Wednesday, 20 September 2023

 

Không còn biện minh cho chính sách trung lập trong trật tự chính trị lưỡng cực mới

LS Đào Tăng Dực

Từ giữa đến cuối Thế Kỷ 20, sau Đệ Nhi Thế Chiến đến Thập Niên 80, nhân loại sống trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh giữa Thế Giới Tự Do gồm các quốc gia dân chủ (liberal democracies) dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ bên này và Thế Giới Cộng Sản gồm các quốc gia cộng sản (communist countries) dưới sự lãnh đạo của Liên Bang Xô Viết bên kia.

Chiến tranh lạnh không có nghĩa là không có chiến tranh nóng, nhưng chỉ có chiến tranh nóng gián tiếp giữa Hoa Kỳ của khối tự do và Liên Xô của khối cộng sản, qua những quốc gia đàn em nhược tiểu. Tiêu biểu nhất là cuộc chiến tại Việt Nam từ năm 1961 đến 1975. Giai đoạn chiến tranh lạnh này cũng bao gồm những yếu tố khác như: chạy đua vũ khí giữa Hoa Kỳ và LBXV, chạy đua võ khí hạt nhân, chiến tranh tâm lý, tuyên truyền, chạy đua thám hiểm không gian và tương tranh ý thức hệ…

Yếu tố đáng chú ý nhất của giai đoạn Chiến Tranh Lạnh này là bản chất tương tranh ý thức hệ có tính lưỡng cực (bipolar) giữa các quốc gia tư bản theo tự do dân chủ (liberal democracy) và các quốc gia cộng sản theo ý thức hệ Mác Lê trường phái Đệ Tam Quốc Tế (Marxist Leninist ideology of the Third International Faction).

Hệ lụy của tính tương tranh này là một phong trào với bản chất trung lập, gọi là Phong Trào các Quốc gia Không Liên Kết (The non-Aligned Movement). Phong trào này được thành lập vào năm 1961 nhằm mục tiêu liên kết các quốc gia thực sự trung lập, đang phát triển, không chấp nhận những cực đoan của cả hai chủ nghĩa tư bản và cộng sản, hầu góp phần cho tiến trình giải tỏa các chế độ thực dân, giành độc lập cho các thuộc địa.

Năm quốc gia và chính khách khai sáng phong trào này bao gồm TT Sukarno của Indonesia, Jawaharlal Nehru của India, TT Josip Broz Tito của Yugoslavia, TT Gamal Abdel Nasser của Egypt và TT Kwame Nkrumah của Ghana.

Các dân tộc và nhà lãnh đạo này, thay vì ủng hộ các nước tự do dân chủ, lại chọn con đường không liên kết và trung lập, vì trên nguyên tắc họ biện minh rằng cả Tư Bản Chủ Nghĩa lẫn Cộng Sản Chủ Nghĩa đều có những khuyết điểm họ không thể chấp nhận. Tuy họ đánh giá không trung thực bản chất độc tài và tàn ác vô giới hạn của các chế độ cộng sản, nhưng ít nhất trên nguyên tắc, biện minh của họ tạm chấp nhận được.

Trong suốt giai đoạn tương tranh ý thức hệ này, CSVN minh thị là một thành phần bất khả phân ly của phe ý thức hệ Mác Lê thuộc trường phái Đệ Tam Quốc Tế.

Sau khi LBXV và toàn bộ khối CS Đông Âu sụp đổ vào đầu thập niên 90, thì thế giới lưỡng cực biến mất và Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất. Tuy nhiên với sự trỗi dậy của CSTQ như nền kinh tế số 2 toàn cầu, chỉ sau Hoa Kỳ, thì một trật tự thế giới lưỡng cực mới được thành lập.

Lần này, không còn là một cuộc tương tranh giữa Tư Bản Chủ Nghĩa dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và Cộng Sản Chủ Nghĩa dưới sự lãnh đạo của LBXV vì LBXV đã sụp đổ. Lần này thế tương tranh lưỡng cực rõ nét là Thế Giới Tự Do Dân Chủ dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ bên này và Thế Giới Độc Tài dưới sự lãnh đạo của CSTQ bên kia.

