Mặt Trận Tổ Quốc: Tuồng lường gạt nhân dân qua điều 9 Hiến
Pháp
Đào Tăng Dực
26-9-2023
Là người Việt Nam, trong
lẫn ngoài nước, không ai không nghe nhắc đến Mặt Trận Tổ Quốc. Tổ chức này như
là một trong những định chế rường cột của trật tự chính trị hiện giờ tại Việt
Nam, ngoài đảng CSVN.
Câu hỏi đặt ra là:
1.
Mặt Trận Tổ Quốc là gì?
2.
MTTQ có hiện diện trong Hiến
Pháp 2013 như đảng CSVN hay không?
3.
Nếu có thì tại sao?
Trên website chính thức của Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bình
Thuận có một bài viết ngắn, nặc danh như các đảng viên CSVN thường làm với tựa
đề: “Phát huy vai trò của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững
mạnh”.
Tuy ngắn ngủi nhưng tiêu đề trên nói lên một sự
thật đơn giản và vô cùng phản dân chủ. Đó là Mặt Trận Tổ Quốc không những là
ngoại vi hay cánh tay nối dài của đảng, mà thật sự là một thành phần gắn liền
với đảng CSVN.
Tuy nhiên, điều mà Ủy ban Nhân dân MTTQ tỉnh Bình
Thuận không nói rõ thêm là, MTTQ còn, thay vì đại diện cho xã hội dân sự (tức
nhân dân), thì họ lại phản bội nhân dân bằng cách chọn lọc ứng cử viên toàn là
đảng viên, hầu chế độ đảng cử dân bầu được thực hiện trên toàn cõi đất nước và
nhân dân bị tước quyền tự quyết tuyệt đối.
Vị trí của MTTQ đã được hiến định hóa trong Hiến
pháp 2013 và tiền thân của Hiến pháp này. Điều 9 Hiến
pháp là nguồn gốc hiến định của Mặt Trận Tổ Quốc. Tuy điều 9 Hiến pháp cũng như
toàn bộ Hiến pháp 2013 và những tiền thân của nó sử dụng những ngôn ngữ hàm hồ,
cả vú lập miệng em, nhưng khi đọc thật kỹ thì có thể được giải thích như sau:
Mặt Trận Tổ Quốc là một liên minh chính trị, tập
hợp tất cả các đoàn thể trong xã hội dân sự, từ chính trị đến xã hội, tôn giáo,
giai cấp xã hội, các cá nhân người Việt trong lẫn ngoài nước, bao gồm Công Đoàn
Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn Thanh Niên CS HCM, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt
Nam, Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam, hầu phục vụ cho đảng. Đoạn 1 và 3 của Điều 9 Hiến
pháp tương đối dễ hiểu và xin trích dẫn dưới đây:
“1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh
chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị -
xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã
hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện
để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức
xã hội khác hoạt động”.
Cần phải lưu ý rằng, Điều 4 Hiến pháp minh thị
trao quyền lãnh đạo cả nhà nước (tức chính quyền) lẫn xã hội dân sự cho đảng
CSVN. Chính vì thế, có thể kết luận rằng, lý do CSVN qua điều 9 Hiến pháp, hiến
định hóa vai trò của MTTQ nhằm mục đích đem lại tính chính danh cho một tổ chức
tay sai đắc lực của đảng, hầu đoàn ngũ hóa mọi thành phần xã hội dân sự, củng cố
sự lãnh đạo toàn trị của đảng CSVN.
Qua đó có thể thấy, đảng CSVN minh thị, công nhận sự độc tài toàn trị của
đảng qua điều 4 Hiến pháp với sự trợ thủ đắc lực của tay sai là MTTQ.
Tuy nhân dân bị tước mọi quyền và ngậm đắng nuốt cay, nhưng đảng CSVN lường gạt
nhân dân ở chỗ nào?
Đọc kỹ điều 9 Hiến pháp, chúng ta nhận ra ngay
rằng, không có đoạn nào cho phép MTTQ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các
cuộc bầu cử: Đó là vai trò chọn lọc ứng cử viên dùm cho đảng CSVN cả.
Điều này hoàn toàn đi ngược với khái niệm dân
chủ mà con người với trí thông minh bình thường trên thế giới có thể hiểu được.
