Tuesday, 26 September 2023

Mặt Trận Tổ Quốc: Tuồng lường gạt nhân dân qua điều 9 Hiến Pháp

Đào Tăng Dực

26-9-2023

Là người Việt Nam, trong lẫn ngoài nước, không ai không nghe nhắc đến Mặt Trận Tổ Quốc. Tổ chức này như là một trong những định chế rường cột của trật tự chính trị hiện giờ tại Việt Nam, ngoài đảng CSVN.

Câu hỏi đặt ra là:

1.   Mặt Trận Tổ Quốc là gì?

2.   MTTQ có hiện diện trong Hiến Pháp 2013 như đảng CSVN hay không?

3.   Nếu có thì tại sao?

Trên website chính thức của Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận có một bài viết ngắn, nặc danh như các đảng viên CSVN thường làm với tựa đề: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”.

Tuy ngắn ngủi nhưng tiêu đề trên nói lên một sự thật đơn giản và vô cùng phản dân chủ. Đó là Mặt Trận Tổ Quốc không những là ngoại vi hay cánh tay nối dài của đảng, mà thật sự là một thành phần gắn liền với đảng CSVN.

Tuy nhiên, điều mà Ủy ban Nhân dân MTTQ tỉnh Bình Thuận không nói rõ thêm là, MTTQ còn, thay vì đại diện cho xã hội dân sự (tức nhân dân), thì họ lại phản bội nhân dân bằng cách chọn lọc ứng cử viên toàn là đảng viên, hầu chế độ đảng cử dân bầu được thực hiện trên toàn cõi đất nước và nhân dân bị tước quyền tự quyết tuyệt đối.

Vị trí của MTTQ đã được hiến định hóa trong Hiến pháp 2013 và tiền thân của Hiến pháp này. Điều 9 Hiến pháp là nguồn gốc hiến định của Mặt Trận Tổ Quốc. Tuy điều 9 Hiến pháp cũng như toàn bộ Hiến pháp 2013 và những tiền thân của nó sử dụng những ngôn ngữ hàm hồ, cả vú lập miệng em, nhưng khi đọc thật kỹ thì có thể được giải thích như sau:

Mặt Trận Tổ Quốc là một liên minh chính trị, tập hợp tất cả các đoàn thể trong xã hội dân sự, từ chính trị đến xã hội, tôn giáo, giai cấp xã hội, các cá nhân người Việt trong lẫn ngoài nước, bao gồm Công Đoàn Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn Thanh Niên CS HCM, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam, hầu phục vụ cho đảng. Đoạn 1 và 3 của Điều 9 Hiến pháp tương đối dễ hiểu và xin trích dẫn dưới đây:

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”. 

Cần phải lưu ý rằng, Điều 4 Hiến pháp minh thị trao quyền lãnh đạo cả nhà nước (tức chính quyền) lẫn xã hội dân sự cho đảng CSVN. Chính vì thế, có thể kết luận rằng, lý do CSVN qua điều 9 Hiến pháp, hiến định hóa vai trò của MTTQ nhằm mục đích đem lại tính chính danh cho một tổ chức tay sai đắc lực của đảng, hầu đoàn ngũ hóa mọi thành phần xã hội dân sự, củng cố sự lãnh đạo toàn trị của đảng CSVN.

Qua đó có thể thấy, đảng CSVN minh thị, công nhận sự độc tài toàn trị của đảng qua điều 4 Hiến pháp với sự trợ thủ đắc lực của tay sai là MTTQ. Tuy nhân dân bị tước mọi quyền và ngậm đắng nuốt cay, nhưng đảng CSVN lường gạt nhân dân ở chỗ nào?

Đọc kỹ điều 9 Hiến pháp, chúng ta nhận ra ngay rằng, không có đoạn nào cho phép MTTQ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các cuộc bầu cử: Đó là vai trò chọn lọc ứng cử viên dùm cho đảng CSVN cả.

Điều này hoàn toàn đi ngược với khái niệm dân chủ mà con người với trí thông minh bình thường trên thế giới có thể hiểu được.

