Tuesday, 29 August 2023

Hiến Pháp 2013 và quyền sở hữu đất đai trong bối cảnh xã hội dân sự tại Việt Nam.

 

Luật sư Đào Tăng Dực

Quyền sở hữu tư sản (private properties) nói chung và đặt biệt quyền sở hữu đất đai (land ownership) có một tương quan thuận chiều với mức độ dân chủ và sự tôn trọng nhân quyền cũng như các quyền tự do khác trong một quốc gia.

Quyền sở hữu tư sản là quyền của các công dân cá thể (individual citizens), hoặc một hữu thể pháp lý (legal entities) không phải những con người bằng xương bằng thịt (natural persons), nhưng do luật pháp cấu tạo thành như một hội đoàn, một tập đoàn thương mại, tài chánh, kinh tế, từ thiện, tôn giáo, chính trị… đăng ký có pháp nhân (legal personality). Tất cả những thực thể đó là thành phần cấu tạo (constituent parts) của xã hội dân sự (civil society).

Xã hội dân sự là một khái niệm rất quan trọng trong nền chính trị của quốc gia và tôi xin giải thích thêm như sau:

Trong một quốc gia, tự cổ chí kim, các công dân cá thể luôn đối diện với 2 thực thể vô cùng quan trọng. Một bên là chính quyền (the state) và bên kia là xã hội dân sự (civil society). Hai thực thể này bao gồm trong bản chất 2 yếu tính. Một là đối nghịch và hai là hỗ tương, như Âm và Dương trong Thái Cực Đồ của triết học Đông Phương vậy.

Chính quyền là bộ máy điều hành quốc gia bao gồm hành pháp, lập pháp, tư pháp, các cấp hành pháp khác nhau như Bộ, quân đội, cảnh sát công an, các tòa án v..v..

Xã hội dân sự, theo định nghĩa rộng rãi của Karl Marx là tất cả những gì còn lại trong quốc gia sau khi trừ đi thực thể chính quyền. Tức là xã hội dân sự sẽ bao gồm tất cả các tập thể, hội đoàn từ thương mại, kinh tế, tiền tệ, tôn giáo, từ thiện, chính trị đến các cá nhân tham gia các tập thể này và nhất là đại khối những công dân cá thể không tham gia bất cứ một tập thể nào trong quốc gia đó. Khi phân tách như vậy, chúng ta sẽ ý thức rằng: xã hội dân sự đồng nghĩa với đại khối nhân dân.

Một quy luật mà nhân loại ý thức rõ rệt trên thế giới là: trong một chế độ độc tài thì chính quyền như một thực thể phình to và áp đảo xã hội dân sự. Trong một nền dân chủ thì xã hội dân sự thăng hoa và chính quyền bị kiểm soát và giới hạn.

Một quy luật không kém quan trọng là nếu chính quyền phình trướng và hủy diệt xã hội dân sự thì chúng ta sẽ có độc tài toàn trị và dân chúng lầm than như tại các quốc gia CS hôm nay.

Ngược lại nếu xã hội dân sự phát triển thái quá và chính quyền hoàn toàn tan vỡ thì sẽ có tình trạng quốc gia loạn lạc, dân chúng cũng sẽ lầm than tương tự (như tại Afghanistan, Iran. Niger và một vài quốc gia Phi Châu bây giờ.)

 

Nghệ thuật lãnh đạo quốc gia nằm nơi khả năng cân bằng thế lực giữa hai thực thể quan trọng này.

Cũng vì đảng CSVN, cũng như đảng CSTQ và các đảng CS khác trên thế giới chủ trương độc tài toàn trị, nên hiến pháp và luật pháp tại các quốc gia này chủ trương khống chế và đàn áp triệt để xã hội dân sự. Một trong những phương tiện chiến lược của độc tài muốn triệt tiêu xã hội dân sự là cướp đi quyền sở hữu đất đai của các tập thể và công dân cá thể trong xã hội dân sự.

 

Như thế đảng CSVN, trong mục tiêu thiết lập độc tài toàn trị trên đất nước Việt Nam đã sử dụng Hiến Pháp 2013 để tước đoạt quyền sở hữu đất đai của toàn dân như thế nào?

 

Câu trả lời không nằm nơi nào xa vời mà có thể nhìn rõ qua Điều 53 của Hiến Pháp 2013.

Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”

Điều 53 là một sự lừa gạt khổng lồ. Khi ghi rằng đất đai và những tài nguyên khác của quốc gia là sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước (tức chính quyền) chủ sở hữu và thống nhất quản lý thì trên thực chất cụm từ “toàn dân” chỉ là một khái niệm vô thưởng vô phạt, trong khi chính quyền (CSVN) với guồng máy hành chánh, quân đội và công an trong tay mới là một thực thể có khả năng thực sự làm chủ nhân ông.

Sau khi khai triển điều 53 của HP 2013, qua các điều 4 và 197 của Luật Đất Đai năm 2013 thì thực chất hiện nguyên hình là các công dân cá thể và các tập thể khác trong xã hội dân sự chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu đất đai.

Trong trường hợp cá nhân hay gia đình cư trú và một số trường hợp khác, quyền sử dụng có thể không giới hạn thời gian, nhưng, chính quyền vẫn là chủ nhân ông và có thể đòi lại quyền sở hữu bất cứ lúc nào.

Quyền sử dụng đất dĩ nhiên có giới hạn 5, 50, 70 hay 99 năm tùy theo loại đất và thực thể sử dụng.

Hậu quả là đảng CSVN, lãnh đạo nhà nước và xã hội dân sự theo điều 4 HP, là chủ nhân ông (landlord) khổng lồ của đất đai trên toàn cõi Việt Nam và mỗi công dân cá thể, mỗi thành phần xã hội dân sự đều là người thuê đất (lessees) của đảng. Nếu thành phần nào ngoan ngoãn nghe lời thì chủ nhân sẽ cho thuê dài hạn. Thành phần nào bất đồng ý kiến thì sẽ bị thu hồi và đẩy ra đầu đường xó chợ không thương tiếc.

Trong khi đó, tại các quốc gia dân chủ chân chính, quyền sở hữu đất đai là tuyệt đối. Khi một công dân cá thể hay tập thể trong xã hội dân sự tại Hoa Kỳ hay Úc Đại Lợi làm chủ một lô đất, dù to hay nhỏ, thì quyền này là tuyệt đối trên không gian lẫn thời gian. Trên không gian thì họ toàn quyền sở hữu tất cả những tài nguyên từ mặt đất đến sâu thẳm trong lòng đất, chính quyền không được xen vào. Với thời gian thì họ sở hữu vĩnh viễn và có thể chuyển nhượng cho đệ tam nhân hay cho người kế thừa tuyệt đối.

Chính vì thế dân chủ thăng hoa và dân giàu nước mạnh tại các nước dân chủ, trong khi độc tài thăng hoa và nhân dân bần hàn tại các quốc gia CS độc tài.

 

Quyền sở hữu đất đai quan trọng cho yếu tố dân giàu nước mạnh như thế, tại sao CSVN lại cố ý chủ trương cấm công dân cá thể sở hữu đất đai, một mặt làm quốc gia suy yếu, mặt  khác gây bao nhiêu lầm than như dân oan khiếu kiện khắp nơi?

Các nhà nghiên cứu ý thức hệ Mác Lê trên thế giới đều ý thức rằng, “bần cùng hóa nhân dân” là một trong những chủ trương nguyên thủy và chiến lược của các đảng CS thuộc hệ phái Đệ Tam Quốc Tế của Lê Nin.

Tuy bần cùng hóa nhân dân có một khuyết điểm lớn là làm cho dân tộc trở nên bần hàn, phải đi ăn xin quốc tế. Nhưng ưu điểm rất lớn của nó, đối với các đảng CS, là làm cho đảng mạnh lên trong tương quan với nhân dân (tức xã hội dân sự). Xảo thuật của các đảng CS trên trường quốc tế là hạ thấp vai trò của nhân quyền (human rights), tuyên dương chủ quyền quốc gia (national sovereignty), chống lại mọi xen lấn nội bộ từ quốc tế.

Kết quả là trong một quốc gia chỉ còn 2 thực thể đối nghịch nhau: Một bên là đảng CS giàu sụ với guồng máy chính quyền, công an, quân đội  và tổng thể tài sản quốc gia. Bên kia là nhân dân trong xã hội dân sự trần truồng và nghèo khổ cơ hàn, không đất cắm dùi theo hiến pháp.

Chỉ có như thế, đảng mới muôn năm trường trị, thống nhất giang hồ như một băng đảng đại ma đầu của thời đại.

 

Chủ trương bần cùng hóa nhân dân để trị vì của đảng CSVN đã lỗi thời. Chính hàng ngũ cán bộ đảng cũng ý thức sâu sắc sự kiện này. Kỹ thuật bưng bít thông tin lừa gạt nhân dân như điều 53 khả ố của HP 2013 về quyền sở hữu đất đai, thật sự không còn lừa gạt được quốc tế, nhân dân trong lẫn ngoài nước vì sự phát triển của tin học và trình độ dân trí Việt Nam đã nâng cao.

Đảng CSVN đang trên đà thoái trào. Toàn dân sẽ vùng lên đạp đổ độc tài.

Hiến Pháp 2013 bao gồm điều 53 sẽ bị quẳng vào thùng phân thối tha của lịch sử. Một hiến pháp Dân Chủ Hiến Định, pháp trị và Đa Nguyên, bảo đảm quyền sở hữu đất đai tuyệt đối cho từng công dân cá thể, sẽ được một quốc hội lập hiến hậu CS thông qua, hầu khai thông một kỷ nguyên nước giàu dân mạnh, bảo đảm quyền tư hữu tuyệt đối, nhất là sở hữu đất đai, cho công dân cá thể Việt Nam, sau khi đảng CSVN cáo chung.

