Saturday, 19 August 2023

 

Hệ Thống Pháp Lý Việt Nam Tương Lai

 

Luật sư Đào Tăng Dực

 

Trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên của một nước Việt Nam tương lai, thì hệ thống pháp lý thể hiện yếu tố pháp trị vô cùng quan trọng nêu trên.

 

Tài liệu này nhằm phát họa những đường nét chính của hệ thống luật pháp Việt Nam trong tương lai, không có tính toàn diện và được viết trong khung cảnh của bản “Dự thảo hiến pháp Việt Nam trên quan điểm Dân Chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên” tôi đề xướng.

 

Trước hết, chúng ta phải nhận xét ngay rằng, sau nhiều thập niên thiếu dân chủ, dân tộc chúng ta đã tụt hậu tang thương trong tiến trình xây dựng một chế độ pháp trị nghiêm chỉnh. Chính vì thế, tuy dân ta có một nền văn hóa sâu dày, một nền văn hiến hiển hách, nhưng nền chính trị đất nước lại thiếu thốn những yếu tố căn bản để xây dựng một nền dân chủ pháp trị tiến bộ.

 

Các yếu tố chúng ta thiếu là:

 

1. Một bản hiến pháp dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, căn cứ trên tam quyền phân lập

 

2. Sự hiện hữu của một cơ quan tư pháp tối cao, chí công vô tư, như Tối Cao Pháp Viện tại các nước dân chủ chân chính, vượt lên trên mọi đảng phái và phe nhóm chính trị và có thẩm quyền hiến định để phán quyết tính hợp hiến hoặc vi hiến của một sắc luật của lập pháp, hoặc một tác động của hành pháp

 

Tối cao pháp viện này cũng có thẩm quyền nguyên thủy giải quyết các xung đột giữa lập pháp và hành pháp, cũng như những xung đột giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương (như chính quyền tỉnh).

 

3. Một hệ thống đào tạo cấp đại học hoặc cao đẳng quy mô và phi ý thức hệ hầu huấn luyện chuyên ngành những luật gia và thẩm phán tương lai

 

4. Một luật sư đoàn độc lập tuyệt đối với chính quyền hoặc bất cứ một thế lực đệ tam nào, và bao gồm những thành viên luật sư chuyên nghiệp qua một quá trình học vấn cao cấp nghiêm chỉnh

 

5. Một đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp, độc lập và chí công vô tư, không lệ thuộc vào chính quyền

 

6. Một công tố viện dưới quyền điều động của một giám đốc công tố mà phẩm trật (status) cũng như phương thức bổ nhiệm (appointment) tương đương với một thẩm phán tối cao pháp viện, hoàn toàn độc lập đối với hành pháp và lập pháp.

 

Tôi quan niệm rằng một hệ thống pháp lý Việt Nam tương lai phải bao gồm những thành tố sau đây:

 

I. Phương diện cấu trúc hành chánh:

 

Tuy ngành Tư Pháp ngang hàng với Lập Pháp và Hành Pháp, nhưng guồng máy quản trị các nhân viên của ngành này cũng chỉ là một chi nhánh của hành pháp. Chính vì thế việc quản trị những nhân viên trong hệ thống tòa án, lương bổng của các nhân viên, kể cả các vị thẩm phán, cũng là những chức năng hành chánh dưới sự quản trị và điều động của Bộ Tư Pháp. Bộ trưởng bộ tư pháp vẫn là một chức vụ quan trọng của Hành Pháp mà thôi.

 

Chúng ta phải mường tượng tập thể các thẩm phán bao gồm những cá nhân đại diện cho tính độc lập tuyệt đối của ngành tư pháp và tinh thần chí công vô tư của yếu tính pháp trị. Tuy nhiên những thẩm phán này sẽ không phát huy được yếu tính pháp trị của hiến pháp nếu không có sự trợ giúp của những nhân viên hành chánh bình thường, điều hành và quản trị các cơ quan của ngành tư pháp.