Đảng CSVN đã lường gạt nhân dân, khinh thường
sự thông minh của cả một dân tộc khi họ cho quốc hội bù nhìn thông qua Luật Bầu
Cử Đại Biểu Quốc Hội và Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân 2015 và tiền thân của nó luật
hóa vai trò chọn ứng viên cho Quốc Hội và các cơ quan dân cử địa phương.
Theo Điều 4 đoạn 5 của Luật Bầu cử ĐBQH &
ĐBHĐND, Mặt Trận được giao trách nhiệm chọn lọc ứng viên được ứng cử vào Quốc Hội.
Có nghĩa là trên thực tế, chỉ có những ứng viên được đảng CSVN chấp nhận mới được
phép ứng cử. Kết quả là, trong tất cả các nhiệm kỳ của Quốc Hội, hơn 90% dân biểu
là đảng viên chính thức của đảng CSVN, phần còn lại là cảm tình viên của đảng.
Không có điều khoản nào trong hiến pháp cho
phép Mặt Trận Tổ Quốc các đặc quyền hoặc trách nhiệm về bầu cử, ứng cử lớn lao
như thế. Trong một nền dân chủ thật sự, có tam quyền phân lập, thì một định chế
tư pháp độc lập, chẳng hạn Tối Cao Pháp Viện (Hoa Kỳ) hoặc Hội Đồng Hiến Pháp
(Pháp) đã tuyên bố những điều khoản thiết yếu của sắc luật Bầu Cử Đại Biểu 2015
nêu trên là vi hiến và hoàn toàn vô hiệu lực.
Điều 27 Hiến pháp ghi rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử
và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân
dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Luật Bầu Cử Đại Biểu 2015 vi phạm tinh thần của Điều 27 Hiến pháp vì quyền bầu cử và ứng cử bị
MTTQ giới hạn nghiêm trọng. Họ chỉ còn quyền bầu cho ứng cử viên đảng chọn mà
thôi. Cụm từ “do luật định” hoàn toàn không có nghĩa là quốc hội bù nhìn muốn
ra luật như thế nào cũng được, bất chấp hiến pháp. Trái lại phải nghiêm minh
tuân thủ tinh thần của điều 27 Hiến
pháp.
Tuy nhiên, dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam,
một định chế tư pháp tối cao, tương tự như Tối Cao Pháp Viện ở Mỹ hoàn toàn vắng
bóng. Hậu quả là đảng CSVN, một thực thể kiểm soát quân đội và công an, đạp
trên nhân dân để thống trị đất nước một cách ngông cuồng.
Câu hỏi tiếp theo là, trong tình huống một trật tự chính trị Mác – Lê vô
pháp vô thiên, cai trị bằng gian dối và bạo lực như thế, con đường trước mắt của
toàn dân là gì?
Có thể lập luận rằng, mặc dầu Điều 4 Hiến pháp
tạo ra nền tảng pháp lý cho sự tiêu diệt thể chế đa nguyên, đa đảng trong cấu
trúc chính trị Việt Nam, nhưng chính Mặt Trận Tổ Quốc, củng cố bởi Luật Bầu Cử
Dân Biểu Quốc Hội và Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân 2015, mới thật sự là tác nhân của
nguyên tắc phản dân chủ này.
Stalin, nhà độc tài CS Liên bang Xô Viết, từng
tuyên bố: “Những công dân đi bầu không quan trọng, những người đếm phiếu mới
thật sự quan trọng” (It’s not the people who vote that count, it’s the
people who count the votes). Qua MTTQ, đảng CSVN còn gian xảo cao minh hơn sư
phụ của họ là Stalin nữa. Đảng chả cần kiểm phiếu làm gì, vì công dân đi bầu
không còn sự chọn lựa nào ngoài đảng cả.
Chính vì thế, nhân danh những
công dân Việt Nam tự do, chúng ta sẽ triệt tiêu khỏi hiến pháp dân chủ tương
lai của chúng ta mọi thực chất ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, mọi nguyên tắc và ý
niệm phản dân chủ, mọi định chế và ngoại vi mang tính hủy diệt nền dân chủ đa
nguyên và đa đảng.
Một trong những định chế rường cột phải hủy bỏ là MTTQVN, hầu cởi trói
toàn diện xã hội dân sự như một thực thể đối trọng của nhà nước (hay chính quyền),
xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, trong đó mọi công
dân Việt Nam được quyền chọn lựa chính đảng mình tín nhiệm, để từ đó dân chủ
thăng hoa.
No comments:
Post a Comment