Ðiều 4 Hiến Pháp và mãi quốc cầu vinh
Bài của Luật Sư Ðào Tăng Dực
Từ khi khái niệm “quốc gia dân tộc” được khai sinh, không một cá nhân hoặc tập đoàn nào, trong những quốc gia trên khắp quả địa cầu, có thể tồn tại trên chính trường nếu phạm tội bán nước cầu vinh. Nguyên tắc này hầu như bất biến và trường tồn theo giòng lịch sử nhân loại.
Câu hỏi nêu ra là tại sao Ðảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã dâng lãnh thổ và lãnh hải cho Trung Quốc qua những hiệp ước bí mật bất lợi cho Việt Nam, mặc nhiên tạo điều kiện thuận tiện kéo dài thời gian để TQ củng cố chủ quyền trên quần đảo Hòang Sa, bán rẻ tài nguyên quốc gia (Bauxite Tây Nguyên) và tạo những hậu quả nghiêm trọng về chiến lược quốc phòng, mà bề mặt vẫn không gặp một sự phản đối đáng kể nào từ các thành phần và tập thể xã hội cũng như dân chúng quốc nội?
Ðiểm then chốt nằm nơi điều 4 Hiến Pháp. Ðiều 4 HP vừa là chiếc thòng lọng xiết cổ tiến trình dân chủ hóa đất nước, xiết cổ guồng máy chính quyền (nhà nước) và xã hội dân sự, vừa là nguyên nhân của phương thức hành xử tán tận lương tâm của CSVN. Hệ luận quan trọng là hủy bỏ điều 4HP cũng đồng nghĩa với tác động tháo gỡ chiếc thòng lọng, khai thông cho tiến trình dân chủ hóa đất nước, bạch hóa tất cả những hiệp ước CSVN đã ký kết với TQ trong vòng bí mật, và khởi đầu một thế công mãnh liệt trên trường quốc tế, để lấy lại chủ quyền trên từng mảnh đất của tiền nhân trao lại.
Tại hải ngoại, Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam chủ trương chiến dịch “hủy bỏ điều 4 hiến pháp” (gọi tắc là phong trào bỏ 4). Trong nước Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế và nhiều nhà trí thức khác cũng chủ trương tương tự. Dĩ nhiên vì là một môi trường sinh hoạt đa nguyên, tại hải ngọai, nhiều cá nhân và đoàn thể không đồng ý.
Lý do nêu ra rất nhiều nhưng lập luận chính yếu là: điều 4 HP không phải là điều sai trái duy nhất. Sự hủy bỏ chỉ có điều 4 tự nó sẽ không đem lại một nền dân chủ đúng nghĩa. Sự hủy bỏ toàn bộ Hiến Pháp 1992 của CSVN và sự khai sinh một bản hiến pháp hoàn toàn mới là điều cần thiết.
Trước khi đánh giá hai quan điểm khác biệt nêu trên, chúng ta cần phân tích chi tiết bản chất và hậu quả của điều 4 trên guồng máy chính quyền và xã hội.
Nguyên văn của điều 4 HP như sau:
“Ðảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lương lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Ðoạn đầu của điều 4 (Ðảng CSVN, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh) thực sự chỉ là một câu sáo ngữ, chỉ có giá trị tuyên truyền vào một thời đại xa xưa, trước khi khoa tin-học trưởng thành. Trong hoàn cảnh hiện tại càng làm thêm rõ nét tính tuyệt vọng ý thức hệ của người CSVN. Ðoạn văn này không có tác dụng pháp lý vì trên cả hai bình diện quan trọng của luật hiến pháp, đó là ngăn cấm một tác động (injunctive power) hoăc buộc thi hành một nhiệm vụ hiến định (mandatory action), đoạn này đều không ứng dụng.
Nếu đoạn văn trên được diễn giải như một trách nhiệm hiến định, buộc Ðảng CSVN nào là phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, nào phải là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh… như là những điều kiện tiên quyết và sau đó mới được quyền lãnh đạo, thì trên nguyên tắc, họ đã mất quyền lãnh đạo từ lâu. Lý do vì từ rất lâu họ đã từ giã chủ thuyết Mác Lê và chạy theo tư bản, đào sâu hố chia rẽ giữa công nhân và chủ nhân, tạo ra một giai cấp thống trị tệ hại chưa từng có trong lịch sử và phản bội giai cấp lao động trắng trơn.