Đảng CSVN đã lường gạt nhân dân, khinh thường sự thông minh của cả một dân tộc khi họ cho quốc hội bù nhìn thông qua Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội và Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân 2015 và tiền thân của nó luật hóa vai trò chọn ứng viên cho Quốc Hội và các cơ quan dân cử địa phương.

Theo Điều 4 đoạn 5 của Luật Bầu cử ĐBQH & ĐBHĐND, Mặt Trận được giao trách nhiệm chọn lọc ứng viên được ứng cử vào Quốc Hội. Có nghĩa là trên thực tế, chỉ có những ứng viên được đảng CSVN chấp nhận mới được phép ứng cử. Kết quả là, trong tất cả các nhiệm kỳ của Quốc Hội, hơn 90% dân biểu là đảng viên chính thức của đảng CSVN, phần còn lại là cảm tình viên của đảng.

Không có điều khoản nào trong hiến pháp cho phép Mặt Trận Tổ Quốc các đặc quyền hoặc trách nhiệm về bầu cử, ứng cử lớn lao như thế. Trong một nền dân chủ thật sự, có tam quyền phân lập, thì một định chế tư pháp độc lập, chẳng hạn Tối Cao Pháp Viện (Hoa Kỳ) hoặc Hội Đồng Hiến Pháp (Pháp) đã tuyên bố những điều khoản thiết yếu của sắc luật Bầu Cử Đại Biểu 2015 nêu trên là vi hiến và hoàn toàn vô hiệu lực.

Điều 27 Hiến pháp ghi rõ: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.

Luật Bầu Cử Đại Biểu 2015 vi phạm tinh thần của Điều 27 Hiến pháp vì quyền bầu cử và ứng cử bị MTTQ giới hạn nghiêm trọng. Họ chỉ còn quyền bầu cho ứng cử viên đảng chọn mà thôi. Cụm từ “do luật định” hoàn toàn không có nghĩa là quốc hội bù nhìn muốn ra luật như thế nào cũng được, bất chấp hiến pháp. Trái lại phải nghiêm minh tuân thủ tinh thần của điều 27 Hiến pháp.

Tuy nhiên, dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam, một định chế tư pháp tối cao, tương tự như Tối Cao Pháp Viện ở Mỹ hoàn toàn vắng bóng. Hậu quả là đảng CSVN, một thực thể kiểm soát quân đội và công an, đạp trên nhân dân để thống trị đất nước một cách ngông cuồng.

Câu hỏi tiếp theo là, trong tình huống một trật tự chính trị Mác – Lê vô pháp vô thiên, cai trị bằng gian dối và bạo lực như thế, con đường trước mắt của toàn dân là gì?

Có thể lập luận rằng, mặc dầu Điều 4 Hiến pháp tạo ra nền tảng pháp lý cho sự tiêu diệt thể chế đa nguyên, đa đảng trong cấu trúc chính trị Việt Nam, nhưng chính Mặt Trận Tổ Quốc, củng cố bởi Luật Bầu Cử Dân Biểu Quốc Hội và Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân 2015, mới thật sự là tác nhân của nguyên tắc phản dân chủ này.

Stalin, nhà độc tài CS Liên bang Xô Viết, từng tuyên bố: “Những công dân đi bầu không quan trọng, những người đếm phiếu mới thật sự quan trọng” (It’s not the people who vote that count, it’s the people who count the votes). Qua MTTQ, đảng CSVN còn gian xảo cao minh hơn sư phụ của họ là Stalin nữa. Đảng chả cần kiểm phiếu làm gì, vì công dân đi bầu không còn sự chọn lựa nào ngoài đảng cả.

Chính vì thế, nhân danh những công dân Việt Nam tự do, chúng ta sẽ triệt tiêu khỏi hiến pháp dân chủ tương lai của chúng ta mọi thực chất ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, mọi nguyên tắc và ý niệm phản dân chủ, mọi định chế và ngoại vi mang tính hủy diệt nền dân chủ đa nguyên và đa đảng.

Một trong những định chế rường cột phải hủy bỏ là MTTQVN, hầu cởi trói toàn diện xã hội dân sự như một thực thể đối trọng của nhà nước (hay chính quyền), xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, trong đó mọi công dân Việt Nam được quyền chọn lựa chính đảng mình tín nhiệm, để từ đó dân chủ thăng hoa.

