Sunday, 13 August 2023

 

Tính trọng yếu của một định chế tối cao độc lập hầu phán xét về tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật của lập pháp hay một tác động của hành pháp

 

Luật sư Đào Tăng Dực

 

Hiến pháp 2013 của CSVN mà TBT Nguyễn Phú Trọng từng xưng tụng là tinh túy của xã hội chủ nghĩa, là nền tảng tinh thần của đảng CSVN, trên thực tế chỉ là một sự gom nhóp một mớ lẫn lộn những thuật ngữ Mác Lê bên này và một số khái niệm dân chủ đánh tráo của Tây Phương bên kia. Hiến pháp 2013 vì thế chỉ là một công cụ tuyên truyền cho chế độ, hoàn toàn vắng bóng nội dung trí tuệ, đưa đến tình trạng luật rừng tại Việt Nam.

Chính vì thế CSVN có thể ngang nhiên thông qua các sắc luật hoàn toàn vi hiến như các điều điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), điều 117 (Tội phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước) và điều 331 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ).

Các điều luật trên không những vi hiến, đi ngược với tinh thần điều 25 của hiến pháp về tự do ngôn luận mà còn vi phạm tinh thần điều 19 trong Công ước về các quyền chính trị và dân sự (ICCPR) 1966 mà chính CSVN tham gia ký kết từ năm 1982.

Hậu quả là Tô Lâm có thể truy tố các nhà bất đồng chính kiến vô căn cứ, vượt lằng ranh giữa chính quyền (the state) và xã hội dân sự (civil society), xem lấn và kiểm soát đời tư của từng công dân cá thể.

Quốc Hội CSVN cũng ngang nhiên thông qua Luật BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN tước đi mọi quyền ứng cử và bầu cử của công dân như quy định trong hiến pháp theo điều 27.

 

Những khuyết điểm của bản Hiến Pháp 2013 rất nhiều, nhưng tựu trung văn bản này thiếu một yếu tố trọng yếu cho một bản hiến pháp dân chủ chân chính. Đó là:

Sự tối thượng của hiến pháp (Constitutional supremacy).

Thật vậy, như là một quốc gia, Hoa Kỳ trở thành lãnh đạo của thế giới dân chủ vì Hoa Kỳ chủ trương tôn trọng vị trí tối thượng của hiến pháp.

Điều này không phải ngẫu nhiên mà có. Trái lại đó là sự vận hành của tư tưởng pháp trị qua công lao của một vị thẩm pháp lừng danh của hoa kỳ vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Vào năm 1803, chánh án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ Marshall, trong phiên xử lừng danh Marbury v. Madison đã phán như sau:

“Như thế, văn từ của Hiến Pháp Hoa Kỳ xác định và củng cố cho nguyên tắc, coi như là cốt lõi của tất cả mọi hiến pháp thành văn, là bất cứ một luật pháp nào ngược lại với Hiến Pháp là vô hiệu lực, và các tòa án, cũng như các bộ ngành, đều bị ràng buộc bỡi phương tiện này”

Từ khi đó, quy luật này áp dụng cho tất cả mọi nền dân chủ tân tiến.

Dĩ nhiên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ từ đó mới thực sự trở thành định chế tối cao, độc lập với Lập Pháp và Hành Pháp hầu phán xét về tính hợp hiến hay vi hiến của mọi sắc luật của lập pháp hay mọi tác động của hành pháp

 

Câu hỏi trọng yếu tiếp theo là: Muốn thực thi và hiến định hóa một cách hiệu năng yếu tố tối thượng của hiến pháp này thì một quốc gia dân chủ chân chính phải làm gì?

 

Muốn điều này xảy ra, nguyên tắc phân quyền của Montesquieu cần được hiến định hóa trong hiến pháp. Quyền hành pháp, quyền lập pháp và quyền tư pháp phải độc lập với nhau. Thêm vào đó, quan điểm tính tối thượng của hiến pháp cần phải quy định rõ rệt, cũng như phải quy định sự hiện hữu của một định chế độc lập có thẩm quyền quyết định rằng một sắc luật hay một tác động của hành pháp, có hợp hiến hay không.

 

Và điều này đã không hề xảy ra trong bản hiến pháp 2013 do đảng CSVN viết lên và Nguyễn Phú Trọng Minh thị tuyên bố rằng Hiến Pháp không quan trọng bằng điều lệ đảng CSVN.

 

Như vậy Hiến Pháp 2013 có rất nhiều khuyết điểm và chúng ta sẽ mất nhiều thời giờ thảo luận. Tuy nhiên như là hệ lụy của quan điểm tính tối cao của hiến pháp do Thẩm Phán John Marshall khởi xướng và đang thịnh trào tại các nền dân chủ chân chính, thì khuyết điểm nào là quan trọng nhất?