Friday, 25 August 2023

 

Đảng CSVN- con chốt hèn trong bàn cờ chế ngự Bá Quyền Trung Quốc tại Biển Đông

 

Luật sư Đào Tăng Dực

 

Thứ Sáu ngày 18 tháng 8, 2023, một biến cố quan trọng xảy ra. Đó là cuộc họp thượng đỉnh giữa 3 nguyên thủ quốc gia tại Camp David, nơi nghỉ mát truyền thống của các tổng thống Hoa Kỳ. Thật vậy Tổng Thống Joe Biden, Thủ Tướng Nhật Kishida Fumio và Tổng Thống Nam Hàn Yun Suk Yeol đã tham dự thượng đỉnh này và kết quả là một kết hợp tay ba trên nền tảng một số nguyên tắc gọi chung là “Những Nguyên Tắc Camp David” (David Camp Principles), bao gồm nhiều vấn đề, từ quốc tế công pháp, nhân quyền, phụ nữ quyền đến thay đổi khí hậu. Trong số đó các nguyên tắc sau đây có tính chiến lược tại Biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông và Biển Đông, khi cả 3 quốc gia cùng chủ trương:

1.   Một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương đặt nền tảng trên quốc tế công pháp và những bản giá trị chung, chống lại tất cả mọi tác động thay đổi hiện trạng bằng bạo lực hay sự cưỡng ép.

2.   Ủng hộ và hợp tác với các quốc gia thuộc khối ASEAN trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

3.   Hợp tác chặc chẽ với các đảo quốc tại Thái Bình Dương và Diễn Đàn các Đảo Thái Bình Dương (Pacific Islands Forum) trên nền tảng tương kính.

4.   Quyết tâm phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên và ủng hộ một bán đảo thống nhất tự do và hòa bình.

5.   Bất cứ tranh chấp nào giữa CSTQ và Đài Loan đều phải giải quyết trong tinh thần bất bạo động.

Trước hết, trên bề mặt, sự liên minh giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn nhằm đối phó với sự hung hăn của CS Bắc Triều Tiên, nhưng trên thực tế, sự tái võ trang của Nhật Bản, sự tăng cường quốc phòng của Nam Hàn và sự xoay trục sang Á Châu của Hoa Kỳ là nhằm vào chính CSTQ.

Cần ghi nhận rằng, tuy chỉ là một bản công bố nguyên tắc chung giữa 3 cường quốc hàng đầu về kinh tế và quân sự, nhưng trong bản chất lại bao gồm một cường quốc thứ tư. Đó là đảo quốc Đài Loan. Khi bao gồm Đài Loan trong phương trình thì cánh cữa ra Thái Bình Dương của TQ hầu như bị khống chế 90%. Lý do là vì Nam Hàn đã là một pháo đài của thế giới tự do, chọc sâu vào các khu kỹ nghệ phía Đông Bắc TQ. Quần đảo Nhật Bản trải dài từ Hokkaido ngoài khơi Nga Sô và Bắc TQ, kéo dài đến những chuổi đảo nhỏ như những pháo đài nổi, thuộc chủ quyền Nhật Bản, cách xa Đài Loan chỉ 100 cây số. 

Hậu quả là TQ bị bao vây chiến lược, không còn đường thông ra Thái Bình Dương nếu tình trạng chiến tranh xảy ra.

Hy vọng còn lại duy nhất của CSTQ là từ đảo Hải Nam, đi xuống Biển Đông và nhưng cũng không dễ gì thoát ra Ấn Độ Dương. Nơi đây, khối ASEAN đóng vai trò chiến lược và trội nhất là Việt Nam với vị trí nhìn trực tiếp ra Biển Đông của mình. Nếu Việt Nam đứng về phía Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, thì trong tình trạng chiến tranh, CSTQ hầu như bị bao vây toàn vẹn.

Tại đây, một biến cố thứ nhì có thể xảy ra. Cũng ngày 18 tháng 8, 2023, TTX Reuters loan tin rằng TT Joe Biden, khi thăm viếng Việt Nam vào trung tuần tháng 9 sẽ ký một Hiệp Ước Hợp Tác Chiến Lược (Strategic Partnership Agreement) nâng cấp quan hệ ngoại giao, xây dựng kỷ nghệ cấp cao, kỹ nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hợp tác quân sự và mua vũ khí của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên về phía Việt Nam thì rất ít tin tức được thừa nhận về hiệp ước này.

Tại sao CSVN lại câm như hến trước một tin quan trọng như thế. Có nhiều lý do như sau:

a.    Có thể lãnh đạo của họ đang âm thầm giải thích hoặc lạy lục quan thầy tại Bắc Kinh, hoặc

b.   Có thể vào giờ phút chót, dưới áp lực của Bắc Kinh, họ sẽ không xúc tiến hiệp ước với Hoa Kỳ, hoặc

c.    Có thể tầm mức hợp tác sẽ hạ cấp để làm vừa lòng đàn anh Bắc Kinh

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp hiệp ước này xúc tiến thì sự đóng góp của CSVN sẽ không đáng kể. Một là vì phe thân CSTQ còn rất mạnh trong nội bộ đảng. Hai là vì sau khi đánh mất nhiều cơ hội canh tân và dân chủ hóa đất nước sau năm 1975 và sau khi CSLX sụp đổ thập niên 90, cả kinh tế và khả năng quân sự của VN tụt hậu thê thảm so với Nam Hàn, một quốc gia Đông Á khác với bàn tay và khối óc tương tự dân Việt.

Nếu không có sự ra đời của đảng CSVN, thì ngày hôm nay, Việt Nam với 100 triệu dân, so với Nam Hàn 50 triệu, đã có GDP xấp xỉ gấp 2 cường quốc này. Chúng ta đã có một hệ thống an sinh xã hội không kém cho nhân dân. Kỹ nghệ quân sự của chúng ta cũng có thể chế tạo chiến đấu cơ, chiến hạm, hàng không mẫu hạm như họ và hải quân chúng ta đã dễ dàng chọc thủng Đường Lưỡi Bò 9 Đoạn của Bá Quyền TQ, khai mở tầm nhìn của dân tộc xuyên suốt Thái Bình Dương.

Thay vì CSVN làm một con chốt hèn trên bàn cờ bao vây CSTQ, dân tộc ta đã có thể sánh vai ngang hàng cùng Hoa Kỳ, Nam Hàn, Đài Loan và Nhật Bản, trực diện đối đầu với bá quyền Bắc Kinh, như một dân tộc tiến bộ của thời đại, nhân danh chính nghĩa, tiêu diệt gian tà, góp phần cho nhân loại văn minh.

Bất hạnh thay cho tổ quốc, đến nay, chưa hề có chỉ dẫn cho thấy đảng quyết định trở về với dân tộc, thôi thần phục quan thầy Bắc Kinh, buông bỏ sách lược “thà mất nước còn hơn mất đảng” cố hữu của người CSVN.

Thay vì dân chủ hóa và phát triển đất nước, chế độ thà mất nước còn hơn mất đảng của CSVN đã biến dân tộc Việt thành bệnh phu khiếp nhược của miền Đông Á.

 

Saturday, 19 August 2023

 

Hệ Thống Pháp Lý Việt Nam Tương Lai

 

Luật sư Đào Tăng Dực

 

Trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên của một nước Việt Nam tương lai, thì hệ thống pháp lý thể hiện yếu tố pháp trị vô cùng quan trọng nêu trên.

 

Tài liệu này nhằm phát họa những đường nét chính của hệ thống luật pháp Việt Nam trong tương lai, không có tính toàn diện và được viết trong khung cảnh của bản “Dự thảo hiến pháp Việt Nam trên quan điểm Dân Chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên” tôi đề xướng.

 

Trước hết, chúng ta phải nhận xét ngay rằng, sau nhiều thập niên thiếu dân chủ, dân tộc chúng ta đã tụt hậu tang thương trong tiến trình xây dựng một chế độ pháp trị nghiêm chỉnh. Chính vì thế, tuy dân ta có một nền văn hóa sâu dày, một nền văn hiến hiển hách, nhưng nền chính trị đất nước lại thiếu thốn những yếu tố căn bản để xây dựng một nền dân chủ pháp trị tiến bộ.

 

Các yếu tố chúng ta thiếu là:

 

1. Một bản hiến pháp dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, căn cứ trên tam quyền phân lập

 

2. Sự hiện hữu của một cơ quan tư pháp tối cao, chí công vô tư, như Tối Cao Pháp Viện tại các nước dân chủ chân chính, vượt lên trên mọi đảng phái và phe nhóm chính trị và có thẩm quyền hiến định để phán quyết tính hợp hiến hoặc vi hiến của một sắc luật của lập pháp, hoặc một tác động của hành pháp

 

Tối cao pháp viện này cũng có thẩm quyền nguyên thủy giải quyết các xung đột giữa lập pháp và hành pháp, cũng như những xung đột giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương (như chính quyền tỉnh).

 

3. Một hệ thống đào tạo cấp đại học hoặc cao đẳng quy mô và phi ý thức hệ hầu huấn luyện chuyên ngành những luật gia và thẩm phán tương lai

 

4. Một luật sư đoàn độc lập tuyệt đối với chính quyền hoặc bất cứ một thế lực đệ tam nào, và bao gồm những thành viên luật sư chuyên nghiệp qua một quá trình học vấn cao cấp nghiêm chỉnh

 

5. Một đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp, độc lập và chí công vô tư, không lệ thuộc vào chính quyền

 

6. Một công tố viện dưới quyền điều động của một giám đốc công tố mà phẩm trật (status) cũng như phương thức bổ nhiệm (appointment) tương đương với một thẩm phán tối cao pháp viện, hoàn toàn độc lập đối với hành pháp và lập pháp.

 

Tôi quan niệm rằng một hệ thống pháp lý Việt Nam tương lai phải bao gồm những thành tố sau đây:

 

I. Phương diện cấu trúc hành chánh:

 

Tuy ngành Tư Pháp ngang hàng với Lập Pháp và Hành Pháp, nhưng guồng máy quản trị các nhân viên của ngành này cũng chỉ là một chi nhánh của hành pháp. Chính vì thế việc quản trị những nhân viên trong hệ thống tòa án, lương bổng của các nhân viên, kể cả các vị thẩm phán, cũng là những chức năng hành chánh dưới sự quản trị và điều động của Bộ Tư Pháp. Bộ trưởng bộ tư pháp vẫn là một chức vụ quan trọng của Hành Pháp mà thôi.