Wednesday, 20 September 2023

 

Không còn biện minh cho chính sách trung lập trong trật tự chính trị lưỡng cực mới

LS Đào Tăng Dực

Từ giữa đến cuối Thế Kỷ 20, sau Đệ Nhi Thế Chiến đến Thập Niên 80, nhân loại sống trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh giữa Thế Giới Tự Do gồm các quốc gia dân chủ (liberal democracies) dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ bên này và Thế Giới Cộng Sản gồm các quốc gia cộng sản (communist countries) dưới sự lãnh đạo của Liên Bang Xô Viết bên kia.

Chiến tranh lạnh không có nghĩa là không có chiến tranh nóng, nhưng chỉ có chiến tranh nóng gián tiếp giữa Hoa Kỳ của khối tự do và Liên Xô của khối cộng sản, qua những quốc gia đàn em nhược tiểu. Tiêu biểu nhất là cuộc chiến tại Việt Nam từ năm 1961 đến 1975. Giai đoạn chiến tranh lạnh này cũng bao gồm những yếu tố khác như: chạy đua vũ khí giữa Hoa Kỳ và LBXV, chạy đua võ khí hạt nhân, chiến tranh tâm lý, tuyên truyền, chạy đua thám hiểm không gian và tương tranh ý thức hệ…

Yếu tố đáng chú ý nhất của giai đoạn Chiến Tranh Lạnh này là bản chất tương tranh ý thức hệ có tính lưỡng cực (bipolar) giữa các quốc gia tư bản theo tự do dân chủ (liberal democracy) và các quốc gia cộng sản theo ý thức hệ Mác Lê trường phái Đệ Tam Quốc Tế (Marxist Leninist ideology of the Third International Faction).

Hệ lụy của tính tương tranh này là một phong trào với bản chất trung lập, gọi là Phong Trào các Quốc gia Không Liên Kết (The non-Aligned Movement). Phong trào này được thành lập vào năm 1961 nhằm mục tiêu liên kết các quốc gia thực sự trung lập, đang phát triển, không chấp nhận những cực đoan của cả hai chủ nghĩa tư bản và cộng sản, hầu góp phần cho tiến trình giải tỏa các chế độ thực dân, giành độc lập cho các thuộc địa.

Năm quốc gia và chính khách khai sáng phong trào này bao gồm TT Sukarno của Indonesia, Jawaharlal Nehru của India, TT Josip Broz Tito của Yugoslavia, TT Gamal Abdel Nasser của Egypt và TT Kwame Nkrumah của Ghana.

Các dân tộc và nhà lãnh đạo này, thay vì ủng hộ các nước tự do dân chủ, lại chọn con đường không liên kết và trung lập, vì trên nguyên tắc họ biện minh rằng cả Tư Bản Chủ Nghĩa lẫn Cộng Sản Chủ Nghĩa đều có những khuyết điểm họ không thể chấp nhận. Tuy họ đánh giá không trung thực bản chất độc tài và tàn ác vô giới hạn của các chế độ cộng sản, nhưng ít nhất trên nguyên tắc, biện minh của họ tạm chấp nhận được.

Trong suốt giai đoạn tương tranh ý thức hệ này, CSVN minh thị là một thành phần bất khả phân ly của phe ý thức hệ Mác Lê thuộc trường phái Đệ Tam Quốc Tế.

Sau khi LBXV và toàn bộ khối CS Đông Âu sụp đổ vào đầu thập niên 90, thì thế giới lưỡng cực biến mất và Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất. Tuy nhiên với sự trỗi dậy của CSTQ như nền kinh tế số 2 toàn cầu, chỉ sau Hoa Kỳ, thì một trật tự thế giới lưỡng cực mới được thành lập.

Lần này, không còn là một cuộc tương tranh giữa Tư Bản Chủ Nghĩa dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và Cộng Sản Chủ Nghĩa dưới sự lãnh đạo của LBXV vì LBXV đã sụp đổ. Lần này thế tương tranh lưỡng cực rõ nét là Thế Giới Tự Do Dân Chủ dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ bên này và Thế Giới Độc Tài dưới sự lãnh đạo của CSTQ bên kia.

