Friday, 26 September 2014

Những trở lực trong tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam- LS Đào Tăng Dực

Những trở lực trong tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam

Trong thập niên 2010, chúng ta học hỏi được gì từ những biến cố lịch sử cho của đất nước?
Nhìn sự sụp đổ của hằng lọat chế độ và nhân vật độc tài, chúng ta ghi nhận 2011 là năm xui xẻo nhất, cho các thể chế tòan trị khắp hòan cầu, từ Trung Đông đến Miến Điện. Tuy nhiên đây chỉ mới là khởi đầu tiến trình dân chủ hóa bất khả vãn hồi của các dân tộc. Nhìn những diễn biến đi qua, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, trước khi thập niên này chấm dứt, các chế độ độc tài bảo thủ nhất như CSVN cũng sẽ cáo chung, đem lại một kỷ nguyên đầy ánh sáng vàc hy vọng cho dân tộc.
Chúng ta cũng học hỏi được rằng, tiến trình dân chủ hóa không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Phần lớn các quốc gia chấp nhận tiến trình này đều phải vượt qua một số trở lực. Các trở lực chính có thể được xếp lọai như sau:
1.    Những quốc gia gặp trở lực từ các phe quân phiệt điển hình như Nam Hàn và Đài Loan trước đây, Egypt và phần lớn các quốc gia Trung Đông. Gần gũi với chúng ta là Miến Điện và mới đây nhất là Thái Lan thoái hóa từ một chế độ chuyển tiếp dân chủ trở về tình trạng quân phiệt.
2.    Những quốc gia gặp trở lực từ các nhóm giáo phiệt như Iran, Afghanistan, Palestine, Iraq và Syria với sự lớn mạnh của lực lượng Islamic State giữa Syria và Iraq. Phần lớn những quốc gia Trung Đông nằm trong hòan cảnh tế nhị là nếu các nhóm quân phiệt, hoặc chính đảng dân sự suy thóai, thì có hiểm họa giáo phiệt vươn lên, cướp chính quyền như tại Iran, Syria và Iraq.
3.    Những quốc gia gặp trở lực từ các thế lực công an mật vụ, điển hình là Nga Sô, Bạch Nga và một số cựu chư hầu Liên Bang Xô Viết tại vùng Balkan và Á Châu.
Câu hỏi tại đây là quân phiệt và công an trị tương đối dễ hiểu, như sẽ trình bày sau. Nhưng tại sao có giáo phiệt?
Câu trả lời nằm trong lịch sử tương tranh từ thời Trung Cổ đến nay, giữa các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông và Thiên Chúa Giáo Tây Phương. Trước khi cuộc cách mạng kỹ nghệ đến với Tây Phương vào thế kỷ 18, thì cuộc tương tranh giữa hai thế lực, qua các cuộc thập tự chiến, bất phân thắng bại. Người Tây Phương đã có lúc chiến thắng và xua binh chiếm được thánh địa Jerusalem. Tuy nhiên cũng có lúc thảm bại và chính Tây Ban Nha đã trở thành một quốc gia Hồi Giáo suốt 700 trăm năm (711-1492).
Sau cuộc cách mạng kỹ nghệ, cán cân quân sự nghiên về Tây Phương. Các cường quốc Tây Phương khởi đầu một phong trào thuộc địa vĩ đại và các quốc gia Hồi Giáo nhanh chóng trở thành thuộc địa, dưới quyền cai trị hà khắc của người tây phương. Cùng một thời điểm với cuộc cách mạng kỹ nghệ, người tây phương cũng trải qua một cuộc cách mạng chính trị, giới hạn quyền lực của giáo hội Công Giáo tại Âu Châu (separation of church and state), cũng như tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị tại Hoa Kỳ. Tu chính thứ nhất của hiến pháp Hoa Kỳ ghi rõ:
Quốc hội không có quyền ban luật liên hệ đến sự hình thành tôn giáo hay cấm đoán quyền tự do thực hành tôn giáo
(Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof) 
Tuy nhiên, Hồi giáo, nhất là nhóm Hồi Giáo cực đoan, không chấp nhận thực trạng mới. Họ tiếp tục đồng hóa, không những Thiên Chúa Giáo nói chung, mà cả tư tưởng dân chủ đến từ Tây Phương, với chế độ thực dân và các cuộc thập tự chiến xa xưa. Các phe nhóm Hồi Giáo cực đoan, như Taliban hoặc Islamic State hoặc giáo hội Hồi Giáo Iran, muốn chiến thắng các tư tưởng dân chủ bây giờ, trong lòng dân tộc họ, và thành lập các chế độ chính trị độc tài, căn cứ trên thánh kinh và áp dụng Luật Hồi Giáo cổ điển Sharia Law khắc khe. Osama Bin Laden là nhân vật tiêu biểu nhất của thời đại.
