phì da.

Trước hết, chúng ta phải nhận xét ngay rằng, sau nhiều thập niên thiếu dân chủ, dân tộc chúng ta đã tụt hậu tang thương trong tiến trình xây dựng một chế độ pháp trị nghiêm chỉnh. Chính vì thế, tuy dân ta có một nền văn hóa sâu dày, một nền văn hiến hiển hách, nhưng nền chính trị đất nước lại thiếu thốn những yếu tố căn bản để xây dựng một nền dân chủ pháp trị tiến bộ.

 

VII.       Chúng ta cần làm gì hầu cải tổ hệ thống pháp lý VN?

 

Các yếu tố chúng ta thiếu và cần phải xây dựng là:

 

1. Một bản hiến pháp dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, căn cứ trên tam quyền phân lập

 

2. Sự hiện hữu của một cơ quan tư pháp tối cao, chí công vô tư, như Tối Cao Pháp Viện tại các nước dân chủ chân chính, vượt lên trên mọi đảng phái và phe nhóm chính trị và có thẩm quyền hiến định để phán quyết tính hợp hiến hoặc vi hiến của một sắc luật của lập pháp, hoặc một tác động của hành pháp

 

Tối cao pháp viện này cũng có thẩm quyền nguyên thủy giải quyết các xung đột giữa lập pháp và hành pháp, cũng như những xung đột giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương (như chính quyền tỉnh).

 

3. Một hệ thống đào tạo cấp đại học hoặc cao đẳng quy mô và phi ý thức hệ hầu huấn luyện chuyên ngành những luật gia và thẩm phán tương lai

 

4. Một luật sư đoàn độc lập tuyệt đối với chính quyền hoặc bất cứ một thế lực đệ tam nào, và bao gồm những thành viên luật sư chuyên nghiệp qua một quá trình học vấn cao cấp nghiêm chỉnh

 

5.    Một đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp, độc lập và chí công vô tư, không lệ thuộc vào chính quyền

 

6.    Một công tố viện dưới quyền điều động của một giám đốc công tố mà phẩm trật (status) cũng như phương thức bổ nhiệm (appointment) tương đương với một thẩm phán tối cao pháp viện, hoàn toàn độc lập đối với hành pháp và lập pháp.

 

7.    Sự hiện diện của một cẩm nang về đạo đức nghề nghiệp và nguyên tắc hành xử (Ethical and professional code of conduct) thống nhất cho các thẩm phán nghành tư pháp mọi cấp.

 

Friday, 26 January 2024

 

Nguyễn Phú Trọng và Hồ Chí Minh, nhân vật nào tội lỗi lớn hơn đối với dân tộc Việt.

LS Đào Tăng Dực

www.daotangduc.blogspot.com

Trong thời gian vừa qua, hải ngoại lẫn quốc nội rộ tin TBT Nguyễn Phú Trọng lâm trọng bệnh và sau đó giả chết bắt quạ. Dù ông Trọng có qua đời trong nhiệm kỳ hay không, sức khỏe của ông đã rất tệ và cũng đã đến lúc chúng ta duyệt xét di sản chính trị của ông.

Nhiều thức giả cho rằng, khi so sánh giữa hai lãnh tụ CS là Hồ Chí Minh và Nguyễn Phú Trọng thì Ông Hồ là tác nhân quan trọng nhất của lịch sử CSVN, du nhập ý thức hệ Mác- Lê vào đất nước, như vậy ông chính là tội đồ lớn nhất của dân tộc. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã công bằng đối với ông khi chúng ta duyệt xét toàn bộ hoàn cảnh lịch sử của dân tộc.

Hồ Chí Minh là nhân vật khai sinh ra đảng CSVN và Nguyễn Phú Trọng là lãnh tụ tuyệt đối đương nhiệm của tập thể này. Đảng CSVN sau gần 5 thập niên nắm quyền toàn trị trên quê hương, dân tộc chúng ta tụt hậu thảm thương khi so sánh với các dân tộc Đông Á khác như Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan.

Khi duyệt lại lịch sử, chúng ta nhận xét ngày rằng, suốt 94 năm kể từ ngày thành lập đảng, ngoài chức vụ chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương đảng do Hồ Chí Minh giữ đến khi qua đời năm 1969, CSVN có tất cả 10 Tổng Bí Thư. Tuy nhiên 4 TBT đầu là Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cử, đều tại chức chỉ một hay 2 năm, sau đó bị Pháp giết. Hơn nữa, quyền lực và uy tín của Hồ Chính Minh bao trùm nên ảnh hưởng của họ không bao nhiêu.

TBT Trường Chinh là một nhân vật đặc biệt. Ông làm TBT 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 1941 đến 1956. Thời điểm này quyền lực TBT bị quyền lực của ông Hồ làm lu mờ. Thời điểm thứ nhì từ tháng 7, 1986 đến tháng 12, 1986, sau khi ông Hồ qua đời, thì quá ngắn ngủi.