 

Chúng ta phải mường tượng tập thể các thẩm phán bao gồm những cá nhân đại diện cho tính độc lập tuyệt đối của ngành tư pháp và tinh thần chí công vô tư của yếu tính pháp trị. Tuy nhiên những thẩm phán này sẽ không phát huy được yếu tính pháp trị của hiến pháp nếu không có sự trợ giúp của những nhân viên hành chánh bình thường, điều hành và quản trị các cơ quan của ngành tư pháp.

 

Chính vì thế, ngoài Bộ Tư Pháp tại Trung Ương và chi nhánh tại các tòa án địa phương, với nhiều nhân viên hành chánh điều hành, như bất cứ một phần hành nào khác của hành pháp, chúng ta còn sẽ có các tòa án tại các cấp, từ trung ương đến địa phương như:

 

1.  Tối cao pháp viện:

 

TCPV là cơ quan tư pháp cao nhất của quốc gia, gồm những thẩm phán là những luật gia uyên bác và uy tín nhất. TCPV đại diện cho ý niệm pháp trị và tinh thần chí công vô tư của luật pháp. Trong quốc gia, chỉ có một TCPV mà thôi. Số thẩm phán thành viên tùy nhu cầu nhưng thông thường khoảng 7 đến 11 vị thẩm phán tối cao pháp viện. Phương thức hoạt động của TCPV sẽ do các sắc luật và quy luật nội tại của TCPV quy định. Khi có xung đột giữa một sắc luật và quy luật nội tại thì sắc luật sẽ ưu thắng ở mức độ của xung đột.

 

 

 

2.  Các tòa án cấp tỉnh:

 

Dưới TCPV có các tòa án cấp tỉnh. Tùy theo nhu cầu và dân số, số thẩm phán cần bổ nhiệm có thể tăng hay giảm. Tuy nhiên phiên xử thông thường chỉ cần một thẩm phán chủ tọa. Trong nhiều trường hợp, thay vì kháng cáo lên tòa án trên (tức TCPV), các phe có thể kháng cáo lên

“toàn tòa” được quy định như một phiên xử gồm 3 quan tòa chẳng hạn. Sau đó vẫn có thể tiếp tục kháng cáo lên tòa án trên.

 

3.  Các tòa án cấp quận:

 

Đây là cấp tòa án thấp nhất. Cũng tùy theo nhu cầu và dân số, số thẩm phán cần bổ nhiệm cũng tăng hay giảm. Nguyên tắc hoạt động cũng tương tự như tòa án tỉnh.

 

4. Các tòa án chuyên biệt: (về hành chánh, quân sự, quan hệ lao động và chủ nhân, chống kỳ thị, thiết kế đô thị, hôn nhân và gia đình v..v..):

 

Nhu cầu pháp lý trong một quốc gia rất đa diện. Các tòa án bình thường đôi khi thiếu trình độ chuyên môn để giải quyết và cần những thẩm phán hoặc chuyên gia có hiểu biết chuyên môn. Chính vì thế, trong các quốc gia tiến bộ, chúng ta thấy sự xuất hiện của các tòa án chuyên biệt này.

 

Trong mỗi tòa án như thế chúng ta phải phân biệt hai trách nhiệm: một trách nhiệm có tính cách hành chánh lệ thuộc vào hành pháp, chịu trách nhiệm với Bộ Tư Pháp. Trách nhiệm kia thuộc các thẩm phán liên hệ đến sự phán quyết của các thẩm phán, hoàn toàn độc lập đối với hành pháp và lập pháp.

 

Chính vì thế, trong khi các viên chức hành chánh chỉ là những công chức bình thường, được bổ nhiệm bỡi hành pháp và có thể được tuyển chọn hoặc bị sa thải như những công chức bình thường khác, thì các thẩm phán có một vị trí đặc biệt hơn nhiều.

 

Các vị thẩm phán này thông thường phải xuất phát từ hàng ngũ những chuyên gia luật pháp có uy tín, được hành pháp đề cử (qua sự đề cử hoặc của chính người đứng đầu nghành hành pháp như Tổng Thống trong trường hợp các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, hoặc Bộ Trưởng Tư Pháp trong trường hợp các tòa án thấp hơn tùy hiến pháp hoặc luật pháp mỗi quốc gia), và phải được hoặc lưỡng viện quốc hội hoặc ít nhất Thượng Viện thông qua chẳng hạn, tùy theo quy định của hiến pháp hoặc luật pháp.

 

Một thẩm phán chỉ có thể bị ngưng chức khi bị mất trí năng, tác phong bại hoại, hoặc phạm tội trọng hình và bị lưỡng viện quốc hội hoặc ít nhất Thượng Viện bất tín nhiệm, hoặc đến tuổi hưu trí. Ngòai vị trí xã hội ra thì lương bổng các thẩm phán cũng rất cao. Chỉ như thế các thẩm phán mới thực sự độc lập và sẽ phán quyết chí công vô tư, không lệ thuộc bất cứ một thế lực nào.

 

 

II. Phương diện động lực vận hành:

 

1. Tiến trình thi hành công lý:

 

Đối với nhiều quốc gia, Tính độc lập tuyệt đối của ngành tư pháp, trên nguyên tắc, phát xuất từ hiến pháp. Tuy nhiên trên thực tế, chính phương thức tuyển chọn (qua sự đề cử của hành pháp và được sự phê chuẩn của lập pháp) và những bảo đảm hiến định cũng như luật định để các thẩm phán có thể yên tâm hành xử trách nhiệm của mình, mà không bị bất cứ một thế lực nào chi phối, là những bảo đảm cụ thể nhất. Một trong những trọng tội về hình luật, cần phải hiến định hóa hoặc luật hóa trong một chế độ dân chủ pháp trị là tội xen lấn, cản trở tiến trình thi hành công lý. Tội này bao gồm việc ngăn cản, phá hoại tiến trình điều tra của cảnh sát hoặc các cơ quan hữu trách khác, cho đến ngăn chận hoặc hăm dọa, hoặc hối lộ ... các thẩm phán trong khi họ thi hành nhiệm vụ. Những kẻ vi phạm, dù là chủ tịch hạ viện hoặc nguyên thủ quốc gia, hoặc một kẻ cùng đinh, cũng sẽ bị nghiêm khắc chế tài như nhau.

 

2.  Tính bình đẳng của mọi hữu thể pháp lý:

 

Dĩ nhiên tập thể các thẩm phán là biểu tượng rõ rệt nhất của ý niệm pháp trị. Tuy nhiên, ý niệm pháp trị được thể hiện ở điểm cao nhất khi một hay nhiều thẩm phán đăng đàn xử án. Trước một

tòa án có thẩm quyền thì mọi thế lực từ những thành tố của chính quyền (như các bộ, ngành của hành pháp) cho đến các thành tố của xã hội dân sự (như các thương vụ, ngân hàng) hoặc các cá nhân dù quyền lớn đến bao nhiêu, đều trở về vị trí khiêm nhượng của mình như là một hữu thể pháp lý, tuyệt đối bình đẳng với bất cứ hữu thể pháp lý nào khác trước tòa. Mọi phán quyết của tòa án, sẽ có hiệu lực ràng buộc không những một công dân bình thường, mà còn ràng buộc tuyệt đối các cơ quan chính quyền của hành pháp nữa.

 

3.  Phân biệt giữa hình và hộ:

 

Tòa án mọi cấp (trừ các tòa án đặc nhiệm) đều có thẩm quyền trên cả hai phương diện hình lẫn hộ. Hình luật liên hệ đến những vi phạm bộ luật hình sự và cảnh sát có trách nhiệm điều tra để sau đó trao hồ sơ cho công tố viện truy tố. Hộ thì bao gồm những tranh tụng, thông thường giữa hai hữu thể pháp lý và mục tiêu của những sự tranh chấp là đòi lại sự công bằng qua hình thức bồi thường tài chánh, hoặc danh dự, hoặc thực hành một tác động, hoặc không được tiến hành một tác động.

 

Vì tính nghiêm trọng, có thể liên hệ đến mất tự do, hoặc mất tính mạng của một bị cáo hình luật, nên cấp độ chứng minh về hình luật trước khi kết án phải rất cao là “không còn lý do chính đáng để nghi ngờ”. Trong khi đó, cấp độ chứng minh, trên phương diện hộ, để một phe có thể thắng, chỉ cần ở mức độ “có xác xuất phải chăng” là đủ. Đây là những cấp độ chứng minh hiện hành trong các quốc gia theo hệ thống Common Law của Anh Quốc, kể cả Hoa Kỳ. Trên bình diện hình luật, một bị cáo luôn luôn được giả định là vô tội cho đến khi bị kết án. Đây là một nhân quyền và dân quyền căn bản của một công dân.

 

4.  Nguyên tắc kháng cáo:

 

Các sắc luật khác nhau sẽ chi tiết hóa thủ tục kháng cáo, vốn là một khía cạnh quan trọng của hệ thống pháp lý. Tuy nhiên, thông thường thì phiên xử trước một quan tòa duy nhất có thể được kháng cáo đến một phiên xử toàn tòa (thông thường trước 3 quan tòa thay vì 1), phiên xử tại một tòa án cấp dưới có thể được kháng cáo lên tòa án trên. Cuối cùng, sau khi đã kháng cáo đến tòa cao nhất là Tối Cao Pháp Viện thì trở thành chung thẩm và không thể kháng cáo tiếp tục.

 

5.  Thẩm quyền các tòa án và thẩm quyền đặc biệt của Tối Cao Pháp Viện:

 

Hiến pháp hoặc các sắc luật sẽ quy định thẩm quyền các cấp tòa án khác nhau. Mức độ thẩm quyền có thể qua hình thức số tiền tranh chấp cao hay thấp, tầm quan trọng hoặc phức tạp của vấn đề...Riêng Tối Cao Pháp Viện không những có thẩm quyền vô giới hạn về mức độ tài chánh, thẩm quyền chung quyết về những kháng cáo của các tòa án cấp dưới mà còn có thẩm quyền nguyên thủy về các vấn đề liên hệ đến hiến pháp. Chẳng hạn khi có một tranh chấp giữa hành pháp và lập pháp về tính cách hợp hiến hoặc vi hiến của một sắc luật, thì các phe tranh tụng chỉ có thể đưa ra TCPV để phân xử. Không một tòa án nào khác có thẩm quyền. Tương tự, khi có sự tranh chấp giữa chính phủ trung ương và một chính quyền địa phương như chính quyền tỉnh, về giới hạn quyền lực của mỗi bên, thì chỉ có TCPV là có thẩm quyền để phân xử.