 

Chính vì thế, ngoài Bộ Tư Pháp tại Trung Ương và chi nhánh tại các tòa án địa phương, với nhiều nhân viên hành chánh điều hành, như bất cứ một phần hành nào khác của hành pháp, chúng ta còn sẽ có các tòa án tại các cấp, từ trung ương đến địa phương như:

 

1.  Tối cao pháp viện:

 

TCPV là cơ quan tư pháp cao nhất của quốc gia, gồm những thẩm phán là những luật gia uyên bác và uy tín nhất. TCPV đại diện cho ý niệm pháp trị và tinh thần chí công vô tư của luật pháp. Trong quốc gia, chỉ có một TCPV mà thôi. Số thẩm phán thành viên tùy nhu cầu nhưng thông thường khoảng 7 đến 11 vị thẩm phán tối cao pháp viện. Phương thức hoạt động của TCPV sẽ do các sắc luật và quy luật nội tại của TCPV quy định. Khi có xung đột giữa một sắc luật và quy luật nội tại thì sắc luật sẽ ưu thắng ở mức độ của xung đột.

 

 

 

2.  Các tòa án cấp tỉnh:

 

Dưới TCPV có các tòa án cấp tỉnh. Tùy theo nhu cầu và dân số, số thẩm phán cần bổ nhiệm có thể tăng hay giảm. Tuy nhiên phiên xử thông thường chỉ cần một thẩm phán chủ tọa. Trong nhiều trường hợp, thay vì kháng cáo lên tòa án trên (tức TCPV), các phe có thể kháng cáo lên

“toàn tòa” được quy định như một phiên xử gồm 3 quan tòa chẳng hạn. Sau đó vẫn có thể tiếp tục kháng cáo lên tòa án trên.

 

3.  Các tòa án cấp quận:

 

Đây là cấp tòa án thấp nhất. Cũng tùy theo nhu cầu và dân số, số thẩm phán cần bổ nhiệm cũng tăng hay giảm. Nguyên tắc hoạt động cũng tương tự như tòa án tỉnh.

 

4. Các tòa án chuyên biệt: (về hành chánh, quân sự, quan hệ lao động và chủ nhân, chống kỳ thị, thiết kế đô thị, hôn nhân và gia đình v..v..):

 

Nhu cầu pháp lý trong một quốc gia rất đa diện. Các tòa án bình thường đôi khi thiếu trình độ chuyên môn để giải quyết và cần những thẩm phán hoặc chuyên gia có hiểu biết chuyên môn. Chính vì thế, trong các quốc gia tiến bộ, chúng ta thấy sự xuất hiện của các tòa án chuyên biệt này.

 

Trong mỗi tòa án như thế chúng ta phải phân biệt hai trách nhiệm: một trách nhiệm có tính cách hành chánh lệ thuộc vào hành pháp, chịu trách nhiệm với Bộ Tư Pháp. Trách nhiệm kia thuộc các thẩm phán liên hệ đến sự phán quyết của các thẩm phán, hoàn toàn độc lập đối với hành pháp và lập pháp.

 

Chính vì thế, trong khi các viên chức hành chánh chỉ là những công chức bình thường, được bổ nhiệm bỡi hành pháp và có thể được tuyển chọn hoặc bị sa thải như những công chức bình thường khác, thì các thẩm phán có một vị trí đặc biệt hơn nhiều.

 

Các vị thẩm phán này thông thường phải xuất phát từ hàng ngũ những chuyên gia luật pháp có uy tín, được hành pháp đề cử (qua sự đề cử hoặc của chính người đứng đầu nghành hành pháp như Tổng Thống trong trường hợp các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, hoặc Bộ Trưởng Tư Pháp trong trường hợp các tòa án thấp hơn tùy hiến pháp hoặc luật pháp mỗi quốc gia), và phải được hoặc lưỡng viện quốc hội hoặc ít nhất Thượng Viện thông qua chẳng hạn, tùy theo quy định của hiến pháp hoặc luật pháp.

 

Một thẩm phán chỉ có thể bị ngưng chức khi bị mất trí năng, tác phong bại hoại, hoặc phạm tội trọng hình và bị lưỡng viện quốc hội hoặc ít nhất Thượng Viện bất tín nhiệm, hoặc đến tuổi hưu trí. Ngòai vị trí xã hội ra thì lương bổng các thẩm phán cũng rất cao. Chỉ như thế các thẩm phán mới thực sự độc lập và sẽ phán quyết chí công vô tư, không lệ thuộc bất cứ một thế lực nào.

