Friday, 26 September 2014

Dân chủ và đấu tranh tư tưởng - Đào Tăng Dực

Dân chủ và đấu tranh tư tưởng
Đào Tăng Dực
Thứ Tư ngày 26 tháng 6 vừa qua là một biến cố đáng ghi nhớ trong lịch sử chính trị Australia. Khi phân tách những động lực căn bản của biến cố này, chúng ta sẽ ý thức được sự khác biệt trong sự vận hành giữa một nền dân chủ chân chính và một chế độ độc tài như Việt Nam. Chúng ta cũng sẽ hiểu thêm tại sao dân chủ lại đem lại thăng hoa và phát triển. Trong khi đó độc tài đem lại sự thoái hóa và lạc hậu.
Trên bình diện sự kiện, biến cố này có lịch sử như sau:
Năm 2007, Ông Kevin Rudd, lúc đó là Lãnh Tụ Đối Lập thuộc đảng Lao Động đã toàn thắng Liên Đảng Tự Do- Quốc Gia trong cuộc tổng tuyển cử. Theo quốc hội chế, đảng Lao Động chiếm đa số trong quốc hội và được tổng toàn quyền đại diện cho Nữ Hoàng Elizabeth II yêu cầu đứng ra thành lập chính quyền. Lãnh tụ đảng Kevin Rudd tuyên thệ thành thủ tướng.
Như nhiều quốc gia dân chủ khác, Australia có một nền báo chí tư nhân hùng mạnh, đứng ngoài vòng kiềm tỏa của các cơ chế chính trị hoặc đảng phái. Ngoài ra còn có những cơ chế tư nhân thường xuyên cung cấp cho giới truyền thông kết quả những cuộc thăm dò ý dân, sử dụng khoa học thống kê rất chính xác.
Vào năm 2009, nhiều cuộc thăm dò cử tri cho thấy Kevin Rudd mất khá nhiều sự tín nhiệm. Nhiệm kỳ của quốc hội là 3 năm. Kevin Rudd và phe nhóm của ông trong đảng lập luận rằng: vẫn còn một năm nữa để vận động sự ủng hộ của quần chúng để thắng cử vào năm 2010. Tuy nhiên đối thủ của ông trong đảng, nhất là thành phần đến từ các nghiệp đoàn, dưới sự lãnh đạo của bà Julia Gillard đã tranh thủ được đa số dân biểu trong đảng Lao Động. Kết quả là Kevin Rudd đã bị chính đảng của ông yêu cầu từ chức, nhường ghế lãnh tụ đảng, cũng như chức vụ thủ tướng cho bà Julia Gillard.
Nhiều người dân đã bầu cho đảng Lao Động năm 2007 cảm thấy vô cùng phẫn nộ vì người thủ tướng mà họ gián tiếp bầu lên, bị đảng Lao Động truất phế.
Một phần cũng vì lý do này, trong cuộc tổng tuyển cử 2010, đảng Lao Động, dưới sự lãnh đạo của bà Julia Gillard, không đạt được đa số tuyệt đối. Lao Động phải thương thuyết và liên kết với 1 dân biểu đảng Xanh và 3 dân biểu độc lập mới được đa số thành lập chính quyền. Bà Julia Gillard trở thành thủ tướng một chính quyền thiểu số (minority government).
Kevin Rudd nhiều lần muốn trở lại ghế thủ tướng. Vào tháng 2 năm 2012 Ông đã thách thức bà Julia Gillard trong đảng để giành lại chức lãnh tụ và đã thất bại. Vào đầu năm nay, tuy ông không chính thức tranh chức này trong nội bộ đảng, nhưng những dân biểu ủng hộ ông tổ chức một thách thức nội bộ và thất bại.
Tuy nhiên từ khi bà Julia Gillard công bố ngày tổng tuyển cử sắp đến là 14 thắng 9 năm nay, các cuộc thăm dò cử tri cho thấy, nếu đảng Lao Động tiếp tục dưới sự lãnh đạo của bà thì sẽ thảm bại trong cuộc tổng tuyển cử. Liên đảng Tự Do- Quốc Gia dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ đối lập Tony Abbott dẫn đầu Lao Động từ 14 đến 16 % cử tri ủng hộ. Các cuộc thăm dò này cũng cho biết, nếu Kevin Rudd lãnh đạo thì thế cân bằng sẽ vãn hồi và Lao Động không những không thất bại trầm trọng mà còn có cơ hội thắng cử.
Cử tri cũng tin tưởng Kevin Rudd trong chức vụ thủ tướng hơn Julia Gillard và Tony Abbott.