 

 

6.  Vị trí của nền luật pháp truyền thống:

 

Việt Nam là một quốc gia có 5,000 năm văn hiến. Luật Hồng Đức hoặc Quốc Triều Hình Luật là một bộ luật truyền thống của dân ta, nói lên nền văn hóa và truyền thống đặc thù của dân tộc. Đây là vốn liếng vô giá của tiền nhân trao lại. Mọi thế hệ con dân Việt cần phải trân quí. Các luật gia và các cấp chính quyền cần phải nghiên cứu, tu chính, cập nhật hóa và luật hóa để trở thành một trong những rường cột của đất nuớc Việt Nam. Dĩ nhiên khi tu chính và cập nhật hóa, chúng ta phải lưu tâm đến những bản giá trị hiện đại nhất của nhân loại về dân quyền và nhân quyền, lẫn những hiệp ước quốc tế mà chính phủ đã và sẽ cần ký kết trong tương lai.

 

 

7.  Tương quan vận hành giữa các cấp tòa án:

 

Trên thế giới hôm nay, có hai hệ thống luật pháp với hai khuynh hướng khác nhau. Một bên, chúng ta thấy có hệ thống Common Law của các quốc gia chịu ảnh hưởng Anh Quốc và Hoa Kỳ. Bên kia chúng ta thấy có hệ thống Civil Law của các quốc gia chịu ảnh hưởng hệ thống luật pháp của lục địa Âu Châu, nhất là bộ luật Nã Phá Luân. Ngoài ra chúng ta còn thấy hệ thống luật cộng sản. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu kỹ, các chuyên gia cho rằng, luật cộng sản chỉ là một hệ thống luật Civil Law trá hình.

Đặc tính nguyên thủy của Common Law là chủ thuyết Stare Decisis. Theo tiếng La Tinh, Stare Decisis có nghĩa là “tuân theo những gì đã được quyết định” trừ khi có một sắc luật của Lập Pháp quy định rõ rệt khác đi. Một khi một tòa án đã quyết định rồi thì những quyết định sau, không thể trái với những nguyên tắc nêu ra trong quyết định trước. Mục đích của chủ thuyết này là để tránh tình trạng tiền hậu bất nhất trong các quyết định của các tòa án.

Có hai loại Stare Decisis, một là hàng ngang khi một tòa án phải tuân hành những quyết định trước của tòa. Hai là hàng dọc khi một tòa án cấp dưới phải tuân hành quyết định của tòa cấp trên. Stare Decisis hàng ngang là một quy luật không phải bất di bất dịch, nhưng thông thường được tuân thủ mà thôi.

Hậu quả của chủ thuyết Stare Decisis là các tòa án đôi khi lấn quyền làm ra luật của lập pháp khi diễn giải luật pháp theo ý mình và các phán quyết trở thành những tiền lệ và có quyền ràng buộc không những các tòa án cấp dưới mà các phiên xử của chính mình sau đó.

 

Trong khi đó, theo hệ thống Civil Law thì quy định rằng, chỉ có Lập Pháp là làm ra luật mà thôi. Các tòa án chỉ có trách nhiệm áp dụng luật. Vì không có các tiền lệ ràng buộc, mỗi quan tòa có quyền diễn giải luật theo ý của mình, tạo ra tình trạng xử án không đồng nhất trong một quốc gia. Ý thức được khuyết điểm này, các quốc gia theo Civil Law cũng có tạo ra chủ thuyết “pháp lý đồng bộ” để bổ khuyết. Bên Pháp, Tòa Kháng Cáo Tối Cao và Hội Đồng Quốc Gia đều được công nhận là những pháp đình hầu như có thẩm quyền làm luật giới hạn.

 

 

Tuy điều 52 (2) của DTHP có nêu nguyên tắc “những quyết định của các tòa án cấp cao hơn sẽ có tác dụng ràng buộc các quyết định của các tòa án thấp hơn”, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng mỗi hệ thống đều có ưu và khuyết điểm. Trong một nước Việt Nam tương lai, một trong những giải pháp là chúng ta không cần phải theo triệt để hệ thống Common Law hoặc Civil Law. Tuy có nhu cầu phân biệt hai trách nhiệm là làm luật của Lập Pháp và áp dụng luật của Tư Pháp (các tòa án), nhưng chúng ta có thể trao quyền tương tự Stare Decisis hoặc jurisprudence constante và giới hạn quyền này nơi một tòa án cao nhất là Tối Cao Pháp Viện mà thôi. Như thế chúng ta sẽ giữ được sự phân biệt rõ rệt giữa Lập Pháp và Tư Pháp, nhưng đồng thời giữ mức độ đồng bộ tương đối giữa các phiên xử của các tòa án trong quốc gia.

 

 

8.  Những vấn đề khác cần nghiên cứu:

 

Bài này chỉ nêu ra một số vấn đề căn bản. Nhiều vấn nạn hoặc chọn lựa khác cần phải nghiên cứu trước khi quyết định để hoàn chỉnh một hệ thống luật pháp cho Việt Nam hậu cộng sản. Chẳng hạn:

 

a. Trên bình diện hình luật lẫn dân luật, cần những quy luật về chứng cớ nghiêm khắc và nghiêm chỉnh theo kiểu rule of evidence tại Anh Quốc, Hoa Kỳ, Úc và các quốc gia theo

Common Law hay không?

 

b. Làm sao giảm thiểu chi phí quá cao các vụ tranh tụng hoặc hình sự, hoặc dân sự và từ đó giảm bớt bất công xã hội. Lý do là vì ngay cả tại những quốc gia tiến bộ nhất, chi phí pháp lý nằm ngoài tầm tay của một người dân có lợi tức trung bình.

 

c. Làm sao phát triển một hệ thống giải quyết các tranh chấp bên ngoài tòa án để giảm chi phí và gần gũi người dân bình thường hơn.

 

d. Trên phương diện hình luật, cần phải cân nhắc ưu và khuyết điểm của việc xử án qua:

Hoặc quan tòa mà thôi như là pháp đình về luật lẫn sự kiện.

Hoặc một quan tòa như là pháp đình về luật và một bồi thẩm đoàn như là pháp đình về sự kiện.

Hoặc bị cáo hoặc hai bên có thể chọn lựa một trong hai mô thức.

Nếu theo mô thức thứ hai thì những đòi hỏi và điều kiện gì để được chọn vào bồi thẩm đoàn?

 

Kết luận:

 

Việc kiến tạo một hệ thống luật pháp thể hiện đúng tinh thần pháp trị, trong một xã hội vắng bóng các yếu tố pháp trị nền tảng vô cùng khó khăn, đòi hỏi viễn kiến, thời gian và sự đóng góp trí tuệ tập thể của toàn dân.

 

Tôi chỉ nêu ra và đặt một số vấn đề căn bản.Tôi mong mỏi được sự đóng góp ý kiến của quý vị thức giả yêu nuớc, nhất là những luật gia Việt Nam trong lẫn ngoài nước.

 

 

 

 

Phương hướng bảo vệ và phát triển Phật Giáo Việt Nam trong giai đoạn Hậu Cộng sản

 

Luật sư Đào Tăng Dực

 

Pháp danh: Chúc Phán

 

I.              Dẫn nhập:

 

Từ ngày lập quốc đến nay dân tộc Việt đã trải qua nhiều thảm họa và Phật Giáo Việt Nam cũng đã trải qua nhiều pháp nạn. Chúng ta có thể khẳng định rằng vận mệnh của Phật Giáo Việt Nam luôn gắn liền với vận mệnh dân tộc và ngược lại.

 

Trong lịch sử đương đại của dân tộc thì đảng CSVN vừa là một tai họa cho dân tộc vừa là một pháp nạn của Phật Giáo và tiến trình dân chủ hóa hâu cộng sản chỉ hoàn mãn nếu Phật Giáo Việt Nam, vốn là một thành phần quan trọng của dân tộc, được cải tổ nghiêm túc.

 

Tôi được vinh dự thuyết trình trong Đại Hội Kỳ 6 ngày 21 tháng 9, 2019 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi & Tân Tây lan và tôi mạn phép điều chỉnh tài liệu thuyết trình của tôi như một đóng góp vào “Phương hướng bảo vệ và phát triển Phật Giáo Việt Nam hậu cộng sản”.

 

Tài liệu này đề xuất một sách lược bao gồm các điểm sau đây:

 

1.    Xây dựng một cấu trúc Giáo Hội Phật Giáo hoàn toàn tản quyền hay phân quyền (decentralisation of powers) thay vì một thực thể tập quyền (centralisation of powers). Dĩ nhiên với sự cáo chung của đảng CSVN, một chính quyền dân chủ trung tương lai sẽ không còn chi phối sinh hoạt Phật Sự của GH nữa.

 

2.    Thực thi triệt để khái niệm nam nữ tuyệt đối bình quyền giữa Tăng và Ni trong hàng ngũ giáo phẩm

 

 

3.    San định kinh điển bằng cách:

 

a. Triệt để việt hóa ngôn ngữ, không dùng Hán tự hoặc Phạn tự mà chỉ dùng chữ Việt

b. Loại bỏ các ngôn ngữ mang tính mê tín dị đoan hoặc thần thoại

c. Loại bỏ những ngôn ngữ mang tính ghê rợn hù dọa

d. Loại bỏ những ngôn ngữ kỳ thị giới tính

 

4.    Chuyển dịch kinh sách nhật tụng qua Anh Ngữ vốn là ngôn ngữ toàn cầu hầu quốc tế hóa Phật Giáo Việt Nam.

 

5.    Xây dựng trong giai đoạn hậu cộng sản một chính đảng (i.e Đảng Dân Chủ Phật Giáo Việt Nam) tham gia chính trị tại Việt Nam lấy Tứ Điệu Đế và Bát Chính Đạo cùng những bản giá trị Phật Giáo làm hành trang tinh thần như Đảng Công Chính Nhật Bản Komeito (Phật Giáo) hoặc đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo tại Đức (Christian Democratic Union).