Các TBT có thực quyền bắt đầu, từ sau cái chết của Ông Hồ, là Lê Duẫn (5 năm), Đỗ Mười (6 Năm), Lê Khả Phiêu (4 Năm), Nông Đức Mạnh (10 năm) và Nguyễn Phú Trọng là tại chức lâu nhất, từ năm 2011 đến nay và nhiệm kỳ thứ 3 sẽ chấm dứt vào năm 2026, nếu ông còn sống đến ngày đó.

Một nguyên tắc của lịch sử khi đánh giá công và tội là: càng nhiều quyền lực thì trách nhiệm càng nặng nề.

Khi nói về quyền lực thì Nguyễn Phú Trọng dĩ nhiên không bằng Hồ Chí Minh vì Ông Hồ được đảng đưa lên mức độ thần thoại, ngang hàng với Lê Nin, Stalin và Mao Trạch Đông. Ông Hồ được ca tụng như cha già dân tộc, đánh đuổi Thực Dân Pháp dành độc lập cho Việt Nam qua “cuộc kháng chiến anh hùng và đẫm máu”.

Thực ra các phong trào chống chủ nghĩa thực dân và trao trả độc lập cho các thuộc địa đã rất mạnh mẽ từ giữa thế kỷ 20. Nếu không có đảng CS thì các đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Duy Dân, các chi phái Đại Việt…đã dương cao chính nghĩa quốc gia và dành độc lập thành công cho dân tộc vì chủ nghĩa thực dân đã thoái trào. Có thể chúng ta đã có dân chủ đa nguyên trước cả Đài Loan lẫn Nam Hàn.

Cái giá dân Việt phải trả cho những sách lược sai trái của ông Hồ thực sự quá đắt:

1.    Ông đã du nhập ý thức hệ Mác- Lê vào lòng dân tộc như một siêu vi trùng, hủy hoại nguyên khí quốc gia.

2.    Theo lệnh của các quan thầy Nga-Hoa, ông đã thẳng tay tiêu diệt các đảng phái quốc gia, thiết lập độc tài toàn trị trên quê hương đất nước, trì hoãn tiến trình dân chủ hóa đất nước.

3.    Tàn sát tập thể hằng vạn con dân nước Việt trong những cơn cuồng điên ý thức hệ như Chiến dịch cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa, Mậu Thân Huế 1968 chỉ một năm trước khi ông qua đời.

Câu hỏi vẫn phải đặt ra là giữa Nguyễn Phú Trọng và Hồ Chí Minh, ai công ai tội hơn ai?

Theo Wikipedia, Nguyễn Phú Trọng sẽ được 80 tuổi vào tháng 4 năm 2024. Ngoài chức vụ TBT đảng ông còn là Bí thư Quân ủy Trung ương, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Năm 2018, sau khi được Quốc hội Việt Nam khóa XIV bầu làm Chủ tịch nước, ông đã chính thức trở thành người thứ ba trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ cả hai chức vụ đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước, sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh.

Trên bình diện học thức, Ông là Giáo sư Chính trị học, Tiến sĩ Khoa học Lịch sử. Trường lớp của ông là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

Nói về công lao cho đất nước thì Nguyễn Phú Trọng không có gì. Lý do là ông chỉ thụ hưởng di sản quyền lực của Hồ Chí Minh và những lãnh tụ CS tiền nhiệm.

Tuy nhiên, từ khi nắm được quyền lực tối cao, ông đã đánh mất nhiều cơ hội canh tân cải tổ đất nước. Có 3 cơ hội lớn ông đã đánh mất trong nhiệm kỳ của mình:

Trước hết, vào năm 2013, khi chấp bút bản hiến pháp hiện hành, ông có thể từng bước cởi trói cho dân tộc bằng cách không hiến định hóa Điều 4 hiến pháp, tư hữu hóa sở hữu đất đai và củng cố khái niệm kinh tế thị trường chân chính thay vì tái “định hướng xã hội chủ nghĩa”,

Thứ hai, ông có thể từng bước giới hạn quyền lực của công an và nới lỏng quyền tự do báo chí, tư tưởng và tiếng nói đối lập.

Thứ ba là trong giai đoạn Hoa Kỳ và các quốc gia tây phương đang tái phối trí tương quan địa chính trị cả Đông lẫn Tây, ông có thể lèo lái con thuyền quốc gia, tách rời khỏi ảnh hưởng CSTQ, một mặt củng cố chủ quyền quốc gia, mặt khác thu hút tư bản quốc tế làm giàu cho dân tộc, thì ông lại không đủ can đảm.