Phần còn lại của điều 4 tuy ngắn ngủi hơn nhưng mang nhiều hệ lụy luật hiến pháp.
Trước hết chúng ta phải hiểu tường tận thế nào là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”:
Muốn hiểu rõ chúng ta phải ý thức rằng Marx (1818-1883) Engels (1820-1895) cũng như Lenin (1870-1924) đều là những tư tưởng gia của các thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Giai đoạn này của lịch sử tư tưởng chính trị tây phương là một trong những giai đoạn nhiều biến động nhưng vô cùng sáng tạo. Những giai đoạn như thế tại tây phương có thể so sánh với những giai đoạn nhiễu nhương nhưng phong phú về tư tưởng của thời Xuân Thu Chiến Quốc tại Trung Hoa, khi bách gia chư tử đua nhau tung ra nhiều học thuyết để giúp các chư hầu tranh bá trong thiên hạ.
Sự kết hợp giữa tư tưởng nặng về lý thuyết của Marx và tư tưởng nặng về thực dụng của Lê Nin, để tạo ra hệ thống tư tưởng Mác- Lê, có thể so sánh với sự kết hợp giữa tư tưởng pháp trị có tính lý thuyết của Tuân Tử và tư tưởng mang tính thực dụng của thừa tướng nhà Tần là Lý Tư.
Tư tưởng Mác-Lê với tính sắc máu đã giúp cho Lê Nin hoàn thành bá nghiệp tại Liên Xô và trên phần nửa nhân loại suốt 70 năm. Tương tự, tư tưởng pháp trị khắc khe của Tuân Tử-Lý Tư đã giúp Tần Thủy Hoàng thu phục chư hầu, khai trương cho một kỷ nguyên độc tài tàn bạo chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc, mà dư âm còn vang dội đến ngàn sau.
Tuy nhiên nếu so sánh Tần Thủy Hoàng và Lê Nin, thì mức độ độc tài khác nhau rất xa. Phương thức của Lê Nin có khả năng gia tăng cường độ độc tài ngoài sức tưởng tượng của Tần Thủy Hoàng Ðế nữa.
Lý do nằm ở hai quan điểm chiến lược, ngự trị tư tưởng chính trị tây phương: đó là “nhà nước” (the state) và “xã hội”. Hay nói rõ hơn “xã hội” trong điều 4HP thật sự là viết tắt của “xã hội dân sự” (civil society).
Marx, Engels va Lê Nin thừa hưởng di sản tinh thần của những triết gia chính trị thời Ánh Sáng (các thế kỷ 17 và 18) như Montesquieu, Tocqueville, Hegel, trong đó bao gồm tương quan giữa hai quan điểm “nhà nước” và “xã hội dân sự”. Những tư tưởng gia tiên phong, nhất là Montesquieu đều coi trọng xã hội dân sự và cho rằng nó tạo ra một sự cân bằng cần thiết để tránh nhà nước độc tài và xây dựng dân chủ chân chính.
Nếu có người hỏi rằng những biến cố nào quan trọng nhất trong lịch sử chính trị dân chủ tây phương, thì theo quan điểm của tôi, có hai biến cố: đó là cuộc cách mạng Pháp (1789-1799) đưa đến sự tách rời giáo quyền của Giáo Hội La Mã khỏi thế quyền, và sự công nhận bởi những tư tưởng gia thời Ánh Sáng vai trò chiến lược của “xã hội dân sự”, như là một thực thể tách rời khỏi chính quyền, và như là một yếu tố cân bằng không thể thiếu vắng trong một nền dân chủ chân chính.