 

 

Phật tử chúng ta có thể luôn hãnh diện vì tôn giáo của mình là một hệ thống tư tưởng từ bi và trí tuệ vô lượng, hoàn toàn phi giáo điều, không giam cầm tâm linh con người trong phạm vi khống chế của bất cứ một thần linh hay thượng đế nào, trừ nghiệp lực của chính bản thân.

Tuy nhiên chúng ta cũng sẽ vượt thoát nghiệp lực này, nếu chúng ta theo đúng con đường của Đức Phật vạch ra cho chúng ta đi, hàm chứa trong Tứ Điệu Đế và Bát Chính Đạo.

II.            Hai sách lược chính trị và xã hội vượt thời gian của Đức Bổn Sư:

Trong thế kỷ 21, khi nghiên cứu về chính trị và xã hội, có 2 điều nổi bật làm chúng ta khâm phục và ngưỡng mộ nhất nơi Đức Bổn Sư vì tuệ giác vượt thời gian của Ngài.

 

(a)  Điều nổi bật thứ nhất là Ngài chọn con đường không thành lập một Giáo Hội tập quyền (centralisation of powers) mà chọn sự hình thành những tăng đoàn phạm hạnh, sinh hoạt độc lập để truyền trao chánh pháp.

(b) Điều nổi bật thứ hai là Ngài đã làm một cuộc cách mạnh vĩ đại, đi ngược với truyền thống trọng nam khinh nữ của thời đại và cho phép giới nữ gia nhập hàng ngũ Tăng Ni. Điều mà nhiều tôn giáo Trung Đông cũng như Âu Châu đến kỷ nguyên này vẫn chưa đủ can đảm và trí tuệ để thực hành.

 

1.    Tăng đoàn thay vì Giáo Hội:

 

Khi chúng ta quy y Tam Bảo, theo lời dạy của Đức Bổn Sư, là chúng ta quy y với 3 thực thể nền tảng của Phật Giáo. Đó là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Tăng Bảo tức là tăng đoàn, gồm những Chư Tôn Đức bằng xương bằng thịt, như là những trưởng tử của Đức Như Lai.

Đức Bổn Sư quy định rằng chúng ta quy y Tam Bảo chứ không quy y giáo hội nào cả.

 

Duyệt lại lịch sử của những tôn giáo chính của nhân loại, chúng ta thấy có 2 khuynh hướng tương đối cực đoan đối nghịch với nhau:

 

Một là thành lập những giáo hội chặc chẽ, tập quyền, có một hệ thống quyền lực căn cứ trên đẳng cấp, kỷ luật và những giáo điều cũng như hình phạt nghiêm khắc đối với tín đồ và những kẻ ngoại đạo. Điển hình là Giáo Hội Công Giáo thời Trung Cổ và Cận Kim, các giáo hội Tin Lành, Các giáo hội Hồi Giáo, Khổng Giáo (ở mức độ giới hạn hơn) thời phong kiến tại Đông Á. Đó là khuynh hướng tập trung quyền lực hay gọi tắc là tập quyền (centralisation of powers).

 

Hai là chủ trương hoàn toàn không có tổ chức và khuôn khổ nào cả, điển hình nhất là Lão Giáo tại Đông Á thời phong kiến cũng như ngày nay. Đó là khuynh hướng vô vi (non-action) của Lão Tử và các hệ thống tư tưởng Hư Vô (nihilism) của Tây Phương.

 

Khi đối diện với 2 chọn lựa như thế, Đức Bổn Sư đã dùng tuệ giác của mình, chối bỏ cả 2 cực đoan và chọn lựa con đường trung đạo thứ 3.

Cách đây 2600 năm, Ngài đã thấy trước rằng, nếu thành lập một giáo hội chặc chẽ với một cấu trúc quyền lực mạnh, tập trung, thì giáo hội sẽ phát triển nhanh, nhưng trong lịch sử sẽ trở thành một định chế xã hội đôi khi khống chế cả nhà nước lẫn xã hội dân sự, gây khổ đau cho nhân loại.

Điều này sẽ đi ngược với lòng từ bi vô lượng của Chư Phật. Ngài cương quyết từ chối đề xuất này.

 

Cũng cách đây 2600 năm, Ngài đã thấy trước rằng, chủ trương hoàn toàn vô vi, phi khuôn khổ như Lão Giáo, sẽ không đủ khả năng lưu truyền chánh pháp và phổ độ chúng sinh được. Bằng chứng là Lão Giáo đã hầu như hoàn toàn mai một như một tôn giáo và hệ thống tư tưởng.

 

Cái còn lại chẳng qua là cuốn Lão Tử Đạo Đức Kinh và một vài áng văn chương bóng bảy của Trang Tử trong Trang Tử Nam Hoa Kinh như là những diễm cảm nghệ thuật. Đạo giáo hay Lão giáo bây giờ tại Trung Hoa chỉ là những tập tục mê tín dị đoan dân gian, không còn giáo trị tôn giáo hoặc tư tưởng gì cả.

 

Như vậy thì con đường trung đạo của Đức Bổn Sư là gì?

Đó là Ngài không chủ trương một giáo hội đầy quyền lực, có tiềm năng khuynh đảo chính quyền và xã hội dân sự. Nhưng Ngài chủ trương những Tăng Đoàn phạm hạnh, độc lập lẫn nhau và hoằng dương chánh pháp sau khi Ngài viên tịch.

 

Cũng chính vì chủ trương này mà nhiều thế hệ tăng lữ, từ Đức Phật cho đến chư tổ, các thánh tăng, từ Ấn Độ đến Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng và Việt Nam đã phát huy tư tưởng Phật Đà và lưu truyền đến chúng ta ngày hôm nay.

 

Chư tăng đã thi hành công tác phổ độ chúng sanh, trao truyền phật pháp này trong tinh thần hòa bình, từ bi vô lượng của Chư Phật và trong suốt hành trình nhiều thiên niên kỷ, không có bất cứ giọt máu nào của chúng sanh đổ xuống, nhân danh Phật Giáo cả.

 

2.    Cách mạng giải phóng phụ nữ trên bình diện tâm linh:

 

Một trong những bất công nền tảng của nhân loại là bất công về giới tính, từ thủa bình minh lịch sử cho đến bây giờ.

Bất công này hiện hữu tại Tây Phương cho đến đầu thế kỷ 20 và tuy có nhiều cải tổ nhưng vẫn còn bàn bạc bây giờ, nhất là trong các tôn giáo lớn Tây Phương.

Tại Đông Á thì tệ hại không kém Tây Phương thời Trung Cổ vì truyền thống Khổng Giáo, ngày nay đang cố gắng bắt kịp Tây Phương.

Tại Trung Đông và các quốc gia Hồi Giáo thì tệ hại hơn nhiều. Người phụ nữ vẫn bị xem là công dân hạng nhì và không được bình đẳng với nam giới trong xã hội lẫn trên bình diện tôn giáo.

Tại Nam Á thì Bà La Môn Giáo, ngoài các giai cấp khắc nghiệt ra, còn phân biệt đối xử với người phụ nữ, mặc dầu Ấn Độ cũng như Đông Á, đang cố gắng bắt kịp Tây Phương.

 

Trên bình diện này, khi Đức Phật đồng ý cho giới nữ gia nhập hàng ngũ Tăng Ni phạm hạnh của Ngài, thì Ngài đã đi trước những lãnh đạo tôn giáo và tư tưởng gia khác của nhân loại hằng ngàn năm.

Chúng ta sẽ bàn luận thêm về tư tưởng cách mạng về bình quyền phụ nữ của Ngài ở đoạn sau.

 

3.    Như vậy, trách nhiệm của người Phật Tử trong kỷ nguyên mới là gì?

 

Đó là nắm bắt tinh thần khai phóng của Đấng Từ Phụ, cập nhật hóa những sách lược tâm linh của Ngài, khai triển những sách lược này trong thời đại mới hầu góp phần phổ độ chúng sanh trong Tam Giới hiệu năng hơn.

 

III.         Trên bình diện cấu trúc điều hành Giáo Hội:

 

Tại Việt Nam, trước thời kỳ Thực Dân Pháp đô hộ bắt đầu năm 1884, các tôn giáo truyền thống như Phật Giáo, Lão Giáo và Khổng Giáo sinh hoạt hầu như không có tổ chức. Ngoại trừ Khổng Giáo có một giai cấp quan lại, thì không có tổ chức nào gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cả. Chỉ có những chùa chiền và những tăng sĩ hay tăng đoàn độc lập. Lão Giáo thì càng vô tổ chức hơn nữa.

 

Tuy nhiên, khi Đông Á tiếp xúc với nền văn hóa Tây Phương thì xã hội, trong đó có sinh hoạt tôn giáo cũng biến chuyển theo. Tại Việt Nam, dưới sự đô hộ của người Pháp và sau đó miền Bắc dưới sự cai trị của người Cộng Sản, lẫn miền Nam dưới Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, từ từ các giáo hội phật giáo toàn quốc được thành lập. Dĩ nhiên ngoài Bắc thì trở thành một ngoại vi cho đảng CSVN, theo đúng chủ trương xâm nhập xã hội dân sự của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản.

 

Trong Nam thì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống NHất cũng đã trực diện với những vấn nạn chính trị phức tạp.

Ngộ biến thì phải tòng quyền. Chúng ta phải nhận định ngay rằng, tại Việt Nam, việc đoàn ngũ hóa các tôn giáo bản địa (như Phật Giáo, Cao Đài và Hòa Hảo) như những thành phần của xã hội dân sự, đối trọng với chính quyền, là một khuynh hướng hầu như bất khả vãn hồi của tiến trình dân chủ hóa và canh tân đất nước.

