Hiến Pháp 2013 và quyền sở hữu đất đai trong bối cảnh xã hội dân sự tại
Việt Nam.
Luật sư Đào Tăng Dực
Quyền sở hữu tư sản (private
properties) nói chung và đặt biệt quyền sở hữu đất đai (land ownership) có một
tương quan thuận chiều với mức độ dân chủ và sự tôn trọng nhân quyền cũng như
các quyền tự do khác trong một quốc gia.
Quyền sở hữu tư sản là quyền của
các công dân cá thể (individual citizens), hoặc một hữu thể pháp lý (legal
entities) không phải những con người bằng xương bằng thịt (natural persons),
nhưng do luật pháp cấu tạo thành như một hội đoàn, một tập đoàn thương mại, tài
chánh, kinh tế, từ thiện, tôn giáo, chính trị… đăng ký có pháp nhân (legal
personality). Tất cả những thực thể đó là thành phần cấu tạo (constituent
parts) của xã hội dân sự (civil society).
Xã hội dân sự là một khái niệm rất
quan trọng trong nền chính trị của quốc gia và tôi xin giải thích thêm như sau:
Trong một quốc gia, tự cổ chí kim,
các công dân cá thể luôn đối diện với 2 thực thể vô cùng quan trọng. Một bên là
chính quyền (the state) và bên kia là xã hội dân sự (civil society). Hai thực
thể này bao gồm trong bản chất 2 yếu tính. Một là đối nghịch và hai là hỗ
tương, như Âm và Dương trong Thái Cực Đồ của triết học Đông Phương vậy.
Chính quyền là bộ máy điều hành
quốc gia bao gồm hành pháp, lập pháp, tư pháp, các cấp hành pháp khác nhau như
Bộ, quân đội, cảnh sát công an, các tòa án v..v..
Xã hội dân sự, theo định nghĩa rộng
rãi của Karl Marx là tất cả những gì còn lại trong quốc gia sau khi trừ đi thực
thể chính quyền. Tức là xã hội dân sự sẽ bao gồm tất cả các tập thể, hội đoàn
từ thương mại, kinh tế, tiền tệ, tôn giáo, từ thiện, chính trị đến các cá nhân tham
gia các tập thể này và nhất là đại khối những công dân cá thể không tham gia
bất cứ một tập thể nào trong quốc gia đó. Khi phân tách như vậy, chúng ta sẽ ý
thức rằng: xã hội dân sự đồng nghĩa với đại khối nhân dân.
Một quy luật mà nhân loại ý thức rõ
rệt trên thế giới là: trong một chế độ độc tài thì chính quyền như một thực thể
phình to và áp đảo xã hội dân sự. Trong một nền dân chủ thì xã hội dân sự thăng
hoa và chính quyền bị kiểm soát và giới hạn.
Một quy luật không kém quan trọng
là nếu chính quyền phình trướng và hủy diệt xã hội dân sự thì chúng ta sẽ có
độc tài toàn trị và dân chúng lầm than như tại các quốc gia CS hôm nay.
Ngược lại nếu xã hội dân sự phát
triển thái quá và chính quyền hoàn toàn tan vỡ thì sẽ có tình trạng quốc gia
loạn lạc, dân chúng cũng sẽ lầm than tương tự (như tại Afghanistan, Iran. Niger
và một vài quốc gia Phi Châu bây giờ.)
Nghệ thuật lãnh đạo quốc gia nằm
nơi khả năng cân bằng thế lực giữa hai thực thể quan trọng này.
Cũng vì đảng CSVN, cũng như đảng
CSTQ và các đảng CS khác trên thế giới chủ trương độc tài toàn trị, nên hiến
pháp và luật pháp tại các quốc gia này chủ trương khống chế và đàn áp triệt để
xã hội dân sự. Một trong những phương tiện chiến lược của độc tài muốn triệt
tiêu xã hội dân sự là cướp đi quyền sở hữu đất đai của các tập thể và công dân
cá thể trong xã hội dân sự.
Như thế đảng CSVN, trong
mục tiêu thiết lập độc tài toàn trị trên đất nước Việt Nam đã sử dụng Hiến Pháp
2013 để tước đoạt quyền sở hữu đất đai của toàn dân như thế nào?
Câu trả lời không nằm nơi nào xa
vời mà có thể nhìn rõ qua Điều 53 của Hiến Pháp 2013.
Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy
định:
“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên
khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và
các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do
Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”
Điều 53 là
một sự lừa gạt khổng lồ. Khi ghi rằng đất đai và những tài nguyên khác của quốc
gia là sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước (tức chính quyền) chủ sở hữu và
thống nhất quản lý thì trên thực chất cụm từ “toàn dân” chỉ là một khái niệm vô
thưởng vô phạt, trong khi chính quyền (CSVN) với guồng máy hành chánh, quân đội
và công an trong tay mới là một thực thể có khả năng thực sự làm chủ nhân ông.
No comments:
Post a Comment