Nhiều bình luận gia cho rằng, ông có công đốt lò diệt tham nhũng. Tuy nhiên, bao lâu còn độc đảng thì diệt tham nhũng chỉ là trò cười vô bổ.

Khi so sánh với Hồ Chí Minh, chúng ta có thể lập luận rằng tội của ông nặng hơn Ông Hồ. Lý do là vì Ông Hồ trình độ học thức cao nhất chỉ là bằng Primaire (tức tốt nghiệp cao đẳng tiểu học Pháp hay Thành Chung). Sau đó ông qua Liên Xô và bị trường đảng LX nhồi sọ. Ông nhẹ tội hơn vì sự hiểu biết giới hạn hơn.

Tuy nhiên Nguyễn Phú Trọng sinh ra trong thời đại mới. Học thức rất cao. Ông bảo vệ chế độ không phải vì ông còn tin tưởng vào sự khả thi của lý tưởng cộng sản, mà vì chỉ có đảng mới cho ông ngôi vị cao như vậy mà thôi.

Với trí năng và kiến thức của ông, ông thừa biết rằng đảng và chủ nghĩa CS đã di hại vô vàn cho nhiều thế hệ con dân Việt Tộc. Lý do chính xác nhất là, như nhiều con người tầm thường khác, ông ham mê quyền lực và danh vọng hão huyền. Ông có thể nắm quyền lực 15 năm, được các nịnh thần ca tụng đó đây. Tuy nhiên sau khi vị “nhân sĩ Bắc Hà” này qua đời, lịch sử sẽ đánh giá nghiêm khắc di sản của ông và tội của ông sẽ nặng hơn tội của ông Hồ nữa.



Sunday, 21 January 2024

Dự thảo sách lược đối phó quyết định 1334 của CSVN

 

Luật sư Đào Tăng Dực

www.daotangduc.blogspot.com

Quyết định 1334 của chính phủ CSVN được ban hành ngày 10 tháng 11, 2023 vừa qua, do phó TT Trần Lưu Quang ký thay thủ tướng Phạm Minh Chính, là văn kiện rõ rệt và chi tiết nhất về sách lược xâm nhập và thao túng CDNVTDHN của CSVN.

 

I.              Thực trạng của Quyết Định 1334

Chúng ta có thể đọc toàn bộ QĐ này theo link dưới đây của Thư Viện Pháp Luật Việt Nam:

Quyết định 1334/QĐ-TTg 2023 Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài (thuvienphapluat.vn)

 

Văn kiện này tuy dài, nhưng website nêu trên cũng đăng tải một văn bản tóm lược như sau:

Đề án Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới

Ngày 10/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1334/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”.

Mục tiêu cụ thể của Đề án Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới

- Tăng cường thống nhất nhận thức người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực ngày càng quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, từ đó xây dựng các định hướng, chủ trương, biện pháp mang tính tổng thể, cơ bản, lâu dài nhằm thu hút và phát huy tối đa nguồn lực này.

 

Các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch về thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Thiết lập cơ chế triển khai, phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và trên phạm vi toàn quốc, trong và ngoài nước.

 

- Tạo môi trường, cơ chế trong nước để người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm gắn bó, phát huy nguồn lực của mình với đất nước.

 

Xây dựng hành lang pháp lý để người Việt Nam ở nước ngoài cơ bản được hưởng môi trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, nhân đạo...

 

- Tạo khuôn khổ, cơ chế bền vững khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trên các lĩnh vực phù hợp với nguồn lực của cộng đồng.

 

Duy trì đà tăng trưởng của kiều hối; thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư FDI của người Việt Nam ở nước ngoài; đẩy mạnh phát huy hiệu quả nguồn lực của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao tri thức và kỹ năng; thu hút và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, du học sinh trở về;

 

Triển khai hiệu quả các sáng kiến, đóng góp từ thiện, nhân đạo, xã hội của các cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam; phát huy vai trò cầu nối của người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế - thương mại, văn hoá, xã hội...

 

- Củng cố mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới. Hoàn thành xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài. Phấn đấu 100% các địa bàn có đông cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thành lập được các hội, đoàn.

 

- Hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển, có vị thế ở sở tại; tăng cường sự gắn kết, giao lưu trong nước giữa người Việt Nam ở nước ngoài với các tổ chức nhân dân, hội đoàn trong nước.

 

- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, thông tin, trao đổi với người Việt Nam ở nước ngoài, quản lý lao động, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.”

 

 

 

II.            Nguyên nhân Quyết Định 1334:

Quyết định 1334 không phải là chủ trương mới nhất của CSVN đối với kiều bào hải ngoại. Tuy nhiên, nó là sách lược chi tiết và rõ rệt nhất.