Trong khi tiến trình tách rời giáo quyền khỏi thế quyền đòi hỏi một cuộc cách mạng đẫm máu, nhất là dưới giai đoạn Robespierre lãnh đạo, thì tiến trình hình thành xã hội dân sự lại tiệm tiến theo tiến trình kỷ nghệ hóa và tư sản hóa người dân. Khi xã hội dân sự trở thành một thực thể không thể chối cãi, thì được những tư tưởng gia nổi bật hệ thống hóa và công nhận.
Trước khi tiến xa thêm, chúng ta cần định nghĩa rõ ràng thế nào là nhà nước và thế nào là xã hội dân sự:
Một cách giản dị, nhà nước là chính quyền, là hệ thống cai trị một quốc gia. Trong một chế độ dân chủ thì nhà nước gồm tam quyền phân lập: hành pháp, lập pháp, tư pháp và các cơ phận lệ thuộc. Trong một chế độ quân chủ chuyên chế lúc xưa thì có triều đình và các cấp quan lại cai trị.
Xã hội dân sự được nhiều tư tưởng gia định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên tổng quát có ba khuynh hướng:
Thứ nhất: xã hội dân sự gồm tất cả những hội đoàn, đoàn thể bên ngoài chính quyền, quy tụ những cá nhân theo tính tự nguyện, ngoại trừ những tập thể có tính chính trị như các đảng phái (Tocqueville).
Thứ nhì: Xã hội dân sự gồm tất cả những tập thể nêu trên kể cả những đảng phái chính trị.
Thứ ba: Xã hội dân sự bao gồm tất cả những tập thể nêu trên kể cả những đảng phái chính trị và những cá nhân tham gia các tập thể.
Theo quan điểm của Marx thì xã hội dân sự là những gì còn lại (left overs) mà không thuộc về nhà nước (Gouldner, The Two Marxisms, New York 1980, pp355-373). Nếu như thế thì Marx quan niệm xã hội dân sự theo nhóm thứ ba và điều này quan trọng cho tác động diễn giải điều 4 HP.
Theo Montesquieu (tác giả của cuốn sách lừng danh Vạn Pháp Tinh Lý) và những tư tưởng gia thời ánh sáng thì xã hội dân sự là một sự cân bằng không thể thiếu trong một nền dân chủ. Từ đó về sau những tư tưởng gia chính trị tây phương ngày càng nâng cao vai trò của xã hội dân sự và giới hạn vai trò của nhà nước. Tuy nhiên một cách tổng quát thì mọi người đều công nhận hai quan điểm nhà nước và xã hội dân sự là hai yếu tố khác biệt nhưng hỗ tương, không thể thiếu trong nền chính trị hiện đại, như Âm và Dương trong một Thái Cực Ðồ của triết học Ðông Phương. Chính vì quan niệm như thế, nền chính trị Tây Âu và Hoa Kỳ, qua những biến cố lịch sữ, đôi khi có tính cách mạng đột biến, vẫn vững mạnh, quân bình, ổn định và phú cường.
Trong khi đó tại Nga Sô và Ðông Âu thì lại vô cùng khác biệt. Lý do nằm nơi quan điểm “vô sản chuyên chính” của Marx. Quan điểm này thực sự chỉ là một quan điểm, trên lý thuyết, có tính giai đoạn trước khi xã hội chuyển mình từ giai đoạn tư bản đến giai đoạn Cộng Sản thực sự. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi cuộc cách mạng Bolshevik thành công năm 1917 thì Cộng Sản Liên Xô đi mãi đến 70 năm sau, mà vẫn chưa đạt đến Cộng Sản chủ nghĩa. Cuối cùng chỉ còn vô sản chuyên chính là trường tồn và chế độ bị lật đổ. Trong suốt thời gian Liên Bang Xô Viết thống trị thì quan điểm vô sản chuyên chính này đã triệt tiêu xã hội dân sự và làm cả nước Nga lẫn toàn Liên Bang Xô Viết tụt hậu thảm thương so với các nước tiền tiến tây phương.
Trung Hoa, Bắc Hàn, Việt Nam và Cuba là những nạn nhân hiện đại của quan điểm bất hạnh này.
Qua điều 4, với quan điểm vô sản chuyên chính, đảng CSVN thống trị không những nhà nước mà luôn cả xã hội dân sự, theo lối định nghĩa rất rộng rãi của Marx.