Nhìn từ một góc cạnh khác, nhất là từ khi LB Nga (hậu duệ của LBXV) dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài Putin xâm chiếm Ukraine và nhà độc tài Tập Cận Bình của CSTQ gây sóng gió tại Biển Đông và Đài Loan, thì Thế Giới Tự Do Dân Chủ đại diện cho Tính Thiện và Thế Giới Độc Tài đại diện cho Tính Ác.

Yếu tố ý thức hệ đã hoàn toàn biến mất trong thế lưỡng cực toàn cầu mới này. Lý do là Thế giới Độc tài đại diện cho Tính Ác bao gồm nhiều quốc gia tạp chủng như: CSTQ mang tính cộng sản dù chỉ trên danh nghĩa, LB Nga là độc tài Phát Xít, Iran là độc tài giáo phiệt và Bắc Triều Tiên là Cộng sản khát máu mang tính CS nguyên thủy của Stalin.

Câu hỏi chúng ta phải nêu ra là: Trong trật tự chính trị lưỡng cực giữa Dân Chủ và Tính Thiện bên này và Độc Tài và Tính Ác bên kia thì CSVN đứng về bên nào?

Câu trả lời đơn giản và toàn thể nhân loại đều chứng kiến rõ: Đó là đảng CSVN tự trong bản chất là thuần độc tài và gian ác. Chính vì thế, tại Liên Hiệp Quốc, trong khi toàn thể nhân loại văn minh đứng về phe Ukraine (trên đà dân chủ hóa đất nước) thì lập tức sau ngày LB Nga xâm lăng (22 tháng 4 năm 2022), CSVN hoặc bỏ phiếu chống lại các nghị quyết lên án LB Nga hoặc bỏ phiếu trung lập nhưng có lợi cho LB Nga, rập khuông CSTQ.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi đã dâng hiến Ải Nam Quan, một nửa Thát Bản Giốc, toàn bộ Hoàng Sa, một phần Trường Sa và nhiều vùng lãnh thỗ lãnh hải khác để CSTQ cấp cho chỗ dựa, thì tên đàn anh Đế Quốc này vẫn chưa thỏa mãn, ngày đêm xâm lấn các mỏ dầu VN trên Biển Đông, dòm ngó các đảo tại Trường Sa của VN. Tiếp theo đó Putin của LB Nga lại công khai ủng hộ bá quyền TQ và Đường Lưỡi Bò tại Biển Đông.

Kết quả là vào ngày 10 tháng 9 vừa qua, nhân chuyến thăm viếng VN của TT Hoa Kỳ Joe Biden, Mỹ -Việt đã ký hiệp ước nâng cấp đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lên cấp cao nhất ngang hàng với LB Nga, CSTQ, Ấn Độ và Nam Hàn. Đó là cấp Đối Tác Chiến Lươc Toàn Diện.

Đây thật sự là một tiến bộ vô cùng nhỏ, quá trễ (too little, too late) và thiếu thành thật vì trong bản chất, CSVN là một thành phần bất khả phân ly của Phe Độc Tài và Tính Ác.

Biện minh của của các quốc gia không liên kết khi xưa là cả Tư Bản Chủ Nghĩa lẫn Cộng Sản Chủ Nghĩa (tương tranh ý thức hệ) đều có những khuyết điểm không chấp nhận được.

Tuy nhiên biện minh tương tự của CSVN hôm nay, để đứng trung lập, không còn là một mệnh đề có thể đứng vững vì sự tương tranh ngày hôm nay là tương tranh giữa dân chủ bên này và độc tài bên kia, giữa tính thiện bên này và tính ác bên kia. Không thể trung lập khi thiện và ác xung đột nhau được.

Mâu thuẫn nội tại này trong tâm thức của đảng CSVN là một mâu thuẫn mang tính sống còn cho dân tộc và cho đảng.