QĐ này phát xuất từ các lý do sau đây:

 

1.    Các đảng CS theo khuynh hướng Đệ Tam Quốc Tế của Lê Nin, trong đó có đảng CSVN, đều có một chủ trương nhất quán. Đó là: Đảng CS là thực thể cứu cánh và tất cả mọi thực thể khác trong hoàn vũ, trong đó có dân tộc VN và kiều bào hải ngoại, đều là phương tiện để phục vụ cho Đảng CS Cứu Cánh này.

Tất cả mọi thực thể (phương tiện) này bao gồm:

a.      Quốc tế: các quốc gia trên thế giới bao gồm các dân tộc, các đảng phái chính trị, tài nguyên, các thực thể thương mại, tài chánh, kỹ nghệ, quốc phòng, các doanh nghiệp quốc tế, các cá nhân, toàn bộ các chính quyền và xã hội dân sự, mợi hữu thể tự nhiên hay pháp lý ….

b.     Quốc gia: toàn thể quốc gia Việt Nam bao gồm mọi sắc tộc trong cộng đồng dân tộc, nhà nước tức guồng máy chính quyền, xã hội dân sự và mọi thành phần trong xã hội dân sự, tài nguyên quốc gia, sức lao động của mỗi công dân cá thể, mọi hữu thể tự nhiên hay pháp lý trong quốc gia…

Có nghĩa là, trong trường hợp của Việt Nam thì đảng CSVN là cứu cánh duy nhất và tối thượng, phần còn lại của hoàn vũ đều là phương tiện và lý do hiện hữu duy nhất là phục vụ cho sự sống còn, lớn mạnh và thống trị vĩnh viễn của đảng CSVN.

Trước khi có sự chia rẽ giữa CSTQ và CSLX (1969 đến cuối thập niên 80) và sự sụp đổ của LBXV (1991) thì các đảng CS anh em còn gắn bó ý thức hệ, nhưng sau đó thì các đảng CS khác nhau, đều trở thành phương tiện không khác nào các đảng chính trị quốc gia khác.

Trong các tài nguyên quốc gia, không có tài nguyên nào quý giá hơn là bàn tay, khối óc và sự sáng tạo của cải của con người cá thể.

Chính vì thế, chỉ cần một vài thập niên canh tân cải tổ kinh tế, nhờ không bị CS thống trị, các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore đã vươn lên và bắt kịp các nước Tây Phương.

Trong các quốc gia CS Đông Á còn lại thì Bắc Hàn là bảo thủ nhất nên nghèo khổ. Việt Nam cải tổ hơn một ít nên đỡ khổ hơn. TQ tương đối cởi mở sớm và nhiều hơn nên phát triển kinh tế nhanh chóng tương đối.

Trừ Bắc Hàn, các đảng CSVN và CSTQ vô cùng may mắn vì dù chế độ sai lầm, quản trị kinh tế kém cỏi, tham những tràn lan, độc ác với dân chúng, nhưng bàn tay và khối óc của nhân dân vẫn giúp cho quốc gia khỏi rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo.

Nếu không có các đảng CS liên hệ thì bây giờ Việt Nam đã sánh bằng Nam Hàn và Trung Hoa Lục Địa đã sánh bằng đảo quốc Đài Loan.

Khi tình hình địa chính trị tại Đông Á và Đông Nam Á biến chuyển, Hoa Kỳ và đồng minh ý thức được hiểm họa CSTQ và thực thi sách lược “tách rời” (decoupling) và sau đó “tránh hiểm” (de-risking) khỏi kinh tế TQ, đồng thời bao vây địa chính trị quốc gia CS này, thì CSVN nhân thức cơ hội mới bằng vàng.

Đó là:

Làm sao sử dụng dân tộc Việt Nam, Hoa Kỳ, các đồng minh của Hoa Kỳ, đảng CSTQ, tư bản quốc tế như là phương tiện hầu phục vụ cho cứu cánh là đảng CSVN

Một trong những thành phần quan trọng của dân tộc Việt Nam là khối kiều bào Việt Nam hải ngoại (Vietnamese Diaspora)

 

2.    Nguồn tài tài chánh hầu như vô tận của CĐ hải ngoại:

Theo Wikipedia thì dân số kiều bào VN hải ngoại khoảng 5 triệu người:

Nếu GDP cao như Hoa Kỳ thì $80,412 X 5 triệu sẽ là $402 tỷ

Nếu GDP thấp hơn Hoa Kỳ như Úc thì $63,487 X 5 triệu sẽ là $US 317 tỷ

Con số thực tế có lẽ là dân số tại Hoa Kỳ khoảng 2.5 triệu X $80,412 sẽ là $201 tỷ

Phần còn lại của thế giới lấy theo GDP của Canada 2.5 triệu X $53,247 sẽ là $133 tỷ

Cộng lại sẽ là $334 tỷ cho 5 triệu người hải ngoại.