Dĩ nhiên Việt Nam không phải là một quốc gia Hồi Giáo và khuynh hướng giáo phiệt sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ hóa của chúng ta.
Tuy nhỉên quân phiệt và công an trị là những khuynh hướng đáng cho chúng ta lưu ý.
Thông thường, các chế độ độc tài, tự cổ chí kim, sử dụng cả 2 vũ khí chính để cai trị. Đó là quân đội và công an.
Quân phiệt phát xuất từ những chế độ sử dụng quân đội như là công cụ chính, và công an như là một phương tiện phụ thuộc, dưới quyền điều khiển của quân đội. Tây Ban Nha dưới thời cai trị của tướng Franco, các quốc gia Nam Mỹ trước giai đọan dân chủ, và các chế độ độc tài Trung Đông, thuộc truyền thống này. Trong các quốc gia CS còn lại trên thế giới, thì Trung Quốc và Cuba cũng thiên về truyền thống quân phiệt. Lãnh tụ vĩ đại của TQ là Mao Trạch Đông củng cố được quyền lực và bước lên đỉnh cao quyền lực, nhờ chức vụ chủ tịch Ủy Ban Quân Quản Trung Ương, tức Quân Ủy bây giờ, tương đương với chức vụ tổng tư lệnh quân lực.
Ngược lại công an trị phát xuất từ các chế độ sử dụng mật vụ như là công cụ chính, và quân đội như là một trợ lực, dưới quyền kiểm sóat của công an. Điển hình nhất là chế độ Đức Quốc Xã dưới thời Hitler, và Liên Bang Sô Viết khởi đầu với Lê Nin và được Stalin củng cố. Lịch sử còn ghi lại cuộc tranh hùng đẫm máu giữa Trotsky (trùm quân đội) và Stalin (trùm công an) sau khi Lê Nin qua đời. Rốt cục Stalin thắng và Trotsky thua, phải đào thóat đến Nam Mỹ, để rồi sau đó bị Mật Vụ Sô Viết KGB ám sát bỏ mạng tại Mexico. Chế độ Nga Sô bây giờ, với Tổng Thống Putin, cũng còn mang nhiều bản sắc công an trị và Putin là một cựu đại tá KGB.
Trước trào lưu dân chủ tòan cầu, xác xuất rất cao là Việt Nam sẽ gia nhập tiến trình dân chủ hóa trong thập niên này. Câu hỏi nêu ra là quân phiệt hay công an mật vụ sẽ là trở lực lớn nhất cho đất nước chúng ta trên đà dân chủ hóa?
Khi duyệt lại lịch sử đảng CSVN, chúng ta nhận xét rằng thủa sinh thời, ông Hồ Chí Minh có nhiều liên hệ mật thiết với Mao Trạch Đông. Tuy nhiên ông lại là một thành viên trung kiên của Đệ Tam Quốc Tế, và được CS Liên Xô huấn luyện chính thức. Kết quả là ngay từ thủa ban sơ, cấu trúc nội bộ của CSVN theo mô hình Xô Viết, tức mô hình công an trị. Mặc dầu từ thập niên 90, sau khi Liên Xô sụp đổ, CSVN trở thành đàn em TQ, nhưng chỉ để sống còn mà thôi. Cấu trúc quyền lực nội bộ không thay đổi. Chính vì thế, từ hồi Lê Đức Thọ (phe công an) thắng Võ Nguyên Giáp (phe quân đội) đến nay, phe công an (đại diện là Nguyễn Tấn Dũng) vẫn giữ ưu thế.
Tình trạng Việt Nam khác hẳn với Bắc Hàn. Bắc Hàn không những lệ thuộc TQ để sống còn, mà cấu trúc quyền lực nội bộ cũng theo một mô thức. Đó là sự ưu thắng của quân đội. Chính vì thế lãnh tụ mới là Kim Jung-un, mới trên 20 tuổi, đã được trao quân hàm đại tướng, và suy tôn làm tổng tư lệnh quân lực.
Trong tiến trình dân chủ hóa, Việt Nam có xác xuất rất cao sẽ gặp những trở lực từ phía công an mật vụ như Nga Sô hiện nay. Những gì đang xảy ra tại Nga Sô cho chúng ta thấy rằng, hầu như cuộc cách mạng dân chủ của Yeltsin, nửa chừng, đã bị nhóm mật vụ KGB cũ cướp cờ chính nghĩa vào tháng 12 năm 1999, dưới sự lãnh đạo của cựu đại tá KGB Vladimir Putin.
Cuộc biểu tình chống Putin và đảng Nga Đòan Kết, ngày 24 tháng 12, năm 2011, vì họ gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội, chứng minh một cách hùng hồn, sự kiện rằng: sau khi Yelsin giải tán Liên Bang Sô Viết, tập thể mật vụ KGB đã được tái tổ chức, tự tách rời khỏi đảng CS Nga, xâm nhập mọi cấu trúc chính quyền và xã hôi dân sự, tạo thế lực cho Putin và đảng Nga Đòan Kết, để sau đó tiếp tục thao túng quyền lực chính trị. Cơ quan mật vụ FSB (Federal Security Service) bây giờ tại Nga, chính là hậu thân của KGB.
Giới tướng lãnh Hồng Quân Liên Xô cũ chỉ là những công cụ khiếp nhược của mật vụ KGB. Các tướng lãnh Nga Sô trong hiện tại cũng không còn nhuệ khí.