Chính vì thế CSVN không phải chỉ thuần là một chế độ độc tài giản dị như một chế độ quân chủ chuyên chế, hoặc một chế độ quân phiệt như Miến Ðiện hoặc Fiji.
Trái lại CSVN là một chế độ toàn trị (totalitarianism) vì điều 4 cho phép CSVN lãnh đạo cả nhà nước lẫn xã hội dân sự, theo định nghĩa rất toàn diện của Marx.
Muốn hoàn tất trách nhiệm và quyền lực hiến định theo điều 4, CSVN được quyền chính thức bổ nhiệm những đảng viên giữ những chức vụ lãnh đạo mọi tập thể từ xã hội đến kinh tế, từ thiện nguyện đến chính trị, từ truyền thông đến nghiệp vụ, từ cá nhân đến gia đình. Tóm lạI, thật sự không còn sự hiện hữu của xã hội dân sự dưới điều 4 hiện hành.
Ðó là nguyên nhân tại sao CSVN bán từng thước đất, từng vùng biển cho Trung Quốc để cầu vinh mà không gặp một lực đối kháng khả dĩ nào từ trong nước.
Phần còn lại của điều 4 ghi “Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Mới nhìn qua thì rõ rệt là một biện pháp có tính cách sơn son thiếp vàng, xoa diệu sự tham quyền cố vị trơ trẽn của đoạn trước. Lý do là vì nếu đoạn văn đầu đã hiến định hóa tính cách siêu quyền lực của đảng CSVN thì chữ khuôn khổ đã trở thành một thứ khuôn khổ không biên giới. Tuy đoạn văn có vẻ khiêm nhượng, nhưng hậu quả của nó vẫn là toàn trị và không nghịch lý với nhau.
Tuy nhiên nếu phân tích nghiêm chỉnh thì cố gắng sơn son thiếp vàng ấy vẫn không che dấu được tính tự thị ngang tàng của một tập đoàn kiêu căng toàn trị.
Trước hết danh từ “tổ chức” phải được hiểu thế nào?
Chữ “tổ chức” có nhiều định nghĩa khác nhau. Tổ chức có thể là một hoạt động, một tác động, một công việc (activity).
Tổ chức cũng có thể là những cơ cấu nội bộ thuộc thành phần cấu trúc của đảng chẳng hạn chi bộ, Trung Ương Ðảng Bộ, Bộ Chính Trị, Ủy Ban Tư Tưởng Trung Ương và những cơ cấu khác thuộc đảng CSVN.
Tổ chức cũng có thể là những tập thể ngoại vi, trên nguyên tắc không phải là một thành phần cấu trúc của đảng, nhưng trên thực tế là công cụ của đảng, chẳng hạn Mặt Trận Tổ Quốc, Ðoàn Thanh Niên Hồ Chí Minh, Hội Việt Kiều Yêu Nước …
Tuy nhiên có một điều vô cùng quan trọng trên nguyên tắc, đó là mặc dù tất cả những tổ chức theo các nghĩa trên, đều hoạt động trong “vòng cương tỏa” có tính cách đàn hồi kỳ cục của hiến pháp, thì Ðảng CSVN như là một tổng thể toàn diện vẫn không cần hoạt động trong khuôn khổ của Hiến Pháp và pháp luật.
Thật sự người CSVN thay vì câu: “mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật” vẫn có thể ghi vào hiến pháp câu: “Toàn bộ Ðảng và những cơ cấu ngọai vi hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật", mà trên thực tế quyền lực toàn trị vẫn không suy giảm. Tuy nhiên, họ đã không làm điều ấy. Sự kiện này nói lên sự khinh bỉ tột cùng của họ đối với nhân phẩm và sự thông minh của dân tộc Việt Nam mà họ ngự trị. Sự khinh bỉ này có tính cách bản năng phát xuất từ sự ỷ lại vào guồng máy công an và những công cụ cai trị mà họ cho là tuyệt hảo.
Những phân tích phía trên cho ta thấy tính chiến lược của điều 4 trong tác động duy trì quyền lực của đảng CSVN.