Nếu còn bám víu CSTQ và phe tính ác, thì đất nước sẽ ngày càng lụn bại rơi vào tay CSTQ. Nếu thực tâm đứng về phía tính thiện thì phải thay đổi toàn diện bản chất nội tại, hóa ác tâm thành thiện tâm, cải tổ hệ thống chính trị, dân chủ hóa đất nước, và đảng có thể diệt vong.

Muốn dân tộc sống còn thì đảng phải diệt vong là lý lẽ này.

Tuesday, 5 September 2023

Nguồn gốc Quốc Xã của điều 4 Hiến Pháp 2013

 

Luật sư Đào Tăng Dực

 

Điều 4HP được cho là vô cùng tai hại cho dân tộc Việt vì củng cố tính độc tài toàn trị của đảng CSVN.

Dĩ nhiên chúng ta đều muốn hiểu biết thêm nội dung chính xác của điều 4HP là gì và trên bề mặt thì xuất xứ của điều 4PN đến từ đâu?

Thật vậy, Điều 4 HP 2013 tuy là niềm hãnh diện của TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính Trị CSVN nhưng lại là nỗi nhục của nhân dân và trò cười cho cả nhân loại văn minh.

Điều 4 hiến pháp Việt Nam ghi rằng:  “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.  Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”

Trước đó, Điều 126 Hiến Pháp Liên Xô năm 1936 là:

Đảng CSLX là: “Đội tiên phong của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh củng cố và phát triển hệ thống xã hội chủ nghĩa, là cốt lõi lãnh đạo tất cả mọi tổ chức nhân dân lao động và cả quần chúng lẫn nhà nước”

 

Đến năm 1977, điều 126 của hiến pháp Liên Bang Xô Viết được thay thế bằng điều 6 của hiến pháp mới như sau:

Đảng CSLX là: “Lực lượng lãnh đạo và hướng dẫn xã hội Xô Viết, là trọng tâm của hệ thống chính trị, mọi tổ chức nhà nước và tổ chức quần chúng. Đảng CSLX hiện hữu vì dân và phục vụ nhân dân. Đảng CSLX trang bị bởi chủ thuyết Mác - Lê, quyết định tổng quát đường hướng phát triển xã hội cho các chính sách đối nội và đối ngoại của Liên Bang Xô Viết, lãnh đạo công tác xây dựng vĩ đại của nhân dân Xô Viết, đem lại tính kế hoạch, hệ thống và nội dung lý thuyết cho công cuộc tranh đấu đem lại chiến thắng cho chủ nghĩa cộng sản.  Mọi cơ cấu của đảng hoạt động trong phạm vi hiến pháp Liên Bang Xô Viết”

Các nhà nghiên cứu chính trị thông thường cho là điều 4 hiến pháp hiến định hoá chế độ toàn trị tại VN, được phát xuất từ điều 6 hiến pháp năm 1977 của Liên Bang Xô Viết và được hiến định hóa lần đầu trong Hiến Pháp CSVN năm 1980.

Việc phân tích đuợc dừng tại đây vì họ nghĩ rằng, cả ông Hồ Chí Minh lẫn đảng CSVN đều tự cho mình là học trò ngoan của Stalin và đảng CSLX, nên không truy tầm xa hơn về xuất xứ của điều 4 hiến pháp. 

Trên thực tế thì cả điều 6 lẫn 126 của HP LBXV còn có một xuất xứ xa hơn nữa mà các nhà nghiên cứu chính trị không để ý.

Xuất xứ nguyên thủy đó chính là nhà độc tài Đức Quốc Xã Hitler.

Nghi vấn tại đây là: theo lich sử thì các nhà độc tài CSLX như Lê Nin và Stalin đều lên cầm quyền trước Đức Quốc Xã của Hitler, thì làm sao Stalin lại phải học hỏi từ Hitler? Có chăng là ngược lại?

 

Chúng ta đều biết rằng có 3 nhà độc tài khét tiếng nhất của thế kỷ 20: Đó là Lê Nin và Stalin của CSLX, và Hitler của Đức Quốc Xã.  Lê Nin nắm quyền từ năm 1917 đến năm 1924.  Sau đó Stalin lên kế vị cho tới năm 1953.  Tại Đức, Hitler lên nắm quyền từ năm 1933 đến năm 1945.  Khi nói đến các mốc thời gian, Hitler dường như có nhiều cơ hội học hỏi từ Lê Nin và Stalin về phương thức cai trị độc tài. 