Khi chúng ta so sánh với toàn bộ quốc gia Việt Nam thì chúng ta nhận xét rằng tuy VN có dân số 100 triệu nhưng GDP đầu người rất thấp ($4316) nên GDP của toàn quốc gia chỉ ở mức độ $433 tỷ. Đó là chưa kể theo bình luận gia quốc tế thì các quốc gia độc tài cộng sản có khuynh hướng thổi phồng GDP của mình, không có đa đảng hoặc hệ thống kiểm soát và quân bình (checks & balances) nên con số thực sự có thể thấp hơn rất nhiều.

Chính vì thế con số GDP của cộng đồng hải ngoại ở $334 tỷ là thật, còn con số $433 tỷ của nước VN có thể là giả trá. Vì vậy chúng ta có thể kết luận rằng, tài nguyên của 5 triệu người Việt hải ngoại hầu như tương đương với tài nguyên của một nước VN thứ hai vậy. CSVN rất thèm muốn kiểm soát chặc chẽ nguồn tài nguyên này.

 

3.    Kiều hối là một nguồn ngoại tệ vô điều kiện và phẩm chất cao hơn các nguồn FDI khác.

 

-         Theo Người Việt thì nguồn kiều hối về Sài Gòn năm 2023 gấp 3 lần vốn đầu tư ngoại quốc

-         Hằng năm lượng kiều hối đổ về Sài Gòn chiếm hơn một nửa ở Việt Nam.

-         Lượng kiều hối chuyển về Sài Gòn năm 2023 gần $9 tỷ, tăng 35% so với năm ngoái và gần gấp ba vốn đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc (FDI) chỉ với khoảng $3.4 tỷ.

 

(Thông tin trên được ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch ở Sài Gòn, cho biết tại “Hội Nghị Ngoại Giao 32” diễn ra tại Hà Nội hôm 21 Tháng Mười Hai).

-         Theo số liệu chính thức từ Ngân Hàng Nhà Nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên $10 tỷ, thậm chí có năm vượt hơn, cụ thể như hồi 2021 là $12.5 tỷ.

 

-         Còn theo ước tính của Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Tổ Chức Hợp Tác Quốc Tế Về Người Di Cư, trung bình ba năm gần đây Việt Nam nhận tới $17-$18 tỷ kiều hối mỗi năm.

 

-         Ngân Hàng Nhà Nước chi nhánh Sài Gòn dự báo năm 2024, lượng kiều hối chuyển về sẽ tăng khoảng 20% so với năm nay, khi thế giới đang kỳ vọng vào sự chuyển mình sau đại dịch COVID-19.

Tóm lại CSVN ý thức rằng:

1.    Nếu kiểm soát và điều hướng được cộng đồng hải ngoại thì CĐ biến thành một nguồn tài nguyên vô tận cho tham nhũng và phát triển kinh tế cầm chừng, hầu duy trì sự trị vì của đảng

2.    Nếu không kiểm soát được thì CĐ hải ngoại biến thành một thành trì của đối lập chính trị, với nguồn tài chánh dồi dào có thể thách thức quyền lực của đảng.

 

III.         Hậu quả Quyết Định 1334:

 

Nếu chúng ta bất lực trước sách lược này của CSVN thì hậu quả sẽ là:

A.   Hậu quả nhẹ: các CĐ vốn đang chia rẽ sẽ chia rẽ trầm trọng hơn, trở  thành 2 hoặc 3 khuynh hướng: Quốc Gia, Cộng sản và Trung Lập và người Việt Quốc Gia sẽ không còn nơi chốn an toàn để an cư lạc nghiệp tại hải ngoại

B.   Hậu quả nặng: CĐ hải ngoại bị CSVN khống chế toàn diện và trở thành một Hồng Kong hoặc Macau mới dưới ảnh hưởng nặng nề của CSVN.

C.   Nền văn hóa giáo dục các thế hệ trẻ, hậu duệ của truyền thống văn hóa tốt đẹp của VNCH, sẽ bị Mác Xít hóa và thế hệ trẻ sẽ bị đầu độc ý thức hệ Mác Lê.

D.   Sự trị an của CĐ tại các quốc gia hải ngoại sẽ rối loạn vì có 2 luật lệ: luật quốc gia sở tại và luật rừng CS Việt Nam

E.   Những thành phần chống cộng có thể bị bắt cóc, giải về VN, giết người, hăm dọa qua sự chủ xướng của CSVN, sẽ xảy ra thường xuyên

F.    Toàn thể CĐ hải ngoại sẽ trở thành một phiên bản của xã hội CSVN, tức một xã hội công an trị, không còn những tự do và nhân quyền căn bản ngay trên các quốc gia dân chủ.

Những gì đang xảy ra tại Hồng Kong là một cảnh giác cho chúng ta.