Câu hỏi cần phải trả lời bây giờ là tại sao hủy bỏ điều 4 là một đòi hỏi tiên quyết trong tiến trình dân chủ hóa đất nước?
Dĩ nhiên ai cũng biết, CSVN thống trị đất nước không phải chỉ nhờ vào điều 4. Thậm chí không có điều 4 CSVN vẫn có thể thống trị chính trường.
Tuy nhiên, vì điều 4 đã được hiến định hóa và chuyên chở toàn bộ tinh thần ý thức hệ Mác Lê, nó đã trở thành một biểu tượng quan trọng của chế độ. Tác động hủy bỏ điều 4 sẽ tạo ra một chấn động sấm sét trên niềm tin vào sự ngự trị của bạo quyền trên đất nước Việt Nam.
Chính vì ý thức được điều này, Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã công nhận: Hủy bỏ điều 4 hiến pháp đối với đảng CSVN là tự sát.
Chúng ta, ở một góc nhìn tích cực, phải cám ơn trời đất đã xui khiến những thành phần nào đó của CSVN, trong một cơn say quyền lực, đã quyết định hiến định hóa điều 4 oái ăm này, để chúng ta có một huyệt đạo rõ ràng và trơ trẽn đánh vào, triệt tiêu chế độ. Có thể nói, sự hiện hữu của điều 4 là một tử huyệt của CSVN, không phải là một ưu điểm.
Tiếp theo đó, hủy bỏ điều 4 là phương thức dân chủ hóa đất nước mang tính bất bạo động. Lý do là vì qua điều 4, CSVN kiểm soát toàn bộ Quốc Hội. Chỉ cần bộ chính trị đồng ý bỏ 4 thì Quốc Hội sẽ hội đủ túc số để tu chính hiến pháp và hủy bỏ điều 4 lập tức và không cần gây biến động chính trị đổ máy.
Sau đó, một cuộc tổng tuyển cử với sự tham gia hợp pháp của nhiều đảng phải sẽ xảy ra, một quốc hội lập hiến sẽ được bầu lên với sự tham gia của mọi thành phần dân tộc. Dĩ nhiên một hiến pháp trên căn bản một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên sẽ được hình thành. Chiếu theo hiến pháp mới, một Quốc Hội Lập Pháp sẽ được bầu lên, cùng với một cơ chế hành pháp dân chủ và sự bổ nhiệm một cơ chế Tư Pháp độc lập.
Sự hủy bỏ điều 4 cũng đưa đến hậu quả tất nhiên là ấn định, trong tinh thần bất bạo động, một biên giới rõ rệt giữa hai quan niệm chính quyền và xã hội dân sự. Hai quan điểm sẽ cộng sinh hài hòa, bổ khuyết cho nhau trong khuôn khổ của một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên sáng tỏ.
Tất cả trong một tiến trình dân chủ hợp pháp, không đổ máu và không gây biến động xã hội. Việt Nam sẽ là một dân tộc văn hiến. Toàn dân bất kể chính kiến sẽ góp phần vào công cuộc xây dựng dân chủ, nền tự chủ và phú cường.
Một nước Việt Nam phú cường, binh lực hiện đại và hùng mạnh, dưới sự lãnh đạo của một chính quyền thực sự dân chủ trong một cuộc bầu phiếu tự do trong sáng, thay vì một chế độ không dám công khai đối diện với nhân dân, mới đủ tư cách và uy tín đặt lại vấn đề lãnh thổ và lãnh hải với Bắc Phương, trong tinh thần tự chủ và bất khuất của Quang Trung Ðại Ðế Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.
Bằng cách dâng hiến lãnh thổ và lãnh hảI, mãi quốc cầu vinh, đảng CSVN đã khai tử chính mình trong lòng của dân tộc. Sự cáo chung của họ sẽ khởi đầu cho sự vươn lên của đất nước Việt Nam trong thiên niên kỷ mới.
Tuy nhiên tất cả phát xuất từ chủ trương hủy bỏ điều 4 hiến pháp.
Luật Sư Ðào Tăng Dực
No comments:
Post a Comment