Đứng trước tình trạng này, Lao Động trở nên lủng củng vì những tin đồn chia rẽ nội bộ giữa các phe Kevin Rudd và Julia Gillard. Để giải quyết dứt khoát vấn nạn này hầu chú tâm vào cuộc tuyển cử sắp đến, thủ tướng Julia Gillard đã tổ chức một tuyển cử nội bộ để bầu lại chức lãnh tụ đảng.
Kết quả ngày 26 tháng 6, Kevin Rudd thắng Julia Gillard 57 phiếu trên 45 phiếu. Kevin Rudd trở lại chức vụ lãnh tụ đảng Lao Động và ngày hôm sau, theo đề nghị của thủ tướng từ nhiệm Julia Gillard, Kevin Rudd được nữ tổng toàn quyền Quentin Bryce bổ nhiệm vào chức thủ tướng Australia lần thứ nhì.
Vì sao Julia Gillard bị chính đảng Lao Động lật đổ?
Tại sao dân chủ có thể đưa đất nước đi lên trong khi độc tài nhận chìm dân tộc?
Trước hết, trong một chế độ dân chủ như Australia, không bao giờ có những tấn tuồng trơ trẽn và buồn cười như một đảng phái chính trị được 90% hay hơn dân chúng ủng hộ theo kiểu CSVN. Trong một cuộc tổng tuyển cử công khai và công bằng thật sự, một vài phần trăm khác biệt cử tri ủng hộ đã có tính quyết định rồi. Chính vì thế, khi các cuộc thăm dò cử tri cho thấy, đảng Lao Động, dưới sự lãnh đạo của Julia Gillard bị thua từ 14 đến 16%, thì báo chí và dân chúng rất lo ngại cho sự ổn định của nền dân chủ quốc gia.
Người dân ý thức rằng dân chủ chỉ thực sự bền vững nếu có sự hiện hữu của một đối lập mạnh. Vì đấu tranh chính trị trong bản chất vốn là đấu tranh tư tưởng. Tuy nhiên muốn đấu tranh tư tưởng đúng nghĩa thì cuộc đấu tranh phải mang tính bình đẳng lực lượng giữa hai đối thủ có thực lực. Nếu chỉ có một chính quyền mạnh và một đối lập quá yếu, thì phẩm chất của cuộc tranh luận tư tưởng chính trị sẽ nghèo nàn hơn, và các chính sách quốc gia sẽ thiếu tư duy sáng tạo. Trong tình huống đó, nếu bà Gillard tiếp tục làm thủ tướng, hầu như chắc chắn đảng Lao Động sẽ thất bại nặng nề, Liên Đảng Tự Do-Quốc Gia sẽ lên nắm quyền và Lao Động như là một chính đảng đối lập sẽ chỉ là một đảng đố lập yếu kém vì số ghế trong quốc hội chẳng còn bao nhiêu.
Ngoài sự hiện hữu của một đối lập có thực chất, những cuộc tranh cử công khai và công bằng, với sự tham gia của nhiều đảng phái chính trị với những chính sách thể hiện nhiều khuynh hướng tư tưởng khác nhau, là một điều kiện ắc có để các nền dân chủ nói chung và Úc nói riêng tiếp tục trường tồn.
Tân thủ tướng Kevin Rudd có thể sẽ chọn một ngày tổng tuyển cử khác với ngày 14 tháng 9 do Julia Gillard đưa ra. Nhưng cuộc tổng tuyển cử này chắc chắn sẽ là một cuộc tương tranh tư tưởng cân bằng thực sự. Đảng Lao Động đã không còn “dưới cơ” Liên Đảng đối lập Tự Do-Quốc Gia quá nhiều và phẩm chất của đấu tranh tư tưởng trong các chính sách được nâng cao.
Sự khác biệt căn bản giữa các quốc gia dân chủ đa nguyên chân chính và Việt Nam là: Từ khi đảng CS cướp chính quyền, mọi đấu tranh tư tưởng đều triệt tiêu. Mọi tư duy và sáng tạo để đưa dân tộc đi lên đều bị bóp chết trong trứng nước vì quyền lợi phe nhóm. Kết quả là dân tộc chúng ta đã đắm chìm trong ô nhục.
Trong chiều hướng đấu tranh tư tưởng mãnh liệt để đưa dân tộc đi lên này, đảng CSVN cần phải triệt tiêu hầu dân tộc Việt được tái sinh.
Tư tưởng gia người Pháp là Bertrand De Jouvenel tuyên bố: “Ý thức hệ giáo đều cần phải triệt tiêu hầu cho tư tưởng được tái sinh”. Ý Thức Hệ Mác- Lê đã bóp chết tư tưởng tại Việt Nam và tại các quốc gia CS khác. Đã đến lúc CSVN cần phải cáo chung để tư tưởng dân chủ đa nguyên hồi sinh hầu tái xây dựng đất nước và con người Việt nam.

Đào Tăng Dực

29/6/13

No comments:

Post a Comment