 

IV.         Chúng ta cần sách lược gì để đối phó hiệu năng Quyết Định 1334:

 

Chúng ta cần một sách lược nghiêm chỉnh hầu đối phó với QĐ 1334 này.

Sách lược này sẽ căn cứ trên 4 thực thể hợp tác làm việc chung:

1.    Các tổ chức chính trị quốc gia hải ngoại

2.    Các CĐ NVTD hải ngoại

3.    Các cơ quan truyền thông quốc gia hải ngoại

4.    Các cơ quan trị an và phản gián các quốc gia sở tại

 

A.   Vai trò các tổ chức đấu tranh quốc gia hải ngoại

QĐ 1334 dĩ nhiên không phải là một quyết định đơn thuần về kinh tế và trong phần phân chia công tác quyết định này không che dấu, ngoài bộ Ngoại Giao và Công An ra, QĐ phân công rõ rệt cho các cơ quan của đảng như sau:

Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Các cơ quan khác: như Ban Dân vận Trung ương, Ban Kinh tế trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,  … hỗ trợ thực hiện Đề án; nghiên cứu lồng ghép các phương châm, mục tiêu, giải pháp của Đề án vào nội dung, chương trình làm việc của các cơ quan.”

Yếu tố nêu trên chứng tỏ đảng CSVN không cần núp sau guồng máy nhà nước, mà công khai thò bàn tay lông lá của mình, kiểm soát trực tiếp cộng đồng kiều bào hải ngoại.

Các tổ chức chính trị cần nghiên cứu những sách lược vạch trần âm mưu này của CSVN.

 

Hiện nay, các tổ chức chính trị hải ngoại bao gồm 2 loại chính:

1.    Những chính đảng quốc gia đã khai sinh từ thời Pháp Thuộc và trường tồn với lịch sử cho đến hôm nay như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tân Đại Việt và các hệ phái Đại Việt khác nhau, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ….

2.    Những tổ chức khai sinh sau 1975: Việt Tân, Lực Lượng Cứu Quốc (bao gồm Tổ Chức Phục Hưng VN, Tập Hợp Đồng Tâm và Pong Trào Sài Gòn), Đảng Nhân Bản Xã Hội, Họp Mặt Dân Chủ, Mạng Lưới Nhân Quyền….

Tuy có nhiều cố gắng thành lập các liên minh có thực lực, nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa thành lập được một LM chính trị có thể thách thức CSVN. Tuy là những tổ chức tương đối chặc chẽ hơn CĐ và ít bị CS xâm nhập, nhưng các tổ chức chính trị đang trên đà lão hóa và thiếu thế hệ kế thừa. Điều này đưa đến khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng nhân sự và tài chánh.

Lối thoát duy nhất là liên kết với nhau hầu củng cố niềm tin, kết hợp nhân sự và kết hợp tài chánh.

Tuy nhiên trở lực lớn lao nhất là tính bảo thủ và bản ngã lớn lao của giới lãnh đạo cũng như tự ái tập thể của các TC này.

Sự ra đời của Quyết Định 1334 là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho các tổ chức chính trị.

Các tổ chức chính trị cần làm:

1.    Công tác liên minh

Đã đến lúc, các TC đấu tranh và lãnh đạo của họ ý thức hiểm họa của QĐ 1334, khống chế bản ngã của các nhân và tập thể, kết thành một hay một vài Liên Minh có thực lực, hầu hợp tác làm việc với các CĐ, trong một thế hỗ tương “môi hở răng lạnh” hầu bảo vệ thành trì hải ngoại và khởi một thế công hầu đạp đổ độc tài, hoàn tất tiến trình dân chủ hóa đất nước.

 

2.    Thành lập các nhóm tham mưu hỗn hợp, hoặc giữa các TC chính trị hoặc với các CĐ hầu phản biện các luận điệu hoặc tác động của Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Các cơ quan khác: như Ban Dân vận Trung ương, Ban Kinh tế trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

B.   Các Cộng Đồng Người Việt Tự Do Hải Ngoại

Sự kiện Bộ Ngoại Giao CSVN được phân công cụ thể trong QĐ 1334, và qua bộ này, dĩ nhiên các đại sứ quán và lãnh sự quán sẽ được giao công tác tại các địa phương hải ngoại, phải là một cảnh báo cụ thể cho các CĐ:

”Bộ Ngoại giao:

 

a) Là đầu mối theo dõi, điều phối, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án.

 

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể:

 

- Đẩy mạnh công tác hỗ trợ và vận động cộng đồng, phát hiện nhân tố mới, thúc đẩy kết nối, hỗ trợ hình thành, củng cố và phát triển các hội đoàn, mạng lưới trí thức, doanh nhân tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước; tăng cường vận động chính quyền, cơ quan tổ chức các nước đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi để tăng vị thế của cộng đồng, các tổ chức hội đoàn của người Việt ở sở tại.