 

Tuy nhiên chúng ta cần ý thức những khuyết điểm trong lịch sử đoàn ngũ hóa Thiên Chúa Giáo (Christianity) tại Tây Phương từ thời Trung Cổ (Middle Ages) đến thời Ánh Sáng (Age of enlightenment), hoặc hiện tượng đoàn ngũ hóa Hồi Giáo tại Bắc Phi và Trung Đông, từ thời Trung Cổ cho đến bây giờ, hầu rút tỉa những bài học và tránh những thái quá đau thương đẫm máu, phát xuất từ tiến trình định chế hóa các tôn giáo nêu trên.

 

Câu hỏi nghiêm túc chúng ta phải đặt ra là:

 

Trong hoàn cảnh bất khả kháng như thế, làm sao chúng ta có thể tiếp tục đi con đường trung đạo đầy tuệ giác của Đức Thế Tôn, hầu tránh vết xe đổ của những tôn giáo khác?

 

Câu trả lời của dành cho chúng ta là:

 

Muốn tránh những vết xe sai lầm của các tôn giáo Tây Phương và Trung Đông, một Giáo Hội Phật Giáo toàn quốc lý tưởng nhất nên mang các yếu tính nền tảng sau đây:

 

(1) Vị Giáo Chủ hay Pháp Chủ chỉ giữ vị trí biểu tượng và nghi lễ

(2) Trung ương chỉ giữ quyền liên hệ đến sự huấn luyện tăng lữ và duy trì phẩm hạnh tăng đoàn

(3) Quyền hành của Trung Ương sẽ do một Hội Đồng Giáo Phẩm, bao gồm những Tăng Sĩ đại diện từ địa phương, hành xử, không lệ thuộc vào một cá nhân duy nhất nào

(4) Cấu trúc giáo hội phải trao nhiều quyền tự trị cho các cơ sở địa phương càng gần dân càng tốt (như thành phố, quận, huyện và tỉnh)

(6) Địa phương có toàn quyền quản trị tài sản bao gồm bất động sản và mọi hình thức tài sản khác.

(7) Trung ương chỉ sở hữu những tài sản trực thuộc trung ương, hầu có khả năng duy trì và phát huy trách nhiệm của mình.

 

Tóm lại, phải luôn luôn tránh khuynh hướng trung ương tập quyền (centralisation of powers) và phải luôn chủ trương phân quyền (decentralisation of powers) đến các cơ sở địa phương càng nhiều càng tốt. Lý do vì chính tại các địa phương, với những tăng lữ và tăng đoàn phạm hạnh, độc lập, không bị ràng buộc bỡi những cấu trúc quyền lực, mới có khả năng trao truyền thông điệp tâm linh cao cả của Đức Thế Tôn, mà không bị cuốn hút vào những tranh chấp chính trị, quyền lợi vật chất, giữa những định chế khác nhau thuộc xã hội dân sự hoặc nhà nước.

 

A.   Cấu trúc điều hành tổng quát Phật Giáo tại Việt Nam hiện nay:

 

Tại Việt Nam trên nguyên tắc có 2 giáo hội PG.

Thứ nhất là Giáo Hội PGVN Thống Nhất (GHPGVNTN)

Thứ nhì là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN)

 

1. Giáo hội PGVNTN: phát xuất từ năm 1963 cùng với phong trào chống sự đàn áp PG của Cố TT Ngô Đình Diệm và nền đệ nhất cộng hòa tại Nam VN. GH chính thức ra đời năm 1964. Sau năm 1975 thì GH bất đồng ý kiến với nhà cầm quyền CSVN và rút khỏi Mặt Trận Tổ Quốc. GH bị CSVN tiếp tục đàn áp dữ dội và GH cũng bị chia rẽ nội bộ trầm trọng. Các GH hải ngoại tại Hoa Kỳ, Âu Châu và Úc Châu vốn trực thuộc GH đã tách rời và sinh hoạt hoàn toàn độc lập. GH nằm dưới sự điều hành của Đức Tăng Thống HT Thích Quảng Độ cho đến khi HT viên tịch năm 2020 và HT Thích Tuệ Sỹ thay thế trong chức vụ xử lý thường vụ Viện Tăng Thống của GH.

2. Trong khi đó Giáo Hội PGVN: được thành lập năm 1981 và là một thành phần của Mặt Trận Tổ Quốc và được sự ủng hộ của nhà cầm quyền CSVN. Pháp chủ hiện nay là Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ.

Vì được sự ủng hộ của chính quyền GH có cơ sở và phương tiện dồi dào, có cấu trúc từ Trung ương đến tỉnh thành và quân huyện, cơ sở giáo dục huấn luyện tăng lữ đến cấp cao đẳng Phật Học

 

Theo Wikipedia:

“Trong cả nước có 30 Trường Trung cấp Phật học và 06 cơ sở đào tạo Cao đẳng Phật học.

Cấp Đại học được đào tạo tại các Học viện Phật giáo:

• Tại miền Bắc: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, đặt tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn.

• Tại miền Trung: Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Huế

• Tại miền Nam: Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, đặt tại Thiền viện Vạn Hạnh

• Tại miền Tây Nam bộ: Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại thành phố Cần Thơ.”

 

Mặc dầu có khác biệt về khuynh hướng chính trị giữa 2 GH nhưng cả 2 đều được tổ chức như những GH tôn giáo theo truyền thống tây phương trong đó rất nhiều quyền lực tập trung vào các cơ cấu trung ương (centralisation of powers). Dĩ nhiên GHPGVN tuy nhận được nhiều trợ giúp về tài chánh và đất đai từ chính quyền CSVN, nhưng là một thành phần của Mặt Trận Tổ Quốc nên bị sự chi phối của đảng CSVN và cũng vì tính chi phối chính trị đó, phẩm chất và đạo đức của một số tăng lữ bị giảm sút, nhất là tại các cơ sở PG miền Bắc VN.

 

Tóm lại cả 2 cấu trúc GH không nhiều thì ít, đi ngược với tinh thần của 7 yếu tính cần thiết nêu trên cho một giáo hội PG lý tưởng của tương lai.

 

Một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hậu cộng sản nên có một cấu trúc hoàn toàn tản quyền hay phân quyền (decentralisation of powers) trong đó các cơ cấu địa phương như quân huyện, tỉnh thành sẽ nhiều quyền lực về tài sản và điều hành hơn trung ương và vị Tăng Thống hay Pháp chủ chỉ giữ nhưng vai trò có tình nghi thức và biểu tương như đề xuất trong 7 yếu tính nêu trên.

 

Cấp thấp nhất phải là cấp có nhiều thực quyền thế tục nhất (tài sản và pháp lý). Các chùa và tự viện địa phương này mới là nền tảng của Giáo Hội, chứ không phải Giáo Hội Trung Ương.

Các thực thể địa phương, trên nguyên tắc là những tăng đoàn phạm hạnh, truyền trao giáo pháp phổ độ chúng sanh.

 

Trên phương diện luật pháp, các thực thể này sở hữu tài sản và có quyền quyết định độc lập về mọi phương diện, trong phạm vi luật pháp.

 

IV.         Trên bình diện sách lược bảo vệ và phát triển Phật Giáo

 

Một cách tóm lược, sách lược của chúng ta, theo đúng tinh thần từ bi và trí tuệ của Chư Phật gồm 2 yếu tính chính:

1.    Một là kiện toàn sức mạnh nội tại của chính mình, qua sự loại bỏ những khuyết điểm nội tại và phát huy những ưu điểm, nhưng không bao giờ có những động thái nhằm mục tiêu làm suy giảm uy tín của các tôn giáo khác.

 

2.    Hai là quảng bá những ưu điểm từ bi và trí tuệ kiệt xuất của Phật Pháp nhưng không đả phá những khuyết điểm của các tôn giáo khác

 

 

A. Sách lược bảo vệ Phật Giáo

1. Ưu tiên bảo vệ uy tín của hàng giáo phẩm:

 

Một trong những hy sinh của Chư Tôn Đức khi trở thành trưởng tử của Như Lai của sự kiện chúng ta chấp nhận không có một giáo hội mạnh, tập quyền. Cũng vì thế khi quý ngài bị các thế lực vô minh bôi nhọ hay phỉ bán, thì uy tín các Ngài không sợ hữu được những phương tiện bảo vệ chu đáo.

Điều này sẽ được điều chỉnh nếu chúng ta theo đúng sách lược xây dựng một cấu trúc và sách lược truyền thông nghiêm túc, một mặt phát huy chánh pháp, mặt khác bảo vệ chư tăng.

 

2.    Hóa giải những âm mưu đánh phá Phật Giáo từ những thế lực vô minh:

 

Tuy Phật giáo không xem bất cứ chúng sinh nào trong Tam Giới là kẻ thù nhưng nhiều thế lực vô minh có thể thù ghét Phật Giáo. Chính vì thế chúng ta vẫn cần những sách lược hầu hóa giải những âm mưu đánh phá Phật giáo từ những thế lực vô minh đó.

 

Phật Giáo sẽ chiến thắng vì 2 yếu tố tất yếu:

 

a.     Một là những khám phá mới mẻ nhất của Khoa Học, từ Vật Lý Vũ Trụ (Astro-physics) đến Vật Lý Lượng Tử (Quantum Physics) đều phản ảnh đúng tư tưởng Phật Đà và ánh sáng của khoa học chiếu rọi tới những hóc hẻm xa xôi nhất của vũ trụ vô cùng vô tận, cũng sẽ là môi trường tốt cho ánh sáng của Tứ Điệu Đế và Bát Chánh Đạo phát huy, hầu phổ độ chúng sinh.

 

b.    Hai là, cuộc cách mạng tin học đem sự thật, nhất là sự thật lịch sử nhân loại, sự thật lịch sử Việt Nam, đến từng con người cá thể và sự thật này sẽ hóa giải mọi âm mưu đánh phá Phật Giáo.

 

 

3.    Hướng dẫn Phật tử về tu tập phật pháp:

 

Phật pháp tuy là một hệ thống tư tưởng uyên thâm nhưng khác với những hệ thống tư tưởng thuần lý thuyết Tây Phương ở chỗ Phật Pháp muốn viên thành phải thực tập và chứng nghiệm, Chính vì thế các khóa tu hành vô cùng cần thiết, nhất là thiền định là một trong những kỹ năng then chốt trong Bát Chánh Đạo.