 

Nhưng nếu nghiên cứu sâu hơn thì giả thuyết này không chính xác.  Lê Nin là nhà độc tài đầu tiên đã tiêu diệt mọi đảng phái đối lập, xây dựng lên guồng máy mật vụ, và nắm quyền sinh sát trong tay mà không cần qua một hệ thống tư pháp nào.

Điều này không có gì lạ! Những hành động tương tự đã từng xảy ra thường xuyên trong lịch sử loài người, qua các cuộc tương tranh quyền lực và thay đổi triều đại. Khi Stalin lên nắm quyền ông vẫn theo đuổi các chính sách của Lê Nin.  Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Lê Nin và Stalin chỉ nằm ở mức độ tàn khốc và có tính đột biến.

Trong khi đó tại Đức, Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng (Chancellor) vào tháng Giêng năm 1933.  Hitler đã thực thi chính sách xâm chiếm toàn bộ Âu Châu và chứng minh khả năng thống trị của mình bằng nhiều bước đi sáng tạo, mà chính Stalin và các lãnh tụ CS khác phải học hỏi.

Sau đây chúng ta có thể chứng minh cụ thể hơn tại sao điều 4 HP lại có thể phát xuất từ chế độ Quốc Xã mặc dù chế độ Đức Quốc Xã sinh sau chế độ CSLX và là kẻ thù không đội trời chung với các chế độ CS, thậm chí còn hơn là các chế độ tư bản nữa?

 

Những sự kiện lịch sử khách quan cho biết rằng: tuy lên cầm quyền sau và có thể học hỏi nhiều thủ thuật độc tài khác từ Lenin và Stalin, nhưng Hitler là nhà độc tài đầu tiên chính thức luật hoá sự độc đảng của chế độ Quốc Xã.

Ngày 14/7/1933, Hitler công bố bộ luật gọi là Bộ luật Chống Lại Sự Thành Lập Chính Đảng mới (Law against the founding of new political parties).  Điều khoản của bộ luật này ghi rõ vị trí độc tôn của Đảng Quốc Xã như sau:

 

“Điều 1: Đảng Quốc gia Xã hội Lao Động Đức (viết tắt là Đảng Quốc Xã) là chính đảng duy nhất của nước Đức”.

Điều 2: Bất cứ ai nuôi dưỡng cấu trúc tổ chức một chính đảng khác hay thành lập một chính đảng mới, sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc bị giam cầm từ 6 tháng đến 3 năm, nếu hành vi này không bị chế tài nặng hơn bởi các sắc luật khác”

(https://encyclopedia.ushmm.org/content/en/article/law-against-the-founding-of-new-parties)

Trước đó vài ngày, Hitler tự tin tuyên bố trong một bài diễn văn rằng:  “Tất cả mọi chính đảng đã bị hủy diệt. Đây là một biến cố lịch sử, mà ý nghĩa cũng như hậu quả chưa ai ý thức được trọn vẹn… Đảng đã trở thành nhà nước, và toàn bộ quyền lực thuộc về nhà nước”

 

Mặc dù Hitler không cần sắc luật trên để cai trị dân. Nhưng việc công bố sắc luật cho thấy một điều mà chưa nhà độc tài nào trên thế giới dám làm trước đó. 

Trong giai đoạn lịch sử này, Hitler vô hình trung được sự chú ý của một đệ tử được coi là giỏi hơn sư phụ:  Đó là nhà độc tài CSLX Stalin. 

Chúng ta phải lưu ý nơi đây mốc thời gian. Hitler thông qua sắc luật nêu trên năm 1933, luật hóa sự cai trị độc tôn của đảng Đức Quốc Xã. Ba năm sau, tức năm 1936, Stalin  làm một điều mà chính Lê Nin chưa dám làm.  Stalin đã bắt chước Hitler thông qua bản hiến pháp của Liên Bang Xô Viết, trong đó điều 126 hiến định hoá quyền độc tôn của đảng CSLX.