 

- Tăng cường nghiên cứu, tổng hợp thông tin về tình hình các nguồn lực NVNONN; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong việc kết nối, thu hút các nguồn lực của NVNONN; phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức chương trình Xuân Quê hương, Trại hè thanh thiếu niên, Khóa tập huấn, bồi dưỡng tiếng Việt, các hội nghị hội thảo, hoạt động từ thiện... hàng năm.

 

- Tổ chức các hoạt động nhằm cập nhật thông tin về tình hình đất nước, chính sách pháp luật đối với NVNONN, kết hợp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của NVNONN; đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để NVNONN về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, sản xuất, kinh doanh...

 

- Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024”, Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023 - 2030”.

 

- Xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu về NVNONN trình Thủ tướng Chính phủ.

 

- Kiến nghị hình thức, biện pháp khen thưởng xứng đáng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiêu biểu ở trong và ngoài nước có thành tích xuất sắc trong đóng góp nguồn lực, thu hút nguồn lực NVNONN phục vụ phát triển đất nước.

 

- Phát hiện, vận động và bổ nhiệm các cá nhân NVNONN có uy tín và quan hệ tốt với sở tại làm Lãnh sự danh dự của Việt Nam ở các nước.

 

- Tổ chức hoặc hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công tác NVNONN, tập trung vào công tác vận động cộng đồng và thu hút nguồn lực NVNONN.

 

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Đề án của cơ quan, tổ chức, địa phương; tổ chức sơ kết việc thực hiện Đề án vào năm 2027 và tổng kết vào năm 2031.”

 

 

Các CĐ hiện đang bị chia rẽ trầm trọng tại Hoa Kỳ, Âu Châu và Úc Châu. Các lý do chính như sau:

1.     CSVN đã từ lâu xâm nhập các cộng đồng (nhất là tại Pháp) và chủ trương chia rẽ để phá hoại theo nghị quyết 36 của đảng.

2.     Các tổ chức CĐ là những tổ chức mở rộng cho mọi thành viên, kém sự tổ chức chặt chẽ, khác với các tổ chức chính trị khó bị xâm nhập hơn.

3.     Các tổ chức CĐ có các nhiệm vụ thông thường sau đây:

a.     Thực hiện các công tác an sinh và xã hội

b.    Bảo vệ chính nghĩa quốc gia biến CĐ trở nên thành trì chống cộng hải ngoại

c.     Giúp các thành viên, nhất là thế hệ trẻ tham gia các công tác chống cộng hoặc tham gia các đảng phái chính mạch tại các quốc gia sở tại

 

Tuy nhiên, sự chia rẽ đấu đá trong các cộng đồng, mặt này và những chính sách chiêu dụ người Việt Hải ngoại của CSVN mặt kia, có hậu quả là giới trẻ mất niềm tin, không tham gia các tổ chức đấu tranh chống cộng, mà giới trẻ lại có khuynh hướng hoặc thăm viếng du hí VN, hoặc tham gia các đảng phái chính mạch tại các quốc gia sở tại, nhiều hơn là tham gia các đảng phái quốc gia chống cộng.

Chính vì thế chúng ta phải sử dụng Quyết Định 1334 này như một cảnh báo các CĐ về các nhu cầu sau đây:

a.    Xóa bỏ chia rẽ, tỵ hiềm các nhân và phe nhóm, đoàn kết trước hiểm họa của Quyết Định 1334

b.    Ý thức rõ rệt tính hổ tương giữa các CĐ và các tổ chức chính trị quốc gia, trong đó các CĐ là thành trì chống cộng, giữ vai trò “thủ” tức bảo vệ thành trì hải ngoại, và các tổ chức chính trị giữ vai trò “công” tức là những mũi dùi công phá chế độ CSVN

c.     Tạo ra những cấu trúc/ mô hình làm việc chung giữa CĐ và TC quốc gia, từ địa phương, đến quốc gia, đến quốc tế hầu phát huy tính hổ tương giữa thủ và công của hai thực thể

d.    Trên bình diện lý thuyết, nếu thành công thì người Việt Quốc Gia sẽ có một CĐ hải ngoại đoàn kết với tổng sản lượng GDP không thua kém toàn nước Việt Nam và một hay nhiều liên minh chính trị có thực lực, đủ để quốc tế tin tưởng và có thể thách thức uy tín và quyền lực của đảng CSVN

e.     Trên bình diện thực tế, thành công đến mức độ nào thì tiến trình dân chủ hóa sẽ rút ngắn đến mức độ đó.