4.    Hướng dẫn phật tử về lịch sử khai quốc và kiến quốc của dân tộc, vai trò của Phật Giáo trong suốt chiều dài lịch sử và các pháp nạn Phật Giáo trải qua:

Đây là khía cạnh sự thật lịch sử mà các phật tử phải nắm bắt trước khi tiếp tay với chư Tôn Đức trong công tác hóa giải những đánh phá từ các thế lực vô minh.

 

5.    Tổ chức thường xuyên buổi lễ vinh danh những danh nhân Phật Giáo trong lịch sử, từ thời khai quốc đến nay như Thiền Sư Vạn Hạnh, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tôn, Bồ Tát Thích Quảng Đức, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thiền Sư Thích Thanh Từ, mời không những phật tử mà luôn cả những người ngoại đạo tham dự.

 

B.   Sách lược phát huy Phật Giáo:

 

Sách lược này bao gồm các điểm sau đây:

 

1. San định và cập nhật hóa kinh điển sử dụng tại các chùa và tự viện, loại bỏ những yếu tố sau đây ra khỏi kinh điển:

a. Tất cả những quan điểm về thần thoại hoặc phép lạ vốn không phải là lời dạy của Đấng Thế Tôn

b. Những hình phạt ghê rợn dưới địa ngục hầu răn đe chúng sinh không nên làm các điều ác

c. Những hình ảnh vật chất xa hoa tại Phật Quốc hoặc cõi Niết Bàn hầu khuyến khích chúng sanh hành thiện.

d. Những ý niệm kỳ thị phụ nữ cần phải loại bỏ

 

Những yếu tố trên thật sự một mặt không phù hợp với lời dạy của Chư Phật, mặt khác không còn phù hợp với trình độ hiểu biết rất cao của con người trong thời đại tin học nữa. Duy trì các yếu tố này trong kinh điển làm giảm giá trị trí tuệ của Phật Pháp và hoàn toàn phản tác dụng.

 

Xin nêu ra một số ví dụ điển hình về các yếu tố cần phải loại bỏ:

(1) Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, do HT Thích Trí Tịnh dịch có câu thuộc loại phép lạ không cần thiết:

“Bấy giờ, đức Như-Lai từ tướng lông trắng chặn giữa chân mày phóng ra luồng ánh-sáng soi khắp cùng cả một muôn tám nghìn cõi nước ở phương đông, như nay đương thấy ở cõi Phật đây.”

 

(2) Kinh Vu Lan Bồn có những câu về những hình phạt thể xác không cần thiết như sau:

 

“Có ngài Mục Kiền Liên

Vừa mới chứng được

Sáu phép thần thông

Lòng hiếu phát khởi

Muốn độ mẹ cha

Đền ơn nhũ bộ

Bèn dung mắt huệ

Xem cả thế gian

Thấy vong thân mẫu

Trong cảnh ngạ quỷ chẳng uống chẳng ăn

Thân thể gầy ốm

Còn da bọc xương.

Mục Liên thương xót Tức thời lấy bát Đựng cơm đem dâng

Mẹ Ngài vui mừng Tay trái che bát

Tay mặt bốc cơm Thảm thay thương thay

Cơm chưa tới miệng

Đã thành than lửa

Ăn không thể được”

 

(3) Kinh A Di Đà có nhiều câu tiêu biểu về những xa hoa phú quý không cần thiết như sau:

 

“Này nữa, Xá Lợi Phất, ở nước Cực Lạc có rất nhiều hồ thất bảo chứa đầy thứ nước có tám công đức, dưới đáy hồ toàn là cát vàng; bốn bên hồ có những lối đi làm bằng vàng, bạc, lưu ly và pha lê; phía trên các con đường ấy lại có vô số lâu đài, cũng được xây dựng và trang trí bằng các chất liệu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu và mã não. Sen trong các hồ lớn như những chiếc bánh xe, sen xanh chiếu hào quang xanh, sen vàng chiếu hào quang vàng, sen đỏ chiếu hào quang đỏ, sen trắng chiếu hào quang trắng, hương sen tỏa ra vi diệu và tinh khiết.”

 

(4) Trong các kinh Phật nên loại bỏ các đoạn kỳ thị nam nữ như:

 

Kinh 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà. Nguyện thứ 2: Bỏ đi câu “Nước này tịnh giới, Đờn bà cùng con gái tịch nhiên”.

Nguyện thứ 32: Bỏ câu “Thập phương thế giới, những đàn bà con gái chán đời, phát tâm tín niệm danh tôi, thân sau tránh khỏi phục hồi nữ nhơn”

Khoa học ngày nay chứng minh rằng, làm người nữ hay người nam gì cũng như nhau mà thôi. Không phải sanh ra làm nữ là thấp kém hơn.

 

3.    Dịch ra Việt Ngữ tất cả các bài kinh chữ Phạn hoặc chữ Hán trong nghi thức tụng niệm:

 

Tâm nguyện của Đức Bổn sư cũng như Chư Phật là chúng sinh phải hiểu và chứng được chân lý hầu đạt đến giác ngô viên mãn, thành Phật như quý ngài.

Chính vì thế thông hiểu áo nghĩa của kinh điển là nền tảng của Phật Pháp.

Đọc và tụng kinh mà không hiểu lời của chính mình đọc và tụng là gì, tự nó là một phi lý và phản lại ý nguyện của Chư Phật và Chư Bồ Tát.

Ngày hôm nay, nhiều chùa chiền và tự viện đã hiểu việc này nên một số các kinh điển được dịch ra tiếng Việt. Nhiều kinh điển không những được dịch tiếng Việt mà còn được dịch ra văn vần rất hay và dễ nhớ.

Tuy nhiên sự kiện này chưa được đồng nhất trên khắp mọi nơi. Ngay cả cuốn Nghi Thức Tụng Niệm của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất tại NSW, Úc Đại Lợi cũng chưa được chuyển ngữ sang tiếng Việt toàn bộ.

Tất cả các Kinh hoặc thần chú hoặc châm ngôn dưới đây cần được chuyển dịch sang tiếng Việt hầu các Phật Tử có thể hiểu được những chân lý chư Phật, chư Bồ Tát và chư Tổ giảng dạy. Có như thế chúng ta mới có thể nâng cao tầm hiểu biết và sự tu chứng thật sự của Phật Tử khi tụng kinh:

a. Chú Đại Bi đang bằng tiếng Phạn hay Pali

b. Bát Nhã Tâm Kinh đang bằng chữ Hán

c. Bài Bạt Nhứt thế nghiệp chướng căn bản đắc sinh tịnh độ Đà La Ni đang bằng chữ Phạn hay Pali

d. Tiêu tai các tường thần chú đang bằng chữ Phạn hay Pali

e. Kinh A di Đà bằng chữ Hán

f. Kinh Phổ Môn bằng chữ Hán

g. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Quán Thê Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm và các chân ngôn bằng tiếng Phạn hoặc Pali và chữ Hán.

 

4.    Song ngữ hóa Việt-Anh tất cả mọi kinh điển khi có phương tiện, nhất là cuốn nghi thức tụng niệm

 

Một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của người Phật tử và nhất là hàng ngũ chư Tôn Đức là quang đại Phật Pháp hầu phổ độ chúng sinh, không giới hạn màu da hay chủng tộc. Chính vì thế kinh sách Phật Giáo, nhất là những bài kinh nhật tụng như trong cuốn Nghi Thức Tụng Niệm, sau khi đã chấn chỉnh loại bỏ những yếu tố huyền thoại hoặc thần quyền, những hình phạt rùng rợn hoặc những ngọc ngà châu báu xa hoa, những ý niệm kỳ thị nữ giới, cần phải được chuyển dịch sang Anh Ngữ, vì ngôn ngữ này, trong kỷ nguyên mới sẽ là ngôn ngữ toàn cầu.

 

Thêm vào đó, các Giáo Hội Phật Giáo tại Úc hoặc Hoa Kỳ có trách nhiệm hoằng dương Phật Pháp, phổ độ chúng sinh ngay tại các quốc gia đã cưu mang mình.

Dĩ nhiên khi chuyển dịch như thế chúng ta cũng giúp các thế hệ người Việt trẻ tại 2 quốc gia này hiểu biết thêm về phật pháp qua Anh Ngữ.

 

Nghi thức Tụng Niệm là một hành trang tinh thần quan trọng của người Phật Tử. Chính vì thế sau khi cải tổ, trong các chùa và tự viện Việt Nam và nếu có thể trên khắp thế giới sẽ chỉ còn sử dụng một ấn bản (version) duy nhất song ngữ Anh-Việt, không còn Hán Tự hay Phạn Tự, ngôn ngữ trong sáng và hiện đại mà mọi Phật Tử, từ già đến trẻ, từ Việt đến Tây Phương, khi đọc hay tụng kinh này, sẽ hiểu thêm, mở mang trí tuệ và hãnh diện vì tôn giáo của mình theo.

 

5.    Giảng dạy phật pháp cho giới trẻ Việt Nam và cho những người ngoại quốc bằng Anh Ngữ:

 

Đây là một công tác cần thiết và tích cực hơn, ngoài chuyển dịch kinh sách qua Anh Ngữ, để phát huy Phật Pháp và phổ độ chúng sinh. Tuy nhiên chỉ có thể hoàn tất nếu chúng ta đạt được 3 điều căn bản. Một là san định các kinh sách để cập nhật hóa bằng cách loại bỏ những mê tín dị đoan, hai là chuyển ngữ qua Anh Văn và ba là khuyến khích đào tạo những tu sĩ thông thạo Anh Ngữ. Tuy chưa làm được bây giờ nhưng chúng ta phải nghĩ tới và từng bước thực hiện.

 

6.    Chuẩn bị thành lập các Viện Phật Học để sau đó trở thành Đại Học Phật Giáo tại Úc Châu, Âu Châu và Hoa Kỳ:

 

Đây là hoài bão của nhiều Phật Tử và nhiều chư Tôn Đức không những tại Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Phật Pháp là một hệ thống tư tưởng uyên bác và khác hẳn với những tôn giáo bình thường, Phật Giáo mang yếu tính phi giáo điều và khai phóng cho tâm linh.