 

 

II. Phương diện động lực vận hành:

 

1. Tiến trình thi hành công lý:

 

Đối với nhiều quốc gia, Tính độc lập tuyệt đối của ngành tư pháp, trên nguyên tắc, phát xuất từ hiến pháp. Tuy nhiên trên thực tế, chính phương thức tuyển chọn (qua sự đề cử của hành pháp và được sự phê chuẩn của lập pháp) và những bảo đảm hiến định cũng như luật định để các thẩm phán có thể yên tâm hành xử trách nhiệm của mình, mà không bị bất cứ một thế lực nào chi phối, là những bảo đảm cụ thể nhất. Một trong những trọng tội về hình luật, cần phải hiến định hóa hoặc luật hóa trong một chế độ dân chủ pháp trị là tội xen lấn, cản trở tiến trình thi hành công lý. Tội này bao gồm việc ngăn cản, phá hoại tiến trình điều tra của cảnh sát hoặc các cơ quan hữu trách khác, cho đến ngăn chận hoặc hăm dọa, hoặc hối lộ ... các thẩm phán trong khi họ thi hành nhiệm vụ. Những kẻ vi phạm, dù là chủ tịch hạ viện hoặc nguyên thủ quốc gia, hoặc một kẻ cùng đinh, cũng sẽ bị nghiêm khắc chế tài như nhau.

 

2.  Tính bình đẳng của mọi hữu thể pháp lý:

 

Dĩ nhiên tập thể các thẩm phán là biểu tượng rõ rệt nhất của ý niệm pháp trị. Tuy nhiên, ý niệm pháp trị được thể hiện ở điểm cao nhất khi một hay nhiều thẩm phán đăng đàn xử án. Trước một

tòa án có thẩm quyền thì mọi thế lực từ những thành tố của chính quyền (như các bộ, ngành của hành pháp) cho đến các thành tố của xã hội dân sự (như các thương vụ, ngân hàng) hoặc các cá nhân dù quyền lớn đến bao nhiêu, đều trở về vị trí khiêm nhượng của mình như là một hữu thể pháp lý, tuyệt đối bình đẳng với bất cứ hữu thể pháp lý nào khác trước tòa. Mọi phán quyết của tòa án, sẽ có hiệu lực ràng buộc không những một công dân bình thường, mà còn ràng buộc tuyệt đối các cơ quan chính quyền của hành pháp nữa.

 

3.  Phân biệt giữa hình và hộ:

 

Tòa án mọi cấp (trừ các tòa án đặc nhiệm) đều có thẩm quyền trên cả hai phương diện hình lẫn hộ. Hình luật liên hệ đến những vi phạm bộ luật hình sự và cảnh sát có trách nhiệm điều tra để sau đó trao hồ sơ cho công tố viện truy tố. Hộ thì bao gồm những tranh tụng, thông thường giữa hai hữu thể pháp lý và mục tiêu của những sự tranh chấp là đòi lại sự công bằng qua hình thức bồi thường tài chánh, hoặc danh dự, hoặc thực hành một tác động, hoặc không được tiến hành một tác động.

 

Vì tính nghiêm trọng, có thể liên hệ đến mất tự do, hoặc mất tính mạng của một bị cáo hình luật, nên cấp độ chứng minh về hình luật trước khi kết án phải rất cao là “không còn lý do chính đáng để nghi ngờ”. Trong khi đó, cấp độ chứng minh, trên phương diện hộ, để một phe có thể thắng, chỉ cần ở mức độ “có xác xuất phải chăng” là đủ. Đây là những cấp độ chứng minh hiện hành trong các quốc gia theo hệ thống Common Law của Anh Quốc, kể cả Hoa Kỳ. Trên bình diện hình luật, một bị cáo luôn luôn được giả định là vô tội cho đến khi bị kết án. Đây là một nhân quyền và dân quyền căn bản của một công dân.

 

4.  Nguyên tắc kháng cáo:

 

Các sắc luật khác nhau sẽ chi tiết hóa thủ tục kháng cáo, vốn là một khía cạnh quan trọng của hệ thống pháp lý. Tuy nhiên, thông thường thì phiên xử trước một quan tòa duy nhất có thể được kháng cáo đến một phiên xử toàn tòa (thông thường trước 3 quan tòa thay vì 1), phiên xử tại một tòa án cấp dưới có thể được kháng cáo lên tòa án trên. Cuối cùng, sau khi đã kháng cáo đến tòa cao nhất là Tối Cao Pháp Viện thì trở thành chung thẩm và không thể kháng cáo tiếp tục.