Đây là một câu hỏi mang tính then chốt cho một bản hiến pháp nghiêm chỉnh của tương lai và chúng ta cần phân tích nghiêm chỉnh.

Trên bình diện nguyên tắc thì khuyết điểm quan trọng nhất là sự thống trị tuyệt đối của đảng CSVN bao trùm nhà nước lẫn xã hội dân sự và điều lệ đảng mới thật sự là tối cao, không phải bản hiến pháp 2013.

Hậu quả trên trên bình diện thực tế, Hiến Pháp 2013 hoàn toàn khác với các bản hiến pháp dân chủ chân chính trên thế giới ớ một điểm then chốt.

 

Đó là trong HP 2013, hoàn toàn vắng bóng một định chế độc lập với lập pháp (quốc hội) và hành pháp (chính quyền) hầu phán xét về tính hợp hiến hay vi hiến của những sắc luật của lập pháp và những tác động của hành pháp.

 

Điều này hoàn toàn vi phạm nguyên tắc mà Thẩm Pháp Marshall nêu ra trong phiên xử Marbury v Madison năm 1803 nêu trên.

 

Nếu đọc kỹ toàn bộ Hiến Pháp 2013 thì điều 119 đề cập nhiều nhất đến vấn nạn này:

 

Điều 119

1.   Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.

Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý. 

2.   Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định.

Nực cười là trọng điển then chốt nhất của luật hiến pháp chỉ nằm ở đoạn chót của điều 119 (2) tức là “Cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định” và thực tế là 10 năm sau, kể từ khi Hiến Pháp 2013 có hiệu lực, các chính quyền CSVN và khóa quốc hội khác nhau hoàn toàn không bày tỏ cố gắng nào để xúc tiến và hoàn tất nhiệm vụ hiến định này trong hiến pháp và các lãnh đạo của đảng cũng không hề nhắc tới điều khoản then chốt này.

Đảng CSVN đã khinh thường nhân dân và vô cùng thiếu trách nhiệm trong nhiệm vụ hiến định này, nhưng vì đây là một chế độ độc đảng không có đối lập hiện hữu nên hoàn toàn không có phản biện.

Tại sao đảng CSVN lại cố ý trì hoãn hầu như vô hạn định việc thi hành một mệnh lện minh thị trong hiến pháp đó là thành lập “Cơ chế bảo vệ hiến pháp” theo luật định?

 

Lý do là vì đảng muốn duy trì độc tài đảng trị mặt này, nhưng mặt khác lại muốn mị dân bằng cách xử dụng những ngôn từ vay mượn từ các quốc gia dân chủ.

a.    Trước hết thay vì một định chế bảo vệ hiến pháp vô cùng quan trọng phải được hiến định hóa, thì HP 2013 chỉ quy định luật hóa mà thôi theo điều 119.

b.   Tuy bị hạ cấp xuống tầng thấp là “luật hóa” nhưng CSVN vẫn chưa an tâm mà trì hoãn mãi đến 10 năm sau cũng chưa đả động đến mệnh lệnh này của hiến pháp

c.    Mặt khác họ đánh lạc hướng nhân dân bằng cách hiến định hóa các điều 70, 74 và 98 của HP hầu phân tán mỏng trách nhiệm phán xét về tính hợp hiến hay vi hiến cho 3 định chế không hề độc lập là Quốc Hội, Thường Vụ Quốc Hội và Thủ Tướng. Khi đọc các điều 70, 74 và 98 chung với nhau, thì hầu như có 3 định chế chia xẻ quyền giải thích tính hợp hiến hoặc vi hiến của các sắc luật hoặc tác động của hành pháp. Đó là Quốc Hội, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và Thủ Tướng.

Dĩ nhiên tình trạng này không thỏa đáng vì không có định chế nào nêu trên thực sự độc lập đối với lập pháp hoặc hành pháp. Thêm vào đó, không có định chế nào được giao trách nhiệm rõ rệt, và như thế, đảng CSVN, như là cơ quan quyền lực tối thượng theo điều 4, sẽ có tiếng nói quyết định.

 

Chúng ta phải làm gì cho đất nước trong tương lai?

 

Hiến Pháp 2013 của CSVN mà Nguyễn Phú Trọng xưng tụng là nền tảng tinh thần của đảng và dân tộc thực sự chỉ là một văn bản lừa gạt rẻ tiền, bao gồm những lý luận mang tính ý thức hệ Mác Lê và những khái niệm đánh cắp từ các quốc gia dân chủ, nhưng bóp méo hầu lừa gạt nhân dân và quốc tế. Văn bản này nặng về khẩu hiệu tuyên truyền nên chỉ là một thứ luật rừng xã hội chủ nghĩa.

Một khi đảng CSVN cáo chung, toàn dân sẽ góp phần xây dựng một hiến pháp trên nền tảng dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, tương xứng với tầm vóc của Việt tộc của tương lai.

 

No comments:

Post a Comment