Tư tưởng Phật Đà trong Duy Thức Luận, Thiền Luận và ngay cả Tịnh Độ Tông chưa bao giờ xung khắc với bất cứ khám phá nào mới mẻ nhất của khoa học, từ Vật Lý Vũ Trụ (Astro-physics) đến Vật Lý Lượng Tử (Quantum physics) và luôn mang mùi vị giải thoát.

Hơn bất cứ tôn giáo nào khác, Phật Giáo cần phải có các Phật Học Viện và sau đó các Đại Học Phật Giáo trên thế giới để tích cực phổ độ chúng sinh hơn.

 

7.    Hoàn tất bình đẳng hóa giữa giới tính nam và nữ trong hàng ngũ giáo phẩm.

 

Đức Bổn Sư đã khởi đầu cho cuộc cách mạng khai phóng cho người phụ nữ thì trách nhiệm của chúng ta là phải hoàn tất cuộc cách mạng đó để hoàn tất tâm nguyện của Ngài.

Nếu một Giáo Hội như tại Úc Châu khởi đầu thì các giáo hội khác tại Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada và ngay tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan không biết chừng sẽ cải tổ theo.

Tuy Ngài có tuệ giác và đủ uy tín khi còn sinh tiền, hầu cho phép người nữ xuất gia, mà không bị các quyền lực xã hội thủa xưa chống đối quá mạnh. Nhưng Ngài cũng phải tùy duyên hóa độ. Chính vì thế Ngài phải chấp nhận tương đối phân biệt nam nữ khi quy định giới luật cho Tỳ Kheo Ni nhiều hơn Tỳ Kheo Tăng.

Theo bài pháp của Đại đức Gs. Tiến sĩ Thiện Minh thuyết giảng tại Thiền viện Bồ Đề, phường 8, Tp. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Tu nữ Quang Duyên ghi chép:

(https://www.facebook.com/suthienminh/posts/1701852176806874/)

“Có thống kê như sau: Theo giới luật Phật giáo Bắc tông, tăng có 250 giới, ni có 348 giới. Phật giáo Nguyên thủy về tăng có 227 giới, ni có 311 giới. Theo Hán tạng và Pali tạng, bên ni có các điều giới nhiều hơn tăng. Phật giáo Nguyên thủy từ thời Kiều Đàm Di mẫu cho tới ngày nay truyền thừa lại thì sự giữ giới của Tỳ kheo ni như sau:

Một là, 8 pháp bất cộng trụ (Parajika)

Hai là, 17 pháp tăng tàn (Sanghadisesa)

Ba là, 30 điều ưng xả đối trị (Nissaggiya Pacittiya)

Bốn là, 166 giới ưng đối trị (Pacittiya)

Năm là, 8 Bất định (Patidesaniya)

Sáu là, 75 ưng học pháp (Sekhiya)

Bảy là, 7 Diệt tránh (Adhikaranasamatha Dhamma)

Tổng cộng 311 giới.”

Quan điểm khác biệt giữa các giới luật phân biệt nam nữ đã lỗi thời. Chỉ cần một hệ thống giới luật duy nhất áp dụng bình đẳng giữa Tỳ Kheo Tăng và Tỳ kheo Ni là đủ, từ số giới luật xuất gia, tuyển chọn giáo phẩm, tu học huấn luyện, thăng tiến trong hàng giáo phẩm, bình đẳng trong đối xử v…v…

 

Đạo Phật của thế kỷ 21 sẽ không còn phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong hàng ngũ giáo phẩm.

 

Ngay từ ngày khai đạo, Đức Bổn Sư đã có tuệ nhãn để nhìn xuyên thấu một bất công xã hội mà các tôn giáo khác đến ngày nay vẫn chưa giải quyết được trọn vẹn. Đó là tính bình đẳng tuyệt đối giữa chúng sinh, con người, không phân biệt màu da và nhất là không phân biệt giới tính.

 

Ngoài ra còn 2 điều phân biệt nữa là vị trí của các tỳ kheo ni luôn thấp hơn vị trí các tỳ kheo tăng và hình như sự thăng tiến của họ trong hàng ngũ giáo phẩm cũng thua các tỳ kheo tăng.

 

Cuộc cách mạng Kỹ Nghệ tại Âu Châu đã khai sáng một kỷ nguyên mới đem lại phồn vinh và thịnh trào cho nền văn minh Tây Phương kể từ thế kỷ 18 đến nay. Chính yếu là vì cuộc cách mạng kỹ nghệ đã giải phóng trí tuệ và sức lao động của người phụ nữ Tây Phương.

 

Nếu Phật Giáo Việt Nam chúng ta có thể nắm bắt thông điệp khai phóng phụ nữ của Đức Bổn Sư 26 thế kỷ về trước, hoàn chỉnh nó và hoàn chỉnh sự bình đẳng giới tính tuyệt đối trong hàng ngũ Tăng Ni Phật Giáo Việt Nam, bắt đầu từ một Giáo Hội như Úc Châu- Tân Tây Lan, thì chúng ta sẽ khởi đầu một kỷ nguyên mới mà người Tỳ Kheo Ni sẽ đem lại một sức sống, một nguồn năng lực mới, một dòng máu mới để đổi mới Giáo Hội, làm giáo hội mạnh hơn, góp phần kiến tạo một Giáo Hội hùng mạnh hơn, phổ độ chúng sinh Tam Giới hiệu năng hơn.

 

8.    Xây dựng một chính đảng Phật Giáo là một nhu cầu vô cùng cần thiết. Một trong những danh xưng cho chính đảng này là Đảng Dân Chủ Phật Giáo Việt Nam (the Buddhist Democratic Party of Vietnam)

 

Phật giáo chỉ có thể phát triển nếu có 2 vế rõ rệt: Một Giáo Hội đại diện khuynh hướng xuất thế và một chính đảng Phật Giáo đại diện cho khuynh hướng nhập thế.

Đây không phải là một ý niệm hoặc đề xuất mới. Thật sự những chính đảng mang màu sắc tôn giáo đã hiện diện tại rất nhiều quốc gia dân chủ trên thế giới.

Các chính đảng như thế hiện diện nhiều nơi tại các quốc gia Âu Châu, nổi bật nhất là Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (Christian Democratic Union) là đảng đang cầm quyền tại Đức. Thứ đến là đảng Komeito (Công Chính) tại Nhật Bản lấy nền tảng Phật Giáo và hiên đang là một junior partner trong Liên Minh cầm quyền tại Nhật Bản với đảng Tự Do Dân Chủ Nhật (Liberal Democratic Party of Japan).

Trong nước Việt Nam hậu cộng sản, một đảng Dân Chủ Phật Giáo sẽ có một chỗ đứng khả kính, góp phần tích cực vào tiến trình phục hưng đất nước và chính đảng này, cũng như đảng Công Chính tại Nhật Bản, sẽ góp phần xây dựng tính tích cực dấn thân xã hội của người Phật Tử Việt Nam.

Chủ trương rường cột của chính đảng này sẽ được những người dấn thân chủ trương chi tiết hóa trong một cương lĩnh đảng, nhưng chúng ta có thể mường tượng một số nét chính như sau:

1. Trên bình diện tâm linh, đảng chủ trương lấy Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo làm nền tảng tinh thần

2. Trên bình diện chính trị, đảng chủ trương xây dựng và kiện toàn một nền dân chủ hiến dịnh, pháp trị và đa nguyên chân chính

3. Trên phương diện giáo dục, đảng chủ trương một nền giáo dục:

a. Khai phóng,

b. Phi ý thức hệ,

c. Phi giáo điều

d. Nhấn mạnh 2 yếu tố khoa học và lịch sử trong giáo trình

4. Trên bình diện tôn giáo đảng chủ trương bình đẳng và hài hòa giữa những tôn giáo

5. Trên bình diện xã hội đảng sẽ có những sách lược có khuynh hướng cấp tiến nhưng trên bình diện luân lý đạo đức sẽ có những chủ trương có khuynh hướng bảo thủ

6. Trên bình diện sách lược kinh tế, đảng chủ trương quân bình giữa 2 khuynh hướng sáng tạo của cải và tái phân phối của cải

7. Đảng cũng sẽ chủ trương một sự phân biệt nghiêm khắc giữa thế quyền và giáo quyền (separation of church and state). Chính vì thế cương lĩnh của đảng sẽ không cho phép những vị tỳ kheo xuất gia trở thành đảng viên của đảng.

8. Tương quan giữa Giáo Hội và Đảng không phải là một tương quan trong đó, đảng là một công cụ chính trị (political arm) của Giáo Hội hoặc ngược lại GH trở thành một công cụ tâm linh của Đảng. Trái lại đây là một tương quan bình đẳng hổ tương cho nhau. Giáo hội là linh hồn giúp cho đảng phát huy lý tưởng Tứ Điệu Đế và Bát Chính Đạo, trong khi Đảng Hộ Trì cho Tam Bảo qua tự thân của Giáo Hội. Tuy nhiên GH luôn đứng ngoài và bên trên mọi quyết định về sách lược chính trị của đảng. Vì GH chỉ là một thực thể tản quyền (decentralisation of powers) nên xác xuất giáo quyền lấn át thế quyền hoặc ngược lại rất thấp nếu không nói là không hiện hữu trong tương quan này.

 

V.            Kết luận:

 

Khi nào chúng ta cải tổ được như trên, trở nên một thực lực mạnh trong xã hội dân sự, có một cấu trúc giáo hội tuy phân quyền nhưng hoạt động hiệu năng, bên cạnh một chính đảng dấn thân vì tổ quốc, thì không còn ai hoặc thế lực nào chèn ép hoặc thao túng Giáo Hội được nữa.

Phật Giáo như một con khổng tượng đang ngủ và khi nó thức giấc, sẽ đem lại hòa bình vĩnh cửu cho nhân loại và chúng sinh Tam Giới.

Nêu trên là thiển ý của một phật tử tuy đã quy y Tam Bảo nhưng không hiểu biết nhiều về Phật Pháp.

Dĩ nhiên có điều đúng và có điều sai. Hoặc có điều chưa thi hành được trong thời điểm này, nhưng trong tương lai có thể.

Nếu có điều mạo phạm mong các vị thiện tri thức và độc giả niệm tình tha thứ.