 

5.  Thẩm quyền các tòa án và thẩm quyền đặc biệt của Tối Cao Pháp Viện:

 

Hiến pháp hoặc các sắc luật sẽ quy định thẩm quyền các cấp tòa án khác nhau. Mức độ thẩm quyền có thể qua hình thức số tiền tranh chấp cao hay thấp, tầm quan trọng hoặc phức tạp của vấn đề...Riêng Tối Cao Pháp Viện không những có thẩm quyền vô giới hạn về mức độ tài chánh, thẩm quyền chung quyết về những kháng cáo của các tòa án cấp dưới mà còn có thẩm quyền nguyên thủy về các vấn đề liên hệ đến hiến pháp. Chẳng hạn khi có một tranh chấp giữa hành pháp và lập pháp về tính cách hợp hiến hoặc vi hiến của một sắc luật, thì các phe tranh tụng chỉ có thể đưa ra TCPV để phân xử. Không một tòa án nào khác có thẩm quyền. Tương tự, khi có sự tranh chấp giữa chính phủ trung ương và một chính quyền địa phương như chính quyền tỉnh, về giới hạn quyền lực của mỗi bên, thì chỉ có TCPV là có thẩm quyền để phân xử.

 

 

6.  Vị trí của nền luật pháp truyền thống:

 

Việt Nam là một quốc gia có 5,000 năm văn hiến. Luật Hồng Đức hoặc Quốc Triều Hình Luật là một bộ luật truyền thống của dân ta, nói lên nền văn hóa và truyền thống đặc thù của dân tộc. Đây là vốn liếng vô giá của tiền nhân trao lại. Mọi thế hệ con dân Việt cần phải trân quí. Các luật gia và các cấp chính quyền cần phải nghiên cứu, tu chính, cập nhật hóa và luật hóa để trở thành một trong những rường cột của đất nuớc Việt Nam. Dĩ nhiên khi tu chính và cập nhật hóa, chúng ta phải lưu tâm đến những bản giá trị hiện đại nhất của nhân loại về dân quyền và nhân quyền, lẫn những hiệp ước quốc tế mà chính phủ đã và sẽ cần ký kết trong tương lai.

 

 

7.  Tương quan vận hành giữa các cấp tòa án:

 

Trên thế giới hôm nay, có hai hệ thống luật pháp với hai khuynh hướng khác nhau. Một bên, chúng ta thấy có hệ thống Common Law của các quốc gia chịu ảnh hưởng Anh Quốc và Hoa Kỳ. Bên kia chúng ta thấy có hệ thống Civil Law của các quốc gia chịu ảnh hưởng hệ thống luật pháp của lục địa Âu Châu, nhất là bộ luật Nã Phá Luân. Ngoài ra chúng ta còn thấy hệ thống luật cộng sản. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu kỹ, các chuyên gia cho rằng, luật cộng sản chỉ là một hệ thống luật Civil Law trá hình.

Đặc tính nguyên thủy của Common Law là chủ thuyết Stare Decisis. Theo tiếng La Tinh, Stare Decisis có nghĩa là “tuân theo những gì đã được quyết định” trừ khi có một sắc luật của Lập Pháp quy định rõ rệt khác đi. Một khi một tòa án đã quyết định rồi thì những quyết định sau, không thể trái với những nguyên tắc nêu ra trong quyết định trước. Mục đích của chủ thuyết này là để tránh tình trạng tiền hậu bất nhất trong các quyết định của các tòa án.

Có hai loại Stare Decisis, một là hàng ngang khi một tòa án phải tuân hành những quyết định trước của tòa. Hai là hàng dọc khi một tòa án cấp dưới phải tuân hành quyết định của tòa cấp trên. Stare Decisis hàng ngang là một quy luật không phải bất di bất dịch, nhưng thông thường được tuân thủ mà thôi.

Hậu quả của chủ thuyết Stare Decisis là các tòa án đôi khi lấn quyền làm ra luật của lập pháp khi diễn giải luật pháp theo ý mình và các phán quyết trở thành những tiền lệ và có quyền ràng buộc không những các tòa án cấp dưới mà các phiên xử của chính mình sau đó.