Một cách tổng quát các CĐ cần phải:

 

1.    Nổ lực hóa giải các tranh chấp cá nhân và phe nhóm

2.    Hợp tác với các tổ chức đấu tranh chính trị quốc gia hầu đối phó hiệu năng với QĐ 1334 này

 

C.   Các cơ quan truyền thông hải ngoại

Các cơ quan truyền thông quốc tế tại các quốc gia dân chủ thông thường không chú trọng đến tiến trình dân chủ hóa của bất cứ quốc gia nào, kể cả Việt Nam. Họ chỉ là những cơ quan hoặc thương mại, hoặc của các chính phủ liên hệ như BBC, VOA, RFA, RFI…. Chỉ có các cơ quan truyền thông do các tổ chức đấu tranh người Việt hải ngoại, hoặc nhân sĩ hải ngoại, mới thật sự tập chú vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Chúng ta cần liên hệ, liên kết và nâng cao ý thức về sự quan trọng của QĐ 1334 và sử dụng các cơ quan truyền thông này hầu đả phá ý đồ đen tối của CSVN.

Một số cơ quan truyền thông sau đây là tiêu biểu:

-         Radio Đáp Lời Sông Núi của Lực Lượng Cứu Qốc

-         Báo Quốc dân của Việt Nam Quốc Dân Đảng

-         Đối Thoại Online của Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam

-         Thông Luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

-         Quyền Được Biết của một nhóm nhân sĩ

-         Tiếng Dân của một nhóm nhân sĩ

-         Báo Người Việt

-         Việt Nam Thời Báo

-         Đất Việt

-         Việt Báo ….

Danh sách nêu trên dĩ nhiên cần được bổ sung, tuy nhiên chúng ta cần vận dụng tối đa các cơ quan truyền thông quốc gia, trong công tác phản biện quan trọng này.

D.   Các cơ quan trị an (security) và phản gián (anti-espionage) của các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Khối Liên Âu etc…

Sự kiện Bộ Công An CSVN, đáng lý không thể xen lấn vào trị an của các CĐ hải ngoại, vì làm như thế sẽ trái với công pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền của các quốc gia sở tại, sẽ là cảnh báo cho các cơ quan trị an, nhất là phản gián (anti-espionage) tại các quốc gia dân chủ chân chính, như FBI hoặc CIA tại Hoa Kỳ, MI 5 hay MI 6 của Anh Quốc, ASIO của Úc etc…

Thực vậy QĐ 1334 minh thị giao phó trách nhiệm cho Công an CSVN:

 

“Bộ Công an:

 

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu phương án cấp thẻ cư trú (hoặc hình thức phù hợp khác) dành cho NVNONN có khả năng tích hợp và thay thế các loại giấy tờ hiện hành như Giấy miễn thị thực, Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, Giấy phép lao động...; đề xuất giải pháp về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, cư trú, nhằm đảm bảo quyền lợi và phát huy tiềm năng của NVNONN phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

- Phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng NVNONN cư trú, sinh sống hợp pháp tại địa bàn, cũng như về nước thăm thân, đầu tư kinh doanh....

 

- Thông qua hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh, trật tự, phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật các nước triển khai công tác bảo hộ công dân NVNONN, giải quyết những vấn đề phức tạp, vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến NVNONN, hỗ trợ đảm bảo an ninh cộng đồng.

 

- Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo NVNONN tham gia các hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động lưu vong.”

 

Nội dung trên, nếu được quảng bá và giải thích cho các quốc gia sở tại sẽ khơi dậy nhiều cảnh gác.

Lý do là vì các cơ quan chức năng tại các quốc gia dân chủ có 2 trách nhiệm lớn.

Một là bảo vệ chủ quyền quốc gia: tức là chỉ có một luật pháp duy nhất hiệu lực trong quốc gia. Luật pháp VN không thể áp dụng tại các quốc gia sở tại.

Hai là, họ phải có trách nhiệm bảo vệ trị an cho những công dân của họ gốc Việt nữa.

Chính vì thế, bất cứ địa phương nào thuận tiện, nên thành lập các thực thể sau đây:

1.    Các nhóm Đặc Nhiệm (Special Task Force) hỗn hợp giữa CĐ, TC Chính trị và cơ quan phản gián sở tại

2.    Các ủy ban phối hợp (co-ordination committee) hỗn hợp tương tư

Các CĐ cũng như TC Chính trị nên làm các mẫu đơn tố cáo bằng tiếng các quốc gia sở tại, cho các thành viên cộng đồng có thể tố cáo các động thái bất hợp pháp của công an CSVN, hoặc các đảng viên CSVN có ý đồ bất chính….

 

V.            Kết luận:

Nêu trên chỉ là một số góp ý, như là một vài dữ kiện để chúng ta có thể thảo luận, góp ý hầu đi đến một sách lược đồng bộ cho các tổ chức đấu tranh, cơ quan truyền thông và CĐ hải ngoại.

Kính,

LS Đào Tăng Dực