Thập niên 2010 hàm chứa nhiều biến chuyển tại Việt Nam. Tuy nhiên phe công an mật vụ tại Việt Nam sẽ là một trở lực lớn cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Trong khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng cô đơn, trong một chức vụ mà không còn một chính trị gia có tương lai nào tại Việt Nam muốn giữ. Theo tờ Việt NamNet, ngày 26 tháng 12,  2011, trong phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất phức tạp, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.” Rõ ràng là Nguyễn Phú Trọng ý thức được ngày tàn của chế độ đã cận kề, và đang kêu gào tuyệt vọng.
Khi chấp nhận chức vụ Tổng Bí Thư, có thể Nguyễn Phú Trọng đã rơi vào bẫy của phe Nguyễn Tấn Dũng. Trong thế tương tranh để sống còn, giữa các trùm CS, trong một chế độ đứng trước ngưỡng cữa những thay đổi lịch sử, Nguyễn Tấn Dũng đã cao cờ hơn Nguỵễn Phú Trọng.
Ông Dũng không cần giữa chức vụ chóp bu trong đảng vì đảng đã quá suy vi và không còn thuốc chữa. Ngược lại, thực quyền qua sự kiểm sóat công an, và qua công an, tòan thể quân đội, đối với ông mới là thượng sách.
Chính vì thế, theo đài BBC, ngày 16 tháng 12, 2011, TT Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thăng quân hàm từ sĩ quan lên trung tướng, và đại tá lên thiếu tướng cho 58 cán bộ cao cấp trong ngành công an.Cũng theo lệnh Nguyễn Tấn Dũng, cùng với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng tổ chức lễ bổ nhiệm thăng quân hàm cấp tướng năm 2011. Số nhân vật thăng cấp tướng trong quân đội không được công bố.
Cũng theo đài BBC,  trong thời gian qua, một số tướng lĩnh công an đã được cơ cấu sang lãnh đạo các cơ quan bộ ngành dân sự và đảng, như tại Tòa án Nhân dân Tối cao và Thường trực Ban Bí thư.
Như thế Ông Dũng đang nhắm tới việc sử dụng đàn em của mình trong công an, xâm nhập sâu hơn, guồng máy chính quyền, quân đội, đảng và ngành tư pháp.
Dĩ nhiên đây chỉ là đỉnh của một băng sơn. Nguyễn Tấn Dũng đã nắm quyền từ năm 2006. Phe công an của Dũng đã cấy rất nhiều tay chân vào các doanh nghiệp quốc doanh, cũng như các vị trí then chốt của nền kinh tế. Từ đó, ngòai công an và quân đội, Dũng sẽ có đủ tài chánh để khống chế chính trường Việt Nam.
Chúng ta có thể kết luận rằng, ông Dũng đã học được bài học từ Putin và đang ráo riết áp dụng tại Việt Nam. Ông thừa biết rằng quân đội là một công cụ yếu hèn, không đáng tin cậy, cần phải kiểm sóat chặc chẽ hơn. Ông cũng thừa biết rằng thập niên mới không còn chỗ đứng cho các đảng CS trên thế giới.
Tuy nhiên, cũng như Putin, Ông Dũng ý thức rằng, chỉ có thể kiện tòan hóa bộ máy công an mật vụ, ông mới có thể kéo dài cơ hội nắm giữ quyền lực, trong một thời điểm lịch sử hàm chứa nhiều bất định.

Chính vì thế, chúng ta phải ý thức rằng, vấn nạn lớn lao nhất cho tiến trình dân chủ hóa sẽ là các thế lực công an mật vụ, lũng đọan mọi khía cạnh và tầng lớp chính quyền, lẫn xã hội dân sự tại Việt Nam.
LS Đào Tăng Dực
17/8/2014



No comments:

Post a Comment