 

Trong khi đó, theo hệ thống Civil Law thì quy định rằng, chỉ có Lập Pháp là làm ra luật mà thôi. Các tòa án chỉ có trách nhiệm áp dụng luật. Vì không có các tiền lệ ràng buộc, mỗi quan tòa có quyền diễn giải luật theo ý của mình, tạo ra tình trạng xử án không đồng nhất trong một quốc gia. Ý thức được khuyết điểm này, các quốc gia theo Civil Law cũng có tạo ra chủ thuyết “pháp lý đồng bộ” để bổ khuyết. Bên Pháp, Tòa Kháng Cáo Tối Cao và Hội Đồng Quốc Gia đều được công nhận là những pháp đình hầu như có thẩm quyền làm luật giới hạn.

 

 

Tuy điều 52 (2) của DTHP có nêu nguyên tắc “những quyết định của các tòa án cấp cao hơn sẽ có tác dụng ràng buộc các quyết định của các tòa án thấp hơn”, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng mỗi hệ thống đều có ưu và khuyết điểm. Trong một nước Việt Nam tương lai, một trong những giải pháp là chúng ta không cần phải theo triệt để hệ thống Common Law hoặc Civil Law. Tuy có nhu cầu phân biệt hai trách nhiệm là làm luật của Lập Pháp và áp dụng luật của Tư Pháp (các tòa án), nhưng chúng ta có thể trao quyền tương tự Stare Decisis hoặc jurisprudence constante và giới hạn quyền này nơi một tòa án cao nhất là Tối Cao Pháp Viện mà thôi. Như thế chúng ta sẽ giữ được sự phân biệt rõ rệt giữa Lập Pháp và Tư Pháp, nhưng đồng thời giữ mức độ đồng bộ tương đối giữa các phiên xử của các tòa án trong quốc gia.

 

 

8.  Những vấn đề khác cần nghiên cứu:

 

Bài này chỉ nêu ra một số vấn đề căn bản. Nhiều vấn nạn hoặc chọn lựa khác cần phải nghiên cứu trước khi quyết định để hoàn chỉnh một hệ thống luật pháp cho Việt Nam hậu cộng sản. Chẳng hạn:

 

a. Trên bình diện hình luật lẫn dân luật, cần những quy luật về chứng cớ nghiêm khắc và nghiêm chỉnh theo kiểu rule of evidence tại Anh Quốc, Hoa Kỳ, Úc và các quốc gia theo

Common Law hay không?

 

b. Làm sao giảm thiểu chi phí quá cao các vụ tranh tụng hoặc hình sự, hoặc dân sự và từ đó giảm bớt bất công xã hội. Lý do là vì ngay cả tại những quốc gia tiến bộ nhất, chi phí pháp lý nằm ngoài tầm tay của một người dân có lợi tức trung bình.

 

c. Làm sao phát triển một hệ thống giải quyết các tranh chấp bên ngoài tòa án để giảm chi phí và gần gũi người dân bình thường hơn.

 

d. Trên phương diện hình luật, cần phải cân nhắc ưu và khuyết điểm của việc xử án qua:

Hoặc quan tòa mà thôi như là pháp đình về luật lẫn sự kiện.

Hoặc một quan tòa như là pháp đình về luật và một bồi thẩm đoàn như là pháp đình về sự kiện.

Hoặc bị cáo hoặc hai bên có thể chọn lựa một trong hai mô thức.

Nếu theo mô thức thứ hai thì những đòi hỏi và điều kiện gì để được chọn vào bồi thẩm đoàn?

 

Kết luận:

 

Việc kiến tạo một hệ thống luật pháp thể hiện đúng tinh thần pháp trị, trong một xã hội vắng bóng các yếu tố pháp trị nền tảng vô cùng khó khăn, đòi hỏi viễn kiến, thời gian và sự đóng góp trí tuệ tập thể của toàn dân.

 

Tôi chỉ nêu ra và đặt một số vấn đề căn bản.Tôi mong mỏi được sự đóng góp ý kiến của quý vị thức giả yêu nuớc, nhất là những luật gia Việt Nam trong lẫn ngoài nước.

 

 

 

No comments:

Post a Comment