Nhìn từ một góc cạnh khác, nhất là từ khi LB Nga (hậu duệ của LBXV) dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài Putin xâm chiếm Ukraine và nhà độc tài Tập Cận Bình của CSTQ gây sóng gió tại Biển Đông và Đài Loan, thì Thế Giới Tự Do Dân Chủ đại diện cho Tính Thiện và Thế Giới Độc Tài đại diện cho Tính Ác.

Yếu tố ý thức hệ đã hoàn toàn biến mất trong thế lưỡng cực toàn cầu mới này. Lý do là Thế giới Độc tài đại diện cho Tính Ác bao gồm nhiều quốc gia tạp chủng như: CSTQ mang tính cộng sản dù chỉ trên danh nghĩa, LB Nga là độc tài Phát Xít, Iran là độc tài giáo phiệt và Bắc Triều Tiên là Cộng sản khát máu mang tính CS nguyên thủy của Stalin.

Câu hỏi chúng ta phải nêu ra là: Trong trật tự chính trị lưỡng cực giữa Dân Chủ và Tính Thiện bên này và Độc Tài và Tính Ác bên kia thì CSVN đứng về bên nào?

Câu trả lời đơn giản và toàn thể nhân loại đều chứng kiến rõ: Đó là đảng CSVN tự trong bản chất là thuần độc tài và gian ác. Chính vì thế, tại Liên Hiệp Quốc, trong khi toàn thể nhân loại văn minh đứng về phe Ukraine (trên đà dân chủ hóa đất nước) thì lập tức sau ngày LB Nga xâm lăng (22 tháng 4 năm 2022), CSVN hoặc bỏ phiếu chống lại các nghị quyết lên án LB Nga hoặc bỏ phiếu trung lập nhưng có lợi cho LB Nga, rập khuông CSTQ.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi đã dâng hiến Ải Nam Quan, một nửa Thát Bản Giốc, toàn bộ Hoàng Sa, một phần Trường Sa và nhiều vùng lãnh thỗ lãnh hải khác để CSTQ cấp cho chỗ dựa, thì tên đàn anh Đế Quốc này vẫn chưa thỏa mãn, ngày đêm xâm lấn các mỏ dầu VN trên Biển Đông, dòm ngó các đảo tại Trường Sa của VN. Tiếp theo đó Putin của LB Nga lại công khai ủng hộ bá quyền TQ và Đường Lưỡi Bò tại Biển Đông.

Kết quả là vào ngày 10 tháng 9 vừa qua, nhân chuyến thăm viếng VN của TT Hoa Kỳ Joe Biden, Mỹ -Việt đã ký hiệp ước nâng cấp đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lên cấp cao nhất ngang hàng với LB Nga, CSTQ, Ấn Độ và Nam Hàn. Đó là cấp Đối Tác Chiến Lươc Toàn Diện.

Đây thật sự là một tiến bộ vô cùng nhỏ, quá trễ (too little, too late) và thiếu thành thật vì trong bản chất, CSVN là một thành phần bất khả phân ly của Phe Độc Tài và Tính Ác.

Biện minh của của các quốc gia không liên kết khi xưa là cả Tư Bản Chủ Nghĩa lẫn Cộng Sản Chủ Nghĩa (tương tranh ý thức hệ) đều có những khuyết điểm không chấp nhận được.

Tuy nhiên biện minh tương tự của CSVN hôm nay, để đứng trung lập, không còn là một mệnh đề có thể đứng vững vì sự tương tranh ngày hôm nay là tương tranh giữa dân chủ bên này và độc tài bên kia, giữa tính thiện bên này và tính ác bên kia. Không thể trung lập khi thiện và ác xung đột nhau được.

Mâu thuẫn nội tại này trong tâm thức của đảng CSVN là một mâu thuẫn mang tính sống còn cho dân tộc và cho đảng.

Nếu còn bám víu CSTQ và phe tính ác, thì đất nước sẽ ngày càng lụn bại rơi vào tay CSTQ. Nếu thực tâm đứng về phía tính thiện thì phải thay đổi toàn diện bản chất nội tại, hóa ác tâm thành thiện tâm, cải tổ hệ thống chính trị, dân chủ hóa đất nước, và đảng có thể diệt vong.

Muốn dân tộc sống còn thì đảng phải diệt vong là lý lẽ này.

No comments:

Post a Comment