Rõ ràng là Stalin đã đánh cắp bản quyền “tiền thân nguyên thủy” của điều 4HP từ tay tác giả nguyên thủy là nhà độc tài Đức Quốc Xã Hitler.

 

Câu hỏi phải nêu ra tại đây là: tại sao 2 kẻ thù không đội trời chung như Hitler của Đức Quốc Xã và Stalin của CSLX lại có thể chôm chĩa thủ thuật của nhau trên phương diện chính trị hầu cai trị nhân dân bạc phận của họ như thế?

Thật sự thì tuy là những kẻ thù không đội trời chung, nhưng cả Đức Quốc Xã lẫn Liên Xô đều là những chế độ toàn trị trong bản chất. Cá nhân của Hitler và Stalin đều là những nhà độc tài đồ tể giết hằng triệu sinh linh như nghóe.

Thêm vào đó khi phân tích 2 khái niệm “quốc xã” và “quốc tế cộng sản” chúng ta sẽ thấy một sự tương đồng nền tảng. Thật ra cụm từ quốc tế cộng sản có nghĩa là xây dựng xã hội chủ nghĩa không những trong một quốc gia mà trên cả thế giới đại đồng. Trên thực tế, ngay từ thời Stalin, giấc mơ thế giới đại đồng xã hội chủ nghĩa đã bị buông bỏ. Chỉ còn cố gắng vô vọng xây dựng XHCN trong LBXV mà thôi.

Trong khi đó cụm từ quốc xã của Đức Quốc Xã có nghĩa là xã hội chủ nghĩa trong một quốc gia.

Tuy có sự khác biệt giữa “trong một quốc gia” như tại Đức và “thế giới đại đồng” như tại LX, nhưng chính cái điểm tương đồng xhcn còn lại này đã là bản chất keo sơn giữa 2 khái niệm độc tài.

Ngưu tầm ngưu. Mã tầm mã. Sáng kiến toàn trị của Hitler được nhà độc tài Stalin chôm chĩa và sử dụng thiện xảo cũng chính vì bản chất tương đồng là độc tài và xã hội chủ nghĩa này.

Không phải TBT Nguyễn Phú Trọng, vốn là hậu duệ của Stalin và Hitler, qua điều 4 hiến pháp, cũng đang cố gắng vô vọng xây dựng xã hội chủ nghĩa trong chỉ một quốc gia là Việt Nam hay sao?

 

Như vậy chúng ta phải làm gì?

Dựa vào các sự kiện lịch sử nêu trên, chúng ta có thể khẳng định là điều 4 hiến pháp mà Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN đang bám víu để sống còn thật sự không có xuất xứ tốt đẹp gì. Điều 4HP và các tiền thân của nó là các điều 126 và 6 của LBXV đều chỉ là là hậu thân của Bộ luật Chống Lại Sự Thành Lập Chính Đảng mới Đức Quốc Xã, được Hitler công bố vào ngày 14 tháng 7 năm 1933 nhằm luật hoá sự toàn trị của Hitler và Đảng Quốc Xã Đức mà thôi.. 

Đáng mừng cho dân tộc Đức là chế độ toàn trị của Đảng Quốc Xã chỉ tồn tại 12 năm. Nguyên khí của quốc gia này đã phục hồi nhanh chóng sau thế chiến thứ 2, mặc dù Đức là nước bại trận.

Trong khi đó, chế độ tòan trị Lê Nin và Stalin tồn tại đến 70 năm làm tiêu diệt nguyên khí của dân Nga.

Dân tộc Việt, qua 7 thập niên cũng tang thương không kém! 

Chính vì thế, toàn bộ HP 2013, nhất là điều 4HP trở thành biểu tượng của độc tài toàn trị và sự thống khổ lầm than của dân tộc, vì xuất xứ từ những chế độ và băng đảng bại hoại nhất của nhân loại như Quốc Xã và Cộng Sản.

Chúng ta phải phát động một phong trào đả phá hiến pháp 2013 ma quỷ này,xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho các thế hệ mai sau, hầu phục hồi nguyên khí quốc gia.